logo

Những kết bài nghị luận văn học hay nhất

Có nhiều yếu tố để làm nên một bài văn hay, và người ta thường chú trọng phần nội dung (thân bài) mà quên đi rằng mở bài và kết bài cũng quan trọng không kém. Mở bài đánh dấu bước khởi đầu trong quá trình trình bày vấn đề nghị luận, và kết bài cho ta biết việc trình bày vấn đề đã kết thúc để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Để viết được một mở bài và kết bài hay, lôi cuốn cũng là một kĩ năng rất quan trọng. Sau đây, Toploigiai sẽ mang đến cho các bạn những kết bài nghị luận văn học hay nhất.


1. Nghị luận văn học là gì?

Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…

Những kết bài nghị luận văn học hay nhất

+ Bài văn nghị luận cần phải đúng hướng, phải có trật tự, mạch lạc, câu từ phải trong, sáng sinh động và không kém phần hấp dẫn. Một số thao tác chính của bài văn nghị luận là giải thích, chứng minh, phân tích và luận.

+ Còn đối với nghị luận văn học thì là dạng đưa ra các vấn đề bàn luận là các vấn đề bàn bạc về văn học, có thể là tác giả, tác phẩm, ý kiến nhận định về tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm.

+ Khi làm bài nghị luận văn học thì chúng ta cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản ở mỗi tác phẩm, tác giả.

+ Đối với thơ thì cần chú ý đến hình thức như nhịp điệu, cách gieo vần, cấu trúc.

+ Đối với tác phẩm văn xuôi thì chú ý đến cốt truyện, nhân vật, tình tiết, các dẫn chứng cần chính xác, chọn lọc, chú ý đến các giá trị: nhân đạo, tình huống truyện.

>>> Tham khảo: Kết bài mở rộng là gì?


2. Hướng dẫn cách viết kết bài hay

- Cách viết kết bài theo kiểu truyền thống

Với cách kết bài này, học sinh cần đảm bảo được các nội dung như sau: Tóm lược lại vấn đề, nghĩa là khẳng định lại vấn đề cần nghị luận; sau đó cần đánh giá về thành công của tác giả; cuối cùng là đưa ra bài học để nâng cao quan điểm.

- Cách viết kết bài mở rộng và nâng cao vấn đề

Cách kết bài này đòi hỏi học sinh phải đưa lí luận vào trong phần kết bài. Cụ thể: Gói lại vấn đề cần nghị luận, khẳng định tài năng sử dụng nghệ thuật của tác giả và bài học nâng cao quan điểm. Kết bài này thường dành cho học sinh có học lực khá trở lên. Tuy nhiên khi viết học sinh nên trong chừng mực đừng đi quá xa vấn đề dẫn đến bị lạc đề.

- Cách viết kết bài vận dụng kiến thức thực tế

Cách viết kết bài này người viết đi từ thực tế vào trong tác phẩm, khiến cho bài viết không bị nhàm chán, đóng khung.

>>> Tham khảo: Phương pháp viết kết bài hay


3. Một số kết bài nghị luận văn học hay nhất

Kết bài số 1: Tác phẩm Viếng lăng Bác

Mỗi lần có dịp đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, ta vẫn thấy dòng người như bất tận vào lăng viếng Bác. Ta chợt nhớ tới bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương với những ước nguyện cao đẹp dâng hiến lên Người. Bác đã đi xa và Viễn Phương cũng đã trở thành người thiên cổ nhưng dư âm của bài thơ sẽ còn mãi ngân vang.

Kết bài số 2: Tác phẩm Tây Tiến

Từ sự kết hợp một cách hài hoà giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung, một bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến ấy. Đó là bức tượng đài được khắc tạc bằng cả tình yêu của Quang Dũng đối với những người đồng đội, đối với đất nước của mình. Vì thế từ Tây Tiến, từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của nhà thơ cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng ấy.

Những kết bài nghị luận văn học hay nhất

Kết bài số 3: Tác phẩm Người lái đò sông Đà

Phong cách Nguyễn Tuân độc đáo và phong phú.Ở tùy bút “Người lái đò sông Đà” chúng ta thấy phong cách giá trị của ông thể hiện rõ nhất là sự nhọn sắc của giác quan nghệ sĩ đi đôi với một kho chữ nghĩa giàu có và đầy màu sắc, lối văn rất mực tài hoa. Dòng sông Đà “hung bạo và trữ tình” cùng hình tượng người lái đò tài hoa chảy mãi trong dòng văn học nước nhà như niềm yêu mến và tự hào về con người, cỏ cây sông núi quê hương của nhà văn Nguyễn Tuân

Kết bài số 4: Tác phẩm Vợ nhặt

“Cái đẹp cứu vớt con người” (Đôxtôiepki). Vâng, “vợ nhặt” củanhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kì diệu ấy. Ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là con nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.

Kết bài số 5: Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã nêu lên bài học về cái nhìn đa diện, cái nhìn khám phá trong sáng tạo nghệ thuật đối với các nghệ sĩ chân chính. Từ tình huống truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống và qua sự thay đổi nhận thức của Phùng, của Đẩu, tác giả đã khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Theo ông, bổn phận của người nghệ sĩ là phải phát hiện ra bản chất của cuộc đời. Cái Đẹp, cái Thiện trước hết phải là sự chân thực, Cuộc sống vốn phức tạp, chúng ta không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận con người và cuộc sống mà cần có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc cùng với sự tìm tòi, phát hiện để hiểu đúng bản chất của nó.

Kết bài số 6: Tác phẩm Đồng chí

Xuân Diệu quan điểm “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, Chính Hữu đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên, đồng thời ông cũng khiến người đọc cảm thấy con tim mình như tan chảy khi chứng kiến tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết trong tột cùng gian khó. Quả thực văn học chân chính nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, nên hình tượng người lính trong “Đồng chí” vẫn mãi sáng ngời cho tận hôm nay và mãi mãi về sau.

Kết bài số 7: Tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ

Trang sách đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi như khơi gợi trong lòng chúng ta về một tình cảm cao đẹp của con người. Chính tình yêu thiên nhiên, khát vọng dâng hiến của Thanh Hải đã làm xao xuyến rung động biết bao trái tim người đọc. Bài thơ cứ nhẹ nhàng thấm thía tự nhiên đi vào lòng người như một bài học sâu sắc về lẽ sống đẹp, cách ứng xử đầy nhân văn, tấm gương cao thượng trong sáng của Thanh Hải làm ta trân trọng, khâm phục và tự ngẫm phải sống sao cho xứng đáng đối với Tổ Quốc, nhân dân.

Kết bài số 8: Tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một tác phẩm tiêu biểu cho thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nó không chỉ dựng lên bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh đầy khốc liệt, một mất một còn của dân tộc ta mà còn khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ lái xe vô cùng đẹp đẽ và hiên ngang. Những con người đó để lại cho chúng ta niềm cảm phục sâu sắc, lòng biết ơn chân thành, tha thiết.

Kết bài số 9: Tác phẩm Làng

Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến. Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Kết bài số 10: Tác phẩm Hai đứa trẻ

Bức tranh phố huyện nghèo được miêu tả theo sự vận động của thời gian từ lúc chiều tàn tới khi đêm khuya và theo từng bước diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên. Qua những rung động mơ hồ, tinh tế, mỏng manh của một tâm hồn mới lớn, nhạy cảm, Thạch Lam đã dựng lại một bức tranh quê hương với tất cả vẻ đẹp của quê hương xứ sở đồng thời gửi gắm vào trong đó tình yêu quê hương, đất nước, gửi vào những kiếp người tàn tạ nơi phố huyện nỗi xót xa, thương cảm sâu sắc. Và sâu kín là là ý thức phê phán xã hội thực dân của một tiểu tư sản, đã không đảm bảo được cuộc sống, quyền sống của con người.

----------------------------

Trên đây Toploigiai đã đưa ra phần lí thuyết về nghị luận văn học, cách viết kết bài hay và sưu tầm những kết bài nghị luận văn học hay nhất. Chúng tôi hi vọng bài viết giúp ích cho các bạn trong việc rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn kết bài của mình, chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 30/08/2022 - Cập nhật : 30/08/2022