logo

Dàn ý phân tích bài Ánh trăng

Lập dàn ý không nằm trong bước trình bày hay thang điểm của một bài văn nhưng nó sẽ là lớp khung định hướng cho bài văn phát triển, đảm bảo nội dung đầy đủ. Khi phân tích bài thơ Ánh trăng cũng thế, chúng ta có thể triển khai theo hướng bổ dọc phân tích xuyên suốt bài thơ theo các luận điểm chính, thứ hai là phân tích bằng cách bổ ngang theo từng khổ thơ. Dù bạn có đi theo hướng phân tích nào thì cũng bước đệm đầu tiên luôn là bước xây dựng dàn ý. Cùng tham khảo dàn ý ngay dưới đây nào!

Dàn ý phân tích bài Ánh trăng | Văn mẫu 9 hay nhất


Mở bài Dàn ý phân tích bài Ánh trăng

Sơ lược những điểm nổi bật về tác giả cùng nội dung chính của bài thơ ánh trăng. Thông thường để một bài văn thu hút ngay từ những câu đầu tiên thì mình nên đưa vào các câu ca dao, tục ngữ hoặc nhận định liên quan đến tác giả, tác phẩm hay chủ đề liên quan.

Ví dụ: Và Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Nguyễn Duy: “…Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…”. Quả thật, người đọc luôn có những sự trăn trở, thổn thức và nhiều suy ngẫm khi đọc thơ của Nguyễn Duy. Tác phẩm tiêu biểu có thể nói đến là bài thơ Ánh trăng….


Thân bài Dàn ý phân tích bài Ánh trăng

Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ ánh trăng được ra đời năm 1978, trích từ tập thơ cùng tên.

- Bài thơ mang một làn gió mới đầy hiện thực để người tiếp nhận có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn về cuộc sống hiện tại, quá khứ thông qua hình ảnh biêủ trưng là ánh trăng.

Hai khổ thơ đầu: Nhà thơ tìm về quá khứ trong những kỷ niệm đã từng có với ánh trăng, những bước đi đầu tiên trong cuộc đời tác giả.

- Những dòng thơ mở đầu có thể thấy được sự hoài niệm vô cùng tha thiết, dạt dào yêu thương của nhà thơ đối với thời thơ ấu của chính bản thân mình. Điều này thể hiện ở nhịp thơ liên tục, trơn tru chỉ vỏn vẹn năm chữ mỗi dòng nhưng cảm xúc vẫn diễn tả tròn đầy.

+ Tuổi thơ thân thiện, hòa mình cùng thiên nhiên, gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy bao la, thanh bình

+ Trưởng thành hơn nhà thơ đi theo tiếng gọi của tổ quốc, tham gia vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, một lần nữa cuộc sống của tác giả làm bạn cùng núi rừng, thiên nhiên.

+ Dù mọi thứ có thuận theo tự nhiên mà thay đổi theo từng thời điểm nhất định, duy chỉ có vầng trăng nơi trời xa kia một lòng, một dạ, vẫn như ngày nào âm thầm lắng nghe, bên cạnh nhà thơ, trở thành người bạn tri âm, tri kỉ trên bước đường hành quân của tác giả.

- Chính vì từ nhỏ đã hòa mình cùng thiên nhiên, do đó mà nếp sống, suy nghĩ của nhà thơ cũng vì thế trở nên giản dị, chân thực, hồn nhiên. Đồng hành cùng sự dung dị đó luôn có vầng trăng dõi theo cùng.

Khổ thơ thứ 3: Vẻ đẹp lung linh, chân thành của vầng trăng nhưng lòng người có chút đổi thay

- Một tuổi thơ trải qua cùng thiên nhiên, đất trời rồi đến khi trưởng thành, trong những tháng ngày nguy hiểm, đối đầu với chiến tranh thì thiên nhiên cũng bên cạnh nhà thơ, và vầng trăng là biểu tượng rõ ràng nhất. Chính vì thế nhà thơ cảm nhận được sâu sắc, in hằn vẻ đẹp, tình cảm yêu tha thiết cho ánh trăng.

- Vẻ đẹp của trăng: vẻ đẹp dung dị, tinh khôi, lấp lánh chẳng cần phải tô vẽ, cứ thế trăng một mình tỏa sáng vẻ đẹp của mình. Tác giả luôn xem “vầng trăng đầy nghĩa tình”, vì trong bất kì thời điểm nào trăng cũng đồng hành cùng nhà thơ dù là lúc bình yên cho đến sóng gió, đồng cam cộng khổ cùng nhau như hai người bạn tri kỉ.

- Khi cuộc đời thay đổi con người cũng vì thế mà thích nghi để tồn tại, phát triển. Nhà thơ cứ ngỡ, chắc chắn về tình cảm, nghĩa tình với vầng trăng nhưng không ai biết trước được điều gì.

+ Ánh điện, sự tiện nghi của cuộc sống hiện đại dường như xóa đi kí ức, sự thân quen của vầng trăng trong tác giả.

+ “Người dưng” một cách xưng hô đầy xót xa, nghẹn ngào khi từng xem là tri kĩ phút chốc thành người dưng, kẻ qua đường không hơn kém. Một sự vô tâm, vô tình của tác giả khiến người đọc nghẹn lại ở phép so sánh.

Hai khổ tiếp theo: Tình yêu thương gắn bó với vầng trăng chỉ tạm bị lãng quên.

- Khổ thơ thứ 4 là lúc nhà thơ trân trọng, quý giá những điều mình từng có, cụ thể là khi thành phố mất điện, vầng trăng hiện ra bất ngờ. Lúc này vẻ đẹp đó khiến tác giả ngỡ ngàng, một chút hổ thẹn và bao cảm xúc tràn về khiến tác giả rưng rưng khóe mắt.

- Gặp lại ánh trăng không chỉ gặp lại người bạn tri kỉ ngày nào mà là một khung cảnh, kí ức của tuổi thơ tìm về. Nhà thơ lúc này xúc động và tự nhắc bản thân không thể quên những gì mình từng gắn bó.

Khổ cuối: một chút suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, tình nghĩa của tác giả

- Sau tất cả thì trăng vẫn ở đấy, chung thủy một lòng không phai chỉ lòng người chóng quên

- Sự chân thành của vầng trăng khiến tác giả giật mình, trân trọng hơn tình bạn này.

Dàn ý phân tích bài Ánh trăng | Văn mẫu 9 hay nhất


Kết bài Dàn ý phân tích bài Ánh trăng

- Từ ngữ dung dị, cách dẫn dắt câu chuyện không quá mới lạ nhưng tác giả rất biết cách đặt nguồn cảm xúc, lấy bao nỗi niềm xúc động, nghẹn ngào nơi độc giả.

- Bài thơ mang ý nghĩa về sự thủy chung.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021