logo

Dàn ý cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng

Lập dàn ý Cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng giúp các em học sinh lớp 8 tham khảo, để làm rõ tâm trạng nuối tiếc, bất lực và khát vọng tự do tha thiết của con hổ. 

Với tài liệu này, các em còn tích lũy vốn từ, để có thêm nhiều ý tưởng mới hoàn thiện bài viết của mình. Vậy mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.


Dàn ý cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng - Mẫu số 1

Dàn ý cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng (ngắn gọn, hay nhất)

1. Mở bài

- Giới thiệu sơ lược tác giả, tác phẩm.

- Vị trí và nội dung đoạn trích: khổ thứ 3 nói về cảnh con hổ trong chốn giang sơn hùng vĩ.

2. Thân bài

* Đoạn thơ nói về bộ tranh tứ bình thiên nhiên hùng vĩ và đẹp lộng lẫy:

- “Nào đâu ... ánh trăng tan” ⇒ Cảnh đẹp diễm lệ khi con hổ đứng uống ánh trăng thật lãng mạn

- “Đâu những ngày ...ta đổi mới” ⇒ Cảnh mưa rung chuyển đại ngàn, hổ lãng mạn ngắm giang sơn đổi mới.

- “Đâu những bình minh...tưng bừng” ⇒ cảnh chan hòa ánh sáng, rộn rã tiếng chim ca hát cho giấc ngủ của chúa sơn lâm.

- Cảnh tượng cuối cùng cho thấy hổ là loài mãnh thú đợi màn đêm buông xuống nó sẽ là chúa tể muôn loài.

⇒ Một bộ tranh tứ bình đẹp lộng lẫy, cho thấy những cảnh thiên nhiên hoang vắng đẹp rợn ngợp và con hổ với tư thế và tầm vóc uy nghi, hoành tráng.

3. Kết bài

- Khẳng định giá trị của khổ thơ góp phần làm nên thành công cho tác phẩm.


Cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng - Bài mẫu 1

     Thế Lữ tác giả nổi tiếng trong phong trào thơ mới và được nhiều người phong tặng là “đệ nhất thi sĩ”, bài thơ Nhớ rừng của ông in trong tập “May vần thơ” xuất bản vào năm 1935 nói về sự tù túng, căm hờn, niềm khát khao được tự do của con người. Bài thơ còn toát lên bức tranh tứ bình vẻ đẹp tuyệt trần của thiên nhiên.

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”.

     Khổ thơ thứ 3 là những hồi ức uy nghi, lẫm liệt của “chúa sơn lâm” trong rừng xanh, đó là những kí ức không thể nào quên. Khung cảnh thiên nhiên hiện ra đẹp với cảnh trăng, rừng, mặt trời.

     Hai câu thơ đầu nói về “đêm vàng”, ánh trăng sáng quá như biến mọi vật thành màu vàng, trong đêm trăng đó đứng bên bờ suối ngắm nhìn thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong khung cảnh đó con hổ ăn no rồi còn thưởng thức cả “ánh trăng tan”. Một hình ảnh nhân hóa vô cùng đẹp, chủ thể hòa quyện vào cả thiên nhiên.

     Đi qua sự yên bình là những cơn mưa lớn như làm rung chuyển cả núi rừng, điều đó thể hiện ở 2 câu thơ tiếp theo, nhưng chúa sơn lâm vẫn không hề e sợ mà vẫn “lặng ngắm giang sơn”. Hình ảnh đó thể hiện sự bản lĩnh và sức mạnh trước thiên nhiên.

     Kỷ niệm về thời kì huy hoàng tiếp tục hiện về khung cảnh bình minh. Vương quốc tràn ngập trong màu xanh và ánh nắng. Hổ nằm ngủ ngon lành trong khúc nhạc của tiếng chim muôn. Bức tranh trên hiện ra đầy màu sắc và âm thanh, màu hồng bình minh, màu vàng nhạt nắng sớm, màu xanh cây rừng, âm thanh vui nhộn của đàn chim. Tất cả đều tạo ra một không gian nghệ thuật, cảnh sắc hệt như xứ sở thần tiên.

     Nhưng than ôi tất cả chỉ còn là kí ức huy hoàng, quá khứ càng oanh liệt nỗi tiếc nuối, hoài niệm càng đau đớn. Các cụm từ trước mỗi câu thơ như “nào đâu”, “đâu những”, càng cho thấy niềm nuối tiếc khôn cùng, sự xót xa trong chính con hổ. Bức tranh tứ bình đã khép lại, chỉ còn lại hình ảnh hiện thực tối tăm, gian cầm, tù túng và sự khát khao mãnh liệt được tự do.


Cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng - Bài mẫu 2

     Trong số những tác giả nổi tiếng của phong trào thơ mới, không thể không kể đến nhà thơ Thế Lữ. Ông được coi là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời Thơ mới lúc bấy giờ. Và tác phẩm ghi dấu ấn cho một hồn thơ trữ tình phải kể đến là bài thơ “Nhớ rừng”. “Nhớ rừng” là lời tự bộc bạch của một con hổ trong vườn bách thú, cũng là tiếng lòng của chính nhà thơ. Trong khổ thơ thứ ba, tác giả đã làm nổi bật lên bức tranh tứ bình đẹp đẽ, tuyệt mĩ:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”.

     Nói đến Thế Lữ, là nói đến một thời “Nhớ rừng” oanh liệt và vang dội của một chúa Sơn lâm. Trong những năm tháng mà đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ, bị dày vò bởi ách nô lệ, Thế Lữ cảm nhận được cái ngột ngạt bí bách đó. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhà thơ sáng tác nên bài thơ này. Nhưng nỗi uất hận đó không được bộc bạch một cách trực tiếp. Bởi thời lúc bấy giờ, thực dân quá tàn bạo và dã man. Chúng muốn đẩy lùi ý chí của nhân dân ta, chúng cấm sáng tác văn chương trên mọi lĩnh vực. Bởi vậy, Thế Lữ đã mượn lời của con hổ – đại diện cho một thế lực hùng mạnh. Con hổ ấy bị nhốt trong lồng sắt, nó cảm thấy chán ghét, khinh thường khi mọi thứ đập vào mắt nó chỉ toàn là giả dối, tầm thường. Tâm trạng của hổ cũng chính là tâm trạng của nhà thơ trước một xã hội ngột ngạt, từ túng và khát khao tự do, chiến thắng.

     Tiếp tục với dòng trạng thái ấy, hổ nhớ lại quá khứ vàng son oanh liệt của mình nơi rừng xanh bất tận. Cuộc sống của nó trải qua nơi đại ngàn tuyệt đẹp biết bao. Cuộc sống tự do, hổ cũng đã từng ngắm trăng, ngắm mưa rừng, ngắm bình minh và cả hoàng hôn tươi đẹp. Hai câu thơ đầu là mảnh ghép đầu tiên của bức tranh tuyệt đẹp ấy: cảnh đêm trăng:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”

     “Nào đâu” là tiếng lòng của “hổ” tiếc nuối khi nghĩ về thời đã qua. Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp biết bao “đêm vàng bên bờ suối” – một cảnh tượng lãng mạn, huyền ảo. Ánh trăng vàng ruộm như soi sáng mọi cảnh vật, in bóng xuống bờ suối, khiến cho hổ phải “say”. Trong đêm trăng ấy,  hổ say đắm ngắm nhìn cảnh vật để thấy được hết những rực rỡ của thiên nhiên. Hành động của hổ không chỉ là “say mồi” vì được ăn no là còn say vì “uống ánh trăng tan”. Cảnh đêm trăng ấy ta cũng từng bắt gặp trong thơ Tố Hữu: “Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. Nhưng trăng của Tố Hữu lại khác trăng của Thế Lữ. Nếu đêm trăng kia có âm thanh là tiếng hát của con người thì đêm trăng này lại vô cùng yên tĩnh. Điều đó càng làm nổi bật lên sự hoang sơ của núi rừng, sự uy nghi làm chủ đại ngàn của chúa sơn lâm.

vBức tranh tuyệt đẹp dần được hé lộ với mảnh ghép của những cơn mưa rừng. Đúng là núi rừng đại ngàn, những cơn mưa của nó cũng thật mãnh liệt và xối xả:

“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn

Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới”

     “Mưa chuyển bốn phương ngàn” tác giả sử dụng động từ mạnh để miêu tả những cơn mưa rừng như trút, như xối xả. Chúng mạnh mẽ, dữ dội có thể làm “chuyển bốn phương ngàn”, làm muôn hoa, muôn thú phải gầm lên vì sợ hãi. Nhưng đúng là bản lĩnh của một người đứng đầu, hổ không hề tỏ ra sợ hãi mà chỉ yên lặng “lặng ngắm giang san”. Thế giới này, núi rừng này, giang sơn này là của “ta”, “ta” không hề sợ hãi bởi “ta” là chúa tể muôn loài. “Ta” đã sống và chứng kiến biết bao sự thay đổi của nó. “Lặng ngắm” tưởng chừng như ung dung, buồn bã nhưng lại vô cùng dũng mãnh và đĩnh đạc.

     Sau những cơn mưa dữ dội như lay chuyển đất trời, núi rừng lại trở về vẻ rộn rã và thanh bình của nó. Bình minh lại đến như bao ngày trên núi từng đại ngàn:

“Đâu những bình minh cây xanh nắng gội

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng”

     Lại một lần nữa hổ thể hiện cái tự do, phóng khoáng của mình. “Bình minh” trên đại ngàn hoang sơ cũng có cây xanh, ánh nắng và tiếng chim hót. Đối lập với hình ảnh dữ dội của mưa thì cảnh bình minh lại yên bình và tươi đẹp hơn nhiều. Sự sống lại tiếp tục, lại reo vang, còn hổ sau một đêm thức cùng vũ trụ cũng trở nên mệt mỏi và chìm vào “giấc ngủ tưng bừng”. Tiếng chim hót đắm say làm cho giấc ngủ của hổ thêm ngon hơn. Quả thật xứng đáng với một chúa sơn lâm có thể chi phối mọi vật, tự do tự tại và phóng khoáng.

     Thời khắc khép lại bức tranh hoàn mỹ cũng là mảnh ghép mãnh liệt nhất xuất hiện. Nó mang đậm sắc màu và khắc sâu vào tâm trí người đọc: cảnh hoàng hôn cuối chiều:

“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”

     Màu sắc chủ đạo của mảnh ghép trong bức tranh tứ bình này lại là màu đỏ. Màu đỏ của ánh mặt trời và còn là màu đỏ của máu. Từ láy “lênh láng” được tác giả sử dụng có sức tạo hình gây ám ánh tột độ. “Lênh láng” làm con người ta thấy ghê rợn và sợ hãi. Cuối chiều tà, “mảnh mặt trời gay gắt kia” dần lịm xuống, ánh nắng cũng không còn chói chang nữa mà thay vào là một màu đỏ chói. Hổ đang chờ giây phút bóng tối xuất hiện để chế ngự thế giới. Đó là một khát vọng thực sự táo bạo và có phần khinh thường đối thủ. Khi nhắc đến mặt trời còn người ta thường nghĩ đến một vũ trụ to lớn nhưng với hổ thì không nó chỉ là “mảnh mặt trời” mà thôi. Quả thật xứng danh là một chúa tể muôn loài.

     Đoạn thơ là bộ tranh tứ bình đẹp đẽ nhất mà tác giả đã kì công dựng nên. Mượn lời của hổ, những đắm say về một thời đã qua cũng là tâm trạng của tác giả. Đoạn thơ đã sử dụng các nghệ thuật đặc sắc góp phần làm nên giá trị nội dung cho đoạn thơ nói riêng và cho toàn bộ bài thơ nói chung.

---/---

Trên đây là Dàn ý cảm nhận khổ 3 bài Nhớ rừng do Top lời giải sưu tầm được, mong rằng với nội dung tham khảo này các em có thể triển khai bài văn của mình tốt nhất, chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 21/03/2021 - Cập nhật : 21/03/2021