logo

(Cánh diều) Lý thuyết Địa lí 11 Bài 12: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

Tóm tắt (Cánh diều) Lý thuyết Địa lí 11 Bài 12: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Tổng hợp lý thuyết Địa lí 11 trọn bộ chi tiết, đầy đủ.

Bài 12. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

- Soạn Địa lí 11 Cánh Diều Bài 12


I. Mục tiêu của ASEAN

Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc, với 5 nước thành viên: Thái Lan, Xin-ga-po, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a.

- Tuyên bố Băng Cốc đưa ra mục tiêu của tổ chức này.

- Ngày 15-12-2008, Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực với các mục tiêu cụ thể và toàn diện, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM-41) được tổ chức ở Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a.

- Mục tiêu chính của Hiến chương ASEAN là:

+ Duy trì và thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

+ Nâng cao năng lực tự cường khu vực thông qua việc đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hoá — xã hội.

+ Giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

+ Thúc đẩy phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường khu vực, tài nguyên, di sản văn hoá.

+ Mục tiêu của ASEAN là hướng tới một khu vực hoà bình, an ninh, ổn định, kinh tế phát triển bền vững, thịnh vượng và tiến bộ xã hội.


II. Cơ chế hoạt động và một số hợp tác trong kinh tế, văn hóa của ASEAN


1. Cơ chế hoạt động của ASEAN

Hoạt động của ASEAN tuân theo các nguyên tắc được quy định trong Hiến chương ASEAN và thông qua các hoạt động của các cơ quan ASEAN, các hợp tác, các chương trình, các hiệp ước,..

a) Các cơ quan điều phối của ASEAN

Hội nghị Cấp cao ASEAN: những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ dưa ra các chỉ đạo và các vấn đề then chốt.

- Hội đồng Điều phối ASEAN: Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN chuẩn bị các cuộc họp cấp cao, điều phối việc thực hiện các thoả thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN; xem xét báo cáo của Tổng Thư kí ASEAN về chức năng và hoạt động của Ban Thư kí cũng như của các cơ quan liên quan khác.

- Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN: bảo đảm việc thực hiện các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN, điều phối các công việc trong lĩnh vực phụ trách và các vấn đề có liên quan tới các Hội đồng Cộng đồng khác.

- Các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng ASEAN: thực hiện các thoả thuận và quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN.

- Tổng Thư kí ASEAN, Ban Thư kí ASEAN, Uỷ ban các Đại diện thường trực bên cạnh ASEAN, Ban Thư kí ASEAN quốc gia, Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Quỹ ASEAN.

b) Các nguyên tắc chính trong hoạt động của ASEAN

- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên.

- Cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hoà bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực.

- Không xâm lược, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hay các hành động khác trái với luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng hoà bình.

- Tuân thủ nguyên tắc thương mại và cơ chế dựa trên luật lệ của ASEAN.


2. Một số hợp tác trong kinh tế, văn hoá của ASEAN

Hợp tác của ASEAN được đẩy mạnh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh tế và văn hoá.

a) Trong lĩnh vực kinh tế

ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện kinh tế thông qua các hiệp định, khu vực thương mại, đầu tư. Các biểu hiện bao gồm:

- Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA).

- Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP).

- Ngoài ra, các quốc gia ASEAN còn tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng trong nhiều lĩnh vực khác như giao thông vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, du lịch,...

b) Trong lĩnh vực văn hoá

Trong xu thế toàn cầu hoá, văn hoá là cầu nối quan hệ quốc tế của mỗi quốc gia.

- ASEAN có nhiều hoạt động mở rộng hợp tác văn hoá, bao gồm giáo dục, y tế, thể thao, thanh thiếu niên, lao động,...

- Các biểu hiện cụ thể bao gồm:

+ Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR).

+ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games).

+ Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP).

Bên cạnh đó, hội nghị bộ trưởng như: Hội nghị Bộ trưởng Thể thao ASEAN (AMMS), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED), Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN (AMMY), Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW),... được diễn ra thường xuyên để củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên.


III. Thành tựu và thách thức của ASEAN

Từ khi thành lập đến nay, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá – xã hội, an ninh – chính trị,... Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước hàng loạt thách thức, đòi hỏi các nước thành viên cùng chung tay giải quyết, bao gồm việc thúc đẩy tăng trưởng và bền vững kinh tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và khối nước, giải quyết mức sống chênh lệch, đói nghèo, di cư, sắc tộc, tôn giáo, dịch bệnh, môi trường và thiên tai, và giữ vững chủ quyền và an ninh khu vực.

Các thành tựu của ASEAN bao gồm tạo dựng nền văn hoá đa dạng trong thống nhất, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng của người dân, tăng HDI của các nước, cải thiện đời sống của người dân, tạo dựng môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực, và đạt được thỏa thuận Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).


IV. Hợp tác đa dạng và vai trò của Việt Nam trong ASEAN

- Ngày 28-7-1995, Việt Nam gia nhập ASEAN và đã chủ động tham gia hợp tác với các nước ASEAN trong nhiều lĩnh vực.

- Việt Nam thúc đẩy việc kết nạp Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia vào ASEAN và hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2010 và 2020.

- Thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 và lần thứ 31. Góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các nước kí kết thành công Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và hiện thực hoá Hiến chương ASEAN.

- Việt Nam giữ vai trò kết nối thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong ASEAN và tham gia tích cực trong việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 để hội nhập toàn cầu.


V. Trắc nghiệm Địa 11 Cánh Diều Bài 12 (có đáp án)

Câu 1. Cơ chế hợp tác của ASEAN không có biểu hiện nào sau đây?

A. Thông qua các diễn đàn.

B. Tổ chức sản xuất vũ khí.

C. Tổ chức các hội nghị.

D. Các dự án, chương trình.

Giải thích:

Các cơ chế hợp tác của ASEAN rất phong phú và đa dạng, với mục đích hình thành “Khu vực kinh tế tự do ASEAN” thông qua các diễn đàn, hội nghị, các dự án, chương trình nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu chung. Không có tổ chức hay liên kết sản xuất các loại vũ khí.

Câu 2. Về kinh tế, Việt Nam xuất khẩu gạo sang các quốc gia nào sau đây trong cộng đồng ASEAN?

A. In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin và Ma-lai-xi-a.

B. In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia và Ma-lai-xi-a.

C. Cam-pu-chia, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a.

D. Bru-nây, Phi-lip-pin và Ma-lai-xi-a.

Câu 3. Cán cân xuất - nhập khẩu của khối ASEAN đạt giá trị dương (xuất siêu) là thành tựu về mặt

A. văn hóa.

B. xã hội.

C. kinh tế.

D. chính trị.

Câu 4. Nhận định nào sau đây không phải cơ sở hình thành ASEAN?

A. Do sức ép cạnh tranh giữa các khu vực trên thế giới.

B. Có chung mục tiêu, lợi ích phát triển kinh tế, xã hội.

C. Việc sử dụng chung một loại tiền tệ trong giao dịch.

D. Sự tương đồng về địa lí và văn hóa của các quốc gia.

Giải thích:

Các nước ASEAN có nhiều điểm chung về vị trí địa lí, tương đồng về đặc điểm văn hóa, xã hội. Mặt khác, trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa hiện nay, sự liên kết giữa các quốc gia sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn: liên kết lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng thực hiện các mục tiêu chung như phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việc sử dụng chung đồng tiền không phải là cơ sở cho sự hợp tác, liên kết giữa các quốc gia.

Câu 5. Quốc gia nào sau đây là thành viên chính thức cuối cùng của ASEAN đến thời điểm này?

A. Đông Ti-mo.

B. Lào.

C. Cam-pu-chia.

D. Việt Nam.

Giải thích:

- Đông Ti-mo chưa gia nhập ASEAN.

- Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995.

- Lào gia nhập ASEAN năm 1997.

- Cam-pu-chia gia nhập ASEAN năm 1999.

>>> Xem toàn bộ: Lý thuyết Địa lí 11 Cánh Diều

-------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Tóm tắt Lý thuyết Địa lí 11 Cánh Diều Bài 12. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo chương trình Sách mới ngắn gọn nhất. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới Lớp 11 nhé. Chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 08/03/2023 - Cập nhật : 12/08/2023