logo

Đọc hiểu bài thơ Thơ tặng dòng sông "Gió đã thổi giêng hai / Triền sông ngô xanh mướt"

Đọc bài thơ: 

Thơ tặng dòng sông

Gió đã thổi giêng hai
Triền sông ngô xanh mướt
Nghe dạt dào lá hát
Chiều mỡ màng xanh trong

Mây bạc giữa tầng không
In dòng sông lấp loáng
Chiều dập dềnh sóng nắng
Ngực phù sa bồi hồi

Bao thương nhớ đầy vơi
Sóng gối đầu lên bãi
Đất đồng tươi trẻ lại
Mùa gọi mùa sây bông

Thơ viết tặng dòng sông
Vọng mái chèo man mác...

(Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Trọng Hoàn để lại...,
NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2021, tr.401)

Câu hỏi:

1. Chọn phương án đúng

Câu 1: Xác định thể thơ và những yếu tố giúp em nhận diện thể thơ của văn bản Thơ tặng dòng sông.

A. Thể bốn chữ, năm chữ, số tiếng trong các dòng thơ

B. Thể bốn chữ, năm chữ, nhịp và vần của các dòng thơ

C. Thể bốn chữ, từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ

D. Thể năm chữ, số tiếng trong mỗi dòng thơ

Câu 2: Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng trong dòng thơ: Nghe dạt dào lá hát?

A. Ẩn dụ

B. Hoán dụ

C. Nhân hoá 

D. So sánh

2. Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Nhan đề Thơ tặng dòng sông gợi cho em cảm nhận gì về tình cảm của nhà thơ với dòng sông quê?

Câu 2: Tìm những hình ảnh thể hiện vẻ đẹp của dòng sông quê. Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp đó.

Câu 3: Theo em, từ “bồi hồi” trong dòng thơ Ngực phù sa bồi hồi gợi liên tưởng đến tình cảm, nỗi niềm của ai? Vì sao em có thể liên tưởng như vậy? 

>>> Xem đầy đủ: Soạn SBT Ngữ văn 7 Bài 5: Màu sắc trăm màu - KNTT

Trả lời

1. Chọn phương án đúng

Câu 1: Yêu cầu nhận diện thể thơ thông qua đặc điểm hình thức quan trọng nhất: số tiếng trong mỗi dòng thơ.

=> Đáp án đúng: D. 

Câu 2: Để trả lời câu hỏi này, HS cần chú ý mối quan hệ giữa từ “lá” (từ chỉ bộ phận của cây cối) và từ “hát” (từ chỉ hoạt động của con người). Từ đó HS xác định được biện pháp tu từ được sử dụng là biện pháp tu từ nhân hoá. 

=> Đáp án đúng: C.

2. Trả lời các câu hỏi

Câu 1: Để trả lời câu hỏi này, HS cần chú ý mối quan hệ giữa từ “tặng” và “dòng sông”. Nhà thơ làm thơ để tặng dòng sông quê hương như tặng một con người (người bạn, người thân yêu). So sánh “tặng” với từ đồng nghĩa, gần nghĩa như “cho”, có thể thấy sắc thái ý nghĩa của từ “tặng” thể hiện sự yêu thương, trân trọng. Từ đó, có thể nhận thấy tình cảm của nhà thơ dành cho dòng sông quê hương: coi dòng sông như một người thân thiết, rất đỗi trân quý, thiêng liêng.

Câu 2: Những hình ảnh thể hiện vẻ đẹp của dòng sông liên quan đến vẻ đẹp của thiên nhiên bên dòng sông (bãi ngô, đồng lúa ven sông); vẻ đẹp của chính những gì thuộc về dòng sông (phù sa, sóng, bờ sông…); sự hoà quyện của dòng sông vào không gian và thời gian (nắng, chiều…). Từ những hình ảnh đó, có thể cảm nhận được vẻ đẹp đầy sức sống của thiên nhiên bên dòng sông (Triền sông ngô xanh mướt/ Nghe dạt dào lá hát), vẻ đẹp tươi sáng của nước và mây trời như hoà vào nhau (Mây bạc giữa tầng không/ In dòng sông lấp loáng) và vẻ đẹp đặc trưng của sóng nước "dập dềnh", phù sa "bồi hồi" – như sự sống luôn dạt dào, sôi nổi cựa mình bên dòng sông.

Câu 3: Trong dòng thơ, từ “bồi hồi” được dùng để biểu hiện cảm xúc của “ngực phù sa” – phù sa bên sông. Nhưng hình ảnh đó cũng có thể gợi liên tưởng đến con người: tình cảm “bồi hồi” của con người dành cho dòng sông, cho quê hương, là nỗi niềm “bồi hồi” của chính nhà thơ, hoà vào nhịp sống, nhịp thở của dòng sông quê hương.

icon-date
Xuất bản : 16/07/2022 - Cập nhật : 19/11/2022