logo

Phân tích bài thơ Tỏ lòng


Phân tích bài thơ Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

Phân tích bài thơ Tỏ lòng | Văn mẫu 10 hay nhất

"Thơ như đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh”

(Raxun- Gamzatốp)

         Quả đúng lịch sử thế nào thì văn học thế ấy. Trong suốt chặng đường đấu tranh đi đến thắng lợi và xây dựng chủ nghĩa xã hội  của dân tộc Việt Nam, văn học đã phản ánh và  khơi dậy sức mạnh và niềm tin cho nhiều thế hệ. Bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão là lời bày tỏ với bè bạn, với hậu thế là trước hết là tự nói với mình về ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc.  

         Phạm Ngũ Lão từng làm đến chức Điện Súy và được ca ngợi là văn võ toàn tài. Phạm Ngũ Lão chỉ để lại hai bài thơ (“Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”), nhưng tên tuổi của ông vẫn đứng cùng ngang hàng với những tác gia danh tiếng nhất của văn học đời Trần. Hình ảnh người anh hùng thời Trần thật mạnh mẽ, bền gan vững chí trong hành trình chiến đấu bảo vệ đất nước:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa giáo non sông trải mấy thu)”

        Tầm vóc, tư thế, hành động thật lớn lao mạnh mẽ. Sự kì vĩ ấy càng hiện rõ trong mối quan hệ với không gian và thời gian: không gian mở ra theo chiều rộng sông núi, thời gian được đo đếm bằng mùa, năm (kháp kỷ thu)chứ đâu phải chỉ trong chốc lát.

        Trong khí thế hào hùng của thời đại:

“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)”

 “ba quân” là biểu trưng của sự đoàn kết, chung tay chiến đấu, đồng lòng, đồng tình, dựng lên thành cao lũy dày mang sức mạnh dân tộc. Ở đây nghệ thuật so sánh đã vừa cụ thể hoá sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí Đông A (khí thế át sao trời) càng tôn thêm chất hùng tráng của hình tượng người tráng sĩ “hoành sóc”. Khí thế ấy lớn hơn tất cả, khí thế ấy là đấu tranh, là chiến thắng hào hùng trước những kẻ xâm lăng. Ở đây hai câu thơ như sợi dây kết nối ý chí, tinh thần của một công dân anh hùng và một dân tộc anh hùng.

        Người anh hùng đẹp bởi cái chí, cái tâm cao cả: lập công để đền ơn vua, báo nợ nước:

“Công danh nam tử còn vướng nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

Hai câu thơ không chỉ thể hiện trái tim anh dũng, ý chí quật cường của người anh hùng thời Trần mà còn mang lí tưởng của trai tráng.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông”

(Nguyễn Công Trứ)

Hay ý chí hiên ngang của bậc lão anh hùng trong “Cảm hoài”:

“Quốc thù chưa trả già sao vội

Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy”

(Đặng Dung)

        Ở đây, khát vọng sánh ngang với bậc tiền nhân lỗi lạc, muốn xả thân cho vương triều nhà Trần, cho non sông đất nước Đại Việt. Trái tim anh dũng và ý chí quật cường của người anh hùng nằm trọn vẹn trong một nỗi “thẹn”. “Thẹn” như một nỗi sầu ưu tư vì tài trí kém cỏi, “thẹn” vì Tổ quốc lâm nguy mà đôi dân đứng lại không thể bước lên mà chinh chiến. Ta từng gặp  cái “thẹn” rất cao đẹp như trong thơ Nguyễn Khuyến:

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”

(Thu vịnh)

Với Nguyễn Khuyến đó là cái “thẹn” của một nhà nho – nghệ sĩ. 

         Đến với Phạm Ngũ Lão, vẻ đẹp anh hùng được khắc họa bằng bút pháp rất đặc sắc: ngôn ngữ tráng lệ, kỳ vĩ... bởi nghệ thuật dựng hình ảnh biểu tượng, hàm súc tạo nên hình tượng người anh hùng thật giàu ý nghĩa và đầy hào hùng, trên mảnh đất quê hương đã ghi dấu những bàn chân anh dũng, những trái tim sục sôi ý chí, những tiếng lòng đồng điệu. Bởi vậy cùng với “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Tụng giá hoàn kinh sư” (Trần Quang Khải), “Tỏ lòng” cũng “sáng ngời hào khí Đông A”.

         Họ chính là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta trong cuộc sống hiện nay, khơi dậy trong mỗi chúng ta ý thức rèn luyện, tu dưỡng về mặt thể chất. Phải làm sao để làm sáng danh đất nước, làm sao để luôn tiến bước đi lên? Trong cuộc sống hiện nay, mỗi người cần sống có lý tưởng, hoài bão có mục đích cao đẹp, bởi : “Những khát vọng tốt đẹp chính là cơn gió đẩy con thuyền cuộc đời mặc dù nó vẫn thường gây nên những cơn giông tố” (Safontaine) và “Lý tưởng là ngọn đèn chỉ đường, không có lý tưởng thì không có phương hướng kiên định mà không có phương hướng thì không có cuộc sống” (Leptônxtôi).

       “Sống là cho chết cũng là cho” (Tố Hữu). Hãy xác định đóng góp công sức để xây dựng đất nước “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ Quốc” . Tiếc thay những người có lối sống vị kỷ, không có lý tưởng, mục đích sống “đang rỉ đi, đang mòn ra, đang nổi váng”.

        Như vậy hình tượng người anh hùng thời Trần với vẻ đẹp kỳ vĩ, lẫm liệt đã đưa con tàu tổ quốc vượt qua mọi phong ba bão tố:

“Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021