logo

Ngôi thứ 1, 2, 3 trong tiếng Việt là gì?

Câu trả lời chính xác nhất: Đại từ nhân xưng có thể được phân thành ba loại (theo các ngôi giao tiếp):

- Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: chỉ người đang nói: tôi, tao, tớ, mình, bọn mình, chúng ta...

- Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai: chỉ người đang giao tiếp cùng: bạn, cậu, mày, anh, chị....

- Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: chỉ những người không tham gia giao tiếp nhưng được nhắc đến trong cuộc giao tiếp: nó, anh ta, hắn, y, bọn ấy...

Để giúp các bạn hiểu hơn về Ngôi thứ 1, 2, 3 trong tiếng Việt, Toploigiai đã mang tới bài mở rộng sau đây về đại từ nhân xưng, mời các bạn cùng tham khảo.


1. Tìm hiểu khái quát về đại từ nhân xưng

- Đại từ là những từ dùng để chỉ người, chỉ vật, chỉ ngôi thứ thay cho các danh từ cụ thể và để chỉ định xác định các danh từ, các đại từ nhân xưng làm cho chúng có tính xác định rõ ràng. Đại từ nhân xưng trong tiếng Việt khá phức tạp, do chúng không chỉ được dùng để chỉ ngôi mà còn được dùng để biểu thị những thái độ, tình cảm khác nhau của người nói.

- Đại từ trong tiếng việt được chia làm 3 loại:

+ Đại từ nhân xưng (đại từ chỉ ngôi): Đại từ nhân xưng được dùng thay thế danh từ, chỉ mình hoặc người khác khi giao tiếp. Đại từ nhân xưng được thể hiện ở 3 ngôi là ngôi thứ nhất dùng để chỉ người nói, ngôi thứ 2 được dùng để chỉ người nghe và ngôi thứ 3 là người được ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2 nói tới.

+ Đại từ dùng để hỏi: Loại đại từ này có thể đứng ở đầu hoặc cuối câu hỏi, dùng để hỏi một điều nào với người khác. Ví dụ : Ai?, gì?, ở đâu?, tại sao?.

+ Đại từ dùng để thay thế từ ngữ đã dùng: Vậy, thế,…

Ngôi thứ 1, 2, 3 trong tiếng việt là gì

- Đại từ chỉ ngôi tiếng Việt thường có tính bắt buộc; khi không dùng chúng, quan hệ giữa các vai giao tiếp có thể thay đổi theo hướng xấu hoặc theo hướng suồng sã, thân mật. Ví dụ: Câu “Chị ngồi xuống!” là câu nói lịch sự hơn câu “Ngồi xuống!”. Tùy theo hoàn cảnh, câu thứ hai có thể được tiếp nhận một cách tiêu cực (thiếu lễ độ) hoặc tích cực (thân mật).

>>> Tham khảo: Thế nào là đại từ? Cho ví dụ đại từ?


2. Ngôi thứ 1, 2, 3 trong tiếng Việt là gì?

Như đã nói ở mục 1 thì đại từ nhân xưng có thể được phân thành ba loại (theo các ngôi giao tiếp):

- Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: chỉ người đang nói: tôi, tao, tớ, mình, bọn mình, chúng ta...

- Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai: chỉ người đang giao tiếp cùng: bạn, cậu, mày, anh, chị....

- Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba: chỉ những người không tham gia giao tiếp nhưng được nhắc đến trong cuộc giao tiếp: nó, anh ta, hắn, y, bọn ấy...

>>> Tham khảo: Phân loại đại từ


3. Các loại đại từ nhân xưng

Đại từ nhân xưng có thể được phân thành ba loại theo các ngôi giao tiếp. Trong đó, mỗi loại lại chia ra: số ít và số nhiều, cụ thể:

– Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (chỉ người đang nói: tôi, tao, tớ, mình, bọn mình, chúng ta, bọn ta…)

+ Đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít (tôi, tao, tớ, mình, ….)

Đối với ngôi thứ nhất số ít, khi nói chuyện với mọi người, tùy trường hợp, tương quan tuổi tác, liên hệ bà con, mức độ thân sơ, mà đương sự tự xưng bằng những nhân xưng đại từ khác nhau:

"Tôi", với tất cả mọi người khi bản thân lớn hơn hoặc bằng tuổi.

"Tao", "ta", với một số người khi đương sự không cần giữ lễ, thoải mái, hoặc muốn biểu lộ uy quyền, hoặc sự tức giận, hỗn láo,...

"Anh", "chị" với các em, với những người mà đương sự coi là đàn em của mình.

"Cô", "dì", "bác", "thím",v.v. với các cháu theo tương quan họ hàng, với người nhỏ tuổi được đương sự coi như con cháu.

"Con", với ông bà, cha mẹ, những người bà con ngang vai với ông bà cha mẹ, với thầy cô giáo; với những người già.

"Cháu", với ông bà, chú bác cô dì, với những người ngang tuổi với ông bà cha mẹ.

"Em", với anh chị; với những người hơn tuổi, hơn chức phận, với chồng (nếu người nói là nữ), hoặc người đàn ông nào mà đương nhân muốn dùng tiếng xưng hô này để biểu lộ tình cảm, với thầy cô giáo.

– Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai (chỉ người đang giao tiếp cùng: bạn, cậu, mày, anh, chị, chúng mày, các cậu, các bạn….)

+ Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít (mày, mi, bạn, cậu, chị,…)

Về ngôi thứ hai số ít. Trong tương quan cha-con, mẹ-con, khi đối thoại, cha mẹ gọi con bằng "con" hoặc "mày". Cũng có đôi trường hợp, đối với người con đã có gia đình, có chức phận, người Bắc gọi bằng "anh", bằng "chị". Đối lại, con gọi cha mẹ bằng rất nhiều tiếng: Cha, bố, ba, thầy, cậu, tía; mẹ, má, mợ, me, măng, bu, bầm, u...

Nói chuyện với một người trong vòng bà con, người ta sẽ gọi theo vai vế: Bác, chú, cậu, dượng, cô, dì, thím, anh, chị, dượng nó, chú nó,... Nói chuyện với người ngoài, người ta xưng theo tuổi: Cụ, ông, bà, anh, chị, chú, mày,...

+ Đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số nhiều (chúng mày, chúng bay, chúng mi, các mày,…)

– Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba (chỉ những người không tham gia giao tiếp nhưng được nhắc đến trong cuộc giao tiếp: nó, anh ta, hắn, y, bọn ấy, cô ấy, bạn ấy…).

+ Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít (nó, hắn, y,…)

Đại từ chỉ ngôi thứ ba số ít có thể được tạo ra bằng cách kết hợp từ ‘ta’ hoặc ‘ấy’ với các từ chỉ quan hệ thân thuộc. Ví dụ: ông ta, ông ấy, bà ta, bà ấy, anh ta, anh ấy…

+ Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều (chúng nó, chúng hắn, họ, chúng,…)

Ngoài ra, một số danh từ dùng để xưng hô một cách chính thức (như: bạn, đồng chí, ngài, vị,…) và những danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp, học hàm, học vị, (như giám đốc, thủ trưởng, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống, thầy giáo, cô giáo, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ,…) cũng được dùng làm đại từ nhân xưng (ngôi thứ hai).


4. Ví dụ về đại từ nhân xưng:

"Mình nói với ta mình hãy còn son

Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

Con mình những trấu cùng tro

Ta đi xách nước rửa cho con mình."

- Hoặc là:

"Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà."

-------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về câu hỏi Ngôi thứ 1, 2, 3 trong tiếng Việt là gì? Hi vọng cùng với bài mở rộng về đại từ nhân xưng này sẽ giúp ích cho các bạn. Chúc bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 08/09/2022 - Cập nhật : 09/09/2022