logo

Đối tượng tác động của tội phạm là

icon_facebook

Dưới đây là lời giải chi tiết cho câu hỏi: “Đối tượng tác động của tội phạm là” kèm với phần giải thích dễ hiểu và kiến thức vận dụng do Top lời giải biên soạn hay nhất, qua đó là tài liệu học tập hữu ích dành cho các bạn học sinh ôn tập tốt hơn


Câu hỏi: Đối tượng tác động của tội phạm là

Trả lời

Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm mà chỉ có thông qua việc tác động đến nó tội phạm mới có thể xâm hại được đến các quan hệ xã hội được Bộ Luật hình sự bảo vệ.


Kiến thức tham khảo về Tội phạm


1. Khái niệm về tội phạm?

Đối tượng tác động của tội phạm là

Quy định về tội phạm theo pháp luật hình sự được hiểu như sau:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

Xem thêm: 

>>> Những vấn đề cơ bản về đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội


2. Phân loại đối tượng tác động của tội phạm

a. Con người – chủ thể của quan hệ xã hội

Con người với ý nghĩa vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội có thể là chủ thể của nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Trong các quan hệ xã hội có quan hệ xã hội chỉ có thể bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường của con người là chủ thể của quan hệ xã hội đó. Quan hệ nhân thân là quan hệ xã hội thuộc loại này. Các tội phạm được quy định trong Chương XIV Bộ luật Hình sự đều có đối tượng tác động là con người. Những hành vi phạm tội của nhóm tội phạm này có thể là hành vi tước đoạt tính mạng, hành vi gây tổn hại cho sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.

b. Đối tượng vật chất – khách thể của quan hệ xã hội

Trong các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ có quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại qua việc làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng vật chất như quan hệ sở hữu… Các hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng bình thường của tài sản một cách trái pháp luật đều là những hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Sự làm biến đổi tình trạng này có thể do những loại hành vi khác nhau gây ra như hành vi chiếm đoạt, hành vi chiếm giữ, hành vi sử dụng trái phép, hành vi huỷ hoại hay làm hư hỏng.

c. Hoạt động bình thường của chủ thể – nội dung của quan hệ xã hội

Luật hình sự bảo vệ quan hệ xã hội không chỉ qua việc đảm bảo tình trạng bình thường cho con người là chủ thể của quan hệ xã hội, cho đối tượng vật chất là khách thể của quan hệ xã hội mà ở những quan hệ xã hội nhất định, còn qua việc bảo đảm hoạt động bình thường của chủ thể với ý nghĩa là nội dung của quan hệ xã hội. Trong những trường hợp đó, hoạt động bình thường của chủ thể được coi là đối tượng tác động của tội phạm. Sự làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động ở đây là sự cản trở hoạt động bình thường của chủ thể hoặc dưới hình thức làm biến dạng xử sự của người khác hoặc dưới hình thức tự làm biến dạng xử sự của chính mình. Ví dụ: Hành vi đưa hối lộ (Điều 364 Bộ luật Hình sự) là hành vi nhằm làm biến dạng xử sự của người có chức vụ, quyền hạn; hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 332 Bộ luật Hình sự) là hành vi tự làm biến dạng xử sự của chính mình.

Việc xâm hại quan hệ xã hội bằng cách tác động đến đối tượng tác động của tội phạm không có nghĩa là đối tượng tác động của tội phạm cũng luôn luôn bị hư hại cùng với các quan hệ xã hội. Trong nhiều trường hợp, đối tượng tác động của tội phạm không rơi vào tình trạng xấu hơn so với trước khi tội phạm xảy ra. Ví dụ: Người trộm cắp tài sản thường không gây hư hỏng cho tài sản trộm cắp là đối tượng tác động của tội phạm mà còn có thể có biện pháp bảo vệ giá trị vật chất của tài sản đã chiếm đoạt…

Khi nghiên cứu đối tượng tác động của tội phạm cần phân biệt đối tượng tác động của tội phạm với công cụ, phương tiện phạm tội. Công cụ, phương tiện phạm tội là đối tượng được người phạm tội sử dụng để tác động đến đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm.

Với vai trò là bộ phận của khách thể của tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm có thể được phản ánh là dấu hiệu trong cấu thành tội phạm. Ví dụ: Điều 303 Bộ luật Hình sự quy định đối tượng tác động của tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia phải là công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thuỷ lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hoá và xã hội.

Đối với những trường hợp này, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm là bắt buộc khi định tội.

Ở một số tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm có thể được phản ánh trong cấu thành tội phạm tăng nặng là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng. Ví dụ: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội trộm cắp tài sản.

Đối với những trường hợp này, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt tăng nặng.

Trong những trường hợp khác, việc xác định đối tượng tác động của tội phạm có thể có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và và do vậy cũng có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.


3. Các dấu hiệu của tội phạm

Thứ nhất: Tính nguy hiểm cho xã hội

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là dấu hiệu đầu tiên để xác định được hành vi đó có phải là tội phạm hay không. Tính nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở việc gây thiệt hại hoặc tạo ra nguy cơ gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội. Trong đó các quan hệ xã hội là đối tượng bảo vệ của luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội là một thuộc tính quan trọng và cơ bản nhất, có ý nghĩa quyết định các dấu hiệu và được thể hiện thông qua hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Theo quy định tại điều 123 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổ bổ sung năm 2017 về tội giết người là hành vi nguy hiểm xâm hại trực tiếp đến tính mạng con người. Người bị giết là người còn sống, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng con người, gây nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai: Tính có lỗi

Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Lỗi thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý, là một dấu hiệu rất quan trọng trong cấu thành tội phạm. Mục đích của áp dụng hình phạt là trừng phạt người có lỗi chứ không phải trừng phạt hành vi. Trong bộ luật hình sự Việt Nam thì nguyên tắc có lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Người chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Việt Nam không phải chỉ đơn thuần vì người này có hành vi khách quan gây thiệt hại cho xã hội mà còn vì đã có lỗi trong thực hiện hành vi khách quan đó. Có thể chia hành vi phạm tội thành lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Ví dụ: Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội giết người thì có thể thấy tội phạm cố ý giết người. Tội phạm thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng người khác, người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu hoặc có thể gây cho nạn nhân chết và mong muốn hoặc bỏ mặc cho nạn nhân chết. Biểu hiện ý thức này ra bên ngoài thường được biểu hiện bằng những hành vi như: chuẩn bị hung khí (phương tiện), điều tra theo dõi mọi hoạt động của người định giết, chuẩn bị những điều kiện, thủ đoạn để che giấu tội phạm,…

Thứ ba: Tính trái pháp luật

Căn cứ theo điều 2 Bộ luật hình sự 2017 quy định về trách nhiệm hình sự như sau:

“ Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy bất cứ hành vi nào không được quy định là một tội trong bộ luật Hình sự thì việc thực hiện hành vi đó đều không phải là tội phạm.

Ví dụ: Dù pháp luật quy định rất rõ ràng và cấm chủ thể, pháp nhân thực hiên các hành vi vi phạm pháp luật nhưng chủ thể vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của mình. Khi pháp luật đã quy đinh cấm giết người tại điều 123 Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung 2017  nhưng chủ thể vẫn thực hiện hành vi giết người và trái pháp luật.

Thứ tư: Tính phải chịu hình phạt

Tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Chỉ những hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt, hình phạt được coi là cơ chế răn đe, giáo dục đối với tội phạm. Tùy theo từng loại tội khác nhau có yếu tố tăng nặng hay giảm nhẹ mà người phạm tội đều phải chịu hình phạt trước tội của mình gây ra,

Ví dụ theo khoản 1 điều 123 thì người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Pháp luật có quy định rất rõ ràng về mức hình phạt mà người phạm tội cần chịu khi vi phạm.

icon-date
Xuất bản : 07/05/2022 - Cập nhật : 13/06/2022

Câu hỏi thường gặp

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

😓 Thất vọng
🙁 Không hữu ích
😐 Bình thường
🙂 Hữu ích
🤩 Rất hữu ích
image ads