logo

Cảm nhận bài thơ Sóng


Mục lục nội dung

Cảm nhận bài thơ Sóng

        Xuân Quỳnh là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, và đặc biệt điều thấy rõ nhất ở chị chính vẻ đẹp của thiên tính nữ. Mà Sóng chính là những dòng tâm tình chân thành, tha thiết nhất về tình yêu, cũng như những nỗi băn khoăn, lo lắng của người phụ nữ trong tình cảm.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”.

Cảm nhận bài thơ Sóng | Văn mẫu 12 hay nhất

        Khổ thơ đầu thể hiện vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại của người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh, vẻ đẹp ấy được thể hiện bằng những nét đối cực hấp dẫn, ấn tượng. Dữ dội, và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ đó là vẻ đẹp riêng của biển, của những đợt sóng vô hồi vô hạn nhưng như đã mang trong đó lộng gió tâm hồn nhân vật trữ tình. Tinh ý sẽ nhận ra, cho dù “dữ dội”, “ồn ào” biết mấy, thì người phụ nữ bao giờ cũng hướng lòng mình về miền đất bình yên, dịu ngọt “dịu êm, lặng lẽ”. Đó chính là vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, bởi khao khát được yêu, được tìm kiếm một bến bờ, một điểm tựa bình yên chẳng phải của riêng ai nữa rồi. Đến câu thơ tiếp theo, có thể thấy con sóng trong thơ Xuân Quỳnh không chỉ khao khát một bến bờ, một điểm tựa, mà còn khao khát tận cùng tình yêu ấy là sự thấu hiểu, sẻ chia. Vậy nên, nếu “sông không hiểu nổi mình”, sóng quyết tìm ra tận bể.Chẳng phải đợi, chẳng phải chờ, mà là “tìm”, người con gái trong thơ Xuân Quỳnh giờ đây đã không còn sự thụ động, phó mặc hạnh phúc của mình cho người khác sắp đặt như “tấm lụa đào” trong ca dao xưa, mà đã chủ động, quyết liệt tìm ra biển lớn. Hay chăng, đó cũng là hành trình tìm về với bản thể để thấu hiểu chính mình, từ đó mà thấu hiểu hơn về tình yêu. Nhưng, có một điều chắc chắn rằng “con sóng ngày xưa, ngày sau, trong thơ Xuân Quỳnh vẫn bồi hồi rạo rực khát khao tuổi trẻ, khát khao yêu và được yêu”. “Nỗi khát vọng tình yêu, bồi hồi trong ngực trẻ”.

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau?”

      Không chỉ khát khao hạnh phúc, khát khao tình yêu, mà còn có mong muốn lí giải nguồn cội của tình yêu. Trước Xuân Quỳnh, Xuân Diệu cũng đã từng ngỏ ý thơ muốn cắt nghĩa, lí giải tình yêu, nhưng cuối cùng đành bất lực.

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”

       Nhưng có lẽ cũng chính vì thế chăng. Nên tình yêu mới là địa hạt càng huyền bí, hấp dẫn, gọi mời những nhà thơ nhà văn đến mài mực làm thơ. Câu thơ của Xuân Quỳnh, “em cũng không biết nữa”, có chút gì đó mới dịu dàng, nữ tính làm sao. Đó là cái lắc đầu đầy bất lực hay cũng phần nào là nhận thức của Xuân Quỳnh về một quy luật: Tình yêu không thể lí giải, không thể cắt nghĩa chỉ có thể cảm nhận. Tình yêu là sự kì diệu, nó nằm ngoài sự xét đoán của lí trí. Điều mà chính Ta-go trong bài thơ tình số 28 cũng đã tỏ bày:

“Trái tim anh lại là tình yêu

Nào ai biết được chiều sâu và bến bờ của nó

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết trọn nó đâu.”

        Song nếu thơ Ta-go là tiếng nói hướng nội truy tìm bản thể để hướng tới những suy tưởng, triết lí sâu xa, trong khi thơ Xuân Quỳnh hướng ngoại để hướng nội, nên tính chất triết lí được giấu bên ngoài vẻ hồn nhiên trực cảm, do đó dễ tạo nên được sự đồng điệu về mặt cảm xúc, để tiếp tục khơi gợi một mạch chảy mới trong lòng người đọc ở khổ thơ tiếp theo:

“Con sóng dưới dòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

        Nỗi nhớ là cung bậc cảm xúc muôn thuở trong tình yêu, hay đó cũng là nỗi tương tư. Ca dao đã từng tương tư “Nhớ ai bổi hồi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Thơ trung đại cũng có cái tương tư của “ba thu dọn lại một ngày”. Đến Xuân Quỳnh, tương tư, và cách biểu hiện nỗi nhớ có gì đó mới mẻ, hấp dẫn hơn. Nỗi nhớ hóa vào từng đợt sóng, chế ngự cả cái không cùng của không gian và thời gian, xâm chiếm toàn bộ tâm hồn, nỗi nhớ cụ thể trong ý thức, nỗi nhớ mơ hồ trong tiềm thức, nỗi nhớ hiện hữu trong từng ý nghĩ và nhịp thở. Mượn con sóng dào dạt muôn ngàn cung bậc tưởng như tràn bờ cảm xúc để diễn đạt nỗi nhớ, Xuân Quỳnh đã hóa thân vào sóng, để chảy tràn trên trang giấy tấm lòng da diết khắc khoải của mình.

        Nỗi nhớ dường như là tên gọi khác của tình yêu. Còn nhớ, chứng tỏ trái tim vẫn còn yêu, nỗi nhớ càng mãnh liệt, tình cảm càng đậm sâu, thế nên nếu khổ thơ trên là nỗi nhớ, thì khổ thơ phía dưới Xuân Quỳnh, đã bộc bạch luôn tấm lòng thủy chung của mình. Dẫu “xuôi Bắc, ngược Nam”, trái tim vẫn hướng về “phương anh”. Dùng từ cùng trường từ vựng để diễn đạt lòng sắt son, thủy chung của mình, Xuân Quỳnh thật biết cách để tạo nên tứ thơ độc đáo.

       Thế nhưng, ngay ở những dòng thơ tiếp theo, nỗi lo âu lại thoáng hiện trong thơ Xuân Quỳnh, đó là điều dễ hiểu với trái tim người phụ nữ khi yêu, mãnh liệt có, khát khao có, nhưng nó cũng đầy mong manh, vụn vỡ. Bởi vốn lẽ đời, cái gì càng đẹp càng mong manh dễ vỡ, tình yêu có đẹp không ? Nó đẹp bởi ý nghĩa và giá trị nó mang lại để an ủi tâm hồn con người. Chính vì thế mà cũng mong manh dễ vỡ biết bao, đây không phải lần đầu Xuân Quỳnh thể hiện sự âu lo nhạy cảm của mình về tình yêu:

“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết tình anh có đổi thay”.

        Nhưng đến cuối cùng, chị vẫn lựa chọn tin tưởng, vẫn nguyện được hòa nhập để dâng hiến trọn vẹn:

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

       Khát vọng hòa quyện, kết nối để đạt đến sự vô biên vĩnh cửu trong tình yêu, chính vì thế mở đầu bài thơ đi từ khát vọng đào sâu vào bản thể, đến cuối cùng cái tôi ấy vẫn nguyện dâng hiến, hòa nhập, và nhận ra đó chính là giới hạn của sự vĩnh hằng.

      Sóng vẫn thay Xuân Quỳnh sống trong lòng bạn đọc bao thế hệ, qua bao nhiêu mùa hoa đã nở, mùa lá nhạt phai, tiếng thơ Xuân Quỳnh cứ thế, neo đậu mãi trong lòng người đọc.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021