logo

Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu (4 đề)

icon_facebook

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu đầy đủ nhất.

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU​

Có một cậu bé ngỗ nghịch hay bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu thét lớn: “Tôi ghét người”. Khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”.Cậu bé hoảng hốt quay về, sà vào lòng mẹ khóc nứt nở. Cậu không hiểu được từ trong khu rừng lại có người ghét cậu

Người mẹ nắm tay con, đưa cậu trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy thét thật to: “Tôi yêu người”. Lạ lùng thay, cậu bé vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó người mẹ mới giải thích cho con hiểu: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió ắt gặp bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”.

(Theo “Quà tặng cuộc sống”, NXB Trẻ, 2002)


Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu - Đề số 1

Câu 1: (1 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được thể hiện trong văn bản.

Câu 2: (1 điểm) Trong câu chuyện trên, người mẹ đã nói với con về định luật gì trong cuộc sống?

Câu 3: (1 điểm) Anh/chị rút ra được bài học gì từ câu chuyện trên?

Đáp án

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2: Định luật trong cuộc sống mà người mẹ đã nói với con:“Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió ắt gặp bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”

Câu 3: Câu chuyện là bài học lớn về một lối sống đẹp: Sống nhân ái, luôn bao dung và yêu thương với mọi người trong cuộc đời. Ta cũng sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp nhất.

Bộ đề Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu hay nhất

Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu - Đề số 2

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2. Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu sau: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta.”

Câu 3. Thông điệp mà câu chuyện trên mang đến cho người đọc.

Câu 4. Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề cho và nhận trong cuộc sống.

Đáp án

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự.

Câu 2:

Thành phần biệt lập: thành phần gọi – đáp (Con ơi).

Câu 3:

Thông điệp: Con người nếu cho đi những điều gì sẽ nhận lại được những điều như vậy, cho đi điều tốt đẹp sẽ nhận được điều tốt đẹp.

Câu 4:

*Nêu vấn đề.

*Giải thích vấn đề:

+ Cho tức là hành động đem những thức thuộc về mình mang đến cho người khác. Cho chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” rất nhỏ, rất đời thường nhưng đó là cả một tấm lòng đáng quý.

+ Nhận là hành động cầm lấy cái được trao cho mình. Nhận ở đây còn là nhận sự yêu thương của người khác với mình, là nhận lại sự đáp trả, đền ơn.

+ Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều mối quan hệ tương trợ, bổ sung cho nhau.

*Bàn luận vấn đề:

+ Nếu con người biết cho và nhận, cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc hơn, các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

+ Phê phán những người cho đi có mục đích, chỉ biết nhận mà không biết cho.

+ Liên hệ bản thân: Em đã cho và nhận những gì trong cuộc sống.


Đọc hiểu văn bản Tiếng vọng rừng sâu - Đề số 3

Câu 1.(1 điểm)

Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản trên và nêu biểu hiện cụ thể của phong cách đó.

Câu 2.(1 điểm)

Gọi tên phương thức biểu đạt chính. Giải thích lý do tại sao anh/chị xác định như vậy?

Câu 3.(1 điểm)

Phân tích 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

Câu 4.(1 điểm)

Qua câu chuyện trên, anh/chị hiểu thế nào là “Định luật trong cuộc sống của chúng ta”?

Đáp án

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

+ Văn bản thuộc thể loại truyện, có dùng biện pháp tu từ, gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc về định luật trong cuộc sống.

+ Văn bản có đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:

. Tính hình tượng: Thông qua việc kể về “Tiếng vọng rừng sâu”, tác giả nhắc chúng ta cần biết sống yêu thương nhau.

. Tính truyền cảm: ca ngợi cách ứng xử dựa trên sự yêu thương, tình người; phê phán cách ứng xử thô bạo.

Câu 2: Phương thức biểu đạt tự sự.

-Giải thích: phù hợp với phương thức biểu đạt đã xác định về lý thuyết. Văn bản “Tiếng vọng rừng sâu” kể về câu chuyện giữa cậu bé và người mẹ xung quanh “tiếng vọng.”

Câu 3: Về BPTT:

- Văn bản sử dụng biện pháp điệp cấu trúc “Tôi yêu người”.

- Biểu hiện của biện pháp đó trong văn bản:

- Ý nghĩa, tác dụng của biện pháp đó:

+  Nhấn mạnh lời dạy của người mẹ.

+ Khuyên mọi ngươi phải biết nói lời tốt đẹp, yêu thương nhau, tránh xa những hận thù, ghen ghét.

 Câu 4: Ý nghĩa định luật cuộc sống của chúng ta:

- Nghĩa đen: “gieo gió thì gặt bão”, “Cho điều gì sẽ nhận điều đó”, “Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con”; Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con”

- Nghĩa bóng:

+ Cuộc sống này có luật nhân quả, gieo nhân nào gặt quả nấy

+ Khuyên mọi người hãy sống yêu thương nhau, đối xử nhân hậu với nhau.


Đọc hiểu Tiếng vọng rừng sâu (trắc nghiệm) - Đề số 4

Câu 1. Văn bản trên kể theo ngôi thứ mấy? 

A. Ngôi thứ nhất.

B. Ngôi thứ ba.

C. Ngôi thứ nhất và thứ hai.

D. Ngôi thứ hai và ngôi thứ ba.

Câu 2. Truyện có bao nhiêu nhân vật?

A. Hai.  B. Ba.    C. Bốn.  D. Năm.

Câu 3. Câu văn: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì ắt gặt bão. Nếu con thù ghét thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con” là lời của ai?

A. Lời của người kể chuyện.

B. Lời của các nhân vật.

C. Lời của nhân vật người mẹ.

D. Lời của nhân vật cậu bé.

Câu 4. Trạng ngữ (in đậm) trong câu: “Lúc đó, người mẹ mới giải thích cho con hiểu” bổ sung cho câu về:

A. Thời gian.

B. Địa điểm.

C. Phương tiện.

D. Cách thức.

Câu 5. Nghĩa của từ “yêu thương” trong văn bản trên được hiểu như thế nào? 

A. Quan tâm đến mọi người xung quanh.

B. Yêu mến và chăm sóc hết lòng với mọi người.

C. Có tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết và quan tâm chăm sóc hết lòng. 

D. Là đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần phải có.

Câu 6. Sau khi nghe khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”, cậu bé có thái độ và hành động ra sao?

A. Hốt hoảng quay về nhà tìm mẹ và kể cho mẹ nghe.  

B. Tức giận chạy về nhà tìm mẹ rồi khóc nức nở.

C. Không sao hiểu được từ trong rừng lại có tiếng người ghét cậu.

D. Hốt hoảng quay về, sà vào lòng mẹ khóc nức nở.

Câu 7. Dấu ngoặc kép của câu văn sau có tác dụng gì ?

Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người”.

A. Dẫn lời nói gián tiếp của nhân vật.  

B. Dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

C. Dẫn các từ ngữ có hàm ý mỉa mai.

D. Dẫn tên các vở kịch, tác phẩm văn học.

Câu 8. Nhận xét nào đúng về người mẹ trong câu chuyện trên?

A. Rất yêu thương con.

B. Hay khiển trách con.  

C. Chăm sóc, lo lắng cho con.

D. Kiên trì giải thích cho con hiểu.

Câu 9. Trong câu chuyện, tại sao người mẹ lại đưa con trở lại khu rừng? 

Câu 10.  Em rút ra bài học gì từ câu chuyện trên?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. B

Câu 2. A

Câu 3. C

Câu 4. A

Câu 5. C

Câu 6. D

Câu 7. B

Câu 8. D

Câu 9. Người mẹ lại đưa con trở lại khu rừng vì người mẹ muốn giải thích cho con trai mình hiểu được một định luật trong cuộc sống “Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì ắt gặt bão”.

Câu 10. Bài học rút ra từ câu chuyện: 

+ Bài học về lối sống đẹp: sống nhân ái, luôn bao dung và yêu thương với mọi người trong cuộc đời.

+ Con người nếu cho đi những điều gì sẽ nhận lại được những điều như vậy, cho đi điều tốt đẹp sẽ nhận được điều tốt đẹp.

+ Con người phải biết cho nhiều hơn là nhận lại, phải biết cho mà không trông chờ đền đáp….

>>> Tham khảo: Nghị luận phân tích và đánh giá nội dung khái quát văn bản Tiếng vọng rừng sâu

icon-date
Xuất bản : 22/09/2021 - Cập nhật : 13/12/2024

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads