logo

Phân tích bài thơ Ánh trăng


Mở bài Phân tích bài thơ Ánh trăng

       Nguyễn Duy là một hồn thơ giàu suy tưởng, triết lí, thơ ông không chỉ nồng về cảm xúc, mà còn khiến người đọc phải lật từng trang sách, gọi dậy sự hoài nghi và soi ngắm để đối thoại với chính thế giới nội tâm phức tạp của mình, để từ đó cho người đọc những tư tưởng sống sâu sắc. Có thể nói “Ánh trăng” đã thể hiện rất rõ dấu triện riêng ấy của thơ Nguyễn Duy.


Thân bài Phân tích bài thơ Ánh trăng

        Bài thơ mở đầu bằng những dòng hồi tưởng về thuở ấu thơ, những câu chuyện, những mảnh ghép của quá khứ ùa về như những kỉ niệm làm nồng lên tâm hồn tác giả:

 “Hồi nhỏ sống với đồng

Với sông rồi với biển

Hồi chiến tranh ở rừng

Vầng trăng thành tri kỷ”

Phân tích bài thơ Ánh trăng | Văn mẫu 9 hay nhất

        Chỉ qua vài nét gợi, nhà thơ đã như đưa ngược đọc ngược dòng về với quá khứ đầy thân thương, ấm áp của mình. Đó là khi thiên nhiên, rừng núi, sông, đồng, những không gian thân thuộc còn đồng hành cùng tác giả, nó giống như mái nhà thân thương che chở và bảo bọc, còn vầng trăng trên cao đã trở thành người bạn tri kỷ, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng đồng điệu với nỗi lòng của người chiến sĩ Nguyễn Duy. Khi viết vầng trăng là tri kỉ, thì hẳn trong lòng nhà thơ, vầng trăng đã chiếm một vị trí vô cùng to lớn, mà không điều gì có thể thay thế, ở đời, có câu kiếp trước ngoảnh mặt 500 lần mới may ra gặp được người có thể chung đường. Vầng trăng ấy đã can qua bao gian khó, bao đơn độc cùng nhà thơ bầu bạn, tâm tình, một từ tri kỉ tưởng như chẳng nói hết thành lời.

        Khổ thơ tiếp theo, Nguyễn Duy tiếp tục giãi bày người tri kỉ ấy của mình, vầng trăng ấy trần trụi, mộc mạc, hồn nhiên và rất mực chân thành, giống như điểm tựa nâng đỡ tâm hồn người chiến sĩ lúc yếu lòng, dẫu vật đổi sao dời, nó vẫn một lòng nghiêng mình lắng nghe, thấu hiểu nhân vật trữ tình trong câu chuyện:

“Trần trụi với thiên nhiên

Hồn nhiên như cây cỏ

Ngỡ không bao giờ quên

Cái vầng trăng tình nghĩa”

          Vì sự gắn bó khăng khít ấy, mà nhà thơ ngỡ rằng mình chẳng bao giờ quên đi vầng trăng tình nghĩa ấy, ngỡ rằng sự gắn kết yêu thương, thủy chung ấy sẽ còn mãi nơi ông. Thế nhưng, “chẳng có gì vĩnh viễn trừ sự thay đổi”( Heraclit). Cái quá khứ đầy nghĩa tình, ấm nồng ấy nhà thơ ngỡ tưởng chẳng bao giờ quên, nhưng cuối cùng đến chính nhà thơ cũng chẳng thể hình dung được sự thay đổi khủng khiếp của thế giới nội tâm của bản thể:

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

          “Từ hồi về thành phố”, quen với sự sang trọng, hiện đại, cuộc sống tiện nghi dường như làm ta quên, và cho ta cái cớ để quên đi  mảnh tình ấu thơ một thuở là ruộng, đồng, sông... Vầng trăng tưởng như mang trong cả quá khứ đã qua chẳng thể bỏ, cả những yêu thương trân trọng của người bạn thắm nghĩa đượm tình, bỗng chốc trở thành “người dưng”. Từ tri kỉ hóa người dưng, đó là khoảng cách của bao nhiêu đổi thay, đổi thay hoàn cảnh sống, đổi thay của chính mình, cái đổi thay của thời đại dẫn đến cái đổi thay trong lòng người, khiến ta giật mình nhất ra, ta nghĩ mình bất biến giữa dòng đời vạn biến nhưng nào có được như vậy.

 “Thình lình đèn điện tắt

Phòng buyn-đinh tối om

Vội bật tung cửa sổ

Đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình”

       Bỗng chốc, một tình huống chẳng thể ngờ tới đã khiến cho nhà thơ đối mặt với vầng trăng năm xưa. Phòng buyn đinh tối om, một không gian mà con người dường như bất lực, quen với ánh điện cửa gương của phố phường hiện đại, nên dẫu chỉ mất điện trong giây lát cũng khiến nhà thơ “đột ngột”, khó chịu, bức bách. Từ vội đã lột tả hết toàn bộ tâm thế, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong tình huống éo le ấy. và vầng trăng đột ngột xuất hiện, giống như mang theo cả kí ức tuổi thơ, kỉ niệm của quá khứ dội về tâm tưởng của tác giả. Nhà thơ mặt đối mặt với vầng trăng như tự vấn lại chính mình, như đang soi lại chính mình, tìm lại cái tôi nghĩa tình của mình trong quá khứ. Giữa khoảnh khắc ấy, hai cảnh tượng đối lập, hai vết cắt chạy qua trang thơ, đó là vầng trăng tròn vạnh, vẹn nghĩa thắm tình, còn một nửa là cái tôi nay đã vô tình, lãng quên vầng trăng tình nghĩa năm nào. Sự im lặng của vầng trăng là một lời nhắc nhở cái tôi tác giả, đồng thời khẳng định rằng: trong cuộc sống hiện đại, con người có thể thay đổi, có thể quên đi vai trò của thiên nhiên, nhưng thiên nhiên vẫn luôn là người bạn vĩ đại của con người, đó là sự gắn kết tất yếu mà không một thế lực nào có thể dịch chuyển.

       Cái giật mình ở cuối đoạn thơ chính là sự cảnh tỉnh, thức nhận của tác giả về chính mình, để hiểu sâu hơn về nghĩa tình ở đời, về đạo lí sống ngàn đời mà dân tộc ta xây đắp “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là triết lý nhân sinh dẫu qua bao nhiêu dòng chảy của lịch sử vẫn còn nguyên chân giá trị. Nhân vật tôi giật mình nhìn lại bản thân, còn vầng trăng dẫu trong phút chốc bị quên đi bởi ánh điện cửa gương, vẫn một mực dùng sự dịu dàng, bao dung để trìu mến với người bạn năm xưa của mình. Đó một lần nữa lại là lời nhắc nhở của Nguyễn Duy về tấm lòng bao la rộng lớn mà cũng bao dung của mẹ thiên nhiên, và con người cần khắc cốt ghi tâm sự bao dung ấy.


Kết bài Phân tích bài thơ Ánh trăng

         Nguyễn Duy qua mỗi trang sách của mình, như mở ra cho người đọc những bài học sâu xa về cách sống, lẽ sống để từ đó hướng người đọc đến thế giới của chân thiện mỹ.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021