logo

Phương pháp viết kết bài hay

Tổng hợp các Phương pháp viết kết bài hay, thường gặp trong các đề kiểm tra, đề thi.

[CHUẨN NHẤT] Phương pháp viết kết bài hay

I. Tầm quan trọng của kết bài:

        Kết bài trong văn nghị luận là một phần khá quan trọng bởi đây là phần sẽ tạo dư âm cho bài viết. Nếu kết bài có sức nặng sẽ tạo nên những cảm xúc rất tốt cho người đọc. Kết bài là phần kết thúc bài viết, vì vậy, nó tổng kết, thâu tóm lại vấn đề đã được đặt ra ở mở bài và phát triển ở thân bài, đồng thời mở ra hướng suy nghĩ mới, tình cảm mới cho người đọc. Phần kết bài có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở mở bài và đã giải quyết ở thân bài. Phần này góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn cho bài văn.


II. Các yêu cầu viết kết bài hay:

        Giống như phần mở bài, phần này chỉ nêu lên những ý khái quát, không trình bày lan man, dài dòng hoặc lặp lại sự giảng giải, minh họa, nhận xét một cách chi tiết như ở phần thân bài. Một kết bài thành công không chỉ là nhiệm vụ "gói lại" mà còn phải "mở ra" - khơi lại suy nghĩ, tình cảm của người đọc. Thâu tóm lại nội dung bài viết không có nghĩa là nhắc lại, lặp lại mà phải dùng một hình thức khác để khái quát ngắn gọn; khơi gợi suy nghĩ hay tạo dư ba trong lòng người đọc; là câu văn khi đã khép lại vẫn khiến cho người đọc day dứt, trăn trở, hướng về nó.


III. Phương pháp viết kết bài hay


1. Kết bài truyền thống:

Bước 1: Khẳng định lại vấn đề

        Các bạn có thể bắt đầu viết kết bài bằng cách khẳng định lại những ý được thể hiện, phân tích ở mở bài hay những luận điểm được đề cập tới trong phần thân bài. Việc thâu tóm lại nội dung giúp cho bài viết thêm trọn vẹn và hoàn chỉnh.

Bước 2: Đánh giá thành công tác giả

        Từ vấn đề được khẳng định, các bạn có thể liên hệ sang phong cách sáng tác của tác giả, đưa ra đánh giá về những thành công tác giả đã đạt được trong tác phẩm.

Bước 3: Bài học nâng cao quan điểm

        Hãy chốt lại kết bài bằng việc đưa ra những bài học đúc kết hay vấn đề, quan điểm nâng cao bởi kết bài không đơn giản chỉ tóm tắt, “gói” lại nội dung mà phải khơi gợi lại những tâm tư, suy nghĩ trong lòng người đọc.

Ví dụ:

        Bài thơ “Đồng chí” với ngôn ngữ chân thực, hình ảnh lãng mạn, đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính thời chống Pháp với nụ cười ngạo nghễ trong những ngày gian khó làm lay động biết bao trái tim độc giả. Sự mộc mạc, tinh tế của Chính Hữu đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho tác phẩm. Vẻ đẹp của những người lính nông dân ấy sẽ sống mãi với quê hương, với Tổ quốc, với thế hệ hôm nay, ngày mai hay mãi về sau.

        Với đề bài “Phân tích hình tượng người lính chống Pháp trong bài thơ Đồng chí”, kết bài trên đã đầy đủ 3 yếu tố: khẳng định vấn đề, đánh giá sự thành công của tác giả vừa đưa ra quan điểm nâng cao. Kết bài thông dụng như trên mới đạt được tiêu chí đúng nhưng vẫn chưa hay, chưa đủ thuyết phục. Chính vì vậy, cô Phượng sẽ đưa ra những cách kết bài khác: Kết bài mở rộng và nâng cao vấn đề.


2. Kết bài mở rộng và nâng cao vấn đề

Cách 1: Đưa lí luận vào kết bài

        Với cách kết bài này, người viết đưa thêm những lí luận, dẫn chứng để khẳng định, làm rõ các luận điểm, đồng thời giúp tăng tính khoa học cho bài làm. Lưu ý, các bạn không cần đưa ra những lí luận quá sâu sắc, dễ sa đà vào những sai lầm khác, khiến kết bài miên man và chệch hướng.

Ví dụ: 

        Xuân Diệu quan điểm “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, Chính Hữu đã đem hiện thực vào trang viết của mình một cách tự nhiên, đồng thời ông cũng khiến người đọc cảm thấy con tim mình như tan chảy khi chứng kiến tình đồng chí, đồng đội keo sơn, thắm thiết trong tột cùng gian khó. Quả thực văn học chân chính nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, nên hình tượng người lính trong “Đồng chí” vẫn mãi sáng ngời cho tận hôm nay và mãi mãi về sau.

        Ở kết bài trên, người viết cũng thực hiện theo 3 bước: gói lại vấn đề, khẳng định tài năng của tác giả và đưa ra bài học. Tuy nhiên, kết bài này được đánh giá cao bởi nó đã được gài gắm thêm lí luận. Hình ảnh “Thơ là hiện thực” để liên hệ sang tính hiện thực của bài thơ, “thơ còn là thơ nữa” giúp nhấn mạnh chất lãng mạn trong bài thơ.

Cách 2: Vận dụng kiến thức thực tế

        Để tăng thêm tính linh hoạt và sự sinh động cho kết bài, các bạn có thể đi từ kiến thức thực tế vào sách vở, dẫn dắt từ câu chuyện đời thực tới tác phẩm. Cách viết này khá gần gũi và dễ chiếm được cảm tình của người đọc.

Ví dụ: 

        Mỗi lần có dịp đi qua Quảng trường Ba Đình lịch sử, ta sẽ vẫn thấy dòng người như bất tận vào lăng viếng Bác. Ta chợt nhớ tới bài thơ của Viễn Phương với những ước nguyện cao đẹp dâng hiến lên Người. Bác đi xa, và Viễn Phương cũng đã trở thành người thiên cổ nhưng dư âm của “Viếng lăng Bác” sẽ còn mãi ngân vang.

        Tóm lại: Có nhiều cách, nhiều kiểu kết bài. Nhưng dù kết bài theo kiểu nào đi chăng nữa thì cũng nhằm khắc sâu kết luận của người viết để lại ấn tượng cho người đọc và nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của vấn đề đã được nghị luận. Kết bài hay phải vừa đóng lại, chốt lại, phải vừa mở ra, nâng cao và cứ ngân nga mãi trong lòng người đọc.


IV. Mẹo viết phần kết bài trong tình thế cấp bách

        Tình thế cấp bách cô nói ở đây là khi sắp hết giờ, hoặc khi tâm lí căng thẳng, chúng ta không thể trau chuốt cho phần kết bài được. Một số bạn học yếu có thể vận dụng kiểu kết bài chung chung, mang tính công thức. Cách Kết bài bằng cách tóm lược dễ làm nhất. Khi chỉ còn vài phút, các em có thể kết bài chung chung, tất nhiên nếu làm như vậy sẽ không được điểm cao, nhưng "có còn hơn không", các em sẽ gỡ được 0,5 điểm bố cục, vì nếu 2 phần kia làm tốt mà không có kết bài thì sẽ bị mất 0,5 điểm. Mặt khác còn gây cụt hứng, mất thiện cảm ở người chấm.

        Nếu đề bài cho phân tích nhân vật, phân tích tác phẩm, hoặc phân tích đoạn thơ, thì kết bài các em có thể "khen" (hoặc chê) chung chung, cứ khen nhân vật, khen tác phẩm hay, khen nghệ thuật đặc sắc.... Hoặc đề bài nghị luận về tư tưởng đạo lí thì khen (hoặc chê) tư tưởng đạo lí đó, liên hệ bản thân.... Nghị luận về hiện tượng tiêu cực thì chê hiện tượng đó...

Ví dụ 

         Tìm hiểu "Mình", "ta" và "ai" trong "Việt Bắc" của Tố Hữu.

        Tóm lại, "mình", "ta", "ai" là những từ xưng hô đã được Tố Hữu sử dụng linh hoạt trong "Việt Bắc" để tạo nên sự gắn bó rất thú vị giữa người ở, người đi, tạo nên sự bâng khuâng, bịn rịn, không thể tách rời giữa Việt Bắc với những người đã gắn bó với quê hương cách mạng, thủ đô gió ngàn.

+ Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt

        Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ, ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.

        VD: Tóm lại, ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay là một vấn nạn gây hậu quả nghiêm trọng cần lên án và loại bỏ. Hãy bảo vệ môi trường để hành tinh của chúng ta mãi mãi là một màu xanh vĩnh cửu. Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của mọi người, vì vậy mỗi người chúng ta cần có ý thức, góp phần chung tay xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp.


CÁC MẪU KẾT BÀI MÔN VĂN DỄ ĐẠT ĐIỂM CAO

1. Kết bài Tuyên ngôn Độc lập

        Lời văn không khô khan mà trữ tình đanh thép. Mỗi từ mỗi câu đều chứa đựng trong đó sức nặng tinh thần của cả một dân tộc anh hùng quyết hy sinh để giữ độc lập tự do. Cụm từ độc lập tự do được lặp đi lặp lại ba lần như khắc sâu vào muôn triệu người Việt Nam, như tiếng kèn xung trận vang lên mạnh mẽ hào hùng. Lời tuyên bố mở nước cũng là lời thề sắt đá vừa thiêng liêng vừa khích lệ nhân dân ta vừa là lời cảnh báo đối với kẻ thù. Tuyên ngôn độc lập kết thúc những cũng là mở đầu cho một thời kỳ đấu tranh giữ vững chủ quyền độc lập tự do của dân tộc.

2. Kết bài Tây Tiến

        Đọc Tây Tiến, cái ta cảm nhận được không chỉ là vẻ đẹp hào hùng, hòa hoa, sự hy sinh bi tráng của người lính Tây Tiến mà vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây. Tất cả hiện lên thật rõ nét trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, nỗi nhớ thương chưa khi nào nguôi dứt. Có thể nói, vời bài thơ này, Quang Dũng đã xây dựng thành công bức tượng đài bất hủ về người lính trong kháng chiến chống Pháp. Khói lửa chiến tranh đã qua đi, lịch sử dân tộc cũng đã bước sang trang mới, nhiều người thuộc đoàn quân Tây Tiến năm xưa giờ đây đã trở thành thiên cổ, trong đó có cả nhà thơ Quang Dũng hào hoa… Đúng như những vần thơ Gian Nam từng viết:

“Tây Tiến biên cương mờ khói lửa

Quân đi lớp lớp động cây rừng

Và bài thơ ấy, con người ấy

Vẫn sống muôn đời với núi sông”

3. Kết bài Việt Bắc

        Với giọng thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng kết hợp với kết cấu xưng hô “ta - mình”, bài thơ ôm chứa niềm lạc quan, vui sống và tin tưởng vào cuộc sống con người Việt Bắc. Cuối bài thơ vang lên tiếng hát ngọt ngào khơi gợi bao kỉ niệm. Kỉ niệm ấy theo mãi dấu chân người đi và quấn quýt bên lòng kẻ ở lại.... Lời thơ giản dị mà trong sáng thể hiện niềm rung động thật sự trước vẻ đẹp của núi rừng và con người Việt Bắc. Nỗi nhớ trong thơ của Tố Hữu đã đi vào tâm hồn người đọc, như khúc dân ca ngọt ngào để lại trong lòng ta những tình cảm sâu lắng, dịu dàng, như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn!”

4. Kết bài Đất nước

        Có thể khẳng định, “Việt Bắc” là khúc hùng ca và cũng là khúc hùng ca về cách mạng. Bài thơ đã khắc họa được tình cảm của đồng bào Việt Bắc dành cho cán bộ cách mạng. Với tác phẩm này, Tố Hữu đã góp vào nền thơ ca cách mạng Việt Nam một tiếng nói riêng.

5. Kết bài Sóng

        Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu:

“Khi ta còn trẻ, thơ là người mẹ

Ta lớn lên rồi, thơ là người bạn, người yêu

Chăm sóc tuổi già, thơ là con gái

Lúc chết đi rồi, kỷ niệm hóa lưu thơ"

        Đọc xong bài thơ “Sóng” ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ nước nhà.

6. Kết bài Đàn ghi ta của Lor-ca

        Qua bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca”, người đọc đã cảm nhận được thái độ ngưỡng mộ của Thanh Thảo dành cho người nghệ sĩ tài năng của đất nước Tây Ba Nha. Lor-ca chính là đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX.

7. Kết bài Người lái đò sông Đà

        Viết về người lái đò sông Đà, viết về một vùng quê hương Tổ quốc, Nguyễn Tuân đã thể hiện nguồn xúc cảm yêu thương tha thiết đối với người lao động và thiên nhiên đất nước. Sông Đà càng đẹp, càng sinh động, ông lái đò càng anh dũng, ngoan cường trong công việc, ta càng thấy được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Văn chương của Nguyễn Tuân đã mang đến cho chúng ta một chân trời huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của sự tài hoa và uyên bác…

8. Kết bài Ai đã đặt tên cho dòng sông

        “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí đặc sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bằng những tình cảm chân thành, sâu nặng với xứ Huế, tác giả đã lột tả trọn vẹn vẻ đẹp và linh hồn của dòng sông Hương - con sông mang dáng hình và dấu ấn của xứ Huế mộng mơ. Tác phẩm đã thể hiện được phong cách của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

9. Kết bài Vợ chồng A Phủ

        Qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, ta thấy không chỉ tố cáo bọn chúa đất chúa mường, Tô Hoài còn phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất và khát vọng tự do hạnh phúc, cùng sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người lao động. Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, gắn tình thương với đấu tranh, gắn niềm tin vào tương lai đầy triển vọng của con người. Đó chính là sự diễn tả hợp lý những nghịch cảnh, những diễn biến phức tạp trong tâm hồn Mị, giúp nhà văn phần nào đạt đến cái gọi là “phép biện chứng tâm hồn”.

10. Kết bài Vợ nhặt

        Trên phông nền u ám của nạn đói, của cái chết, tiếng quạ kêu thê thiết với mùi đống dâm khét lẹt, Kim Lân vẫn pha vào đó một chút màu sắc ấm áp của hạnh phúc lứa đôi, lóe lên hy vọng về một ngày mai tươi sáng, về sự thay đổi vận hội. Thông qua tình huống dở khóc dở cười vô cùng trớ trêu đó, tác giả ngầm khẳng định một chân lý: “Sự sống nảy sinh từ trong lòng cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong gian khổ hy sinh. Ở đời này không có con đường cùng mà đây chỉ là những ranh giới. Điều cốt yếu là con người phải chuẩn bị cho mình một sức mạnh để có thể vượt qua những ranh giới ấy”.

11. Kết bài Rừng xà nu

        Nguyễn Trung Thành đã từng viết: “Tôi yêu say mê cây xà nu. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứ nhựa. Tán lá vừa thanh vừa rắn rỏi, mênh mông, tưởng như đã sống ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau”. Với Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã đặt ra một vấn đề lớn lao đó là để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không có cách nào khác là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù.

12. Kết bài Những đứa con trong gia đình

        Có thể khẳng định Những đứa con trong gia đình là một tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài yêu nước trong giai đoạn chống Mĩ. Tác phẩm đã làm nổi bật hình ảnh về những đứa con trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

13. Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa

        Nguyễn Minh Châu quả thật là “nhà văn mở đường tinh anh” đúng như lời nhận xét của Nguyên Ngọc. Với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, ông đã mang đến cho con người một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

14. Kết bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt

        Nhiều thập kỷ trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện, trong khí thế vươn lên của đất nước và dân tộc, sẽ còn tìm thấy nhiều tầng ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Thông qua hình tượng hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đặt ra những vấn đề tư tưởng thấm đẫm chất nhân văn, không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà có ý nghĩa muôn đời đối với tất cả mọi người.

icon-date
Xuất bản : 22/07/2021 - Cập nhật : 23/07/2021