logo

Soạn bài: Sóng

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Sóng chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 12 chi tiết được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tiếp cận tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Khái quát về tác giả Xuân Quỳnh

Soạn văn 12: Sóng


Soạn bài: Sóng

Câu 1 (trang 156 sgk Văn 12 Tập 1):

Bài thơ có âm điệu nhẹ nhàng, nhịp điệu dạt dào, tha thiết khi thì sôi nổi, sống động lúc lại trầm lắng, tĩnh lặng.

Những yếu tố đã góp phần tạo nên giá trị trên, đó là:

- Cách Xuân Quỳnh sử dụng thể thơ 5 chữ. Thể thơ phù hợp với giọng điệu tự sự, trữ tình, khiến lời thơ như lời thủ thỉ tâm sự giãi bày những nỗi niềm của chính tác giả vậy.

- Cách ngắt nhịp thơ biến đổi linh hoạt, khi thì 2/3 lúc lại ngắt nhịp 1/4. Điều này khiến cho nhịp thơ lúc nhanh lúc chậm, khi sôi nối nhiệt huyết lúc lại trầm buồn trĩu nặng tâm tư.

- Tác giả còn sử dụng thành công những vần chân như: nhỏ, đó, bờ, trở,…đây là những vần mở, khiến câu thơ đọc lên nghe âm vang, như có sự cộng hưởng của hàng ngàn lớp sóng vậy.

- Ngoài ra, cả bài thơ chỉ có duy nhất một dấu chấm ở cuối bài thơ, nó khiến mạch cảm xúc tuôn lên dào dạt, dường như những lớp sóng, lớp nọ nối lớp kia, không có điểm dừng.

Câu 2 (trang 156 sgk Văn 12 Tập 1):

Soạn bài: Sóng (chi tiết)

Bao trùm cả bài thơ là hình tượng sóng. Đây là một hình tượng đa nghĩa, mỗi đặc tính khác nhau của sóng lại tượng trưng cho những phẩm chất khác nhau của “em” và chuyện tình của “em”.

Trước hết, sóng  tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn của người con gái khi yêu. Đó là vẻ đẹp mang nhiều sắc thái, nhiều tầng bậc, nếu không cố công khám phá thì sẽ không thể cảm nhận hết được. Tâm trạng người con gái khi yêu luôn mang 2 thái cực trái ngược nhau, lúc thì rất dữ dội, ồn ào nhưng nhiều khi lại vô cùng dịu êm và lặng lẽ. Dữ dội và ồn ào là cách thể hiện ra bề ngoài, giống như những con sóng ở trên mặt nước. Còn dịu êm và lặng lẽ lại xuất hiện sau, là nét tính cách ẩn sâu, để người yêu “em” tự mình khám phá, tìm hiểu. Em khiến cho người ta có ấn tượng đầu rằng rất sôi nổi, ồn ã, nhưng một khi đã tiếp xúc đủ lâu với em, đã có thể sẻ chia, thấu hiểu em, thì mới biết rằng em thật dịu dàng và lặng lẽ, rất nữ tính, dễ tổn thương, và rất cần được yêu thương trân trọng. Như vậy, nét tính cách dịu êm lặng lẽ không xuất hiện đầu tiên, nhưng lại là nét tính cách quan trọng, khiến người ta nhớ về em.

Không chỉ vậy, sóng còn tượng trưng cho khát vọng kiếm tìm hạnh phúc trong tình yêu của người con gái. Lúc nào em cũng khao khát có được một tình yêu chân thành, cho nên không ngại khó ngại khổ, em sẵ sàng hi sinh, dâng hiến mình trong tình yêu: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể” Mình ở đây là ai? Mình vừa có thể là chính bản thân sông, nhưng đồng thời cũng có thế là sóng. Như vậy, sông và sóng song hành đồng hiện, tuy hai mà một. Đã có sự gắn bó đến mức nhập làm một như thế, nhưng khát khao được thấu hiểu, sẻ chia của em trong tình yêu vẫn chưa hề được thỏa mãn, vẫn có những lúc em cảm thấy thật cô đơn trong chính cuộc tình của mình. Bởi vậy, dù tình có thật đẹp, dù người tình đã gắn bó hai nửa thành một, nhưng vẫn có thể xuất hiện những lúc không tìm được tiếng nói chung, và chia xa cách trở là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Dường như trên đời này không có gì vững vàng hơn tình yêu và cũng chả có gì mỏng mảnh hơn tình yêu ấy vậy.

Muốn có được một tình yêu tròn đầy, không thể không thấu hiểu về nó, và bởi vậy, em quyết tâm đi kiếm tìm nguồn gốc của tình yêu. Từ nguồn gốc của những con sóng, Xuân Quỳnh lí giải nguồn gốc tình yêu của muôn đời. Sóng bắt đầu từ gió, còn gió bắt đầu từ đâu? Em cũng không biết nữa, tương tự như chuyện tình của chúng mình bắt đầu từ khi nào, em chẳng thể tìm được về ngọn nguồn. Làm gì có ai nói trước được chuyện tình sẽ đi về đâu. Nào có ai ngờ uống nhầm một ánh mắt, cơn say sẽ theo cả đời. Em làm gì có biết mình yêu nhau từ bao giờ, dường như từ xa xưa như biển ngàn năm nay vẫn vỗ sóng, nhưng cũng dường như chuyện mới từ hôm qua vậy. Em và anh từ những kẻ xa lạ, làm thế nào lại trở nên thân thiết mà gắn bó đời nhau vào dường như không còn là chuyện quá quan trọng. Chuyện quan trọng là dù đến với nhau như thế nào, dù trước đây anh và em có là ai đi chăng nữa, thì từ nay, từ ngày mà em – anh chung đôi, chuyện quan trọng nhất chính là luôn yêu nhau và trân trọng nhau.

Và biểu hiện quan trọng nhất của tình yêu và sự trân trọng chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ khiến gần mà trở nên xa, khiến xa lại như về gần. Giống như những con sóng ngày đêm nhớ bờ mà dào dạt vỗ suốt cả ngàn năm nay, lòng em chẳng lúc nào thôi nhớ đến anh, đến cả trong lúc mơ vẫn mơ về một bóng dáng quen thuộc. Dường như đến bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh đã chọn một biểu tượng mới, mang tính hiện đại cho hình tượng người phụ nữ. Trong văn học truyền thống Việt Nam, người phụ nữ thường được so sánh với “bến”, với sự chờ đợi và thụ động, còn người đàn ông lại được so sánh với những hình ảnh đầy chủ động như “thuyền”, như “khách bộ hành”,…Dường như có một suy nghĩ cố định trong tâm tưởng người dân Việt Nam bao nhiêu thế hệ nay là trâu phải đi tìm cọc, chứ cọc nào lại đi tìm trâu. Thế nhưng trong bài thơ này, Xuân Quỳnh đã khiến người phụ nữ trở nên chủ động hơn rất nhiều, và ngược lại người đàn ông đầy thụ động trong chuyện tình. Bởi vì sóng nhớ bờ nên sóng chủ động vỗ, bởi vì em nhớ anh nên em chủ động kiếm tìm, khát khao được gặp anh, bởi vì em mong muốn có được hạnh phúc cho nên em chủ động lên đường tìm kiếm.

Sự chủ động, khát khao kiếm tìm tình yêu đích thực của em còn ngân lên một mức cao hơn nữa thông qua hình tượng sóng ở cuối bài thơ. Em muốn được tan ra thành hàng ngàn, hàng vạn con sóng để có thể dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu, đó chính là khát khao được bất tử hóa thứ tình cảm cao đẹp đó.

Câu 3 (trang 156 sgk Văn 12 Tập 1):

Trong mối quan hệ giữa sóng và em, Xuân Quỳnh không so sánh trực tiếp em với sóng, mà nhà thơ đã để em hóa thân vào hình tượng sóng, để sóng soi bóng hộ tâm hồn em. Bởi thế, dường như mọi ranh giới giữa em và sóng trở nên mờ nhòe không rõ ràng, em như trở thành sóng, còn sóng song hành đồng hiện cùng em. Đây cũng chính là kết cấu song hành độc đáo của bài thơ.

Thông qua bài thơ, ta có thể thấy nét tương đồng giữa em và sóng là:

- Sóng luôn khao khát được vỗ về, ôm ấp bờ như em khao khát được yêu thương, gần gũi anh.

- Sóng khao khát được tan ra, như em khao khát được dâng hiến trọn vẹn trong tình yêu.

Câu 4 (trang 157 sgk Văn 12 Tập 1):

Tâm trạng của người phụ nữ trong bài thơ đặc biệt ở chỗ vừa mang màu sắc truyền thống, lại vừa có những nét hiện đại riêng. Truyền thống ở sự thủy chung, niềm tin sâu sắc vào tình yêu, khát vọng về một tình yêu hạnh phúc như phụ nữ bao đời nay vẫn thế. Ngoài ra, em trong bài thơ còn hiện đại ở khát khao trực tiếp bày tỏ tình yêu một cách đầy chủ động, mãnh liệt.


LUYỆN TẬP:

Những câu thơ, bài thơ thể hiện tình yêu thông qua việc so sánh với hình tượng sóng và biển là:

“Biển

Anh không xứng là biển xanh 
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng 
Bờ cát dài phẳng lặng 
Soi ánh nắng pha lê...

Bờ đẹp đẽ cát vàng 
Thoai thoải hàng thông đứng 
Như lặng lẽ mơ màng 
Suốt ngàn năm bên sóng...

Anh xin làm sóng biếc 
Hôn mãi cát vàng em 
Hôn thật khẽ, thật êm 
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại 
Cho đến mãi muôn đời 
Đến tan cả đất trời 
Anh mới thôi dào dạt...

Cũng có khi ào ạt 
Như nghiến nát bờ em 
Là lúc triều yêu mến 
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh 
Nhưng cũng xin làm bể biếc 
Để hát mãi bên gành 
Một tình chung không hết,

Để những khi bọt tung trắng xóa 
Và gió về bay tỏa nơi nơi 
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa, 
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!”

(Xuân Diệu)

 

“Chuyện Tình Biển Và Sóng

Có một lần biển và sóng yêu nhau,
Người ta bảo biển là tình đầu của sóng.
Sóng dữ dội vỡ bờ cát trưa nóng bỏng,
Biển rì rầm hát mãi khúc tình ca.

Có một lần sóng nông nổi đi xa,
Bao kẻ đến và tỏ tình với biển.
Biển sợ rằng sóng không về vĩnh viễn,
Nên đành rằng hò hẹn với vầng trăng.

Sóng trở về thế là biển ăn năn,
Sóng đâu nợ để biển xanh kia vô tội.
Tình chỉ đẹp khi không còn gian dối,
Và bỏ đi kể từ đó không về.

Có một lần anh đã kể em nghe.
Chuyện tình yêu của chúng mình vốn không đơn giản,
Anh phiêu lưu còn em thì lãng mạn,
Và thời gian hò hẹn cũng mong manh.

Sóng bạc đầu từ đó phải không anh?
Còn biển kia vẫn xanh màu huyền bí?
Không phải đâu em biển kia không chung thủy,
Dẫu bạc đầu sóng vẫn mãi thủy chung.

Anh dắt em giữa biển nghìn trùng,
Nghe dã tràng kể chuyện xưa xa vắng.
Dẫu không phải tình đầu em trong trắng,
Chỉ mong anh một lòng với cổ tích biển ngày xưa!”
(Trần Ngọc Tuấn)


Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác