logo

Nghị luận về bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh)

        Tình yêu với những địa hạt huyền bí thiêng liêng của riêng nó từ bao lâu nay vẫn là chân trời mời gọi những ngòi bút đến cày xới mảnh đất ấy. Nhưng, mỗi dấu chân đến kiềm tìm lại tự chiêm nghiệm được cho mình những triết lý mới, và đồng thời để lại dấu ấn của riêng mình tại đó. Nếu Xuân Diệu mang đến cho độc giả một tâm hồn thơ đầy sôi nổi, rạo rực thì Xuân Quỳnh đắm vào trong trang thơ vẻ nữ tính, và tâm hồn giàu trực cảm tinh tế của chị, có lẽ vì thế chăng mà Sóng vẫn là bài thơ neo đậu rất nhiều những cảm tình trong lòng độc giả. Hãy cũng TOPLOIGIAI tìm hiểu qua bài nghị luận về Sóng dưới đây các bạn nhé:

Nghị luận về bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh)  | Văn mẫu 12 hay nhất


Nghị luận về bài thơ Sóng ( Xuân Quỳnh)

       Trước hết, Sóng mở đầu bằng những dòng thơ thể hiện sự đối chọi và hòa điệu rất riêng đến từ cảm nhận của nhà thơ:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.”

       Nếu để ý ta nhận ra, ở hai câu thơ đầu là sự giao thoa của những trạng thái cảm xúc đối lập, vừa dữ dội mà cũng thật dịu êm, vừa ồn ào mà lại mang cả sự lặng lẽ.  Đó là điệu hồn riêng của những con sóng khi hòa mình vào đại dương, hay cũng là nét đẹp vừa mềm mại dịu dàng nữ tính mà cũng thật cá tính của người phụ nữ hiện đại. Nhưng, điểm kết ở hai câu thơ đầu, vẫn là sự hướng về những gì bình yên, êm đềm, lắng đọng nhất. Đó chính là sự biểu hiện một cách đầy tinh tế nét nữ tính của Xuân Quỳnh, rằng có người phụ nữ nào lại không mong tìm được bến đỗ yên bình cho con thuyền trái tim, rằng có trái tim yêu nào không mong mỏ neo của tâm hồn mình không gặp bão tố. Mong ước thẳm sâu ấy, chính là nét đẹp của nữ sĩ gửi riêng vào điệu thơ. Nhưng, khát khao hạnh phúc, khát khao cuộc sống bình dị ấm êm, con sóng ấy quyết không chấp nhận sự sắp đặt, sự đơn độc, nó khao khát mãnh liệt được tìm ra tận bể, để thấu hiểu chính mình, thấu hiểu bản thể. Tìm ra tận bể, hay cũng chính là tìm về cội nguồn, tìm về không phải để một mình một dòng lưu chảy đơn độc, mà bản thân con sóng ấy chủ động khao khát được sẻ chia, được lắng nghe, được đồng điệu. Nhưng nét mới mẻ trong cách dùng từ của Xuân Quỳnh lại một lần nữa khiến người đọc nhận ra, sóng trong thơ chị chẳng còn là con sóng phải đợi phải chờ bất kỳ ai đến khám phá, mà tự nó, chủ động tìm ra tận bể. Rằng ta nhận ra, người con gái hiện đại đã không còn trong thế bị động nữa, mà nó chủ động kiếm tìm, chủ động chinh phục, nó chẳng còn là tấm lụa đào tùy tay người mua kẻ bán như trong ca dao nữa rồi.

“Ôi con sóng ngày xưa

và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”.

       Quá khứ, hiện tại và cả sau này, trái tim yêu vẫn đập mãi những nhịp đập hối hả tha thiết hướng về bến bờ hạnh phúc, cũng giống như con sóng dịu êm mãi vô vào bờ cát để mong tìm kiếm điểm tựa cho chính mình.

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?”

        Lại là câu chuyện nhằm muốn cắt nghĩa, lý giải nguồn gốc của tình yêu, nhưng có thể nhận ra, ở Sóng Xuân Quỳnh không sa đà vào những triết lý để phân tích, lý giải mang tính logic triết luận. Cái Xuân Quỳnh nhấn mạnh và thể hiện ở đây, đó là tình yêu là một quy luật, với những chân lý riêng, nó là câu chuyện của sự đồng điệu và lắng nghe từ hai trái tim yêu, nó không phải là bài toán để người ta có thể phân tích rạch ròi và tìm ra đáp số chính xác nhất. Cho nên, chẳng riêng gì Xuân Quỳnh biết bao nhiêu ngòi bút dùng vốn liếng văn thơ để mong làm tỏ tường nguồn cội của tình yêu cũng đều bất lực, lắc đầu đấy thôi. Họa chăng, nếu có sự lí giải, đó cũng là sự cảm nhận một cách cảm tính nhất từ lăng kính chủ quan của nhà thơ ấy.  Vậy nên, yêu không chỉ là sự nồng nàn trong cảm xúc, sự nồng nàn trong cảm xúc chỉ là điểm khởi đầu của hành trình, muốn vỗ mãi những con sóng lòng để giao cảm, thì nó đòi hỏi sự thấu cảm, sự thấu hiểu đến tỏ tưởng, kiệt cùng của hai tâm hồn. Như Xuân Quỳnh nói, chị cũng không biết về cội nguồn của tình yêu, nhưng chị yêu sự huyền diệu nhiệm màu và bí ẩn ấy mà tình yêu mang lại.

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”.

       Nếu con sóng đập vô hồi vô tận làm nên nhịp sống của biển, thì nỗi nhớ làm nên sự sống của một hồn yêu. Có lẽ vì thế, nên khi viết về các cung bậc trong cuốn từ điển tình yêu,  nỗi nhớ thương đã trở thành đề tài trở đi trở lại của bất kì ngòi bút nào. Nhưng ở đây, một lần nữa, ta lại thấy Xuân Quỳnh mang cả điệu hồn mình phả vào từng con sóng, để từ đó mang lại những cảm nhận riêng, vô cùng mới mẻ. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình trong sóng bao trùm, chế ngự cả cái không cùng của thời gian và không gian, xâm chiếm toàn bộ thế giới vô biên của tâm hồn, nỗi nhớ cụ thể trong ý thức, nỗi nhớ mơ hồ trong tiềm thức, nỗi nhớ hiện hữu trong từng ý nghĩ và nhịp thở. Cái cồn cào da diết, mãnh liệt cuộn trào của cơn sóng lòng như đã cuốn nhịp thơ nhanh, dồn dập theo. Vì thế, nhịp điệu mà Xuân Quỳnh tạo ra ở đây không phải là nhịp điệu bên ngoài, nhịp điệu vô hồn của luật thơ bằng cứng nhắc, của những cách phối âm hiệp vần đơn thuần,  mà là nhịp lòng, nhịp điệu của tâm hồn. Do đó  thơ Xuân Quỳnh rất dễ tạo nên những dư ba trong lòng người đọc.

        Tuy nhiên, có thể nhận ra trạng thái cả trong mơ còn thức không chỉ là nỗi nhớ, nó dường như còn là những dự cảm lo âu của trái tim người phụ nữ luôn khao khát hạnh phúc nhưng do phải trải qua quá nhiều những đắng cay, trái tim ấy vì thương tổn quá nhiều lần, những vết xước thậm chí đã hằn trong tim, nên ngay cả khi đang hạnh phúc trong tình yêu, vẫn luôn lo sợ. Đó chính là biểu hiện cho nét đa cảm, giàu trực cảm của hồn thơ Xuân Quỳnh.

       Và đây, ở Sóng, ta lại bắt gặp một nét đẹp nữa của người phụ nữ Việt, nét đẹp truyền thống đã trở thành bản sắc tâm hồn, tuy nhiên dưới cách diễn đạt mới mẻ của Xuân Quỳnh, nét đẹp truyền thống như mang âm hưởng hiện đại:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương”

        Phương Bắc Phương Nam, cùng cách diễn đạt mới lạ xuôi Bắc ngược Nam chính là cách Xuân Quỳnh khẳng định mạnh mẽ lòng thủy chung, son sắt, không phai chẳng nhạt, không hao chẳng khuyết của tâm hồn mình Đây cũng chính là nét đẹp của người phụ nữ truyền thống.

         Cuộc đời dài rộng thế, nhưng bôn ba và khăn khó là điều dễ hiểu, Xuân Quỳnh vẫn không tránh khỏi âu lo, nhưng âu lo để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa”

        Đến cuối cùng, hồn thơ ấy, hơn cả khao khát hạnh phúc, nỗi nhớ, đó là khao khát về sự hòa nhập, gắn kết đến vĩnh hằng:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”.

        Đây chính là lý do mà Sóng là bông hoa lạ trong vườn thơ kháng chiến, bởi đề tài, bởi cảm xúc mà nhà thơ khai thác, nhưng xét đến cùng, nó vẫn là sự giao cảm, được cùng sẻ chia, hòa nhập làm một chứ không phải là sự tách mình đơn độc để đứng riêng một cõi như cái tôi thơ Mới đã làm.

         Sóng của Xuân Quỳnh, như cỗ xe chở những cảm xúc của người đọc về lại khởi nguồn nguyên sơ nhất của tình yêu, nhưng cũng dội lại biết bao cảm xúc mới mẻ nhờ cách cảm, và văn phong của nữ sĩ. Có lẽ nhờ sự giao thoa ấy, nên dù đời thơ Xuân Quỳnh đã dừng, Sóng thơ Xuân Quỳnh vẫn vỗ khôn nguôi.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021