logo

Đọc hiểu Nghêu, Sò, Ốc, Hến

Trả lời đọc hiểu Nghêu, Sò, Ốc, Hến sẽ cho bạn thấy được những tập tục của thời phong kiến và cơ sở để tạo nên tiếng cười thể hiện qua vô vàn nghệ thuật đặc sắc.

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

NGHÊU, SÒ, ỐC, HẾN

(Trích)

LỚP 5: 

TRẦN ỐC: May may mà rủi rủi 

Rủi rủi lại may may! 

May chân Ốc chạy hay, 

Rủi cho Ngao bị bắt 

Việc tưởng đà rất ngặt, 

Thế ta phải sớm toan

Mau chân Ốc vội vàng, 

Cứu thầy Ngao cho được.

(Hạ)  

LỚP 6

LÍ HÀ: Trai đinh! Cùm chân nó lại

(Chúng dân cùm, Ngao không cho)

LỮ NGAO: Đứa nào động đến móng chân thầy, thầy đá cho mà chết.

DÂN CHÚNG: Bẩm thầy Lí, nó đá.

LÍ HÀ: Bay lấy dây cột đầu treo lên xà nhà cho tao!

(Chúng dân cùm Ngao...)

LỮ NGAO: Thôi được, thầy cho bay cùm.

LÍ HÀ: Cùm cả hai chân.

LỮ NGAO: Ấy, ấy! Thầy không cho.

TRÙM SÒ: Lấy dùi đục gõ mắt cá chân đi!

LỮ NGAO: Thôi, bay nói hết lời, thầy cho bay cùm hai chân đây.

TRÙM SÒ: Thôi anh em dân canh giữ lấy nó. Gia đình bay! Về ngay! Mời thầy Lí về nhà tôi xơi chén rượu.

(Hạ)

LỚP 7

TRẦN ỐC:

Khuyển bỉ vật bi! Vật bi!

Hữu ngô lai trợ! Lai trợ!

Gian nan hà túc lự?

Khẩn cấp khả đào sanh! (1)

(Quân canh ngủ. Ốc sờ soạng lại chỗ Ngao, Ngao hất Ốc ra.)

LỮ NGAO: A! A! Thầy biết rồi. Thằng Trùm Sò mời thẳng Lí Hà về uống rượu, rồi bàn bạc với nhau, thấy bắt thầy cùm là thất lí, mới cho người ra mở cùm cho thầy, để thầy đi đàng thầy cho trôi. Chớ giải thầy lên quan thì phải tốn kém. Thầy dại gì cho bay mở cùm! Tao nằm đây, con dòi bằng cổ tay tao chưa về... Phen này, Trùm Sò phải hết cửa hết nhà với thầy cho coi! Bay giải thầy lên quan, trước hết phải mua chai rượu làm lễ ra mắt quan. Quan Huyện mới nhận chai rượu đó, mới đưa vào trong cho bà Huyện. Quan mới xử lăng nhăng chỉ chi đó, rồi quan nạt quan nộ, lão Trùm Sò phải lén ngõ sau mua lại chai rượu của bà Huyện, để thưa thưa, bẩm bẩm lần nữa. Vậy là nay khai, mai báo, chai rượu đó cứ luân hồi ngõ trước ngõ sau làm cho Trùm Sò phải hết nhà! Hết nhà! Hà hà... Bay có khôn ra đây, thầy bày cho! Bay sắm khay trầu can rượu với chừng dăm quan tiền thôi, bay qua thưa với mụ thầy là con vợ tao đấy, nói khó với nó một tiếng, nó qua nhận thầy về. Vậy mà chắc chi thầy đã về cho! Em chết rồi, em Sò của thầy ơi! Hà hà...

TRẦN ỐC: (Phải giả tiếng mèo để làm hiệu riêng gọi) Ngao! Ng.ao!

LỮ NGAO: (Đoán biết ám hiệu, cùng theo tiếng mèo đáp lại) Ốc! Ốc!
(Óc đến mở cùm công Ngao thoát chạy. Quân canh thức dậy, hô hoán truy lùng….)

TRẦN ỐC: Lâm nước bí! Lâm nước bí! Khó thoát thân! Khó thoát thân! Quả dân đinh đã đuổi theo gần. Đốt xích hậu (2) mới mong chạy thoát.

(Ốc giấu Ngao một nơi, trở lại đốt xích hậu, chúng dân đổ về chữa cháy. Ốc cũng Ngao chạy thoát.)

LÍ HÀ, TRÙM SÒ: Cùng bọn người nhà

Chỉ thị hoả tại xóm nọ

Một đoàn tới đó,                                                   

Ngõ (3) cứu lửa kia!

(Hạ)

(Theo Tổng tập văn học Việt Nam, tập 12, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000)

Chú thích: 

Tóm tắt vở tuồng: Trộm Ốc nhờ thầy bói Nghêu (hay Ngao) gieo quẻ chỉ hướng vào ăn trộm nhà Trùm Sò. Ốc đem của trộm được bán

cho Thị Hến, một gái góa trẻ đẹp. Lý trưởng và Trùm Sò đến lục soát bắt được tang vật, liền giải Thị Hến lên trình quan huyện. Khi đến

công đường, Thị Hến đã làm cho quan huyện và thầy đề mê mệt vì nhan sắc của mình. Kết quả là Trùm Sò mất tiền, thầy Lý bị đòn, Thị

Hến được tha bổng. Kết thúc vở là cảnh cả quan huyện, thầy đề, thầy Lý vì mê mẩn Thị Hến chạm mặt nhau và bị các bà vợ đánh ghen

tại nhà Thị Hến.

(1) Khuyên gã chớ buồn! Chớ buồn! Có ta đến giúp! Đến giúp! Gian nan đâu đủ cho ta phải lo? Mau gấp lên có thể chạy thoát. 

(2) Xích hậu: điếm canh (điểm: nhà nhỏ, thường ở đầu làng, dùng làm nơi canh gác).

(3) Ngõ (viết đầy đủ là ngõ hầu): từ biểu thị điều sắp nêu ra là mục đích mà việc làm vừa nói đến mong sao đạt cho được.


Đọc hiểu Nghêu, Sò, Ốc, Hến

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại: 

A. Chèo cổ 

B. Chèo sân đình

C. Tuồng đồ

D. Tuồng pho 

Câu 2. Văn bản kể lại sự việc gì?

A. Trùm Sò bắt nhầm Ngao giải lên huyện, bị quan Huyện làm cho phải mất hết nhà cửa để theo kiện

B. Ngao bị bắt khi đi ăn trộm cùng Ốc, được Ốc đốt xích hậu giải thoát

C. Ốc và Ngao bị bắt khi đi ăn trộm, bị dân chúng cùm chân để giải lên huyện 

D. Ốc bị bắt khi đi ăn trộm cùng Ngao, Ngao đốt xích hậu cứu Ốc 

Câu 3. Tiếng cười trong lớp kịch 6 được tạo ra từ điều gì?

A. Hành động dân chúng cùm chân Ngao

B. Lời nói thể hiện quyền uy của Lí Hà

C. Lời nói thể hiện sự “anh hùng rơm” và hành động từng bước nhượng bộ của Ngao

D. Lời bẩm báo của dân chúng về thái độ chống đối việc bị cùm chân của Ngao

Câu 4.  Phương án nào nêu đúng về lời thoại của Lữ Ngao trong đoạn trích “A! A!... Hà hà!...”.

A. Độc thoại nội tâm

B. Đối thoại với Trần Ốc

C. Đối thoại với Trùm Sò

D. Đối thoại với Lí Hà

Câu 5. Trong lời thoại “A! A!... Hà hà!...”, Lữ Ngao nhầm lẫn điều gì? 

A. Mình được Lí Hà sai quân canh mở cùm vì phát hiện việc bắt giữ người là “thất lí” 

B. Mình bị Trùm Sò giải lên huyện, phải mua chai rượu làm “lễ ra mắt quan”

C. Mình được Trùm Sò mang rượu và dăm quan tiền đến nhà để xin Lữ Ngao bỏ qua việc bị bắt nhầm

D. Mình được Trùm Sò nhờ vợ đến nhận về

Câu 6.  Tại sao Ngao cho rằng “Phen này, Trùm Sò phải hết cửa hết nhà với thầy cho coi!” 

A. Vì Trùm Sò phải sắm khay trầu, can rượu và mang tiền sang nhà Ngao nói khó để vợ Ngao đến đón chồng về

B. Vì Trùm Sò bắt Ngao giải lên quan Huyện cho nên phải theo hầu việc kiện tụng tốn kém

C. Vì Ngao sẽ kiện Trùm Sò về việc bắt giam người vô cớ

D. Vì Ốc đốt nhà của Trùm Sò

Câu 7. Dòng nào nêu đúng về “đường đi” của chai rượu làm lễ ra mắt quan?

A. Đi ngang về tắt

B. Đưa người cửa trước, rước người cửa sau

C. Vào lỗ hà ra lỗ hổng

D. Tít mù rồi lại vòng quanh

Câu 8. Trong lớp kịch 7, tiếng cười được thể hiện như thế nào qua ngôn ngữ của nhân vật Ốc và Ngao?

Câu 9.  Qua đoạn trích, tác giả dân gian phản ánh thực trạng gì khi người dân “vào cửa quan"?

Câu 10. “Vậy là nay khai, mai báo, chai rượu đó cứ luân hồi ngõ trước ngõ sau làm cho Trùm Sò phải hết nhà!” Theo em, nhân vật Ốc sử dụng từ “luân hồi” trong câu văn trên có được không? Vì sao?

Đọc hiểu Nghê, Sò, Ốc, Hến

Trả lời đọc hiểu

Câu 1: Chọn C. Tuồng đồ

Giải thích: Tuồng đồ là loại tuồng mang đậm tính dân gian; lấy đề tài và tích truyện từ cuộc sống thôn xã Việt Nam. Chữ "đồ" trong tuồng đồ lấy ở những từ "đồ ngôn", đồ thuyết"

Câu 2: Chọn B. Ngao bị bắt khi đi ăn trộm cùng Ốc, được Ốc đốt xích hậu giải thoát

Câu 3: Chọn C. Lời nói thể hiện sự “anh hùng rơm” và hành động từng bước nhượng bộ của Ngao

Câu 4: Chọn A. Độc thoại nội tâm

Giải thích: Độc thoại nội tâm cũng là một hình thức đối thoại với một cái tôi hay một người nào đó trong tưởng tượng, nhưng không diễn đạt bằng lời mà bằng những suy nghĩ trong đầu và trái tim.

Câu 5: Chọn A. Mình được Lí Hà sai quân canh mở cùm vì phát hiện việc bắt giữ người là “thất lí” 

Câu 6: Chọn B. Vì Trùm Sò bắt Ngao giải lên quan Huyện cho nên phải theo hầu việc kiện tụng tốn kém

Câu 7: Chọn D. Tít mù rồi lại vòng quanh

Câu 8: 

- Lời của Ốc gồm các câu văn chữ Hán mở đầu lớp kịch 7, giả tiếng mèo kêu làm ám hiệu để báo cho Ngao biết, lời nói hốt hoảng và quyết định đốt xích hậu để cõng Ngao chạy thoát sự truy đuổi của dân đinh.

Trong văn học, các câu văn, câu thơ chữ Hán thường thể hiện sắc thái trang trọng, cổ kính. Ở văn bản này, nó lại tạo ra sắc thái hài hước. Một tên ăn trộm thường phải lẩn lút, im hơi lặng tiếng, ở đây lại tỏ ra “hay chữ” và “tự tin” “đại ngôn” “có ta đến giúp, đến giúp”. Âm thanh giả tiếng mèo kêu cũng tạo ra tiếng cười vì cách “chơi chữ” (“ngao” — từ tượng thanh chỉ tiếng mèo kêu và “Ngao” – tên của nhân vật). Lời thoại của Ốc ở cuối lớp kịch 7 có nhịp điệu nhanh, giàu sức tạo hình, thể hiện thái độ vội vã, hốt hoảng khi biết bị phát hiện và sự ma lanh, nhanh chóng nghĩ ra phương án giải thoát,..

- Lời độc thoại của Ngao là yếu tố tạo ra tiếng cười, lời độc thoại thể hiện qua chi tiết “A! A!... Hà hà!...”.

Sự nhầm lẫn của Ngao tạo ra tiếng cười vui vẻ, bông đùa hay phê phán (nhầm Ốc là người của Trùm Sò và Lý Hà, được Lý Hà, Trùm Sò sai đến mở cùm cho Ngao vì nhận ra đã bắt Ngao khi không đủ chứng lí,...); Sự hình dung trước vụ “bắt thầy giải quan” của Lý Hà và Trùm Sò.

Câu 9: 

- Khi lên cửa quan bẩm báo kiện tụng việc đầu tiên trước hết phải mua chai rượu làm lễ ra mắt quan, quan Huyện mới nhận chai rượu đó, mới đưa vào trong cho bà Huyện

-  Lễ vật được “quay vòng” với chai rượu làm lễ ra mắt quan. Quan Huyện mới nhận chai rượu đó, mới đưa vào trong cho bà Huyện. Quan mới xử lăng nhăng chỉ chi đó, rồi quan nạt quan nộ, lão Trùm Sò phải lén ngõ sau mua lại chai rượu của bà Huyện, để thưa thưa, bẩm bẩm lần nữa. Vậy là nay khai, mai báo, chai rượu đó cứ luân hồi ngõ trước ngõ sau làm cho Trùm Sò phải hết nhà.

- kết quả của kẻ bẩm báo là Trùm Sò mất tiền tán gia bại sản.

Câu 10:

- Trong từ điển, từ “luân hồi” có nghĩa là “chết ở kiếp này rồi lại sinh ra ở kiếp khác, cứ quay vòng mãi mãi như vậy, theo quan niệm của đạo Phật”.

- Nhân vật Ốc sử dụng từ này để miêu tả “chai rượu” làm lễ vào cửa quan của người theo kiện. 

+ Nếu hiểu theo nghĩa gốc thì cách sử dụng như trên là chưa phù hợp, có thể thay bằng từ khác. 

+ Nếu hiểu Ốc sử dụng từ này để cường điệu nhằm mục đích nhấn mạnh, tô đậm những phản ánh về sự thối nát ở chốn cửa quan thì có thể đồng tình với cách sử dụng đó.
 

icon-date
Xuất bản : 12/10/2023 - Cập nhật : 13/10/2023