logo

Dàn ý Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng

Hướng dẫn lập Dàn ý Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng - Bài mẫu 1

Dàn ý Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

- Giới thiệu bản thân:

+ Sau khi đất nước Việt Nam giải phóng và thống nhất, tôi đã giải ngũ để trở về quê nhà.

+ Nơi ở: được con rước lên thành phố sinh sống.

- Dẫn dắt vấn đề.

2. Thân bài

Triển khai vấn đề theo mạch cảm xúc bài thơ hoặc theo ý của bạn nhưng vẫn đáp ứng đủ các nội dung:

a. Những hồi ức về vầng trăng trong quá khứ

- Tôi hồi ức lại những ngày thơ bé sống ở vùng quê, nơi có những kỷ niệm tuổi thơ trong vắt. Ánh trăng vì thế trong mắt tôi cũng mang màu sắc trong trẻo, nên thơ.

Hồi nhỏ sống với rừng

với sông rồi với biển

trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

- Lối sống giản dị, lớn lên từ những miền quê và có cuộc sống gắn liến với sông biển. Ánh trăng trong kí ức của tôi là một màu trong veo, nên thơ của cuộc sống.

Hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

- Ánh trăng gắn bó với những kỉ niệm không thể nào quên của những người lính khi sống trong rừng, khi không có đèn không có điện chỉ có ánh trăng soi đường.

- Dọc đường hành quân đi chiến đấu người lính hát cùng ánh trăng, làm thơ cùng ánh trăng, tâm sự cùng ánh trăng. Ánh trăng đã thân thuộc gần gũi nhưng là người thân của tôi.

b. Vầng trăng của hiện tại

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

- Vầng trăng tri kỉ ngày nào nay đã trở thành “người dưng” - người khách qua đường xa lạ

- Sự thay đổi của hoàn cảnh sống - không gian khác biệt, thời gian cách biệt, điều kiện sống cách biệt

- Tôi vội vàng “bật của sổ” như thể mời một vị khách quý tới nhà, sợ mình chậm trễ người khách sẽ bỏ về.

- Tôi thấy tôi sống với sự bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống: tôi dần quên đi giá trị tinh thần và ngày càng lạnh lùng, thờ ơ với những tri kỉ trong quá khứ.

- Trăng và tôi đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ. Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ.

- Vầng trăng vẫn là một vầng trăng tròn đầy như hồi thơ bé mà tôi đã nhìn thấy nhưng chỉ mỗi tôi là đã thay đổi.

- Tôi và vầng trăng như một người bạn tri kỷ, hình ảnh ánh trăng tròn đầy tỏa sáng đã khiến cho tôi bừng tỉnh nhìn lại chính mình.

- Tôi đã vô cùng xúc động khi gặp lại ánh trăng một hình ảnh quen thuộc gắn bó từ khi còn nhỏ.

⇒ Những chiêm nghiệm qua thực tế mình trải qua. Tôi thấy cuộc sống này là một thực tại sống động, muôn màu muôn vẻ.

3. Kết bài

- Cảm nhận của bản thân về bài học mà ánh trăng đã gợi nhắc: cần sống chung thủy trước sau như một trong những giá trị vật chất làm lu mờ ý chí.

- Gợi mở vấn đề


Dàn ý Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng - Bài mẫu 2

Dàn ý Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

1. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu bản thân và hoàn cảnh câu chuyện

2. Thân bài

a. Tuổi thơ trong ký ức người lính

- Tôi sống cùng sông rừng biển cả, hòa mình trong thiên nhiên mát lành và hồn nhiên vô lo vô nghĩ.

- Chiến tranh bất ngờ ập đến, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc và bảo vệ quê hương, tôi cùng các bạn lên đường nhập ngũ.

- Những năm tháng chiến tranh gian khổ, tôi vẫn hòa mình giữa thiên nhiên núi rừng chiến khu, cảnh vật ít nhiều có sự thay đổi.

- Thế nhưng mỗi lần ngẩng đầu lên, vầng trăng tình nghĩa vẫn yên lặng ở đó. Tôi cứ ngỡ bản thân sẽ không bao giờ quên vầng trăng ấy, vậy mà...

b. Cuộc sống đầy đủ tiện nghi thời hiện đại

- Hai miền Nam - Bắc của Tổ quốc được thống nhất, độc lập và tự do. Tôi may mắn sống sót nên rời đơn vị và trở về quê nhà, sống một cuộc sống bình thường, an ổn.

- Con trai tôi ngỏ ý đưa bố lên thành thị sinh sống, tôi chuyển về thành phố xa hoa rực rỡ ánh đèn.

- Căn nhà tôi sinh sống đầy đủ tiện nghi, tôi thong thả tận hưởng. Gian khổ khó nhọc trước kia bỗng chốc phai mờ trong tâm trí.

- Những ký ức cùng vầng trăng tình nghĩa cũng vô tình bị lãng quên từ bao giờ chẳng hay.

c. Sự bừng tỉnh và hối hận

- Ánh sáng vầng trăng đã đột nhiên ghé tới, đánh thức tâm hồn và gợi lên nhiều cảm xúc khó tả.

- Trên cao, trăng vẫn tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng bàng bạc bao phủ khắp muôn nơi.

- Tôi hối hận bừng tỉnh, nhận ra bấy lâu bản thân đã thờ ơ hững hờ với quá khứ tình nghĩa, với vầng trăng chung thủy.

- Tôi khi ấy, lãng quên quá khứ nhiều gian lao là sống vô tâm và ích kỷ.

- Đau thương mất mát vẫn âm ỉ dày xéo trong lòng dân tộc bởi lẽ chiến tranh lùi xa nhưng dấu vết nó in hằn trên dáng hình dân tộc vẫn còn.

- Khi cả nhân dân đang gắng gượng vượt lên quá khứ thì tôi lại vui vẻ tận hưởng cuộc sống đầy đủ vật chất

3. Kết bài

- Khép lại dòng cảm xúc và nêu bài học chiêm nghiệm của bản thân


Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng - Bài mẫu

     Quê hương là mảnh đất linh thiêng, huyền diệu, đẹp đẽ nhất trong tâm hồn mỗi con người. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình, xinh đẹp. Tuổi thơ tôi là những tháng ngày thỏa sức đắm mình trong gió mát, bên những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa... Ký ức tuổi thơ tôi là trọn vẹn những kỷ niệm tuyệt vời đáng nhớ.

     Chiến tranh bất ngờ ập đến, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc và bảo vệ quê hương, tôi cùng các bạn lên đường nhập ngũ. Cuộc sống gắn bó với núi rừng hoang vu sặc mùi đạn bom khiến lòng tôi trào dâng nỗi nhớ nhà da diết, khắc khoải. Xóm làng, gia đình cùng những cảnh vật quen thuộc cứ ẩn hiện trong tâm trí. Những đêm dài đứng gác, tôi cùng đồng đội hay ngẩng đầu lên cao, nương theo ánh trăng sáng vằng vặc trên đầu tâm sự. Có lần anh hỏi tôi:

     - Cậu có nhớ quê nhà không? Mỗi lần thấy trăng, tôi lại nhớ những ngày êm đềm ở quê hương, không biết đến khi nào mới được quay lại thời gian đó.

     Tôi không nhớ mình đã đáp lại anh như thế nào chỉ biết rằng khoảnh khắc đó, hồi ức tôi gìn giữ bấy lâu như tan vỡ ra. Những năm tháng tuổi thơ xưa kia, tôi sống cùng sông rừng biển cả, hòa mình trong thiên nhiên mát lành và hồn nhiên vô lo vô nghĩ. Những năm tháng chiến tranh gian khổ này, tôi vẫn hòa mình giữa thiên nhiên núi rừng chiến khu, cảnh vật ít nhiều có sự thay đổi, thân phận địa vị cũng khác. Thế nhưng mỗi lần ngẩng đầu lên, vầng trăng tình nghĩa vẫn yên lặng ở đó. Nó giống như dõi theo hành trình trưởng thành của tôi, một bước không rời. Tôi cứ ngỡ bản thân sẽ không bao giờ quên vầng trăng ấy, vậy mà...

     Chiến tranh kết thúc, hai miền Nam - Bắc của Tổ quốc được thống nhất, độc lập và tự do. Tôi may mắn sống sót nên rời đơn vị và trở về quê nhà, tạm biệt những tháng ngày đạn bom máu lửa để sống một cuộc sống bình thường, an ổn. Năm tháng xoay vần, con trai tôi ngỏ ý đưa bố lên thành thị sinh sống. Sự lo lắng của con khiến tôi chẳng nỡ chối từ nên đành rời miền quê thân thương, chuyển về thành phố xa hoa rực rỡ ánh đèn.

     Căn nhà tôi sinh sống đầy đủ tiện nghi, nằm ở trung tâm thành phố đông đúc, nhộn nhịp, người qua kẻ lại tấp nập ngược xuôi. Không còn âu lo, nghĩ ngợi về ngày mai còn mất, không còn mất ngủ cả đêm hay ầm ầm bên tai tiếng mưa bom bão đạn, tôi thong thả thư giãn trong những giấc ngủ bình yên, những bữa ăn đầy đủ ngon miệng. Gian khổ khó nhọc trước kia bỗng chốc phai mờ trong tâm trí. Những ký ức cùng vầng trăng tình nghĩa cũng vô tình bị lãng quên từ bao giờ chẳng hay.

     Ngày qua ngày, tháng qua tháng, những tưởng rằng bản thân đã mãi mãi quên đi quá khứ, quen sống với những hiện đại xa hoa, đầy đủ tiện nghi. Tưởng chừng ánh sáng rực rỡ nơi thành thị sẽ mãi giữ chân tôi trong bốn bức tường sơn vôi kín đáo, an toàn nhưng có phần cô quạnh thì một đêm kia, ánh sáng vầng trăng đã đột nhiên ghé tới, đánh thức tâm hồn và gợi lên nhiều cảm xúc khó tả.

     Trên cao, trăng vẫn tròn vành vạnh, tỏa ánh sáng bàng bạc bao phủ khắp muôn nơi. Song có thứ gì đó chợt rưng rưng, nghẹn ngào. Hình ảnh quê hương với con sông, cánh đồng,... bất chợt ùa về trong tâm trí tôi. Niềm xúc động không thể gọi thành tên khiến tôi bật khóc thành tiếng, những giọt nước mắt xót xa không ngăn được, lăn dài trên má. Tôi hối hận bừng tỉnh, nhận ra bấy lâu bản thân đã thờ ơ hững hờ với quá khứ tình nghĩa, với vầng trăng chung thủy. Tôi đã đổi thay nhưng trăng vẫn vẹn nguyên, nghĩa tình, vẫn luôn bên cạnh và dõi theo chúng tôi.

     Lòng tôi bỗng dấy lên bao nghĩ suy cùng hoài niệm, sống như tôi khi ấy, lãng quên quá khứ nhiều gian lao là sống vô tâm và ích kỷ. Biết bao người vẫn âm thầm lặng lẽ với bom đạn kẻ thù còn sót lại, rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, biết bao người vẫn oằn mình trong đói khổ triền miên. Đau thương mất mát vẫn âm ỉ dày xéo trong lòng dân tộc bởi lẽ chiến tranh lùi xa nhưng dấu vết nó in hằn trên dáng hình dân tộc vẫn còn. Khi cả nhân dân đang gắng gượng vượt lên quá khứ thì tôi lại vui vẻ tận hưởng cuộc sống đầy đủ vật chất.

     Nếu không có ánh trăng soi sáng hôm nay, tôi không biết đến chừng nào bản thân mới thức tỉnh và nhìn lại mình. Cuộc sống độc lập tự do hôm nay không dành cho riêng ai mà thuộc về cả dân tộc Việt Nam, là kết quả bao anh hùng dân tộc đã phải đánh đổi bằng máu xương và tính mạng. Tôi cảm thấy phải làm gì đó xứng đáng với Tổ quốc, để bù đắp những ích kỉ vô tâm và sống cho xứng đáng với tinh thần người lính thời đại mới. Quá khứ dù đau thương nhưng chính là hồi ức quý giá, hãy trân trọng nó để sống tốt hơn, sống cho xứng những gì mình nhận được.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Đóng vai người lính kể lại bài Ánh trăng để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021