logo

Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng


Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng - Bài mẫu 1

Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng | Văn mẫu 7 hay nhất

“Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng…”. Bác chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ nhưng thơ ca của Người luôn có một sức truyền cảm mãnh liệt. Những câu chữ thân thuộc nhất lại hóa thành “bụi vàng” lóng lánh, vang lên khúc ca của tình yêu thiên nhiên và sự lạc quan, yêu đời:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

 Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

 Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

“Nguyên tiêu” là bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được ra đời ở chiến khu Việt Bắc. Khác với những nỗi niềm trong “Cảnh khuya” trước đó, bài thơ chính là niềm vui, niềm xúc động của Bác trước những chiến thắng liên tiếp của quân và dân ta. Sự khởi đầu của trời đất cùng với niềm hân hoan trong lòng người đã tạo nên những câu thơ tràn đầy thi hứng:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

Dù có dành bao nhiêu ngôn từ để miêu tả vầng trăng thì nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca của Người. Mùa xuân đã thổi vào đất trời và vạn vật một hơi thở tràn đầy tươi mới, khiến cho vầng trăng giờ đây cũng lộng lẫy, xinh tươi gấp bội phần. Ngự trên trời cao, ánh sáng dịu ngọt được vầng trăng ban phát khắp thế gian, khiến cả đất trời chìm trong vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Sức sống của mùa xuân dường như hiển hiện ở khắp nơi nơi:

“Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”

Câu thơ có ba từ xuân đã mở ra một không gian rộng lớn, khoáng đạt, có chiều rộng của sông, chiều cao của trời. Ba từ xuân cũng gợi tả sức sống mênh mang đang chảy tràn trên câu chữ. Phải chăng mùa xuân của đất trời đã đánh thức mùa xuân của lòng người, mùa xuân đất nước, khơi mở cảm hứng để Bác “đề thơ vào sông nước”. Qua lời thơ, ta cũng có thể hình dung Bác như một vị tao nhân mặc khách đang đắm say trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tâm hồn bình yên, tĩnh lặng trước vẻ nên thơ của đất trời.

Trong hai câu thơ cuối, sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người đã được đẩy lên mức cao nhất:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

Trong bản dịch, tác giả đã không lột tả được hết vẻ lãng mạn, huyền ảo của hai từ “yên ba”. Khói sóng chính là chất liệu được lấy từ thơ cổ, khiến cho lời thơ mang âm hưởng Đường Thi man mác: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”(Thôi Hiệu). Tuy nhiên, trên cái nền hư ảo ấy không phải là những thú vui tao nhã: cầm, kỳ, thi họa mà là công việc cấp bách, hệ trọng, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh quốc gia, dân tộc: đàm quân sự. Dù mang đậm hơi thở thời đại nhưng giữa sông trăng, trời trăng, nó vẫn toát lên vẻ nên thơ, lãng mạn rất đặc biệt. Ánh trăng từng “nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”, tô điểm cho cảnh khuya Việt Bắc: “trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” nay lại cùng con người trải qua những giờ phút thiêng liêng của lịch sử. Ánh trăng đêm nay tràn đầy niềm tin vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, là ánh trăng của sự lạc quan yêu đời và khát khao tự do, hòa bình.

Thơ ca Hồ Chí Minh luôn là “sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp nhất”. Những vần thơ ấy tuy giản dị nhưng lại có sức lan tỏa mãnh liệt để đi từ “chân trời của một người đến chân trời của triệu người”.


Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng - Bài mẫu 2

Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng | Văn mẫu 7 hay nhất (ảnh 2)

Trót gieo nặng nợ với văn chương, có người thi nhân nào lại không say mê cái đẹp, nhạy cảm trước mọi biến đổi của trời đất. Phải chăng vì thế mà Thạch Lam từng cho rằng: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường”. Đọc thơ Hồ Chí Minh, ta nhận ra một vẻ đẹp giản dị nhưng lại có khả năng “thanh lọc tâm hồn con người, làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân viên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

“Nguyên tiêu” nằm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được Bác viết trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Bài thơ ra đời trong không khí náo nức, hân hoan của niềm vui chiến thắng vang dội khắp bốn miền.

Đối với những bậc tao nhân mặc khách, uống rượu thưởng trăng đã trở thành một trong những thú vui thanh cao, tao nhã. Khác với vầng trăng trong cổ thi xưa, trăng trong thơ của Bác có một dáng nét, dáng hình rất riêng:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

 Trăng vẫn luôn là biểu tượng cho vẻ đẹp tròn đầy, viên mãn. Trong tết nguyên tiêu, vẻ đẹp ấy dường như đạt đến độ hoàn mỹ nhất. Với tình yêu thiên nhiên cùng tâm hồn nhạy cảm của thi nhân, Bác đã thâu được cái hồn của vạn vật, khiến nó hiện hình trên trang giấy. Ánh trăng rạng ngờ tựa như mật ngọt đối với thế gian, làm cho lòng người phải say mê, chao đảo.

Thi hứng về mùa xuân tiếp tục được chắp cánh và bay cao trong câu thơ thứ hai:

“Xuân giang xuân thủy tiếp xuân viên”

Với ba từ xuân nối tiếp nhau, Hồ Chí Minh đã lột tả được khí sắc và cái thần của mùa xuân. Cả đất trời dường như đều đắm chìm trong khí xuân mơ màng mà căng tràn nhựa sống. Và bằng sự tinh tế, tài tình ấy, Bác đã thổi một cái hồn rất riêng vào mùa xuân, khắc tạc dáng nét của nó vào trong lòng người đọc.

Trong thơ của Bác, con người không hề bị khuất lấp, ẩn chìm so với thiên nhiên mà luôn xuất hiện trong một tư thế rất đặc biệt:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

Công việc có liên quan đến an nguy, vận mệnh của cả dân tộc lại được diễn ra trên cái nền vô cùng thơ mộng, trữ tình. Sự đối lập đó lại càng làm nổi bật khí chất thanh cao của Hồ Chí Minh- con người có sự hoà quyện giữa chất thi sĩ và chất chiến sĩ. Hình ảnh con thuyền lững lờ trôi trên dòng sông ngập tràn ánh trăng mang vẻ đẹp lãng mạn của Đường thi, Tống thi. Thế nhưng, vẻ đẹp lãng mạn ấy vẫn chưa bao giờ mất đi “chất thép”- vốn là nét nổi bật trong phong cách thơ Hồ Chí Minh. Cũng nhờ chất thép ấy mà những vần thơ của Người luôn mang đậm hơi thở thời đại, trở thành chứng nhân cho một thời kỳ lịch sử huy hoàng.

“Qua giọng hát, anh nhận ra người hát. Qua nét khắc, anh nhận ra người thợ bạc”. Còn qua một bài thơ, ta nhận ra một nhân cách, một tâm hồn. Đó là người thi sĩ- chiến sĩ Hồ Chí Minh, con người yêu thiên nhiên, nhạy cảm với cái đẹp nhưng đồng thời vẫn luôn đau đáu một nỗi lòng vì dân, vì nước.


Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng - Bài mẫu 3

Cảm nhận bài thơ rằm tháng giêng | Văn mẫu 7 hay nhất (ảnh 3)

Nhớ thuở xưa, thi tiên Lý Bạch đã từng cảm khái mà thốt lên rằng:

“Cổ nhân kim nhân nhược lưu thủy

Cộng khán minh nguyệt giai như thử”

(Người xưa nay, tựa nước nguồn

Đã từng chung ngắm trăng non một thời)

Thơ văn kim cổ đã từng chứng kiến biết bao cuộc hội ngộ giữa thi nhân và vầng trăng. Nếu như Lý Bạch từng vì lưu giữ bóng trăng mà nhảy xuống sông Thái Trạch thì với Hồ Chí Minh, trăng là người bầu bạn, cũng là người đồng chí của Bác. Vầng trăng từng xuất hiện trong “Cảnh khuya” nay lại chiếu rọi trong “Rằm tháng giêng” để khơi dậy tình yêu thiên nhiên sâu sắc:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân viên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

Nếu như “Cảnh khuya” ra đời trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt thì “Rằm tháng giêng” lại là đóa hoa nở rộ để góp thêm niềm vui trước những chiến thắng liên tiếp của quân và dân ta. Bài thơ đã làm phong phú thêm sự nghiệp thơ ca của Hồ Chí Minh, đồng thời là minh chứng cho một phong cách thơ vừa truyền thống vừa hiện đại.

Mở đầu bài thơ là những cảm nhận tinh tế nhất về khung cảnh đất trời độ xuân sang:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân viên”

Cái hồn của mùa xuân được thâu gọn trong vài nét chấm phá, từng câu chữ như thấm đượm một sức sống căng tràn, bát ngát. Tô Thức đã từng ca ngợi thơ Ma Cật rằng: “Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi”(Thưởng thức thơ Ma Cật, trong thơ có tranh. Ngắm nhìn tranh Ma Cật, trong tranh có thơ). Nay đọc thơ Bác, ta cũng có thể tưởng tượng ra bức tranh mùa xuân tươi đẹp thông qua những câu thơ chữ Hán mang đậm chất cổ điển. Trong tiết xuân ấm áp, trên bầu trời cao rộng là vầng trăng tròn đang tỏa sáng lung linh. Bầu trời và dòng sông như nối liền một dải bởi màu xanh của sự sống.

Đắm chìm vào thiên nhiên mộng mơ, lãng mạn nhưng chưa bao giờ quên đi hiện thực có lẽ đã trở thành đặc điểm nổi bật trong thơ ca của Bác. Ở “Rằm tháng giêng”, nét phong cách ấy được thể hiện qua cụm từ “đàm quân sự”:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

Giữa khung cảnh thơ mộng, trữ tình được dệt lên bởi trăng và khói sóng không phải là bậc tao nhân mặc khách đang uống rượu làm thơ. Ở đây, vẻ đẹp hoài cổ của Đường Thi đã được thổi thêm cái hồn thời đại. Trên con thuyền xuôi mái giữa sông trăng là nơi diễn ra những công việc hệ trọng của cả đất nước. Tuy xuất hiện trên cái nền là khung cảnh bao la của trời đất nhưng con người vẫn giữ được một tư thế rất riêng. Câu thơ cuối khép lại bài thơ trong vẻ lãng mạn của vầng trăng đã cùng con người kinh qua biết bao chặng đường lịch sử: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Ánh trăng đêm nguyên tiêu vừa trong, vừa sáng, khiến cho con người tức cảnh sinh tình nhưng đồng thời cũng là niềm tin về một tương lai tươi sáng.

“Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Chính sự hòa quyện giữa chất lãng mạn và chất hiện thực, sự mực thước của Đường thi với những vần thơ giản dị, tinh tế đã giúp “Rằm tháng giêng” có sức mạnh chống lại “mọi định luật băng hoại của thời gian” và sống mãi trong lòng người đọc.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021