logo

Phân tích bài thơ Bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân

Bài học đầu cho con là một trong những bài thơ rất đặc sắc của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Đầu tiên bài thơ có nhan đề là Quê hương, với chủ đề chính là thể hiện tình yêu tha thiết của tác giả với quê hương đất nước thông qua lời nhắn nhủ dặn dò đứa con thân yêu của mình. Qua phân tích bài thơ bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân các em sẽ hiểu thêm về tình yêu quê hương đất nước nồng nàn của tác giả cùng những bài học ý nghĩa được tác giả gửi gắm.


Dàn ý phân tích bài thơ bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân

1, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ, tác giả, đôi nét về chủ đề bài thơ.

2, Thân bài

- Lần lượt phân tích các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của bài thơ bằng cách lồng ghép

+ Biện pháp so sánh, liệt kê quê hương là những thứ bình dị, thân quen, gắn bó với cuộc đời của mỗi con người: vàng hoa bí, tím giậu mồng tơi, con diều biếc…

+ Phép điệp ngữ quê hương là nhấn mạnh tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về quê hương của tác giả

+ Nhắc nhở mỗi người hãy biết trân trọng, yêu mến gắn bó với quê hương

3, Kết bài

- Đánh giá bài thơ, tài năng của tác giả

- Liên hệ bản thân.


Phân tích bài thơ bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân

      Bài học đầu cho con được đăng trên báo Khăn quàng đỏ năm 1986 và nhanh chóng được đông đảo bạn bè mến mộ. Ban đầu bài thơ được làm trong phạm vi nhỏ hẹp dành để tặng Quỳnh Anh, con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là người bạn thân thiết của tác giả Đỗ Trung Quân. Về sau những lời thơ ngọt ngào, da diết đặc biệt là tình yêu quê hương đất nước sâu nặng được tác giả gửi gắm đã khiến Bài học đầu cho con trở thành một trong những bài thơ nổi tiếng được rất nhiều người yêu thích.

      Trở đi trở lại trong bài thơ là hình ảnh của quê hương trong thắc mắc của đứa trẻ. Có lẽ hai tiếng quê hương với nhiều người nhất là con trẻ còn rất xa vời, trừu tượng và khó lý giải. Đến với bài thơ này nhà thơ Đỗ Trung Quân đã có những cắt nghĩa, lý giải rất đơn giản và cụ thể về quê hương đất nước của mình. Quê hương không phải điều gì xa vời, trừu tượng, quê hương là những thứ vô cùng đơn giản và bình dị, chính là những thứ xung quanh ta.

Phân tích bài thơ bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân

      Mở đầu bài thơ tác giả sử dụng câu hỏi tu từ đầy ngọt ngào “quê hương là gì hở mẹ; quê hương là gì, mẹ ơi” Câu hỏi được lặp đi lặp lại hai lần nhấn mạnh khát khao và mong mỏi của đứa trẻ, muốn được lý giải về hình ảnh của quê hương đất nước. Quê hương là gì? Quê hương chính là nơi ta sinh ra, khi đi xa ta luôn nhớ về về những kỷ niệm và hình ảnh thân thuộc nhất. Quê hương hiện ra qua tiếng hát, lời ru của bà và của mẹ. Thế nên nhà thơ đã có những lý giải thật đơn giản về quê hương.

      Biện pháp tu từ so sánh và điệp ngữ, liệt kê đã lý giải quê hương thân thuộc và bình dị ở xung quanh ta. Quê hương là chùm khế ngọt, quê hương là đường đi học, là con diều biếc, là con đò nhỏ, là vàng hoa bí, dậu mồng tơi, là đôi bờ dâm bụt… trong lý giải của nhà thơ hình ảnh quê hương gần gũi thân quen, là cuộc sống và tuổi thơ của mỗi người, gắn với cuộc đời của mỗi người. Là chùm khế ngọt thơm mát để con trèo hái mỗi ngày; là con đường quen thuộc đưa con tới trường; là cánh diều tuổi thơ chở bao ước mơ của con trẻ; là con đò đưa khách sang sông. Không những thế quê hương còn bình dị đến nỗi là màu hoa của bí, của dậu mồng tơi mẹ trồng, là bông sen trắng tinh khôi ngoài ruộng, trên bờ ao… Đâu có gì trừu tượng đâu, những định nghĩa, so sánh về quê hương khiến người đọc mỗi người cảm nhận được quê hương thân thuộc, gắn bó với cuộc đời của mỗi con người biết bao nhiêu. Thế nên mỗi chúng ta lại càng phải yêu thương, trân trọng và gắn bó với quê hương nhiều hơn

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước bên sông

      Điệp ngữ quê hương là trở đi trở lại trong tất cả các khổ thơ, như muốn khẳng định nhiều nghĩa của nó. Đỗ Trung Quân không thể tóm tắt khái niệm quê hương là gì, vì nó có vô số ý nghĩa. Với mỗi người, quê hương là ký ức, là tâm hồn, là nỗi nhớ, là nỗi nhớ không thể rời xa. gắn bó với quê hương thật tuyệt vời, còn có tình yêu thương, bạn bè, gia đình, thầy cô, … phép điệp ngữ còn nhấn mạnh tình yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả, niềm tự hào về mảnh đất nơi mình đã sinh ra, trưởng thành khôn lớn nên người. Thể hiện với mỗi người quê hương là ký ức, tâm hồn, nỗi nhớ không thể rời xa.

Đoạn thơ cuối giống như một lời nhắc nhở mỗi người hãy luôn nhớ về quê hương yêu dấu của mình. Nhà thơ tiếp tục sử dụng hình ảnh so sánh

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

      Nhà thơ ví quê hương như người mẹ luôn dang rộng vòng tay ôm lấy đàn con thơ trở về. Kể cả khi không có nhà thì quê hương vẫn bảo vệ con giống trước những bão tố, mưa giông ngoài kia. Quê hương ở đây cũng chính là hình ảnh người mẹ, luôn luôn hy sinh vì con cái? Quê hương còn là vầng trăng, soi sáng lối đi, dẫn dắt chúng ta đi đến muôn nơi, luôn đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường. Quê hương với mỗi người là duy nhất, cũng như mẹ chúng ta, chỉ có một người mẹ duy nhất trong đời. Đỗ Trung Quân còn nhấn mạnh rằng

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

      Câu thơ cuối giống như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh con người phải luôn biết ơn quê hương, trân trọng quê hương, nếu không biết ơn quê hương, tức là quên đi cội nguồn thì sẽ không bao giờ lớn khôn thành người được.
Bài thơ sử dụng hình ảnh quen thuộc, bình dị nhất, với giọng điệu ngân nga, dạt dào, tha thiết, nhắc nhở mỗi chúng ta về quê hương, gắn bó và thân thuộc đối với mỗi cuộc đời. Biết ơn quê hương mỗi người đều phấn đấu rèn luyện, học hành chăm chỉ để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích bài thơ Bài học đầu cho con của Đỗ Trung Quân. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 07/05/2023 - Cập nhật : 31/07/2023