logo

5 dạng Kết bài Đất nước ngắn gọn, hay nhất

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề 5 dạng Kết bài Đất nước ngắn gọn, hay nhất. Các bài văn mẫu được tổng hợp từ các bài viết hay, xuất sắc của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!


Mục lục nội dung

Kết bài phân tích bài thơ Đất nước 

5 dạng Kết bài Đất nước ngắn gọn, hay nhất


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 1

    Qua những cảm nhận hết sức bình dị nhưng vô cùng mới mẻ bằng việc sử dụng thành công, kết hợp nhuần nhuyễn các chất liệu văn học, văn hóa dân gian truyền thống , tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp một quan điểm sâu sắc, mới mẻ về chủ đề Đất Nước - chủ đề bao trùm xuyên suốt tiến trình văn học Việt Nam. Quan niệm đất nước của Nguyễn Khoa Điềm mang dấu ấn riêng biệt của sự trải nghiệm, chiêm nghiệm, triết lí, suy tư, từ đó đem đến cảm nhận, cách khám phá quê hương đất nước trong cái nhìn toàn vẹn, nổi bật là tư tưởng cốt lõi về nhân dân: “Đất Nước của nhân dân” và nhân dân chính là người kiến tạo, tạo dựng, đi qua những giao lao và làm nên chiến công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 2

    Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định, trích đoạn “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường và khát vọng” đã thể hiện rõ chất “trữ tình - chính luận” - đặc trưng nổi bật đại diện cho tiếng thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân Dân” - một tư duy hiện đại đậm chất chính luận đã được khám phá trong một thế giới gần gũi của ca dao, truyền thuyết thấm đượm màu sắc văn hóa dân gian, tạo nên nét đặc sắc thẩm mĩ và làm nổi  bật quan điểm: “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại”. Đây là cách nhìn nhận, đánh giá mang tính tích cực trong việc thức tỉnh thế hệ trẻ thành thị miền Nam ý thức về tinh thần dân tộc và đứng về phía nhân dân, cách mạng giữa những năm tháng kháng chiến chống Mĩ khốc liệt.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 3

    Như vậy, trích đoạn “Đất Nước” đã thể hiện tài năng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong việc kết hợp nhuần nhuyễn cảm xúc và suy tư, chiêm nghiệm, tạo nên chất chính luận và trữ tình quyện hòa. Qua những câu thơ mang đậm chất duy lí vừa chặt chẽ, logic vừa mang âm hưởng thiết tha, vang vọng, chúng ta có thể thấy được quan niệm thân thuộc, gắn bó và thân thiết về Đất Nước, giống như những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mở đầu bản trường ca “Mặt đường và khát vọng”:


“Đất Nước đã hóa thân trong mỗi chúng ta…

Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến…”


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 4

    Như vậy, bằng việc vận dụng sáng tạo hình thức thơ trữ tình - chính luận, thể thơ tự do, giọng thơ biến đổi linh hoạt và sử dụng chất liệu văn hóa dân gian đa dạng qua phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt, ca dao, dân ca, tục ngữ, tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã tạo ra một không gian nghệ thuật đặc biệt để làm nổi bật tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân”. Qua tư duy mới mẻ của nhà thơ, hình tượng Đất Nước đã được khám phá ở nhiều phương diện về chiều sâu văn hóa, chiều rộng không gian cũng như chiều dài của thời gian. Bằng chính trải nghiệm của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên một tuyên ngôn độc đáo về đất nước, từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nhập cuộc, “lên đường” tham gia công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, đồng thời đánh thức tình yêu quê hương luôn tồn tại trong tâm thức và trái tim hàng triệu con người Việt Nam.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 5

    Như vậy, trong trích đoạn “Đất Nước”, hình tượng Đất Nước đã được khám phá trên nhiều bình diện phong phú, đa dạng gắn liền với chất suy tư triết luận quyện hòa cùng cảm hứng trữ tình sâu lắng. Đồng thời, những vần thơ còn chứa đựng trải nghiệm cá nhân độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về cách cảm nhận hình tượng Đất Nước, giống như ông từng chia sẻ: “Tôi cố gắng thể hiện hình ảnh Đất Nước giản dị, gần gũi nhất. Đó là cách để đi vào lòng người, đồng thời cũng là cách để tôi đi con đường riêng của tôi không lặp lại người khác”. Đó chính là yếu tố tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của đoạn trích “Đất Nước” nói riêng và trường ca “Mặt đường khát vọng” nói chung trong số những tác phẩm viết về chủ đề yêu nước.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 6

    Đất Nước đã được nhà thơ lí giải cắt nghĩa theo cảm nhận của riêng mình. Đoạn thơ thể hiện niềm tự hào, trân trọng sâu sắc của tác giả dành cho Tổ quốc mình. Đoạn thơ rất thành công với thể thơ tự do mỗi câu như một cảm xúc trào dâng từ đáy lòng thi sĩ. Nhà thơ đã vận dụng thành cồn những chất liệu văn hóa văn học dân gian. Và khi kết thúc những câu thơ ấy, trong lòng người đọc cũng xuất hiện hình ảnh đất nước vừa quen thuộc, vừa mới lạ, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi và biết bao mến thương.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 7

    Thật vậy, nhân dân chính là chủ nhân của đất nước. Bởi vậy đất nước này phải thuộc về nhân dân. Tư tưởng của tác giả rất tiến bộ, rất đời thường và rất sâu sắc. Như vậy Nguyễn Khoa Điềm bằng những lý lẽ và dẫn chứng đầy thuyết phục đã khẳng định được vị trí, vai trò vô cùng to lớn của đất nước trong cuộc sống của mỗi con người. Gấp trang sách lại nhưng những hình ảnh về đất nước vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 8

    Những câu thơ khép lại tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương với một tâm hồn lạc quan phơi phới. Tất cả ào ạt tuôn chảy trong tâm trí người đọc những tí tách reo vui. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành công cho mảng thơ viết về Đất nước. Từ những cảm nhận mang tính gần gũi, quen thuộc, Đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất thiêng liêng. Đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm ta không chỉ tìm về cội nguồn dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam trong mọi thời đại.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 9

    Bằng lời văn giản dị mà tinh tế, đầy sức thuyết phục đã làm rõ nét hình ảnh Đất nước trong cuộc sống của mỗi con người. Dáng vẻ Đất Nước đầy thân thương như chẳng thể nào phai mờ trong những thứ nhỏ nhặt nhưng không chút tầm thường.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 10

    Bằng sự vận dụng đầy sáng tạo hình thức thơ tình - chính trị, đoạn trích Đất Nước quy tụ mọi cảm nhận, mọi cái nhìn, quy tụ vốn liếng sách vở cũng như những trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ để làm nên một tuyên ngôn về tư tưởng, về nhận thức của cả một thế hệ nghệ sĩ, ấy là tư tưởng "Đất nước của nhân dân".


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 11

    Đọc chương Đất Nước, có thể thấy rõ dấu ấn của vốn tri thức văn hoá nhà trường và sách vở, sự ảnh hưởng phong cách của một nhà thơ nào đó. Tuy nhiên, đó vẫn là chương tiêu biểu và tinh túy nhất của trường ca Mặt đường khát vọng. Bài thơ vẫn tạo nên được những rung động âm vang trong lòng người đọc là nhờ tác giả từ những cảm xúc chân thành, từ sự trải nghiệm của bản mà nói lên những suy nghĩ chung của cả thế hệ mình về đất nước.


Kết bài phân tích bài thơ Đất nước - Mẫu 12

    Đất nước đã được xem là một đề tài, cảm hứng chủ đạo của thơ ca thời kì kháng chiến chống Mỹ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm dường như cũng đã nhận thức sâu sắc vai trò và sự đóng góp to lớn của nhân dân trong cuộc đấu tranh trường kỳ và vô cùng ác liệt này. Chính vì thế có thể nói rằng tư tưởng đất nước của nhân dân từ trong văn học truyền thống đã được nhà thơ phát triển đến đỉnh cao, mang tính dân chủ sâu sắc. Dùng chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng nhuần nhuyễn, biến đổi linh hoạt đầy sáng tạo chính là nét đặc sắc thẩm mĩ và thống nhất với tư tưởng “đất nước của nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại” của bài thơ.


Mẫu kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước

5 dạng Kết bài Đất nước ngắn gọn, hay nhất (ảnh 2)


Mẫu kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước 1

    Đề tài về đất nước luôn luôn là một cảm hứng cho mọi nền văn học nhất là nền văn học của một dân tộc mà tình yêu nước luôn luôn bị đem ra thử thách. Thành công về đề tài này đã nhiều nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một tiếng nói riêng, một sự khám phá riêng với một phong cách riêng, góp vào vườn thơ về đất nước bông hoa đẹp nhất tỏa hương thơm đến muôn đời, muôn thế hệ.


Mẫu kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước 2

    Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Cuộc chiến tranh chống Mĩ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai)


Mẫu kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước 3

    Chất liệu văn học dân gian đã được sử dụng không còn ở dạng nguyên sơ mà đã được chuyển hóa trong cách cảm cách nghĩ trong lời thơ, giọng điệu. Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa như những điển tích điển cố để tạo nên tính hình tượng đa nghĩa trong thơ ca. Những yếu tố của văn hóa dân gian đã hòa hợp thật kì diệu với tinh thần hiện đại. Nhà thơ đã lấy cái xưa cũ để nói chuyện hôm nay, lấy quá khứ để nói hiện tại và liên tưởng đến tương lai của đất nước. Nhà thơ xứng đáng là người đại diện cho dân tộc mình, thế hệ mình để ngợi ca về Đất Nước, nhân dân.


Mẫu kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước 4

    Có một tư tưởng về đất nước được vẽ lên bình yên từ những điều giản dị. Có một hình ảnh đất nước được lí giải với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết ngày xửa ngày xưa. Có những giá trị của một đất nước được cắt nghĩa từ một không gian tình tứ như chuyện tình của đôi lứa, uyên ương. Tất cả những điều này, được Nguyễn Khoa Điềm truyền tải trọn vẹn trong trích đoạn “Đất Nước" của mình. Cuộc chiến tranh chống Mĩ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai).


Mẫu kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước 5

    Pauxtôpxki  từng nói “Niềm vui của nhà thơ chân chính là niềm vui của người mở đường đến với cái đẹp”. Và phải chăng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tìm thấy niềm vui cho mình khi mở đường đến với Đất Nước của nhân dân.


Kết bài phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước

5 dạng Kết bài Đất nước ngắn gọn, hay nhất (ảnh 3)


Kết bài phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước - Mẫu 1

    Đoạn thơ 9 câu, 85 chữ mà không hề có một từ Hán Việt nào. Ngôn từ bình dị, cách nói biểu cảm thân mật. Hiện diện trong đoạn thơ là: ta, dân mình, bà, cha, mẹ. Có miếng trầu, cây tre, tóc mẹ, ... Có "gừng cay muối mặn" cái kèo, cái cột, hạt gạo, v.v... Thật là thân thuộc và gần gũi, sâu xa và thấm thía, rung động. Tưởng tượng thì phong phủ, liên tưởng thì bao la. Đoạn thơ đã "nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp" để ta yêu thêm Đất Nước và tự hào về Đất Nước. Cấu trúc đoạn thơ: "tổng – phân – hợp"; mở đầu là câu "Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi", khép lại đoạn thơ là câu "Đất Nước có từ ngày đó".Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ kết hợp hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Đoạn thơ mang vẻ đẹp độc đáo nói về cội nguồn Đất Nước thân yêu.


Kết bài phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước - Mẫu 2

    Qua những dòng thơ trăn trở và suy tư về một khái niệm tưởng chừng như đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân Việt, qua chiều sâu văn hóa, sinh hoạt Nguyễn Khoa Điềm đã có một phát hiện, một cảm nhận vô cùng sâu sắc: Đất Nước hiện lên trong thế giới tinh thần của cộng đồng người Việt, trong cuộc sống sinh hoạt từ bao đời. Đất Nước hiện lên gắn liền với những phong tục tập quán với lối sống, nếp nghĩ, qua kho tàng văn học dân gian, qua bản sắc văn hoá... Đó là một Đất Nước không trừu tượng mà cụ thể, chứa đựng mơ ước, khát vọng, quan niệm về vẻ đẹp phẩm chất của tâm hồn dân tộc. Gương mặt Đất Nước hiện lên thật sống động, lung linh: trong cuộc sống, trong lao động và trong chiến đấu.


Kết bài phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước - Mẫu 3

    Đoạn thơ chín câu, tám lăm chữ mà không hề có một từ Hán Việt. Ngôn ngữ thơ bình dị, gần gũi, nồng hơi thở cuộc sống. Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ hài hòa với chất trữ tình đậm đà. Đoạn thơ đã “nhịp mãi một tấm lòng sứ điệp” để ta thêm yêu và tự hào về Đất Nước.


Kết bài phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước - Mẫu 4

    Từ những lời phân tích trên đây, có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác một cách triệt để vốn văn hoá dân gian. Hàng loạt câu tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích, phong tục, tập quán đã được tái tạo, sáng tạo lại. Không chỉ hay ở phương diện câu chữ, cấu trúc và lời kết đoạn đã gây được ấn tượng. "Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi", đất nước bắt đầu, đất nước lớn lên... chặng đường nào cũng song hành với cuộc sống nhân dân. Tác giả nêu nhiều chứng cứ để làm sáng tỏ kết luận: "Đất Nước có từ ngày đó..." - từ "ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể". Trong suốt quá trình ấy, đất nước gắn bó với mọi gia đình và từng cá nhân. Đó là cơ sở vững chắc để tác giả tiếp tục triển khai tư tưởng Đất Nước này là đất Nước Nhân dân ở 3 khổ thơ sau.


Kết bài phân tích 9 câu đầu bài Đất Nước - Mẫu 5

    Bằng cách sử dụng sáng tạo các chất liệu dân gian, 9 khổ thơ đầu đã giúp Nguyễn Khoa Điềm không chỉ trả lời cho câu hỏi về cội nguồn, lịch sử hình thành Đất Nước, mà còn như gợi lại trong thẳm sâu tâm hồn người đọc những vẻ đẹp văn hóa phong tục đã được đắp bồi dưỡng nuôi trong hàng ngàn thế hệ, cũng từ đó, như một cánh cửa, đưa ta ngược dòng về với vẻ đẹp bình dị, xưa cũ của dân tộc.


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân

5 dạng Kết bài Đất nước ngắn gọn, hay nhất (ảnh 4)


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân - Mẫu 1

    Vẫn biết rằng trường ca là một thể thơ dài, khó thuộc khó nhớ và người viết trường ca dễ bị sa vào lối liệt kê, kể lể. Trích đoạn “Đất Nước” nói riêng, trường ca “Mặt đường khát vọng" nói chung tuy không tránh khỏi tùy vết này nhưng với tất cả những gì Nguyễn Khoa Điềm đã mang lại cho bài thơ “Đất Nước” với tư tưởng đất nước của nhân dân, “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm xứng đáng là những vần thơ của năm tháng không thể nào quên.


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân - Mẫu 2

    Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là Đất nước của Nhân dân của ca dao thần thoại. Những thi liệu dân gian đậm đà chất thơ, được kết hợp với những suy nghĩ giàu chất trí tuệ đã tạo nên nét đặc sắc cho bài thơ. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm cho ý niệm về đất nước của thơ ca chống Mỹ.


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân - Mẫu 3

    Đoạn trích “Đất Nước” ở chương V của trường ca “Mặt Đường khát vọng” thì đã khép lại nhưng những dư âm vẫn luôn gợi mở nhiều suy tư trong mỗi chúng ta. Nguyễn Khoa Điềm từ tình cảnh nước nhà, đã viết nên bài thơ để thức tỉnh ý thức của tầng lớp trẻ miền Nam. Ông đã đưa vào bản trường ca, đặc biệt là đoạn trích Đất Nước những gì đẹp nhất và tinh túy nhất của nghệ thuật, của nội dung và giá trị về tư tưởng. Đó quả thực là sự lao động miệt mài dày công sức và đáng trân trọng. Văn học Việt Nam sẽ còn ghi tên Nguyễn Khoa Điềm, như một người đầu tiên đem tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân với tất cả thế hệ người đọc và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Một hồn thơ nặng lòng với Đất Nước, một cây bút tài hoa cùng những khám phá sâu sắc mới mẻ về tư tưởng Đất Nước - Nhân Dân đã làm những áng văn của Nguyễn Khoa Điểm trở thành một kiệt tác nghệ thuật bất hủ.


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân - Mẫu 4

    Bằng cách đề cao vai trò của nhân dân lao động với đất nước, Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa làm rõ tư tưởng “Đất nước của nhân dân”, khẳng định vai trò và sức mạnh của nhân dân đối với lịch sử và đất nước. Đó là cả một truyền thống lâu dài trong lịch sử văn học dân tộc. Tác phẩm đã tạo nên những rung động âm vang trong lòng người đọc chính là nhờ những cảm xúc chân thành từ sự trải nghiệm của bản thân mà nói lên những suy nghĩ chung của cả thể hệ đối với đất nước. Nguyễn khoa Điềm đã góp thêm một thành công cho dòng thi ca về đất nước, làm sâu sắc thêm những nhận thức về đất nước và nhân dân bằng tiếng nói nghệ thuật đậm đà chất dân gian.


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân - Mẫu 5

    Bài thơ tuy có chỗ còn dàn trải, nhưng ý tưởng đẹp, cảm hứng và ngôn ngữ thơ độc đáo. Nó đã khơi dậy tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm và khát vọng công dân đối với Đất Nước trong mỗi chúng ta:

“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”.


Kết bài phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân - Mẫu 6

    Tóm lại, qua đoạn trích “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định một chân lí: Đất nước này là Đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm cho ý niệm về Đất nước của thơ ca chống Mỹ. Tư tưởng về nhân dân của nhà thơ cũng giống như lời bài thơ dưới đây:

“Và cứ thế nhân dân thường ít nói
Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời
Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi
Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”

( Những người đi tới biển, Thanh Thảo)


Kết bài phân tích nét mới trong cảm nhận về Đất nước


Kết bài phân tích nét mới trong cảm nhận về Đất nước - Mẫu 1

    Những câu thơ khép lại tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương với một tâm hồn lạc quan phơi phới. Tất cả ào ạt tuôn chảy trong tâm trí người đọc những tí tách reo vui. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành công cho mảng thơ viết về Đất nước. Từ những cảm nhận mang tính gần gũi, quen thuộc, Đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất thiêng liêng. Đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm ta không chỉ tìm về cội nguồn dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam trong mọi thời đại.


Kết bài phân tích nét mới trong cảm nhận về Đất nước - Mẫu 2

    Kết lại, những điểm mới trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm đều xuất phát từ tư tưởng tiến bộ trong thời kỳ Cách mạng ấy là tư tưởng Đất Nước của dân, do dân và vì dân là tư tưởng chủ đạo dẫn mạch cảm xúc đi xuyên suốt bài bằng những khám phá mới trên nhiều bình diện văn hóa, lịch sử, địa lý, nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành phát triển Đất Nước. Đặc biệt với giọng thơ thủ thỉ tâm sự, ngọt ngào bộc lộ những cảm xúc chân thành, thiết tha phối hợp với cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian nhuần nhuyễn, sáng tạo đã làm cho bài thơ trở thành tác phẩm viết về đề tài đất nước tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.


Kết bài phân tích nét mới trong cảm nhận về Đất nước - Mẫu 3

    Với một cái nhìn giàu suy tư, tư tưởng đất nước của nhân dân, do nhân dân làm ra được tô đậm là cảm hứng chủ đạo. Tất cả được biểu đạt bằng một giọng thơ trữ tình - chính luận sâu lắng, thiết tha. Nghệ thuật sử dụng nhuần nhị và sáng tạo các chất liệu văn hoá và văn học dân gian đem vào câu thơ hiện đại tăng thêm sức hấp dẫn của đoạn thơ.

.../...

 Trên đây là các bài văn mẫu 5 dạng Kết bài Đất nước hay nhất của tác giả Nguyễn Khoa Điềm do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021