logo

Đọc hiểu văn bản Rượu làng Vân "Làng Vân bị vây bọc quanh bởi nhiều con sông"

Đọc hiểu văn bản: 

Rượu làng Vân

Làng Vân bị vây bọc quanh bởi nhiều con sông; và tôi nghĩ rằng đấy là một thế đất cần thiết cho sự giữ bí quyết, bởi vì cho đến nay, chưa ai bắt chước được rượu làng Vân cả. Một đoàn những cụ già y phục dáng lễ hội đứng chờ chúng tôi, vẽ thành một hàng dài vui mắt ngay trên nền chiếu hoa trải thành hai hàng trên thềm nhà; trên đó bày đủ các thức ăn để nguội chừng đã lâu do chúng tôi đến trễ. Chúng tôi rủ nhau ngồi xuống chiếu trước những chai rượu Vân trong suốt. Một người nhà bưng ra những chiếc mâm đồng vàng ánh như còn mới, trên đó có chạm hoa văn nhỏ bằng đầu kim găm, lấm chấm phủ kín cả mặt đồng. Mỗi mâm có một cụ già bê từng món thức ăn đặt lên mâm đồng và hạ thấp ngọn măng sông xuống (bây giờ, tôi mới để ý căn nhà được thắp sáng bằng đèn măng sông). Bóng tối trở nên đậm đặc hơn, và tôi không biết chủ nhà đang bày ra trò vui nào đây. Cụ già quay lại lấy một chai rượu Vân chừng một lít đổ đầy mặt đồng và châm lửa, hoá ra đó là một cách hâm thức ăn. Phực một tiếng, ánh lửa bốc thành ngọn đồng loạt trên những chiếc mâm đồng; ngọn lửa len lỏi qua những bát thức ăn vẽ thành những lượn sóng màu xanh biếc trên mặt thực khách.

Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Vân, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ánh lửa rừng đêm thẳm của lịch sử nhân loại. […] Và trong không gian đó, tôi nghe lan tỏa một giai điệu quan họ, và “người ở đừng về” đã nói với tôi một điều gì đó, giống như một điều nguồn cội thuộc văn hoá dân tộc.

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Rượu làng Vân, in trong Miền gái đẹp,
NXB Thuận Hoá, Thừa Thiên – Huế, 2001, tr.28 – 30)

Câu hỏi: 

1. Nét sinh hoạt nào của cư dân làng Vân được nói tới trong đoạn trích?

2. Nêu những chi tiết miêu tả nét văn hoá độc đáo của làng Vân trong đoạn trích.

3. Khung cảnh bữa tiệc đón khách ở làng Vân được miêu tả như thế nào?

4. Việc các bậc cao niên trong làng tiếp khách thể hiện đặc điểm gì của người dân nơi đây?

5. Đọc đoạn trích, em cảm nhận được gì về thái độ ứng xử với văn hoá vùng miền của tác giả?

6. Rượu làng Vân là loại rượu quê khá nổi tiếng. Có nhiều làng quê trên đất nước Việt Nam là những làng nghề chuyên sản xuất những sản phẩm truyền thống. Kể tên và chia sẻ nét văn hoá độc đáo của những làng nghề mà em biết.

7. Xác định các biện pháp tu từ được dùng trong câu văn dưới đây và nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó:

Đã lâu rồi nhưng tôi không thể nào quên bữa tiệc hôm ấy ở làng Vân, với những vết sáng xanh biếc đầy bí ẩn nhảy múa trên gương mặt của những thực khách ngồi chìm trong bóng tối; trông nó giống như một cuộc tiệc của một bộ lạc bán khai nào đó trong ánh lửa rừng đêm thẳm của lịch sử nhân loại. 

>>> Xem đầy đủ: Soạn SBT Ngữ văn 7 Bài 5: Màu sắc trăm màu - KNTT

Trả lời:

1. Đoạn trích chủ yếu miêu tả một buổi tiếp khách của cư dân làng Vân. Ở vùng Kinh Bắc xưa, đón khách, tiếp khách thể hiện phong tục của làng xã. Chính vì vậy, qua việc tiếp khách, ta có thể nhận ra những phong tục độc đáo, sự hiếu khách của người dân địa phương.

2. Em hãy tìm những chi tiết miêu tả nét văn hoá em cho là độc đáo của làng Vân. Ví dụ: trang phục tiếp khách, cách hâm nóng thức ăn, hát quan họ,…

3. Đoạn trích miêu tả một khung cảnh rất đặc biệt. Có một số yếu tố tạo dựng khung cảnh, nhưng yếu tố ánh sáng được chú trọng, kèm theo đó là âm thanh. Ánh sáng đèn được giảm tối đa để bừng lên ánh sáng của các mâm rượu. Ánh sáng nhảy múa trên gương mặt thực khách. Trong không gian đó, vẳng lên107 tiếng hát quan họ. Ngoài ra còn có những chai rượu Vân, những chiếc mâm đồng và hoạt động của con người.

4. Ở vùng nông thôn Bắc Bộ, nhất là vùng Kinh Bắc xưa, các bậc cao niên được tôn kính, những hoạt động lễ nghi trang trọng đều do các cụ thực hiện. Tiếp khách quý cũng được coi là một nghi lễ. Do vậy, trong văn bản này, ta thấy các cụ trong làng là người đón khách, tiếp khách với trang phục lễ nghi, tiến hành việc điều phối ánh sáng, đốt lửa,… Điều này thể hiện một tục lệ đẹp của người dân địa phương.

5. Tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường là người vùng khác, đến làm khách ở làng Vân. Ông biểu lộ sự háo hức, thích thú trước những nét văn hoá của vùng này. Thái độ tôn trọng, đề cao những nét văn hoá đó thể hiện cái nhìn rộng mở của nhà văn: biết trân trọng sự khác biệt, yêu thích những nét văn hoá truyền thống độc đáo của các vùng miền.

6. Trên đất nước Việt Nam có hàng nghìn làng nghề truyền thống. Làng nghề là làng chuyên về một nghề, phần lớn là nghề thủ công (làm tranh dân gian, làm đồ gỗ, làm nón, làm tò he, thêu, làm tương, làm gốm,…). Làng Vân có nghề nấu rượu từ sắn, gạo. Em hãy tìm hiểu thêm trên in-tơ-nét, sách báo, tài liệu hoặc quan sát ở địa phương để kể về những làng nghề như thế.

7. Biện pháp tu từ được dùng ở câu văn này là nhân hoá và so sánh. Em hãy xác định cụ thể từng biện pháp tu từ, nêu tác dụng của nó trong việc tạo ra tính gợi hình, gợi cảm cho câu văn.

icon-date
Xuất bản : 16/07/2022 - Cập nhật : 19/11/2022