logo

Đọc hiểu Mò Sâm panh của Nam Cao

 

Câu truyện "Mò Sâm panh" của Nam Cao là một câu truyện đau xót, khiến ai khi đọc xong cũng cảm thấy lặng người đi vì những gì đã xảy ra trong truyện. Hãy cùng Toploigiai trả lời những câu hỏi đề Đọc hiểu Mò Sâm panh của Nam Cao nhé!

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Chú bếp Tư rất thận trọng về vấn đề giữ vệ sinh. Ông thường nói rằng: Khí hậu ở đây chẳng được lành; những người chưa quen với thủy thổ miền nhiệt đới, đến đây mà chẳng biết giữ thân, khó khỏi chết vì nguy hiểm ấy truyền nhiễm phần nhiều do nước bẩn. Bởi vậy nước ăn của ông phải coi giữ như thế nào cho thật sạch. Cái bể nước của ông, ông coi quý gần bằng vợ ông. Mà có lẽ còn quý hơn vợ ông nữa. Bởi vì vợ ông ông có thể để người khác bắt tay, chứ bể nước mà đứa nào dám nhúng tay bẩn hay cái "sô" bẩn vào thì cứ liệu cái thần hồn với ông.

[…]

Chỉ thương xuông cũng không thể gọi là thương. Cái lối thương để bụng vô ích lắm. Phải tìm cách tỏ lòng thương ra ngoài mới được. Nghĩa là phải kính mến nghe lời, giúp đỡ. Thầy giáo Tề bảo thế. Cũng vừa mới bảo lúc nãy thôi, khi giảng nghĩa bài luân lý. Bởi vậy, cắp sách về đến nhà trông thấy bố, Tề nhớ lại. Và Tề có ý nhìn xem bố làm gì. Làm gì? Bác Tư đang vắt cái bụng lên thành bể, hai chân đeo lủng lẳng ở bên ngoài, phần trên người đang buông thõng xuống ở bên trong. Không có lý bác gội đầu bằng cách ấy. Tề im im đứng đợi... Bỗng hai cái chân tụt xuống, bác bếp Tư rút đầu ra. Và bác giật mình đánh thót. Ấy là bác thoáng trông thấy có người đứng cạnh mà không biết người ấy là Tề. Tề mỉm cười, khẽ hỏi.

[…]

Thoát nạn! bác bếp Tư nhẹ lâng cả người. Một tảng đá lớn tưởng đè lên người bác vừa trút đi. Bác chạy xuống cầu thang, bước hai bậc một. Y như một hòn đá lăn trên sườn núi. Bác chạy thẳng lại cái bể. Nhìn trước nhìn sau một thoáng rồi bác mở nắp ra, cúi đầu xuống. Tối om om. Một mảng nước loang loáng như nước mực. Bác gọi con:

- Tề! Tề ơi!

Im lặng. Một nỗi nghi vụt đến. Tim bác nhảy lên một cái. Tiếng khàn khàn, bác gọi :

- Tề ơi! Ra đây thầy kéo lên.

Chẳng có gì đáp lại. Những đốm sáng lăn tăn nhẩy nhót trong bóng tối. Ấy là bác bếp Tư hoa mắt. Bởi vì đầu óc bác đã nặng trĩu, quay quay, choáng váng. Người thì bủn rủn. Bác nhoai lưng vào trong bể, vừa mếu máo vừa rên rỉ:

- Con ơi! Tề con ơi...

Đầu ngón tay bác động phải một vật gì trơn nuồn nuột mà không còn động đậy. Bác toan gào thật to. Nhưng có tiếng giầy tây cồm cộp trên thang gác. Ông chủ xuống! Bác Tư sực tỉnh. Bác rút vội đầu ra khỏi bể. Bác đậy luôn nắp lại. Vừa kịp ông chủ không trông thấy. Bác cố thản nhiên đi vào bếp, lau bát đãi để sắp sửa lên bày bàn. Nhưng nghĩ đến bàn ăn, bác lại sinh lo lắng...

- Còn chai sâm banh!... Đào đâu ra một chai sâm-banh bây giờ?

Đêm hôm ấy, đợi vợ chồng ông chủ tắt đèn đi ngủ một lúc lâu, bác Tư mới rón rén ra sân. Bác mở cái nắp bể thật êm. Bác quờ tay vào bể, loay hoay tìm cách vớt con ra.

Sáng hôm sau, bác vừa báo cho chủ biết con bác phải cảm chết đêm rồi.
Ông chủ giật mình:

- Vì dịch tả phải không?

- Bẩm ông không.

- Thế vì bệnh gì?

- Bẩm... bẩm...

Bác Tư ấp úng. Ông chủ lại càng sợ hãi:

- Đem chôn ngay đi! Bỏ vôi vào! Rồi lấy ca-re-lin rưới khắp nhà, hiểu không?

- Bẩm hiểu.

- Được rồi. Đi đi!

Ông xua bác Tư như xua đuổi một thằng hủi. Mũi ông chun lại. Ra khỏi cửa, bác Tư nhẹ hẳn người. Bác lấy làm may. Nếu ông chủ xuống xem! Nếu ông chủ biết rằng thằng bé đã ngâm mấy giờ đồng hồ trong bể nước!... 

(Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao, NXB Văn học)


Đọc hiểu Mò Sâm panh của Nam Cao

Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? 

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Ngôi thứ hai và ngôi thứ ba 

Câu 2. Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn:  

A. Điểm nhìn của tác giả 

B. Điểm nhìn bác Tư 

C. Điểm nhìn của gia đình ông chủ  

D. Điểm nhìn của con bác Tư – thằng Tề 

Câu 3. Tình huống dẫn đến cái kết đau buồn trong truyện là:   

A. Thằng Tề trượt chân ngã té ghế 

B. Thằng Tề lộn cổ vào bể nước 

C. Thằng Tề bơi trong bể nước, bác Tư giấu con trong đó khi chủ nhà về và không dám để nhà chủ phát hiện cho tới khi con ở đó quá lâu 

D. Thằng Tề bơi trong bể nước, bác Tư làm việc cho nhà chủ và quên con 

Câu 4.  Câu văn “Chỉ thương xuông cũng không thể gọi là thương. Cái lối thương để bụng vô ích lắm. Phải tìm cách tỏ lòng thương ra ngoài mới được” là lời của ai?  

A. Nam Cao 

B. Bác Tư

C. Thầy giáo của Tề 

D. Tác giả kể chuyện 

Câu 5. Đoạn đối thoại giữa bác Tư và ông chủ nhà cho thấy điều gì?

Sáng hôm sau, bác vừa báo cho chủ biết con bác phải cảm chết đêm rồi.
Ông chủ giật mình:
- Vì dịch tả phải không?
- Bẩm ông không.
- Thế vì bệnh gì?
- Bẩm... bẩm...
Bác Tư ấp úng. Ông chủ lại càng sợ hãi:
- Đem chôn ngay đi! Bỏ vôi vào! Rồi lấy ca-re-lin rưới khắp nhà, hiểu không?
- Bẩm hiểu.
- Được rồi. Đi đi!

A.  Bác Tư rất lo lắng chủ nhà biết chuyện con trai đã chết trong bể nước 

B. Chủ nhà là người lạnh lùng, chỉ quan tâm đến vấn đề bệnh tật và yêu cầu bác Tư phải phòng tránh bệnh cho nhà chủ 

C. Chủ nhà là người quan tâm tới vấn đề sức khỏe và yêu cầu bác Tư phải phòng tránh.

D. Bác Tư lo sợ mất việc nên nói dối về cái chết của con trai. 

Câu 6. Trong truyện có xuất chi tiết phi lí, trái với lẽ thường, đó là chi tiết nào?  

A. Bác Tư lo lắng nhà chủ phát hiện ra con trai mình ở nhà chủ hơn là việc con ở trong bể nước 

B. Bác Tư lo lắng nhà chủ phát hiện ra con trai mình ở nhà chủ nên đã nói dối là con bị cảm 

C. Bác Tư nói dối được nhà chủ dù con trai mất mạng mà vẫn cảm thấy nhẹ nhõm 

D. Bác Tư cảm thấy nhẹ nhõm khi nói đối được nhà chủ về sự xuất hiện của con trai mình

Câu 7. Chủ đề chính của truyện ngắn trên là:  

A. Nghịch lí trong cuộc đời con người

B. Số phận của những người nông dân trước Cách mạng Tháng 8 

C. Số phận của những người làm thuê

D. Sự phân biệt giàu nghèo

Câu 8. Hoàn thành bảng sau để xác định điểm nhìn trong văn bản

Điểm nhìn

Nội dung thể hiện

Điểm nhìn bên ngoài 
(Người kể chuyện đứng bên ngoài quan sát)
 
Điểm nhìn bên trong
(Người kể chuyện đi vào thế giới nội tâm của nhân vật để kể chuyện) 
 


Câu 9. Lí do gì khiến bác Tư sợ hãi lo lắng nhà chủ phát hiện ra con trai mình ở trong bể nước hơn cả việc sự sống và cái chết của con? Theo em, việc này có hợp lí không? Tại sao. 

Câu 10. Bằng việc tìm hiểu về văn bản trên, đọc các văn bản cùng thời kì (Xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8), em hãy viết đoạn văn khoảng 10 câu nêu cảm nhận về về số phận của những người nông dân trước Cách mạng tháng 8. 

Đọc hiểu Mò Sâm panh của Nam Cao

Trả lời câu hỏi Đọc hiểu

Câu 1. C => Dựa vào góc nhìn của người kể truyện về các nhân vật, sự việc

Câu 2. A => Dựa vào ngôi kể, góc nhìn trong câu truyện

Câu 3. C => Nếu ông chủ xuống xem! Nếu ông chủ biết rằng thằng bé đã ngâm mấy giờ đồng hồ trong bể nước!...

Câu 4. C => Chỉ thương xuông cũng không thể gọi là thương. Cái lối thương để bụng vô ích lắm. Phải tìm cách tỏ lòng thương ra ngoài mới được. Nghĩa là phải kính mến nghe lời, giúp đỡ. Thầy giáo Tề bảo thế

Câu 5. B => Đó là sự phân biệt rõ ràng của số phận giữa hai tầng lớp trong thời kì xã hội xưa

Câu 6. A => Đó là sự phi lí, trái với lẽ thường, trái với nhân đạo của những số phận khốn khổ, thấp kém trong xã hội xưa

Câu 7. B => Dựa vào hoàn cảnh sáng tác, cũng như bối cảnh của câu truyện

Câu 8.

Điểm nhìn

Nội dung thể hiện

Điểm nhìn bên ngoài 
(Người kể chuyện đứng bên ngoài quan sát)

Bác chạy xuống cầu thang, bước hai bậc một. Y như một hòn đá lăn trên sườn núi 

=> Sự lo lắng của bác khi con trai vẫn còn ở trong bể

Điểm nhìn bên trong
(Người kể chuyện đi vào thế giới nội tâm của nhân vật để kể chuyện) 

- Một lúc lâu sau, bác bếp về, nét mặt băn khoăn: bởi vì bác không tìm thấy kính. Đó không phải là lỗi bác. Nhưng rất có thể rằng ông chủ gắt. Tính ông nóng lắm. Chắc hẳn rằng ông sẽ quát ầm nhà lên... 

=> Sự lo lắng của bác Tư khi sợ ông chủ do bác không thấy kính vì tính ông chủ rất nóng 
- Và ông nhún vai, mỉm cười. Thoát nạn! bác bếp Tư nhẹ lâng cả người. Một tảng đá lớn tưởng đè lên người bác vừa trút đi. 

=>bác Tư nhẹ nhõm khi không bị ông chủ phát hiện 

Câu 9. 

- Nguyên nhân trực tiếp: Nỗi lo sợ của ông chủ người Pháp khi phải sử dụng nước bẩn để sinh hoạt

- Nguyên nhân khách quan: Số phận của những người ở tầng lớp dưới đáy xã hội, đi làm thuê cho nhà chủ Tây, họ phải chịu đựng sự nóng nảy, lạnh lùng, xét nét của chủ nhà, họ làm công nhưng luôn bị coi thường, khinh rẻ, nếu bị chủ nhà nổi giận hay phật ý thì công việc cũng sẽ không còn, nơi mưu sinh kiếm sống qua ngày cũng không còn.

Câu 10.

Cuộc sống của con người trước thắng lợi Cách mạng Tháng Tám thật khốn khổ và chua xót. Họ không có tiếng nói cho riêng mình, tất cả những gì họ làm đều phải dựa vào sắc mặt của người khác. Thậm chí, giá trị của họ có lúc còn chẳng bằng con vật nuôi trong nhà. Họ phải luồn cúi trước cường quyền, những kẻ cướp nước đang nhởn nhơ đứng trên đầu trên cổ mình. Không chỉ vậy, họ còn phải chịu những thứ thuế, những luật lệ vô lí mà bọn chúng ban hành trên khắp đất nước. Cảnh ngày đói, người nghèo, người đau ốm nhan nhản khắp nơi, tạo nên một bức tranh ảm đạm. Đó có lẽ là bức tranh chung thể hiện cho tình hình xã hội nước ta trong thời kì đất nước bị đô hộ. Con người tưởng chừng như đã bị dập tắt đi hết sự sống, không còn hi vọng gì vào tương lai nữa. Họ không còn sống đúng nghĩa là sống nữa, mà họ chỉ còn tồn tại, giống như những bóng ma vật vờ có xác thịt con người.

icon-date
Xuất bản : 19/10/2023 - Cập nhật : 21/10/2023