logo

Lý thuyết Sinh 11 Bài 13 Chân trời sáng tạo: Bài tiết và cân bằng nội môi

Tóm tắt Lý thuyết Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bài tiết và cân bằng nội môi theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Tổng hợp lý thuyết Sinh học 11 trọn bộ chi tiết, đầy đủ.

Bài 13: Bài tiết và cân bằng nội môi

Soạn Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13


I. Bài tiết


1. Khái niệm và vai trò của bài tiết

– Bài tiết là quá trình đào thải ra khỏi cơ thể các chất sinh ra từ quá trình trao đổi chất mà cơ thể không sử dụng, các chất thừa và chất độc hại (CO2, bilirubin, urea, creatinine,...).

– Quá trình bài tiết giúp tránh sự tích tụ của các chất thải, đảm bảo duy trì nồng độ các chất trong cơ thể ở mức ổn định.

– Quá trình bài tiết có thể xảy ra ở da, phổi, ruột và thận. Trong đó, thận là cơ quan chính đảm nhiệm chức năng bài tiết của cơ thể.


2. Thận và vai trò của thận

– Hệ bài tiết ở đa số động vật và người gồm có hai quả thận, bàng quang và các ống dẫn nước tiểu. 

– Ở người, mỗi quả thận được cấu tạo từ khoảng một triệu đơn vị chức năng gọi là nephron. 

Lý thuyết Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bài tiết và cân bằng nội môi

– Quá trình hình thành và bài tiết nước tiểu gồm bốn giai đoạn:

+ Lọc máu ở cầu thận để tạo thành nước tiểu đầu (dịch lọc).

+ Tái hấp thu các chất cần thiết cho cơ thể.

+ Tiết các ion thừa, chất độc hại vào dịch lọc hình thành nước tiểu chính thức.

+ Nước tiểu theo ống dẫn nước tiểu xuống bàng quang để thải ra ngoài.

– Nhờ chức năng bài tiết nước tiểu, thận đào thải đến 90 % các sản phẩm bài tiết hoà tan trong máu (trừ CO2).


II. Cân bằng nội môi


1. Khái niệm nội môi và cân bằng nội môi

– Tất cả các tế bào trong cơ thể đều sống trong môi trường dịch ngoại bào, do đó, dịch ngoại bào được gọi là môi trường trong cơ thể hay còn gọi là nội môi.

– Cân bằng nội môi là sự duy trì ổn định của môi trường bên trong cơ thể như duy trì áp suất thẩm thấu, độ pH, huyết áp; đảm bảo cho sự tồn tại và thực hiện được chức năng sinh lí của các tế bào. 

– Cân bằng nội môi gồm cân bằng hàm lượng nước; nồng độ các chất như glucose, các ion, amino acid, muối khoáng;... 


2. Cơ chế điều hòa cân bằng nội môi

Hoạt động cân bằng nội môi có sự tham gia của các bộ phận: 

Lý thuyết Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bài tiết và cân bằng nội môi

– Bộ phận tiếp nhận kích thích: thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm tiếp nhận kích thích từ môi trường trong hay ngoài cơ thể. Sau đó, truyền thông tin về bộ phận điều khiển.

– Bộ phận điều khiển: xử lí thông tin được truyền đến từ bộ phận tiếp nhận kích thích. Sau đó, gửi các tín hiệu dưới dạng xung thần kinh (từ trung ương thần kinh) hoặc hormone (từ tuyến nội tiết) đến bộ phận đáp ứng kích thích.

– Bộ phận đáp ứng kích thích: các cơ quan như thận, tim, gan, phổi, mạch máu,... điều chỉnh hoạt động dựa trên các tín hiệu được truyền đến từ bộ phận điều khiển.

→ Kết quả phản ứng của bộ phận đáp ứng kích thích tác động ngược trở lại bộ phận tiếp nhận kích thích. Quá trình này được gọi là liên hệ ngược.


3. Điều hoà cân bằng nội môi

a. Điều hoà áp suất thẩm thấu

– Nước chiếm khoảng 60 – 80 % trọng lượng cơ thể và được duy trì ổn định nhờ hoạt động của thận. 

– Thận đóng vai trò duy trì áp suất thẩm thấu của máu thông qua điều hoà hàm lượng nước và muối trong cơ thể.

b. Điều hoà hàm lượng đường

– Ở người bình thường, hàm lượng đường glucose trong máu khoảng 3,9 – 6,4 mmol/L

– Hàm lượng này được duy trì ổn định chủ yếu nhờ hoạt động của gan

– Khi hàm lượng glucose trong máu tăng, phần glucose dư thừa sẽ được chuyển hoá thành lipid dự trữ trong các mô mỡ.

– Khi hàm lượng glucose trong máu giảm, gan còn sử dụng các chất hữu cơ để tạo thêm glucose cho cơ thể.

c. Điều hoà pH nội môi

– Ở người, pH của máu dao động trong khoảng 7,35 – 7,45. S

– Sự thay đổi pH nội môi dù rất nhỏ cũng có thể gây ra những biến đổi lớn hoặc rối loạn hoạt động của tế bào, cơ quan, thậm chí gây tử vong.


III. Bảo vệ dức khỏe thận và hệ bài tiết


1. Các chỉ số sinh hoá liên quan đến cân bằng nội môi

– Xét nghiệm sinh hoá máu là loại xét nghiệm để xác định hàm lượng (hoặc nồng độ) các chất có trong máu, qua đó, có thể đánh giá tình trạng hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể (gan, phổi, thận,...). 

– Việc xét nghiệm định kì các chỉ số sinh hoá máu là biện pháp giúp phát hiện kịp thời tình trạng mất cân bằng nội môi của cơ thể

– Đưa ra các biện pháp khắc phục hoặc điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

– Khi đọc kết quả xét nghiệm, cần đối chiếu kết quả của bản thân với chỉ số bình thường (được ghi bên cạnh). Bảng 13.1 mô tả một số chỉ số sinh hoá ở người thường được yêu cầu xét nghiệm định kì.

Lý thuyết Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bài tiết và cân bằng nội môi

2. Phòng chống một số bệnh liên quan đến thận và bài tiết

Hiện nay, một số bệnh phổ biến liên quan đến thận và bài tiết như: viêm cầu thận, viêm ống thận, suy thận, sỏi thận, hội chứng thận hư, ung thư thận,...


3. Một số biện pháp bảo vệ thận

- Giữ vệ sinh cơ thể và hệ bài tiết.

- Có chế độ ăn uống khoa học.

- Cần uống đủ nước.

- Kiểm soát hàm lượng đường, cholesterol,... trong máu.

- Không sử dụng rượu, bia.

- Không lạm dụng các loại thuốc.


IV. Trắc nghiệm Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13 (có đáp án)

Câu 1: Chức năng của bộ phận thực hiện cơ chế duy trì cân bằng nội môi là

A. điều khiển hoạt động của các cơ quan bằng cách gửi đi các tín hiệu thần kinh hoặc hoocmôn

B. làm tăng hay giảm hoạt động trong cơ thể để đưa môi trường trong về trạng thái cân bằng và ổn định

C. tiếp nhận kích thích từ môi trường và hình thành xung thần kinh

D. tác động vào các bộ phận kích thích dựa trên tín hiệu thần kinh và hoocmôn

Giải thích: Các cơ quan dinh dưỡng như: thận, gan, tim, mạch máu… thực hiện trong cơ chế duy trì cân bằng nội môi. Các bộ phận thực hiện trong cơ chế duy trì cân bằng nội môi này có chức năng làm tăng hay giảm hoạt động trong cơ thể và đưa môi trường trong về trạng thái cân bằng và ổn định.

Câu 2: Hội chứng Sheeshan là gì?

A. U tuyến yên bị xuất huyết và hoại tử

B. Tuyến yên bị nhiễm vi rút

C. Tuyến yên bị nhiễm vi khuẩn

D. Là bệnh ác tính của tuyến yên

Giải thích: Hội chứng Sheehan (suy tuyến yên sau sinh) là rối loạn hiếm gặp, xảy ra do cơ thể thiếu máu nuôi dưỡng cục bộ sau sinh dẫn đến hoại tử tuyến yên. Hội chứng Sheehan này có các biến chứng cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng như hạ đường huyết cấp, suy thượng thận cấp, rối loạn điện giải nghiêm trọng. 

Câu 3: Khi lượng nước trong cơ thể giảm thì sẽ dẫn đến hiện tượng nào sau đây?

A. Áp suất thẩm thấu tăng và huyết áp giảm

B. Áp suất thẩm thấu và huyết áp tăng

C. Áp suất thẩm thấu giảm và huyết áp tăng

D. Áp suất thẩm thấu và huyết áp giảm

Câu 4: Nguyên nhân nào sau đây làm cho cơ thể có cảm giác khát nước?

A. Do áp suất thẩm thấu trong máu tăng

B. Do áp suất thẩm thấu trong máu giảm

C. Do độ pH của máu giảm

D. Do nồng độ glucozo trong máu giảm

Giải thích: Khi áp suất thẩm thấu trong máu tăng, huyết áp giảm => khối lượng nước trong cơ thể giảm sẽ kích thích trung khu điều hòa trao đổi nước ở vùng dưới đồi thị làm giảm tiết nước bọt gây cảm giác khát.

Câu 5: Áp suất thẩm thấu của máu được duy trì ổn định chủ yếu nhờ vai trò của cơ quan nào sau đây?

A. Gan và thận

B. Phổi và thận

C. Tuyến ruột và tuyến tụy

D. Các hệ đệm

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết Sinh học 11 Chân trời sáng tạo

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai cùng các bạn Tóm tắt Lý thuyết Sinh học 11 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bài tiết và cân bằng nội môi theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Mời các bạn click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới Lớp 11 nhé. Chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 05/06/2023 - Cập nhật : 19/08/2023