logo

Đọc hiểu "Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi."

Đọc đoạn trích sau

Thầy giáo dạy vẽ của tôi

Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi. Thầy dạy chúng tôi cách đây mười bảy năm, khi đó chúng tôi mới học lớp Năm mà thầy thì mái tóc đã bạc phơ… 

[…] Thầy ăn mặc theo kiểu xưa: bộ com-lê đen đã cũ lắm, nhưng chiếc ca-vát vẫn luôn thắt chỉnh tề trên cổ. Thầy thường đội mũ nồi, bộ râu mép rậm lấm tấm bạc, đôi giày cũ và chiếc cặp da nâu cũng đã sờn rách. 

Thầy luôn đăm chiêu nhưng hiền hậu. Chẳng bao giờ thầy cáu giận, gắt gỏng với chúng tôi. Cũng chẳng bao giờ thầy bỏ một tiết lên lớp nào, kể cả những hôm thầy yếu mệt, sốt cao, giọng run run. 

Các cô giáo, thầy giáo trong trường kể rằng thầy là một trong những hoạ sĩ học khoá đầu tiên của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Bạn học của thầy, hầu hết đều đã trở thành những hoạ sĩ tên tuổi, có người nổi tiếng cả ở nước ngoài, riêng thầy Bản chỉ là một giáo viên dạy vẽ bình thường ở một trường cấp hai. 

Thầy dạy chúng tôi kẻ chữ, vẽ cái sọt giấy, lọ mực, viên gạch, thỉnh thoảng mới có một bài “vẽ tự do”: cảnh chùa hoặc cảnh lao động ở vườn trường. Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ. Nhưng thú vị hơn cả là những câu chuyện của thầy. Thầy thường nói say sưa với chúng tôi về hội hoạ, về màu sắc và đường nét, về cái thế giới thứ hai, thế giới rực rỡ, kì lạ của những bức tranh, những cánh cửa mở tới những khu vườn tốt lành và đẹp đẽ. Có những lần, thầy đưa chúng tôi về nhà thầy chơi, về gian gác hẹp xếp đầy sách vở và tranh ảnh. Thầy đưa chúng tôi xem những quyển sách của các bậc danh hoạ. Thầy cũng cho chúng tôi xem những bức tranh thầy vẽ, những bức tranh nhỏ, vẽ rất tỉ mỉ những bình hoa nhiều màu, những ngôi nhà, những em bé hàng xóm… Thầy vẽ chậm, vẽ kĩ, không hiểu có đẹp không, nhưng tranh của thầy ít được mọi người chú ý. Chúng tôi có đi hỏi nhưng chẳng mấy ai biết tên hoạ sĩ Nguyễn Thừa Bản. 

(Xuân Quỳnh, Thầy giáo dạy vẽ của tôi, Trần Hoài Dương tuyển chọn, 

Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi, tập 5, 

NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 178 – 180)  

Đọc hiểu "Tôi muốn kể với các em về thầy giáo dạy vẽ của tôi."

Câu hỏi: 

1. Câu chuyện trong đoạn trích được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy? 

2. Tìm một số chi tiết miêu tả trang phục của thầy giáo dạy vẽ. Những chi tiết đó cho em cảm nhận gì về nhân vật? 

3. Nhân vật “tôi” đã cảm nhận như thế nào về tính cách của thầy giáo dạy vẽ? 

4. Tìm số từ trong các câu sau và giải thích ý nghĩa của chúng: 

a. Thầy dạy chúng tôi cách đây mười bảy năm, khi đó chúng tôi mới học lớp Năm mà thầy thì mái tóc đã bạc phơ… 

b. Thầy thường nói say sưa với chúng tôi về hội hoạ, về màu sắc và đường nét, về cái thế giới thứ hai, thế giới rực rỡ, kì lạ của những bức tranh, những cánh cửa mở tới những khu vườn tốt lành và đẹp đẽ. 

5. Tìm các phó từ bổ nghĩa cho danh từ trong những câu sau và cho biết mỗi phó từ bổ sung ý nghĩa gì: 

a. Nhưng thú vị hơn cả là những câu chuyện của thầy. 

b. Thầy vẽ chậm, vẽ kĩ, không hiểu có đẹp không, nhưng tranh của thầy ít được mọi người chú ý. 

6. Tìm các phó từ bổ nghĩa cho động từ, tính từ trong những câu sau và cho biết mỗi phó từ bổ sung ý nghĩa gì: 

a. Thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho chúng tôi từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ. 

b. Thầy cũng cho chúng tôi xem những bức tranh thầy vẽ, những bức tranh nhỏ, vẽ rất tỉ mỉ những bình hoa nhiều màu, những ngôi nhà, những em bé hàng xóm…

>>> Xem đầy đủ: Soạn SBT Ngữ Văn 7 Bài 3: Cội nguồn yêu thương - KNTT

Trả lời

1. HS tự làm.

2. Em tìm một số chi tiết miêu tả trang phục của thầy giáo dạy vẽ trong đoạn trích: Thầy ăn mặc theo kiểu xưa: bộ com-lê đen đã cũ lắm, nhưng chiếc ca-vát vẫn luôn thắt chỉnh tề trên cổ. Thầy thường đội mũ nồi... đôi giày cũ và chiếc cặp da nâu cũng đã sờn rách. Từ đó em nêu cảm nhận về nhân vật người thầy. Ví dụ: Một thầy giáo nghèo, giản dị nhưng rất nghiêm túc, cẩn thận,…

3. Để trả lời câu hỏi này, em có thể tham khảo gợi ý sau:

– Tìm chi tiết nhân vật “tôi” nêu cảm nhận trực tiếp về thầy. Ví dụ: thái độ của thầy với học trò (luôn đăm chiêu nhưng hiền hậu, chẳng bao giờ thầy cáu giận, gắt gỏng với chúng tôi); cách thầy làm việc (chẳng bao giờ thầy bỏ một tiết lên lớp nào, kể cả những hôm thầy yếu mệt, sốt cao, giọng run run); thái độ của thầy khi dạy học trò (thầy dạy rất ân cần, tỉ mỉ, chỉ bảo cho học trò từng li từng tí: cách tô màu, đánh bóng, cả cách gọt bút chì thế nào cho đẹp và dễ vẽ)…

– Tìm chi tiết về những câu chuyện thú vị của thầy và gian gác hẹp nơi thầy ở: Thầy thường nói say sưa với chúng tôi về hội hoạ; gian gác hẹp xếp đầy sách vở và tranh ảnh,…

Từ những chi tiết đó, nhân vật “tôi” muốn ca ngợi thầy giáo dạy vẽ của mình: Thầy luôn yêu thương học trò; nghiêm túc, tỉ mỉ, say mê dạy học; rất yêu hội hoạ;…

4. 

a. Số từ mười bảy (mười bảy năm) chỉ số lượng xác định; số từ Năm (lớp Năm) chỉ thứ tự của sự vật.

b. Số từ hai đứng sau từ thứ chỉ thứ tự của sự vật (thứ hai).

5.

a. Phó từ những (xem giải thích ở bài tập 4).

b. Phó từ mọi (xem giải thích ở bài tập 4).

6. 

a. Phó từ rất bổ sung ý nghĩa mức độ.

b. Phó từ cũng bổ sung ý nghĩa tiếp diễn tương tự; phó từ rất bổ sung ý nghĩa mức độ.

icon-date
Xuất bản : 16/07/2022 - Cập nhật : 19/11/2022