logo

Soạn SBT Ngữ Văn 7 Bài 5: Màu sắc trăm miền - KNTT

Hướng dẫn Soạn SBT Ngữ Văn 7 Bài 5: Màu sắc trăm miền - KNTT hay nhất. Trả lời toàn bộ các câu hỏi và bài tập trong sách bài tập Ngữ Văn 7 Kết nối tri thức. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và lời giải chi tiết các bạn sẽ nắm vững bài học tốt hơn.

Bài 5: Màu sắc trăm miền - Kết nối tri thức

Bài tập 1 trang 41 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc lợi văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt trong SGK (tr. 107 - 109) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Trong hai đoạn văn đầu của văn bản, tác giả muốn khẳng định điều gì? Em có đồng ý với quan điểm của tác giả không?

Trả lời:

Trong hai đoạn văn đầu của văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt, tác giả muốn khẳng định ai cũng chuộng mùa xuân. Đây là ý kiến riêng của tác giả. Có thể có nhiều người đồng tình với ông, nhưng cũng có người có ý kiến khác do những trải nghiệm riêng của họ. Nếu khí hậu nơi em sống không chia thành bốn mùa rõ rệt xuân, hạ, thu, đông thì ấn tượng về mùa xuân có thể không đậm nét. Cũng có người không thích mùa xuân mà thích mùa khác trong năm. Em có thể nêu ý kiến riêng của mình. Từ đây, ta có thể thấy, tuỳ bút thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ rất riêng của người viết.

Câu 2:

Em cảm nhận được điều gì về không gian mùa xuân miền Bắc qua các chi tiết mưa riêu riêu, gió lành lạnh, tiếng trống chèo, cái rét ngọt, mùi hương man mác? Hãy chia sẻ về không gian mùa xuân ở quê em.

Trả lời:

 + Chi tiết giúp em cảm nhận được đặc trưng của không gian miền Bắc lúc xuân sang: có mưa bay bay, có gió lành lạnh, có tiếng trống vang vọng, có rét ngọt ngào, có mùi hương man mác bay xa.

+ Không gian mùa xuân ở quê em cũng giống như những vùng quê miền Bắc khác, rất thoáng đãng và tươi đẹp. Vào mùa xuân, tiết trời mát mẻ, gió nhẹ thổi qua, có những cơn mưa phùn thoáng đến rồi thoáng đi rất nhanh. Vạn vật đâm chồi nảy lộc, những loài hoa mai, hoa đào nở rộ đón xuân về. Mọi người ai cũng vui vẻ, hào hứng, đầy tin yêu trong mùa xuân của đất trời.

Câu 3: Những chi tiết như những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, những làn sáng hồng hồng báo hiệu điều gì về sự chuyển đổi của thời gian và không gian? Từ đó, nêu nhận xét của em về khả năng cảm nhận thế giới bên ngoài của nhà văn.

Trả lời:

Những chi tiết như những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, những làn sáng hồng hồng báo hiệu điều gì về sự chuyển đổi của thời gian và không gian: nhà văn la một người có con mắt nhìn tinh tế, và chi tiết, ông yêu thiên nhiên và yêu cả cái đẹp của thiên nhiên ban tặng. 

Câu 4: Theo em, vì sao tác giả lại viết là mùa xuân thần thánh?

Trả lời:

Từ thần thánh gợi cho em điều gì? Phải chăng là sự biến hoá kì diệu? Vậy có thể hiểu mùa xuân thần thánh là mùa đem đến sự biến hoá, đổi thay kì diệu cho con người và đất trời. Em có thể nêu những suy đoán riêng của mình để giải thích vì sao tác giả lại viết là mùa xuân thần thánh.

Câu 5: Những biến đổi trong tâm hồn khi mùa xuân đến được tác giả diễn tả như thế nào?

Trả lời:

Những biến đổi trong tâm hồn khi mùa xuân đến được tác giả miêu tả như sau:

+ “Nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.”

+ “Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta như trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá.”

+ “Y như những con vật nằm thu hình một nơi chốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót, kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu đương thực sự.”

Câu 6: Bầu trời đêm tháng Giêng hiện lên như thế nào? Theo em, vì sao tác giả gọi trăng tháng Giêng là trăng non?

Trả lời:

Bầu trời đêm tháng Giêng hiện lên: Cuối tháng giêng có những đêm không mưa, trời sáng lung linh như ngọc, chỉ chừng mười giờ tối thì trăng mọc cao lên đỉnh đầu.

- Gọi trăng tháng giêng là trăng non vì:  Đây là thời điểm giao mùa, mùa đó bây giờ mới bắt đầu xuất hiện.

Câu 7: Hãy giải thích nhan đề bài tuỳ bút.

Trả lời:

Bài tuỳ bút có nhan đề Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt. Em hãy chú ý những cụm từ trăng non, rét ngọt, soi chiếu nội dung của đoạn trích được học trong SGK để thấy tác giả miêu tả tháng Giêng của miền Bắc với những yếu tố đặc trưng của thời tiết, không gian. Đặc biệt, em hãy suy nghĩ về nghĩa của từ mơ và đọc lại phần giới thiệu tác giả, tác phẩm (SGK, tr. 109) để hiểu những gì tác giả viết trong bài tuỳ bút được tái hiện qua kí ức của người con xa quê.

Câu 8: Chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng ở những cụm từ in đậm trong câu văn dưới đây và nêu tác dụng của chúng:

Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mói hết được người mê luyến mùa xuân.

Trả lời:

+ Biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong câu văn in đậm, điệp lại chữ “đừng”

Tác dụng: Biện pháp điệp ngữ tạo nên sự trùng điệp khiến cho câu văn có nhịp điệu, thể hiện cảm xúc tha thiết, dạt dào. 

+ Biện pháp nhân hóa “non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió”

Tác dụng: Làm cho sự vật trở nên sinh động, có hồn, có tâm tư, tình cảm yêu thương nhau giống như con người.

Bài tập 2 trang 41, 42 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc lại văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (từ đầu đến nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế) trong SGK (tr. 107) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Tác giả đưa ra những lí lẽ gì để khẳng định ai cũng chuộng mùa xuân?

Trả lời:

Tác giả đưa ra những dẫn chứng để thuyết phục mọi người ai cũng thích mùa xuân: 

- Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió, ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến màu xuân.

- Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn.

- Chàng trai kia yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời? Mà người thiếu phụ nọ ở chân trời góc biển yêu mùa xuân có phải là vì đấy là mùa xanh lên hi vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết  ngày nào trở lại? 

Câu 2: Vì sao tác giả lại đưa ra các đổi tượng sóng đôi: non - nước, bướm - hoa, trăng -gió, trai - gái, mẹ - con, cô gái còn son (vợ) - chồng để khẳng định mối quan hệ giữa con người và mùa xuân? Cách nói này tác động như thế nào đến cảm nhận của người đọc?

Trả lời:

Các đối tượng sóng đôi non - nước, bướm - hoa, trăng - gió, trai - gái, mẹ - con, cô gái còn son (vợ) - chồng có quan hệ rất mật thiết, chặt chẽ. Đây là những chân lí hiển nhiên. Tác giả nêu các đối tượng sóng đôi này để khẳng định theo cách bắc cầu rằng việc con người gắn bó với mùa xuân là điều tất yếu. Qua đó, gợi liên tưởng đến những hình ảnh đẹp, những tình cảm âu yếm, mặn nồng, da diết,....

Câu 3: Cách tác giả nói về "lí do" yêu mùa xuân của những đối tượng khác nhau trong đoạn trích có gì đặc biệt? Hãy diễn tả liên tưởng của em về hoàn cảnh riêng trong cuộc sống của từng đối tượng ấy.

Trả lời:

+ Tác giả chỉ ra “lí do” yêu mùa xuân của những đối tượng khác nhau như người em gái, chàng chai, người phụ nữ. Người em gái cảm thấy nhựa sống trong cây cối, chàng trai thấy những mời gọi của cuộc xê dịch giang hồ, người phụ nữ đợi chồng thắp lên những hi vọng.

+ Qua cách nói của tác giả, em có thể hình dung ra mỗi kiểu người khác nhau trong cuộc sống lại có “lí do” yêu mùa xuân khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh và mong ước thực tại của mỗi người. Họ là những đối tượng có tính chất đại diện mà tác giả đã đưa vào tác phẩm để minh chứng cho ý kiến của mình rằng “ai cũng chuộng mùa xuân”.

Câu 4: Những cụm từ nghe thấy rạo rực nhựa sống, đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động, mùa xanh lên hi vọng cho thấy khả năng cảm nhận thế giới xung quanh của tác giả như thế nào?

Trả lời:

Những cụm từ nghe thấy rạo rực nhựa sống, đồi núi chuyển mình, sông hồ động, mùa xanh lên hi vọng cho thấy khả năng cảm nhận thế giới xung quanh của tác giả là một người có cái nhìn tinh tế, độc đáo, yêu thiên nhiên. Bên cạnh đó cũng thấy được sự quan sát, và dùng từ đỉnh cao của tác giả.

Câu 5: Chỉ ra biện pháp tu từ được dùng ở cụm từ in đậm trong câu văn sau và nêu tác dụng:

Mà người thiếu phụ nọ ở chân trời góc biển yêu mùa xuân có phải là vì đấy là mùa xanh lên hi vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết ngày nào trở lại?

Trả lời:

Biện pháp tu từ được sử dụng trong cụm từ in đậm là nhân hoá. Hình ảnh bến đợi sông chờ diễn tả nỗi niềm của người thiếu phụ có chồng đi xa lâu ngày chưa trở về. Đây còn là hình ảnh tượng trưng cho sự chờ đợi. Bến, sông gắn với sự chờ đợi là hình ảnh thường thấy trong ca dao.

Bài tập 3 trang 42 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc hai đoạn văn dưới đây trong văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt và trả lời các câu hỏi:

Đoạn 1: Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ Tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.

Đoạn 2: Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở trước bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng” và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.

Câu 1: Hai đoạn văn miêu tả không gian nào?

Trả lời:

Hai đoạn văn đều miêu tả không gian gia đình trong ngày xuân.

Câu 2: Bước đi của thời gian biểu hiện như thế nào qua cách miêu tả không gian?

Trả lời:

Tác giả đã miêu tả bước đi của thời gian từ ngày Tết cho đến những ngày sau Tết. Ở đoạn văn thứ nhất, tác giả miêu tả không gian ngày Tết đầu năm với nhang trầm, đèn nến, bàn thờ. Sang đến đoạn thứ hai, ngày Tết đã hết, không khí mâm cơm thờ cúng tổ tiên ngày Tết đã nhạt dần, thay vào đó là bữa cơm gia đình thường nhật.

Câu 3: Nét đẹp của đời sống gia đình được tác giả cảm nhận ra sao?

Trả lời:

Nét đẹp của đời sống gia đình được tác giả cảm nhận "làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan" đó là những truyền thống, phong tục lâu đồi và vô cùng đẹp đẽ nên gìn giữ.

Câu 4: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt là bài đầu tiên trong tập tuỳ bút Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng. Từ hai đoạn văn trên, em hiểu gì về nỗi niềm của tác giả gắn với tháng Giêng? Dựa vào phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm (SGK, tr. 109), hãy giải thích nhan đề của tập tuỳ bút.

Trả lời:

Trong bài tuỳ bút đầu tiên này của tập Thương nhớ Mười Hai, tác giả đã hồi nhớ không gian mùa xuân, nếp sinh hoạt gia đình. Gắn với tháng Giêng là nỗi niềm của tác giả về cảnh sắc đầu xuân đẹp đẽ, tươi mới, hứa hẹn sự sinh sôi của vạn vật và những nét sinh hoạt gia đình đầm ấm buổi đầu năm. Đây là nỗi nhớ gắn với tháng thứ nhất trong hồi tưởng của người con xa quê. Từng tháng trong năm sẽ lần lượt được nói đến, gắn với đó là cảnh sắc miền Bắc qua các tháng và các phong tục cộng đồng hoặc gia phong. Vì thế, tập tuỳ bút có tên là Thương nhớ Mười Hai.

Câu 4: Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt là bài đầu tiên trong tập tuỳ bút Thương nhớ Mười Hai của Vũ Bằng. Từ hai đoạn văn trên, em hiểu gì về nỗi niềm của tác giả gắn với tháng Giêng? Dựa vào phần giới thiệu về tác giả, tác phẩm (SGK, tr. 109), hãy giải thích nhan đề của tập tuỳ bút.

Trả lời:

Trong bài tuỳ bút đầu tiên này của tập Thương nhớ Mười Hai, tác giả đã hồi nhớ không gian mùa xuân, nếp sinh hoạt gia đình. Gắn với tháng Giêng là nỗi niềm của tác giả về cảnh sắc đầu xuân đẹp đẽ, tươi mới, hứa hẹn sự sinh sôi của vạn vật và những nét sinh hoạt gia đình đầm ấm buổi đầu năm. Đây là nỗi nhớ gắn với tháng thứ nhất trong hồi tưởng của người con xa quê. Từng tháng trong năm sẽ lần lượt được nói đến, gắn với đó là cảnh sắc miền Bắc qua các tháng và các phong tục cộng đồng hoặc gia phong. Vì thế, tập tuỳ bút có tên là Thương nhớ Mười Hai.

Câu 5: Hai đoạn văn gợi cho em những liên tưởng gì về gia đình mình?

Trả lời:

Đoạn văn giúp em hình dung lại hình ảnh ngày tết, không khí ấm áp, mà chỉ có gia đình mới có bên cạnh những giờ phút linh thiêng ấm áp ấy.

Câu 6: Chỉ ra biện pháp tu từ so sánh trong hai đoạn văn trên và nêu tác dụng.

Trả lời:

Hai đoạn văn dùng biện pháp tu từ so sánh có sử dụng từ so sánh như. Tác dụng của biện pháp tu từ này là giúp người viết diễn tả những cảm giác vô hình bằng những hình ảnh cụ thể, dễ hình dung, dễ cảm nhận. Mặt khác, dùng biện pháp tu từ so sánh, câu văn giàu hình ảnh hơn, gợi cảm hơn.

Bài tập 4 trang 43 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc lại văn bản Chuyện cơm hến trong SGK (tr. 111 - 115) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Nêu những chi tiết trong văn bản nói về thói quen ăn đồ ăn có vị cay hoặc đắng của người Huế.

Trả lời:

Trong văn bản Chuyện cơm hến có nhiều chi tiết nói về thói quen ăn đồ ăn có vị cay hoặc đắng của người Huế - những vị không dễ ăn với nhiều người ở vùng khác. Ví dụ: nấu canh mướp đắng phải duống nồi nước sôi xuống để thả mướp đắng vào; ăn cháo nấm tràm; tô bún bò “cay dễ sợ”; đòi thêm một trái ớt tươi;...

Câu 2: Có điều gì thú vị trong việc tác giả liệt kê những cách diễn tả cảm giác cay trong ngôn ngữ của người Huế

Trả lời:

Tác giả đã liệt kê những cách diễn tả cảm giác cay của người Huế: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc, “cay dễ sợ”; cay “túi mắt túi mũi”. Tác giả đã sử dụng những cách nói gần gũi trong dân gian, cho thấy cách diễn tả cảm giác cay trong ngôn ngữ của người Huế rất phong phú.

Câu 3: Nói về phong cách ẩm thực của người Huế, tác giả cho rằng Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời. Em hiểu thế nào về cách nói đó?

Trả lời:

Nói về phong cách ẩm thực của người Huế, tác giả cho rằng Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời: Có nghĩa là trong cuộc sống chúng ta ai cũng phải trải qua nhiều hường vị đắng, cay, ngọt , bùi,.. ẩm thực của họ cũng như những kết quả của bản thân khi làm xong một chuyện gì đó, bên cạnh đó cũng hãy đón nhận như một hương vị thức ăn rồi sẽ tốt.

Câu 4: Em có nhận xét gì về nguyên liệu và cách chế biến món cơm hến của người Huế? Cách chế biến cơm hến thể hiện điều gì trong cách sống của người dân nơi đây?

Trả lời:

Nguyên liệu làm món cơm hến rất dễ kiếm, hầu như toàn là những thứ lẽ ra bỏ đi hoặc mua được với giá rẻ. Nhưng cách làm cơm hến thì lại khá công phu, phải đủ vị mới ngon, mà lại rất nhiều vị. Làm cơm hến đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Nhìn vào nguyên liệu và cách chế biến cơm hến có thể nhận thấy đức tính tiết kiệm, sự chịu khó, tinh tế, khéo léo, sự trân trọng những giá trị cổ truyền,... của người Huế.

Câu 5: Nỗi nhớ của người xa quê trong câu ca dao Anh đi anh nhớ quê nhà /Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương có gì tương đồng với nỗi nhớ món cơm hến của tác giả?

Trả lời:

Câu ca dao Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương  nói đến nỗi nhớ của người xa quê về món ăn dân dã canh rau muống, cà dầm tương ở quê hương của mình. Còn văn bản Chuyện cơm hến cũng nói về món ăn dân dã của xứ Huế là canh hến. Ở cả hai văn bản này, nỗi nhớ được thể hiện ở đây là nhớ thương những gì mộc mạc, gần gũi, giản dị nhất của quê hương.

Câu 6: Em hiểu gì về “bản quyền sáng chế” của món cơm hến? Em có đồng tình với tác giả khi ông nêu quan điểm: Tôi nghĩ rằng, trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ là một yếu tố văn hoá hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản? Vì sao?

Trả lời:

“Bản quyền sáng chế” là cách nói vui, nhằm khẳng định mỗi món ăn và cách chế biến của một vùng có giá trị riêng, làm nên nét đặc sắc riêng. Tác giả cho rằng tính bảo thủ trong khẩu vị là một yếu tố để bảo toàn di sản. Món ăn cũng được coi là một di sản bởi nó hàm chứa truyền thống văn hoá cộng đồng. Nhiều người hiện nay vẫn giữ gìn những bí quyết gia truyền làm nên thương hiệu của món ăn truyền thống. Tuy nhiên, cũng có những món ăn được cải biến để phục vụ cho nhiều thực khách với những khẩu vị đa dạng. Đôi khi sự pha trộn làm nên những món mới thú vị. Từ kinh nghiệm của bản thân, em hãy nêu suy nghĩ riêng của mình về ý kiến của tác giả. Em có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến đó nhưng cần giải thích được lí do.

Câu 7: Cho biết công dụng của dấu ngoặc kép ở từng trường hợp trong đoạn văn sau:

Nhưng lạ nhất là thói ăn cay, đến nỗi chính tôi cũng không hiểu sao mình lại ăn cay “tài” đến như vậy. Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,... [...] Có thể nói rằng người Huế bắt đầu thực đơn hằng ngày bằng một tô bún bò “cay dễ sợ; tiếp theo là một ngày cay “túi mắt túi mũi” để kết thúc với tiếng rao “Ai ăn chè?; một chén ngọt lịm trước khi ngủ.

Trả lời:

- Công dụng của dấu ngoặc kép đó chính là nêu lên nhưng gì nổi bật của món ăn cơm hến, làm người đọc có thể thấy đươc nét đặc biệt trong món ăn này.

Bài tập 5 trang 43, 44 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc lợi văn bản Chuyện cơm hến (từ Xin tiếp tục chuyện cơm hến đến bán cho những người làm cơm hến) trong SGK (tr. 113) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Nội dung của đoạn văn là gì?

Trả lời:

Đoạn văn cung cấp thông tin về vị trí địa lí của Cồn Hến, nơi có hến sông ngon nổi tiếng, và thông tin về lễ cúng hến của cư dân. Tản văn có đặc điểm là có thể sử dụng những thông tin xác thực mang tính chất nghiên cứu. Những thông tin trong đoạn văn cho người đọc hiểu rõ về địa danh và phong tục văn hoá liên quan đến nguyên liệu làm cơm hến. Em có thể đối chiếu với ảnh tư liệu về Cồn Hến được in trong SGK (tr. 112).

Câu 2: Việc người dân gọi tên cái cồn nổi là Cồn Hến cho thấy cách cấu tạo địa danh của cư dân bản địa. Em biết những địa danh nào cũng được cấu tạo theo cách như vậy?

Trả lời:

+ Cách gọi “Cồn Hến” là cách lấy đặc điểm của vùng đặt tên cho địa danh đó. Vì nơi đây là một cồn nhỏ, có nhiều hến sống ở xung quanh nên người dân gọi luôn là “Cồn Hến”

+ Những địa danh được cấu tạo tương tự: Chợ nổi Năm Căn, gò Quao, chợ Cái Bè,...

Câu 3: Trong các lễ hội, người ta thường tổ chức cúng tế và các trò chơi. Lễ cúng hến được miêu tả trong văn bản có gì khác biệt?

Trả lời:

Miêu tả: Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng Bảy, trên những con đò cờ xí rộn ràng, tiếng trống vang lừng, người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rổ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến(5) đem đong chén bán cho những người làm cơm hến. 

Câu 4: Theo em, thông tin về lễ cúng hến có vai trò như thế nào trong văn bản Chuyện cơm hến?

Trả lời:

Nói về món cơm hến của Huế, người viết đã cung cấp thông tin về lễ cúng hến. Điều này cho thấy khai thác hến đã trở thành một nghề truyền thống, tạo nên một nét bản sắc của văn hoá Huế. Như vậy, món cơm hến có liên quan đến phong tục cổ truyền ở Huế, màu sắc văn hoá của các món ăn này được tô đậm. Mặt khác, việc đưa các thông tin văn hoá vào văn bản đã gắn kết một món ăn với hồn cốt, nếp sống lâu đời của cả cộng đồng.

Bài tập 6 trang 44 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc lại văn bản Những khuôn cửa dấu yêu trong SGK (tr. 126 - 129) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Tại sao đối với tác giả, những ô cửa sổ lại có sức hút kì lạ?

Trả lời:

Những ô cửa sổ có sức hút kì lạ đối với tác giả bởi từ những ô cửa sổ, tác giả nhận ra được hồn cốt của một ngôi nhà, cảm nhận được cung cách sống của chủ nhân. Ô cửa sổ đối với những người sống bên trong là nơi giao tiếp và nhìn ra thế giới, kết nối với thế giới bên ngoài. Những ô cửa sổ còn là nơi trang trí, là một điểm nhấn cho các công trình kiến trúc, cho không gian sống, làm nên nét đẹp độc đáo của nước Ý.

Câu 2: Tìm những câu văn trong văn bản cho thấy cửa sổ không phải là vật vô tri. Hãy ngắm nhìn một ô cửa sổ nào đó và chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của em về nó.

Trả lời:

Trong văn bản có một số câu văn viết về cửa sổ như thể nó là một sinh thể sống (Ví dụ: Trong cái thế giới bảng lảng ấy, những cửa sổ giống như những đôi mắt của các căn nhà nhìn ra cuộc sống; Cửa sổ chính là tâm hồn của căn nhà mang nó, và thể hiện cả cá tính cũng như tâm hồn của người chủ;....).

Từ cách nhìn về những ô cửa sổ của tác giả, em thử ngắm nhìn cửa sổ nhà mình hoặc nhà hàng xóm hay của một công trình nào đó và ghi lại những cảm xúc hoặc suy nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng của mình về ô cửa sổ đó.

Câu 3: Từ hình ảnh trung tâm là cửa sổ, tác giả đã cho thấy không gian sinh hoạt của người dân bản địa. Hãy chỉ ra một vài chi tiết thể hiện nét đẹp, sự độc đáo trong văn hoá Ý được miêu tả trong không gian đó. Em thích nhất chi tiết nào? Vì sao?

Trả lời:

Chi tiết thể hiện nét đẹp, sự độc đáo trong văn hoá Ý: Khuôn cửa nhỏ cũ kĩ, nhìn có vẻ mệt mỏi nhưng vững chãi đã ở đó biết bao năm tháng, phía bên dưới đường là một vòi nước đã tồn tại ở đó ít nhất năm thế kỉ. Biết bao nhiêu người Rô-ma đã đi qua đây, bao nhiêu Giáo hoàng, Hồng y và những thế hệ người khác đã đặt chân lên nơi đây, dừng chân, khum tay hứng nước và uống ở cái vòi chảy suốt ngày đêm, cho thứ nước mát lạnh mà ông bạn già của tôi – chính là người chủ của căn hộ có chiếc cửa sổ chằng chịt cây thường xuân ấy – đã khẳng định rằng đấy là “nước thánh”. 

Em cũng rất thích hci tiết này, bởi nó rất độc đáo. 

Câu 4: Văn bản có nhiều đoạn văn giàu tính tạo hình. Hãy chỉ ra một đoạn văn như thế. Nếu có thể, em hãy dựa vào các chi tiết trong đoạn văn đề vẽ thành một bức tranh và giới thiệu về bức tranh đó.

Trả lời:

Đoạn văn giàu tính tạo hình trong văn bản:

“Có những khuôn cửa sổ và ban công không có hoa ... thiết tha từ những đôi mắt nhìn ra từ khuôn cửa sổ ấy”.

Câu 5: Chỉ ra biện pháp tu từ được dùng trong những câu văn dưới đây và nêu tác dụng:

- Khuôn cửa nhỏ cũ kĩ, nhìn có vẻ mệt mỏi nhưng vững chãi đã ở đó biết bao năm tháng, phía bên dưới đường là một vòi nước đã tồn tại ở đó ít nhất năm thế kỉ.

- Có những cửa sổ đã thành nơi hẹn hò của chim bồ câu.

Trả lời:

Biện pháp tu từ được dùng trong cả hai câu văn là nhân hoá. Ở câu thứ nhất, biện pháp tu từ nhân hoá giúp người đọc cảm thấy khuôn cửa nhỏ như có một cuộc đời riêng, già nua nhưng vẫn bền bỉ trước thời gian như rất nhiều di tích trên đất Ý. Ở câu thứ hai, biện pháp tu từ nhân hoá gợi cho người đọc cảm giác về sự kết đôi, tình tứ của loài chim bồ câu.

Bài tập 7 trang 45, 46 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Ở đó có những căn nhà không bao giờ khép cửa. Những căn nhà không cả vách che đằng trước, vì chẳng ai thèm tham lam của ai cái gì. Không cần giới thiệu gì cả, bản chất của xứ sở chúng tôi là đây, những ngôi nhà nầy!. Mưa Nam hay mưa Chướng, nhà chỉ treo một cái rèm bằng mấy cái bao bố may ghép lại hoặc bằng lá chằm đóp. Không cái gì cho người ta cái cảm giác thái bình, no ấm như thế, không có gì cho ta sự gần gũi, thân thuộc như thế. Những ngôi nhà rất rộng lòng, mở trong tầm nhìn của ta một chiếc giường, một cái bàn thờ gia tiên, cái bàn trà, một bức màn vải thêu hình hai con chim loan đậu trên cành  trúc, thấy nhà nó hợp với con rạch nầy làm sao đâu, vì khi nước ròng rạch cũng cạn lòng, phơi đáy. Nó hợp với tính cách con người của vùng đất nầy làm sao đâu, vì người ở đây cũng sống khoảng khoát, cởi mở, rộng rãi, hào sảng.

Người ấp Mũi ít khi làm buồng để ngủ, buồng chỉ để cho con gái, cho những cặp vợ chồng son, người xứ biển thích ngủ đẳng trước nhà, chỉ cần cái mùng, khỏi chiếu, áp cái lưng trần đỏ au xuống với sàn nhà bằng gỗ được bóng như gương đồng vậy là được một giấc ngủ ngon. Mà đúng là ngủ ở ngoài này thì thích không chịu được. Nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiều gian đầy gió. Trong cái mùi biển tanh nồng mặn mòi của những giàn lưới phơi trên giá, trong cái mùi khói ngọt bùng nhùng toả ra từ mẻ un, dường như có nhà ăn cơm chiều trễ, nghe mùi béo ngậy của cá thòi lòi i kho với nước cốt dừa. Và đâu đó chắc có vài người chuẩn bị lai rai, rõ ràng là mùi thơm khô mực nướng trên lò than đang tàn.

[...] Gió vẫn như múa, như ca, như chạy, như nấp bên ngoài cái mùng vải thơm mùi nắng. Những chiếc tàu đánh cả âm i chạy qua, và tiếng biển, đúng là tiếng biển lướt trên những búp lá đẫm sương trong rừng được, rì rào rất gần. Chỉ có tiếng biển mới mênh mông một nỗi nhớ bờ như thế.

(Nguyễn Ngọc Tư, Ngủ ở Mũi, in trong Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 159 – 161)

Câu 1: Những nét sinh hoạt nào của cư dân vùng đất Mũi Cà Mau được nói tới trong đoạn trích?

Trả lời:

Đoạn trích nói về lối sinh hoạt của người dân đất Mũi như cách dựng nhà cửa, cách bài trí nhà cửa, thói quen ăn uống, sở thích ngủ đằng trước nhà. 

Câu 2: Những ngôi nhà vùng đất Mũi có gì đặc biệt? Tại sao tác giả lại nói bản chất của xứ sở chúng tôi là đây, những ngôi nhà nầy?

Trả lời:

Em thử so sánh ngôi nhà của mình với ngôi nhà của người dân đất Mũi để thấy những nét khác biệt của nhà nơi đất Mũi: không bao giờ khép cửa, không có vách che đằng trước, chỉ treo cái rèm sơ sài chắn mưa, đặc biệt nhiều gió. Ngôi nhà thể hiện con người đất Mũi: sống hào sảng, rộng rãi, cởi mở, thật thà, hoà cùng thiên nhiên,... Có lẽ chính từ những điều này mà tác giả nhận thấy bản chất của xứ sở chúng tôi là đây, những ngôi nhà nầy.

Câu 3: Ở trong một căn nhà đơn sơ, vì sao con người lại có cảm giác về sự thái bình, no ấm?

Trả lời:

Bởi vì: Những con người nơi đây đã sống quen thuộc với cảnh vật như thế rồi, cho nên họ cảm thấy thái bình, no ấm. Và phong tục tập quán đã để lại nên họ tiếp nhận.

Câu 4: Theo em, vì sao người xứ biển thích ngủ đằng trước nhà? Sở thích này thể hiện điều gì ở con người đất Mũi?

Trả lời:

+ Người xứ biển lại thích ngủ đằng trước nhà bởi vì ngủ ở đó gió mát, hơi nước của biển thổi vào khiến họ cảm thấy gần gũi với thiên nhiên, dễ đi vào giấc ngủ hơn.

+ Sở thích đó cũng thể hiện sự khoáng đạt, mạnh mẽ, cởi mở trong tính cách người đất Mũi.

Câu 5: Cảnh sinh hoạt lúc chiều tối của cư dân đất Mũi gợi cho em những suy nghĩ gì?

Trả lời:

Chiều tối là thời điểm mọi người quây quần bên mâm cơm hoặc tụ họp vui vẻ. Cảnh sinh hoạt lúc chiều tối được miêu tả trong đoạn trích gợi cho người đọc cảm giác về sự ấm cúng, no đủ. Cảnh này chủ yếu được miêu tả qua mùi vị - những mùi vị rất đặc trưng của đất Mũi: mùi giàn lưới phơi, mùi khói hun muỗi, mùi cá thòi lòi kho, mùi mực khô nướng,... Sử dụng tối ưu khả năng cảm nhận của khứu giác, tác giả làm toát lên vẻ dân dã, thân thương, gần gũi, ấm áp của cảnh sống thường nhật ở miền đất Mũi.

Câu 6: Nêu những cụm từ thể hiện tính chất khẩu ngữ của đoạn trích.

Trả lời:

Khẩu ngữ: - nầy làm sao đâu

Câu 7: Liệt kê những từ ngữ địa phương trong đoạn trích. Cho biết tác dụng của việc sử dụng những từ ngữ địa phương đó.

Trả lời:

Những từ ngữ địa phương được sử dụng trong đoạn trích: nầy, mưa nam, mưa chướng, chằm đóp, con rạch, nước ròng, khoảng khoát, ấp, mùng, khỏi, mẻ un, cá thòi lòi, lai rai

Tác dụng: Từ ngữ địa phương làm phong phú và sâu sắc thêm bản sắc văn hóa địa phương được thể hiện trong bài viết của tác giả. Đồng thời, chúng còn giúp cho người đọc có cái nhìn ấn tượng về vùng đất và con người Cà Mau được thể hiện trong đoạn trích.

Câu 8: Chỉ ra biện pháp tu từ được dùng trong các câu văn sau và nêu tác dụng:

a. Gió vẫn như múa, như ca, như chạy, như nấp bên ngoài cái mùng vải thơm mùi nắng.

b. Chỉ có tiếng biển mới mênh mông một nỗi nhớ bờ như thế.

Trả lời:

Biện pháp tu từ được dùng trong các câu: câu a: biện pháp tu từ nhân hoá, điệp ngữ; câu b: biện pháp tu từ nhân hoá. Với từng câu, em hãy chỉ ra tác dụng của mỗi biện pháp tu từ.

Bài tập 8 trang 47 SBT Ngữ Văn 7 Tập 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Làng Văn bị vây bọc quanh bởi nhiều con sông; và tôi nghĩ rằng đây là một thế đất cần thiết cho sự giữ bí quyết, bởi vì cho đến nay, chưa ai bắt chước được rượu làng Vân cả. Một đoàn những cụ già y phục dáng lễ hội đứng chờ chúng tôi,vẽ thành một hàng dài vui mắt ngay trên nền chiếu hoa trải thành hai hàng trên thềm nhà; trên đó bày đủ các thức ăn để nguội chừng đã lâu do chúng tôi đến trễ. Chúng tôi rủ nhau ngồi xuống chiếu trước những chai rượu Vẫn trong suốt. Một người nhà bưng ra những chiếc mâm đồng vàng ánh như còn mới, trên đó có chạm hoa văn nhỏ bằng đầu kim găm, lãm chấm phủ kín cả mặt đồng. Mỗi mâm có một cụ già bẻ từng món thức ăn đặt lên mâm đồng và hạ thấp ngọn măng sông xuống (bảy giờ, tôi mới để ý căn nhà được thắp sáng bằng đèn măng sông). Bóng tối trở nên đậm đặc hơn, và tôi không biết chủ nhà đang bày ra trò vui nào đây. Cụ già quay lại lấy một chai rượu Vân chừng một lít đổ đầy mặt đồng và châm lửa, hoá ra đó là một cách hâm thức ăn. Phực một tiếng, ảnh lửa bốc thành ngọn đồng loạt trên những chiếc mâm đồng; ngọn lửa len lỏi qua những bát thức ăn vẽ thành những lượn sóng màu xanh biếc trên mặt thực khách. Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Văn, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chim trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ảnh lửa rừng đêm thẳm của lịch sử nhân loại. [...] Và trong không gian đó, tôi nghe lan toả một giai điệu quan họ, và "người ở đừng về" đã nói với tôi một điều gì đó, giống như một điều nguồn cội thuộc văn hoá dân tộc.

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Rượu làng Vân, in trong Miền gái đẹp, NXB Thuận Hoá, Thừa Thiên – Huế, 2001, tr, 28 – 30)

Câu 1: Nét sinh hoạt nào của cư dân làng Vân được nói tới trong đoạn trích?

Trả lời:

Nét sinh hoạt văn hóa được nói đến trong đoạn trích là cách tiếp khách của cư dân làng Vân. 

Câu 2: Nêu những chi tiết miêu tả nét văn hoá độc đáo của làng Vân trong đoạn trích.

Trả lời:

Em hãy tìm những chi tiết miêu tả nét văn hoá em cho là độc đáo của làng Vân. Ví dụ: trang phục tiếp khách, cách hâm nóng thức ăn, hát quan họ,...

Câu 3: Khung cảnh bữa tiệc đón khách ở làng Vân được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

Khung cảnh bữa tiệc đón khách ở làng Vân được miêu tả: 

- Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Vân, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai" nào đó trong ánh lửa rừng đêm thẳm của lịch sử nhân loại. [...] Và trong không gian đó, tôi nghe lan toả một giai điệu quan họ, và “người ở đừng về” đã nói với tôi một điều gì đó, giống như một điều nguồn cội thuộc văn hoá dân tộc.

Câu 4: Việc các bậc cao niên trong làng tiếp khách thể hiện đặc điểm gì của người dân nơi đây?

Trả lời:

Ở vùng nông thôn Bắc Bộ, nhất là vùng Kinh Bắc xưa, các bậc cao niên được tôn kính, những hoạt động lễ nghi trang trọng đều do các cụ thực hiện. Tiếp khách quý cũng được coi là một nghi lễ. Do vậy, trong văn bản này, ta thấy các cụ trong làng là người đón khách, tiếp khách với trang phục lễ nghi, tiến hành việc điều phối ánh sáng, đốt lửa,... Điều này thể hiện một tục lệ đẹp của người dân địa phương.

Câu 5: Đọc đoạn trích, em cảm nhận được gì về thái độ ứng xử với văn hoá vùng miền của tác giả?

Trả lời:

Tác giả là người rất trân trọng và đề cao văn hóa vùng miền. Những dấu ấn về buổi tiếp khách ở làng Vân vẫn in đậm trong trí nhớ của tác giả. Điều đó cho thấy sự mến mộ, thích thú của tác giả trước nét đẹp văn hóa của con người làng Vân.

Câu 6: Rượu làng Vân là loại rượu quê khá nổi tiếng. Có nhiều làng quê trên đất nước Việt Nam là những làng nghề chuyên sản xuất những sản phẩm truyền thống. Kể tên và chia sẻ nét văn hoá độc đáo của những làng nghề mà em biết.

Trả lời:

Nói về đặc sản Long An không thể không nhắc đến rượu đế Gò Đen. Đây là loại rượu có hương vị độc đáo được nhiều người ưa chuộng. Sở dĩ loại rượu này được gắn với địa danh Gò Đen (gồm 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức, tỉnh Long An), bởi Gò Đen là vùng đất nổi tiếng với nhiều lò nấu rượu. Trong đó, rượu đế Gò Đen là loại rượu nổi tiếng, đã xuất hiện cách đây gần một trăm năm. Khác với rượu Bàu Đá của miền Trung và Làng Vân của miền Bắc là những làng rượu thì Gò Đen lại là một “vùng” rượu. Rượu đế Gò Đen có từ thời Pháp thuộc. Thời bấy giờ, thực dân Pháp không cho dân ta nấu rượu hòng độc quyền sản xuất rượu công xi (régie). Vì rượu régie nhạt và không hợp khẩu vị nên dân ta đã lén nấu rượu khác, có mùi vị dễ uống hơn. 

Câu 7: Xác định các biện pháp tu từ được dùng trong câu văn dưới đây và nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó:

Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Vân, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ánh lửa rừng đêm thẳm của lịch sử nhân loại.

Trả lời:

Biện pháp tu từ được dùng ở câu văn này là nhân hoá và so sánh.

+ Nhân hóa: những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối.

+ So sánh: trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ánh lửa rừng đêm thẳm của lịch sử nhân loại.

Tác dụng: Cho thấy buổi tiếp khách ở làng Vân có ánh sáng rực rỡ, có tiếng cười nói vui vẻ và có cả những con người với thái độ nồng hậu đãi khách. Qua đây nhấn mạnh đến dấu ấn của tác giả về buổi tiếp khách làng Vân.

icon-date
Xuất bản : 09/09/2022 - Cập nhật : 09/09/2022