logo

Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước

Cảm nhận 9 câu đầu bài thơ Đất Nước | Văn mẫu 12 hay nhất

        Có một đề tài, vẫn luôn trở đi trở lại như một lời khấn khứa, luôn thường trực trong tâm hồn, luôn khắc khoải khôn nguôi chẳng bao giờ vơi cạn, đó là đề tài về quê hương đất nước. Cũng lấy mạch nguồn từ đất nước, nhưng mỗi nhà thơ lại gây ấn tượng bằng cách diễn đạt hình ảnh khác nhau, với Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ đã vận dụng sáng tạo, tài tình các chất liệu dân gian để mang đến cho người đọc những rung cảm mới mẻ về nguồn cội của Đất nước. 9 câu thơ mở đầu là sự thể hiện sâu sắc nhất nét đặc biệt này của thơ Nguyễn Khoa Điềm.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể”

        Mở đầu đoạn thơ là câu nói quen thuộc, tưởng như thuở ấu thơ của chúng ta đều đằm trong mình giọng kể của bà của mẹ với những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, từ đó, bắc cây cầu liên tưởng cho tâm hồn người đọc. Hóa ra, đất nước hiện ra trong cổ tích, trong những kí ức tuổi thơ gần gũi, thân quen đến thế chứ chẳng hề kì vĩ, lớn lao như một đấng bậc xa xôi thần bí nào. Đất nước không ở ngoài xa một cách xa xôi, diệu vợi mà nhuần thấm giá trị trong ta, từ những ngày âu thơ khi chập chững cất tiếng nói đầu tiên, hình ảnh và linh hồn Đất Nước đã thường trực mãi như vậy. Và Đất Nước còn:

“Bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

       Có lẽ với mỗi người con đất Việt nào, thì hình ảnh quả cau miếng trầu đã trở nên quá đỗi quen thuộc, nó là ký ức thuộc về văn hóa, là những nét đẹp truyền thống thấm dần trong từng thớ vỏ tâm hồn người Việt. Nếu trong ca dao dân ca, hình ảnh miếng trầu thường được xuất hiện bên những câu hát giao duyên, câu hát huê tình: trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, bằng bàn tay nghệ thuật sáng tạo và tâm hồn thơ hiện đại, nhà thơ đã mang đến cho chất liệu dân gian ấy một hơi thở, một sức sống mới. Kết hợp với hai câu thơ mở đầu ta nhận ra, đất nước không chỉ hiện ra trong những câu chuyện cổ tích bay bổng của dân gian mà còn thấm nhuần những nét đẹp văn hóa được hun đúc trong hàng ngàn năm lịch sử.

        Tiếp tục mạch lập luận đi tìm cội nguồn của Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm cũng kín đáo gửi gắm vào trong đó truyền thuyết Thánh Gióng- khi dân mình biết trồng tre đánh giặc. Như vậy, trong hành trình tìm về với cội nguồn đất nước sâu xa, nhà thơ không chỉ nhìn thấy hình ảnh đất nước lớn lao vĩ đại, mà còn thấy cả trong đó những truyền thuyết dân gian hào hùng vẫn sáng mãi vẻ đẹp con người dân tộc với tinh thần chống giặc quật cường, vẻ đẹp ấy bất chấp dòng chảy thời gian vô thủy vô chung.

        Điểm vào đó, nhà thơ cũng bắt vào mạch thơ những câu ca dao tục ngữ đã trở thành điểm tựa của đạo lý dân tộc: gừng cay muối mặn, đó là nét đẹp của con người Việt Nam son sắt, thủy chung, trước sau như một. Đó cũng là nền tảng để dân tộc ta đời đời kiếp kiếp cùng nhau đoàn kết, gắn bó chia ngọt sẻ bùi.

       Đất Nước hiện diện trong cổ tích, trong tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, trong nét đẹp văn hóa cổ xưa, và trong cả nỗi vất vả cần lao lam lũ khó  nhọc mà chịu thương chịu khó của người nông dân lao động. Đất Nước được làm nên, được vun đắp bởi những giọt mồ hôi nóng bỏng của người dân lương thiện cui cút làm ăn.

       Như vậy, có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm viết về Đất nước, từ chính những chất liệu dân gian- linh hồn của con người dân tộc, nơi gửi gắm điệu hồn và nét đẹp của bao thế hệ dân tộc, do đó, mạch thơ rất chính luận mà cũng đằm thắm trữ tình, dạt dào xúc cảm. Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hiện lên vừa gần gũi, mộc mạc, giản dị chứ không quá thiêng liêng kì vĩ một cách siêu hình, do đó dễ khơi gợi được sự chân cảm từ phía bạn đọc.

      Bằng ngòi bút sáng tạo, linh hoạt của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã mang hơi thở, sức sồng mới vào các chất liệu dân gian, từ đó làm vốn liếng để lý giải một cách giản dị mà thấm đượm nguồn cội thiêng liêng của Đất Nước.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021