logo

Phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân học sinh giỏi

Người lái đò sống Đà là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Tuân, thể hiện ở việc xây dựng hình tượng ông lái đò. Trong bài viết này Toploigiai sẽ chia sẻ đến bạn đọc cách phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân học sinh giỏi hay và chính xác nhất. 


1. Dàn ý phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân học sinh giỏi

Mở bài

Khái quát về tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Tuân là nhà văn, nhà thơ tài hoa của dân tộc Việt Nam, ông mang dấu ấn riêng với chủ nghĩa xe dịch và luôn đi tìm cái mới. 

–  Thành công nhất trong các tác phẩm của ông là Người lái đò sông Đà được ông đi tìm kiếm chất vàng mười nơi Tây Bắc hùng vĩ và xinh đẹp.

Thân bài

-  Khát quát ông lái đò là người nghệ sĩ tài hoa: Người nghệ sĩ tài hoa ở đây thể hiện ở việc cuộc sống làm việc trên sông Đà là nghề lái đò với cuộc sống và hành trình khó khăn mà ngày nào ông cũng phải đối diện

- Ông cũng là người lao động bình thường, cuộc sống lái đò khổ cực trên sông Đà, công việc thầm lặng, đầy gian khổ, cuộc sống khó khăn của ông cũng như con người ơi đây.

=> Chân dung người lái đò sông Đà hiện lên với cuộc sống lao động và công việc nơi con sông Đà hung dữ chỉ trực chờ cướp đi mạng sống của ông

Làm rõ luận điểm Ông lái đò có vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ

- Là người có tính cách dũng cảm, tinh thần chiến đấu vượt qua khó khăn khi làm việc trên sông Đà

- Ông am hiểu cuộc sống nơi đây, vì công việc của ông gắn với những gian nan và khó khăn như vậy, ông hiểu từng hòn đá, binh pháp sẽ sử dụng để vượt qua con sông.

- Ông lái đò đã vượt qua ba trùng vi một cách điệu nghệ nhất đậm chất một người nghệ sĩ

Luận điểm Ông lái đò là một người lao động bình thường

- Sinh ra bên bờ sông Đà ông là người ý thức được cuộc sống khó khăn vất vả phải mưu sinh, lao động bình thường.

Kết bài

- Qua hình ảnh người lái đò sông Đà đã cho ta những suy nghĩ về con người nơi Tây Bắc về con người là chất vàng mười, con người chăm chỉ, khó khăn để thấy được cuộc sống vất vả khó khăn nơi này nhưng họ không chịu khuất phục.

- Khát quát lại về giá trị về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Tài năng nghệ sĩ của Nguyễn Tuân thể hiện qua cách xây dựng hình tượng nhân vật, miêu tả thiên nhiên con người Tây Bắc chân thực.

Phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân học sinh giỏi

2. Phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân học sinh giỏi

Nguyễn Tuân là nhà văn luôn mang đậm dấu ấn “một cái tôi cá nhân” đầy chất “ngông”. một cái “ngông” tài hoa, uyên bác chiếm lĩnh mọi vấn đề trên “phương diện duy mĩ”. Với cách khám phá cái đẹp mới mẻ, độc đáo, tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn mở ra những góc nhìn đặc biệt. Và qua tùy bút “Người lái đò sông Đà”, chúng ta lại có dịp thấy được cách khám phá vẻ đẹp con người của nhà văn sau Cách mạng tháng Tám. 

Tùy bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960). Tác phẩm là kết quả của chuyến đi Tây Bắc xa xôi. Chính thực tiễn cuộc sống mới ở vùng núi cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo mới. Trước năm 1945, Nguyễn Tuân thường say mê nét đẹp tài hoa nghệ sĩ trong những con người xuất chúng, đặc quyền. Đó là vẻ đẹp “Vang bóng một thời” thường đem đến sự ngưỡng mộ ngậm ngùi, nuối tiếc. Sau 1945, quan điểm thẩm mĩ của nhà văn đã có sự thay đổi. Vẫn nhìn con người từ phương diện tài hoa nghệ sĩ, song Nguyễn Tuân cho rằng bất cứ người lao động nào khi đạt tới trình độ điêu luyện giỏi giang trong công việc của mình đều có thể coi là người nghệ sĩ. “Người lái đò sông Đà” là nhân vật được nhà văn khám phá và thể hiện không chỉ ở vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ mà còn trí dũng. 

Ông lái đò sinh ra và lớn lên ở sông Đà. Ông đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi của buổi xế chiều. Ông làm nghề lái đò dọc sông Đà mười năm liền và đã nghỉ đôi chục năm. Ấy thế mà ông có ngoại hình thật đặc biệt “ông có thân hình quắc thước sánh như chất sừng, chất mun trông trẻ tráng quá”. ngoại hình ông lão được nhà văn miêu tả với: “tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, gò lại như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vời vợi.” Bờ  vai ông có vết củ nâu tròn mà Nguyễn Tuân ca ngợi là thứ “huân chương siêu hạng”. Chỉ với vài nét khắc họa tài hoa mà Nguyễn Tuân đã gợi trong ta hình ảnh ông lái đò gần gũi với môi trường lao động sông nước. Từ đó, ta thấy được sự trân quý, tự hào của nhà văn với người lao động Tây Bắc. 

Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ được của ông lái đò được thể hiện qua cuộc vượt thác nguy hiểm. Ở đó có sự nổi bật tương phản giữa thiên nhiên rộng lớn, dữ dằn và con người nhỏ bé nhưng trí dũng, ngoan cường. Đây là “trận thủy chiến” dữ dội giữa một bên là trùng vi thạch trận của đá thác, nước thác cùng sóng gió còn một bên là chiếc thuyền mỏng manh và người lái đò nhỏ bé, đơn độc. Đối thủ của ông là đoàn quân đá hung bạo, dữ dằn. Nhà văn sử dụng một loạt thuật ngữ quân sự, võ thuật, thể thao như “dàn sẵn trận địa...du thuyền đối phương...” thể hiện sự hung hãn, hiểm ác của của thiên nhiên sông Đà, tựa như “một thứ kẻ thù số một của con người”. Những từ láy miêu tả diện mạo gớm ghiếc của đám đá sông Đà, khi thị “ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó, xấc xược thách thức”, khi “tiu ngỉu cái mặt xanh”. Sự hung bạo, hiểm ác của thiên nhiên chính là thử thách để người lái đò bộc lộ vẻ đẹp trí dũng tài hoa của mình. Nó đòi hỏi người lái đò phải luôn tỉnh táo, khôn ngoan, khéo léo để an toàn vượt qua những trùng vi thạch trận trong sông. 

Ở trùng vi thạch trận đầu tiên, khi sóng thác đánh miếng đòn hiểm độc nhất, ông đò mặt “méo bệch” đi. Gương mặt biến dạng, trắng bệch vì đau đớn mà còn nhợt nhạt vì phải dầm lâu trong nước lạnh của ông lái đò hiện ra trước mặt người đọc. Sự đau đớn còn được gián tiếp miêu tả thông qua cảm nhận thị giác và xúc giác: “mặt sông trong tích tắc như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”. trong trận chiến với thiên nhiên, ông đò đã dũng cảm, nén lại vết thương đau đớn, khéo léo đưa con thuyền vượt qua cửa ải đầu tiên. Qua cách miêu tả tiếng hô chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái, Nguyễn Tuân đã không giấu được lòng ngưỡng  mộ trước bản lĩnh kiên cường, sự dũng cảm của người lái đò. 

Trong cửa ải thứ hai của thạch trận, ông đò còn thể hiện sự thông minh của người lái đò dày dặn kinh nghiệm trên sông nước. Ông nắm chắc “binh pháp của thần sông thần đá”. Ông được miêu tả như một dũng tướng tài ba đang điều khiển, thuần phục sóng thác sông Đà. Kinh nghiệm dày dặn cùng trí nhớ siêu phàm được thể hiện qua chi tiết “ông nhớ mặt từng đứa trong bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước”. Động tác linh hoạt, uyển chuyển của ông đò khi “lái miết một đường chéo, khi tránh mà rảo bơi chèo, khi đè sấn lên mà chặt đôi” cho thấy biện pháp kì diệu của một tay lái ra hoa. 

  Trong vòng vây cuối cùng, sông Đà bố trí “ít cửa hơn” nhưng “bên phải bên trái đều là luồng chết cả”. Dường như sông Đà đang giăng ra một cái bẫy thật nham hiểm, chỉ cần ông đò sơ sẩy sẽ bị con sông vồ lấy và nuốt chửng. Và ông đò đã “phóng thẳng thuyền”, “chọc thủng” một luồng sinh duy nhất ngay giữa cửa bọn đá hậu vệ trấn giữ. Hình ảnh con thuyền lao vút qua khe hẹp được miêu tả trong những câu văn ngắn, kết hợp với các động từ và danh từ nối tiếp như: “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng...” đã thể hiện sự khéo léo, điêu luyện và sức mạnh của ông đò. Sau những trùng vi thạch trận khó khăn ấy, sau bọn thủy quái nguy hiểm, ông đò đã chiến thắng. 

Nét đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò còn được thể hiện thông qua sự giản dị, khiêm nhường sau khi vượt thác. Lẽ ra cái chiến thắng vừa rồi phải là niềm tự hào, kiêu hãnh của người lái đò. Nhưng không! Cuộc chiến với sông Đà kết thúc cũng là lúc ông lái đò quên đi những chiến tích vừa qua, trở về với cuộc sống bình dị hàng ngày. Ông “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh... chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn.” Đối với người lái đò, cuộc chiến ấy là những gì ông trải qua hàng ngày, ngày nào cũng như thế nên “không có gì là đáng nhớ cả! Họ nghĩ thế. Lúc ngưng chèo”. Tiếp nhận những điều phi thường bằng tâm thế bình thường, đó là tâm hồn của một cao nhân đồng thời cũng là một tao nhân. Hình ảnh ông lái đò kiên cường, tài hoa cũng chính là hình ảnh đại diện cho con người lao động Tây Bắc đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho cuộc sống, cho quê hương xứ sở. Và vẻ đẹp của ông lái đò cũng chính là “chất vàng mười” của con người Tây Bắc nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung mà Nguyễn Tuân luôn tìm kiếm. 

“Văn chương là chuyện của cái đẹp”. Nguyễn Tuân đã vận dụng cái đẹp đó trong trang văn của mình. Ngôn từ của ông trải dài, đa dạng trong nhiều lĩnh vực: quân sự, địa lý, điện ảnh... Vẻ đẹp của người lái đò được thể hiện qua các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như: nhân hóa, ẩn dụ, so sánh... gợi lên cảm giác hồi hộp, mãnh liệt cho người đọc. 

Văn chương của Nguyễn Tuân luôn đem đến cho ta một luồng gió mới, huyền bí cuốn hút, hấp dẫn. Qua Người lái đò sông Đà, ta bắt gặp hình ảnh người lao động - vốn là chủ đề văn học quen thuộc, song Nguyễn Tuân đã khai thác vẻ đẹp của người lái đò nói riêng và người lao động nói chung dưới góc nhìn độc đáo của riêng ông. Từ đó, ta thấy được sự trân trọng, tự hào của ông đối với những người “nghệ sĩ tuyệt vời” của đất nước. 

>>> Tham khảo: Phân tích hình ảnh con sông Đà hung bạo trong Người lái đò sông Đà học sinh giỏi

----------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu cách phân tích, cảm nhận vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân học sinh giỏi. Hi vọng đây là những thông tin bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt. 

icon-date
Xuất bản : 22/10/2022 - Cập nhật : 28/08/2023