logo

Nghị luận phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu

Là một câu chuyện nhỏ trong series “Quà tặng cuộc sống”, “Tiếng vọng rừng sâu” đã mang lại cho chúng ta một thông điệp rất quý giá. Hãy cùng đi Nghị luận phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu để hiểu rõ hơn về thông điệp này nhé!


Văn bản “Tiếng vọng rừng sâu”

Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: “Tôi ghét người”. Từ khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu hoảng hốt quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu bé không sao hiểu được từ trong rừng lại có người ghét cậu.

Người mẹ nắm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó chính là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặp bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.

Văn bản “Tiếng vọng rừng sâu”

>>> Tham khảo: Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu


Dàn ý phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu

a. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về văn bản.

b. Thân bài

* Phân tích nội dung khái quát của văn bản:

- Nội dung của văn bản: Câu chuyện kể về cậu bé ngỗ nghịch không nghe lời mẹ. Khi bị mẹ khiển trách, cậu đã giận dỗi và chạy vào rừng sâu hét lớn “Tôi ghét người” và cũng nghe lại “Tôi ghét người” ở rừng xa vọng lại. Quá sợ hãi vì ở trong rừng sâu cũng có người ghét mình, cậu bé chạy về nhà khóc nức nở. Mẹ cậu thấy vậy đã dẫn cậu trở lại chỗ đó, bảo cậu hét to: Tôi yêu người”. Thật kì lạ là tiếng bên kia vọng lại cũng là “Tôi yêu người”. Lúc đó, mẹ cậu bé mới giải thích cho cậu quy luật của cuộc sống, giúp cậu rút ra được bài học ý nghĩa qua sự việc trên.

* Đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu:

- Nội dung văn bản đã truyền tải tới chúng ta một thông điệp tích cực và ý nghĩa của cuộc sống.

- Từ văn bản, ta có thể rút ra được nhiều bài học cho bản thân.

c. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị về nội dung và nghệ thuật của văn bản.

Dàn ý phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu

Phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu

      Không chỉ có những cuốn sách ý nghĩa mà “Quà tặng cuộc sống” còn có cả những thước phim ngắn ý nghĩa được phát hành trên mạng. Cuộc sống có thể có rất nhiều quà tặng nhưng quà tặng ý nghĩa mà gắn bó với chúng ta lâu dài nhất chắc chắn là quà tặng về những giá trị của cuộc sống. Văn bản “Tiếng vọng rừng sâu” chính là một câu chuyện nhỏ trong series “Quà tặng cuộc sống” đó. Qua văn bản, ta có thể rút ra được nhiều thông điệp và bài học quý giá trong cuộc sống.

       Câu chuyện “Tiếng vọng rừng sâu” kể về cậu bé ngỗ nghịch không nghe lời mẹ, cậu làm mẹ buồn lòng và bị khiển trách rất nhiều. Khi bị mẹ khiển trách, cậu đã giận dỗi và chạy vào rừng sâu hét lớn “Tôi ghét người” và cậu đã nghe thấy tiếng “Tôi ghét người” ở rừng xa vọng lại. Quá sợ hãi vì ở trong rừng sâu cũng có người ghét mình, cậu bé chạy về nhà sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Mẹ cậu thấy vậy đã dẫn cậu trở lại chỗ đó, bảo cậu hét thật to: Tôi yêu người”. Thật kì lạ là khi cậu vừa dứt lời thì từ rừng sâu cũng vọng lại “Tôi yêu người”. Lúc đó, mẹ cậu bé mới giải thích cho về quy luật của cuộc sống, giúp cậu rút ra được bài học ý nghĩa qua sự việc trên.

      Có thể thấy, qua văn bản trên, ta có thể rút ra được bài học quý giá về luật nhân quả và về tình yêu thương trong cuộc sống. Trong truyện, có thể thấy cậu bé là một đứa trẻ không được ngoan ngoãn. Chỉ vì bị mẹ khiển trách mà quay ra ghét mẹ, giận mẹ rồi vào rừng sâu hét lớn ghét mẹ mình. Ban-dắc đã từng nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”. Dù mẹ có mắng, có trách cũng là vì thương yêu con cái, muốn con trở nên tốt hơn nên dù có bị mẹ mắng thì phải nên nghe lời chứ không được giận dỗi. Người mẹ trong câu chuyện cũng đã rất dịu dàng khi nghe câu chuyện con trai kể, kể về việc cậu vào rừng hét ghét mình, nhưng khi thấy con sà vào lòng khóc vì sợ hãi, bà cũng không mắng cậu mà còn nhẹ nhàng dẫn dắt cậu, chỉ bảo cậu nghe về những bài học quý giá của cuộc sống: “Con ơi, đó chính là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặp bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.

      Qua lời người mẹ nói với con trai, chúng ta có thể rút ra được bài học trong cuộc sống rằng luật nhân quả trong cuộc sống là có thật. Khi ta gieo gió thì sẽ gặp báo, khi ta gieo nhân nào thì sẽ gặp quả nấy. Khi ta ghét ai thì người đó cũng sẽ ghét lại ta và khi ta yêu thương họ thì ta cũng sẽ nhận lại được tình yêu thương ấy. Đó chính là một định luật trong cuộc sống và không thể thay đổi được. 

      Có thể thấy, văn bản “Tiếng vọng rừng sâu” tuy ngắn gọn với nội dung giản dị nhưng lại mang tính truyền tải thông điệp ý nghĩa rất sâu sắc, giúp chúng ta suy nghĩ và tự rút ra cho mình những bài học quý giá về cuộc sống. “Tiếng vọng rừng sâu” chính là một món quà ý nghĩa mà “Quà tặng cuộc sống” muốn gửi tới chúng ta.

-----------------------------

Trên đây là bài viết của Toploigiai về Nghị luận phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu. Mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức và học tập thật tốt. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

icon-date
Xuất bản : 22/03/2023 - Cập nhật : 16/11/2023