logo

Phân tích bài thơ Ông cò của Trần Tế Xương

icon_facebook

Bài thơ “Ông cò” của Trần Tế Xương là một bài thơ hay và đặc sắc của Tú Xương, thuộc chùm thơ trào phúng, châm biếm phản ánh hiện thực xã hội thối nát những năm mà nước ta ở dưới chế độ thực dân nửa phong kiến.

Đề bài: Phân tích bài thơ “Ông cò” của Trần Tế Xương


Dàn ý Phân tích bài thơ “Ông cò” của Trần Tế Xương

I/ Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Trần Tế Xương, thường gọi là Tú Xương, quê ở tỉnh Nam Định.

- Giới thiệu tác phẩm: Bài thơ “Ông cò” là một bài thơ hay và đặc sắc của Tú Xương, thuộc chùm thơ trào phúng, châm biếm.

- Trích dẫn

II/ Thân bài

- Thể thơ: thất ngôn bát cú

- Giá trị nội dung: Vừa là tiếng cười giễu cợt, vừa là lời lên án, phản kháng, muốn thoát khỏi ách đô hộ và phản ánh hiện thực xã hội thối nát những năm mà nước ta ở dưới chế độ thực dân nửa phong kiến.

+ Từ “danh giá” thường mang hàm nghĩa tốt đẹp, có ý ngợi khen, nhưng khi đặt cạnh “ông cò” và qua cách nhấn nhá âm điệu của Tú Xương, từ ấy trở thành một từ dùng để phê phán.

+ Các luật lệ hà khắc: “hai mái trống toang đành chịu đột”/“tám giờ chuông đánh phải nằm co”/“người quên mất thẻ, âu trời cãi” → Cuộc đời của họ như bị bủa vây trong đêm tối không thể tìm thấy lối thoát, chỉ biết tuân theo luật lệ mà sống, vì nếu sai luật sẽ bị phạt nặng.

- Giá trị nghệ thuật: Nhà thơ Trần Tế Xương chỉ sử dụng những ngôn từ vô cùng bình dị và gần gũi nhưng vẫn miêu tả được nỗi nhọc nhằn sâu cay của người dân, mang đến trong lòng người đọc nhiều sự đồng cảm, gợi cảm xúc và suy tư sâu lắng.

III/ Kết bài

- Ý nghĩa: Bài thơ không chỉ mang giá trị văn học mà còn là bức tranh xã hội đầy tính chất biểu tượng và sâu sắc.

- Cảm nhận: Trong bài thơ này, Tú Xương sử dụng ngôn ngữ châm biếm để chỉ trích những người quan lại, những kẻ rởm đời và những người theo đuổi tiền bạc mà không quan tâm đến lương tâm.


Phân tích bài thơ “Ông cò” của Trần Tế Xương

      Lời dẫn: Bài thơ “Ông cò” là một tác phẩm đặc sắc của Trần Tế Xương. Phân tích bài thơ này giúp người đọc nhận ra dụng ý nghệ thuật sâu sắc của tác giả.

      Trần Tế Xương, thường gọi là Tú Xương, quê ở tỉnh Nam Định. Dù chỉ đỗ tú tài nhưng sự nghiệp thơ ca của ông đã trở thành bất tử. Các sáng tác của ông chủ yếu là thơ Nôm gồm nhiều thể thơ: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và một số bài văn tế, câu đối,... Các tác phẩm của ông có thể được chia thành hai mảng: trào phúng và trữ tình, đều bắt nguồn từ tâm huyết của nhà thơ với dân, với nước, với đời. Bài thơ “Ông cò” là một bài thơ hay và đặc sắc của Tú Xương, thuộc chùm thơ trào phúng, châm biếm.

“Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!”

      Với thể thơ thất ngôn bát cú truyền thống nhưng được sử dụng một cách có dụng ý và cách dùng từ điêu luyện, bài thơ “Ông cò” thường được cho là một lời lên án chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp đã áp đặt lên nhân dân ta, thông qua hình ảnh “ông cò”, tức viên cảnh sát Tây có quyền lực cao thời bấy giờ. Với câu thơ mở đầu, tác giả đã giới thiệu cho người đọc về nhân vật trào phúng lần này, ấy là ông cò “danh giá nhất” Hà Nam. Từ “danh giá” thường mang hàm nghĩa tốt đẹp, có ý ngợi khen, nhưng khi đặt cạnh “ông cò” và qua cách nhấn nhá âm điệu của Tú Xương, từ ấy trở thành một từ dùng để phê phán. Đặc biệt là khi đọc đến câu thơ thứ sáu, cái sự dè bỉu mỉa mai ấy không còn là sự ngấm ngầm nữa mà đã thể hiện một cách rõ nét hơn: “Chó chạy ngoài đường có chủ lo”. Dường như nhà thơ đã ví von cái sự siêng năng cần cù làm khổ dân chúng của viên cảnh sát Tây chẳng khác gì “chó chạy ra đường” lung tung, bắt bớ người dân nghèo khổ, cơ cực để “chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to”. 

      Cái hay của Trần Tế Xương trong bài thơ này không chỉ ở việc phê phán cái thói tham lam của cải làm mờ lương tâm của những ông cò danh giá nhất cái đất Hà Nam, mà còn là ở chỗ lồng ghép một cách tinh tế và khắc họa rõ nét nỗi khổ cực của nhân dân trước ách đô hộ của thực dân Pháp. Bằng việc liệt kê các luật lệ hà khắc như “hai mái trống toang đành chịu đột” vì nhà hai mái hư hỏng cần sửa, nhưng muốn lợp nhà phải xin phép lôi thôi, rườm rà, đối mặt với sự phiền toái; “tám giờ chuông đánh phải nằm co” từ tám giờ tối không ai được ra đường; “người quên mất thẻ, âu trời cãi” không mang thẻ thân thì quả thật có trời mới có thể cứu được khỏi ông cò đáng sợ, chắc chắn sẽ bị phạt nặng. Người dân sinh sống tại Hà Nam buộc phải tuân theo hàng tá những luật lệ đó. Cuộc đời của họ như bị bủa vây trong đêm tối không thể tìm thấy lối thoát, chỉ biết tuân theo luật lệ mà sống, vì nếu sai luật sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên. theo câu thơ cuối như một lời khẳng định thì người đọc nhận ra rằng dù bằng cách nào và như thế nào thì ông cò chắc chắn sẽ kiếm được một khoản hời lớn. Hình ảnh “ông cò” lúc bấy giờ không chỉ là biểu tượng cho quyền lực khiến người dân khiếp sợ, mà còn là sự ám chỉ đến những kẻ có chức có quyền nhưng lại lạm dùng quyền lực để gây hại, gây áp lực, kiểm soát và làm lời từ những người dân vô tội. 

      Nhà thơ Trần Tế Xương chỉ sử dụng những ngôn từ vô cùng bình dị và gần gũi nhưng vẫn miêu tả được nỗi nhọc nhằn sâu cay của người dân, mang đến trong lòng người đọc nhiều sự đồng cảm, gợi cảm xúc và suy tư sâu lắng. Mỗi câu thơ đều như chứa đựng sự châm biếm, phê phán các hành động lạm quyền của ông cò và sự bất lực của người dân thấp cổ bé họng. Bài thơ “Ông cò” có giá trị nghệ thuật và cả về nội dung khi vừa là tiếng cười giễu cợt, vừa là lời lên án, phản kháng, muốn thoát khỏi ách đô hộ và phản ánh hiện thực xã hội thối nát những năm mà nước ta ở dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. 

      Trong bài thơ này, Tú Xương sử dụng ngôn ngữ châm biếm để chỉ trích những người quan lại, những kẻ rởm đời và những người theo đuổi tiền bạc mà không quan tâm đến lương tâm. Qua bài thơ, Trần Tế Xương đã phê phán những tiêu cực trong xã hội, đồng thời thể hiện thái độ châm biếm đối với những quy định quá mức khắc nghiệt và không hợp lý cùng sự lạm quyền của cảnh sát thời đó. Bài thơ không chỉ mang giá trị văn học mà còn là bức tranh xã hội đầy tính chất biểu tượng và sâu sắc.

icon-date
Xuất bản : 30/04/2024 - Cập nhật : 30/04/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads