logo

Cảm nhận bài thơ cảnh khuya


Cảm nhận bài thơ cảnh khuya - Bài mẫu 1

Cảm nhận bài thơ cảnh khuya | Văn mẫu 7 hay nhất

Thiên nhiên từ lâu đã trở thành điểm hẹn của bậc tao nhân mặc khách, là chốn bình yên để ta tìm về với tâm hồn, nơi chôn giấu những tình cảm sâu kín nhất. Đặc biệt là với các thi nhân, thiên nhiên trong thơ họ không đơn thuần là sự ngợi ca đối với vẻ đẹp của tạo hóa mà bao giờ cũng ẩn chứa những nỗi niềm riêng. Đến với bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Bài thơ “Cảnh khuya” ra đời vào năm 1947, đây cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đang diễn ra ác liệt. Trong những giờ phút căng thẳng, sục sôi ấy, thiên nhiên miền sơn cước đã gợi thi hứng cho Bác để tạo nên những vần thơ đẹp đẽ, diệu kỳ:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa”

Trong đêm khuya yên tĩnh, âm thanh của tiếng suối róc rách chảy có khả năng làm rung động lòng người. Ở đây, Bác đã có một so sánh rất đắt khi ví tiếng suối “trong như tiếng hát xa”. Tiếng hát xa là tiếng hát ở nơi nao ta chẳng biết, phải chăng đó là tiếng hát của cô thôn nữ miền sơn cước có giọng hát cao vút, trong trẻo vang vọng khắp núi rừng? Cũng nhờ lối so sánh ấy, tiếng suối giờ đây chẳng còn lạnh lẽo, xa xôi mà thật ấm áp bởi có hơi thở của con người.

Bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc tiếp tục được Bác khắc họa bằng những nét vẽ mềm mại, tinh tế:

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Lời thơ gợi ta nhớ đến vẻ đẹp của những câu thơ cổ trong “Chinh phụ ngâm khúc”: “Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông”. Từ “lồng” bao giờ cũng gợi tả vẻ đẹp quyện hòa, quấn quýt, gắn bó. Trong câu thơ trên, từ “lồng” được lặp lại đến hai lần như muốn diễn tả sự giao hòa của trời đất. Bóng trăng xuyên qua tán cây cổ thụ, cũng những giọt sáng ấy lại một lần nữa quyện hòa vào nhau để biến mặt đất trở thành một bức tranh ánh sáng với vô vàn những bông hoa huyền ảo.

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì no lỗi nước nhà”

Câu thơ có hai vế song hành với nhau: Cảnh khuya đẹp như vẽ và người thì chưa ngủ. Trong khi người đọc còn đang băn khoăn: phải chăng cảnh đẹp làm Bác thao thức thì câu thơ cuối đã lý giải tất cả: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Hình ảnh người lãnh tụ hiện lên thật giản dị nhưng tâm hồn Bác thì “lộng gió thời đại”. Trong lòng Bác luôn thường trực một nỗi lo canh cánh vì dân, vì nước. Đây cũng là nỗi trăn trở đã theo Người đi suốt cuộc đời, luôn khiến Người thao thức không yên:

“Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh”

“Cảnh khuya” được tạo nên từ những vần thơ giản dị nhưng chính sự giản dị ấy lại là điểm sáng giúp nó neo đậu trong lòng người đọc. Bài thơ cũng là minh chứng cho tình yêu thiên nhiên của Bác, đồng thời giúp người đọc hiểu hơn về tấm lòng vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh.


Cảm nhận bài thơ cảnh khuya - Bài mẫu 2

Cảm nhận bài thơ cảnh khuya | Văn mẫu 7 hay nhất (ảnh 2)

“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Trong Cảnh khuya, ta thấy đó là sự quyện hòa giữa tình yêu thiên nhiên say đắm và tình yêu nước nồng nàn, mãnh liệt:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Bài thơ được Bác sáng tác ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1947. Đây cũng là thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi quân dân ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ. Mở đầu bài thơ, những nét đẹp nguyên sơ của thiên nhiên Tây Bắc đã thực sự gây ấn tượng với người đọc:

“Tiếng hát trong như tiếng hát xa”

Giữa cái hoang vắng của núi rừng, sự tĩnh lặng của đêm khuya, âm thanh tiếng suối vang lên như bản đàn tuyệt hay của thiên nhiên, dẫn dắt con người tới xứ sở của cái đẹp. Là một người xem thiên nhiên như tri âm tri kỷ, làm sao Bác có thể bỏ qua lời mời gọi ấy. Tiếng suối ấy đã khiến cho Người có những liên tưởng hết sức tự nhiên: “tiếng hát trong như tiếng hát xa”. Đọc những câu thơ Cảnh khuya, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến tiếng suối ở Côn Sơn năm nào:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

Dù là tiếng đàn hay tiếng hát thì nó đều biểu trưng cho cái đẹp có sức hấp dẫn lay động lòng người. Ví tiếng suối với tiếng đàn là hình ảnh so sánh quen thuộc thường thấy trong thơ ca kim cổ. Ở đây, để giúp bài thơ có nét độc đáo hơn, Bác còn gợi lên độ trong của tiếng suối, dùng thính giác để liên tưởng đến thị giác.

Bên cạnh tiếng suối, nét cổ điển của bài thơ còn được gợi lên qua ánh trăng:

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Câu thơ tựa như một bức tranh cổ điển hài hòa, cân xứng giữa bóng trăng và bóng hoa, bóng lá. Những vần thơ “thần hứng” ấy có lẽ không dễ gì mà có được. Nó phải là sự kết tinh, hòa quyện giữa chất thơ của thiên nhiên và chất thơ phảng phất trong hồn người, để rồi lại được chắp cánh bay cao nhờ những liên tưởng phóng khoáng.

Ngỡ như Bác đã hoàn toàn chìm đắm vào thiên nhiên mộng mơ, trữ tình thì ở hai câu thơ cuối, người đọc mới chợt nhận ra lý do của cuộc hội ngộ đêm nay:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Vẻ đẹp của thiên nhiên miền sơn cước tưởng như là tác nhân khiến cho con người phải say mê, thao thức. Nhưng thực ra, ẩn sau vẻ lãng mạn của tâm hồn thi sĩ là những băn khoăn, trăn trở của người chiến sĩ: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. “Nỗi nước nhà” ấy chính là “chất thép” trong thơ Hồ Chí Minh, không đao to búa lớn mà chỉ giản dị như chính con người Bác:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,

 Mây gió trăng hoa tuyết núi sông,

 Nay ở trong thơ nên có thép,

 Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Tâm hồn Bác chưa có một giây phút nào bình yên, ngơi nghỉ. Ẩn sau vẻ nhàn tản mang dáng dấp của bậc tao nhân mặc khách kia là một nhân cách lớn đang cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, dân tộc.

Sóng Hồng từng nói: “Thơ là thơ, là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách riêng”. Bài thơ “Cảnh khuya” là sự kết hợp hài hòa giữa họa và nhạc, giữa chất thi sĩ và chất chiến sĩ. Bằng chân tâm thực ý, những vần thơ hôm ấy đã cất cánh bay cao để rồi neo đậu mãi nơi hồn người đọc.


Cảm nhận bài thơ cảnh khuya - Bài mẫu 3

Cảm nhận bài thơ cảnh khuya | Văn mẫu 7 hay nhất (ảnh 3)

Sóng Hồng đã từng viết: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp nhất.” Đọc một bài thơ hay, ta không chỉ say mê với nhạc điệu uyển chuyển, câu từ độc đáo mà còn cảm nhận được những tình cảm lớn lao cùng tinh thần thời đại. Bài thơ Cảnh khuya ra đời ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, ác liệt, ý thơ đã được chắp cánh bay cao bởi một tâm hồn lãng mạn và chất thép trong tinh thần chiến sĩ.

Giữa bộn bề việc dân, việc nước, Bác vẫn tìm thấy vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ để đánh thức những rung động trong tâm hồn:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.”

Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng suối róc rách với nốt thăng, nốt trầm trở thành điểm nhấn phá tan đi sự tĩnh mịch đến ảm đạm của núi rừng. Và để khiến cho tiếng suối ấy trở nên độc đáo hơn, phép nhân hóa đã được Bác sử dụng để biến âm thanh của thiên nhiên thành âm thanh mang sức sống, hơi thở con người: “tiếng hát xa”. Tiếng hát ấy vang vọng khắp không gian bốn bề của núi rừng hoang sơ, là hiện thân cho những gì trong trẻo nhất. Nó giúp con người quên hết mọi muộn phiền để tìm về với những góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn.

Bức tranh cảnh khuya trở nên hoàn thiện hơn khi ở trên trời cao, vầng trăng tròn đang tỏa ánh sáng dịu dàng xuống vạn vật trời đất:

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.”

Ở đây ta bắt gặp cách dùng từ vô cùng độc đáo và đặc biệt của chủ tịch Hồ Chí Minh. Điệp từ “lồng” được lặp lại hai lần, hình ảnh lồng trong hình ảnh, ánh trăng lồng lên cây, bóng trăng lồng qua bóng hoa tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Trăng về đêm khuya là trăng cao nhất và sáng nhất, ánh trăng chiếu rọi xuống rừng núi, từng ánh trăng xuyên qua từng cành cây cổ thụ rồi lại chiếu xuống từng bông hoa. Mọi thứ như hòa quyện vào nhau khiến người thi sĩ rung động và không thể ngồi yên mà buông ra những câu thơ và trải ra nỗi lòng của mình:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”

Có phải vì cảnh khuya đẹp đẽ quá mà con người không ngủ được, phải chiêm ngưỡng và thưởng thức cảnh đẹp. Không hẳn là thế, cảnh đẹp chỉ là cái cớ để con người vịn vào: “Không ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Sự thổn thức, day dứt và bồi hồi trong lòng, sự lo lắng, buồn bã cho đất nước, cho nhân dân khiến Bác không thể nào ngủ được. Ngày mai đất nước dân tộc sẽ ra sao, cuộc kháng chiến có giành được thắng lợi không, rồi kế sách tiếp theo, bước đi kế tiếp sẽ thế nào… hàng ngàn câu hỏi hàng ngàn nỗi lo quanh quẩn và rối rắm trong đầu Người, làm sao Người có thể ngủ..

Qua bài thơ, lại một lần nữa ta hiểu rõ hơn về tâm hồn và nhân cách lớn lao của chủ tịch Hồ Chí Minh. Cảnh khuya cũng như những di sản khác mà Bác để lại sẽ luôn được hậu thế nâng niu và trân trọng như là chứng tích về một thời kỳ gian khổ nhưng hào hùng của đất nước. 

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021