logo

Soạn bài: Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 12 chi tiết được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tiếp cận tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Soạn văn 12: Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm


Soạn bài: Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm

Câu 1 (trang 122 sgk Văn 12 Tập 1):

Đoạn trích thể hiện sự cảm nhận và lí giải của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước, theo bố cục như sau:

- Phần 1: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

                 ….

                Làm nên đất nước muôn đời”

Phần này thể hiện cái nhìn, cách đánh giá, cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước thông qua nhiều yếu tố khác nhau, như: văn hóa, lịch sử, địa lí.

- Phần 2: Đoạn còn lại.

Phần này thể hiện trực tiếp tư tưởng “đất nước của nhân dân”

- Mạch cảm xúc chính, xuyên suốt bài thơ là tư tưởng đất nước của nhân dân, một đất nước thân thuộc, gắn bó máu thịt với đời sống của mỗi người dân đất Việt trong suốt những năm tháng lịch sử, trải dài theo những trầm tích văn hóa.

Câu 2 (trang 122 sgk Văn 12 Tập 1):

Soạn bài: Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm (chi tiết)

Trong phần đầu của đoạn trích, tác giả đã cảm nhận về đất nước trên những phương diện sau:

- Tác giả không đưa ra những con số, những sự kiện lịch sử, những tên gọi triều đại cụ thể mà chỉ nói bằng cách hết sức thân quen, gần gũi, như cách mở đầu những câu truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa:

+ “Đất nước đã có rồi”

+ “Ngày xửa ngày xưa”

- Tiếp theo, tác giả dùng những hình ảnh quen thuộc về phong tục tập quán, về lối sống nếp ở từ ngàn năm nay của người Việt để tái hiện lại hình ảnh của đất nước: Đó là “miếng trầu bà ăn”, là phong tục búi tóc sau đầu của người phụ nữ.

- Không chỉ vậy, đất nước còn hiện lên với truyền thống đánh giặc hào hùng của ông cha ta. Lịch sử của dân tộc ta chính là lịch sử dựng nước và giữ nước, bởi vậy những cuộc chiến tranh tuy đầy mất mát đau thương, nhưng đã trở thành một phần không thể quên của dân tộc. Nó gợi nhắc thế hệ con cháu về một đất nước chịu nhiều tổn thương nhưng vẫn “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

- Tác giả còn định nghĩa khái niệm đất nước bằng những hình ảnh hết sức thân thuộc đối với cuộc sống, lao động của mỗi người dân Việt, đó là cái cột, cái kèo,…

- Đi từ những hình ảnh bình dị, thân thuộc, tác giả khái quát hình tượng đất nước theo chiều dài của thời gian và chiều rộng của không gian, đặc biệt là trong sự gắn bó máu thịt, hòa hợp giữa anh và em.

+ Chiều dài của lịch sử dân tộc mở ra với những huyền thoại hào hùng từ Âu Cơ – Lạc Long Quân, đến một tương lai tươi sáng mà thế hệ con cháu sẽ mang đất nước đi rất xa, đến những chân trời tươi sáng hơn.

+ Chiều rộng của không gian riêng tư, không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian cây đa bến nước sân đình, không gian của tình yêu đôi lứa hò hẹn anh và em.

Đây là một cách cảm nhận hết sức đặc biệt của Nguyễn Khoa Điềm bởi vì, trước nay, người ta quen với những hình ảnh đất nước lớn lao, hùng vĩ, quen với những cách khắc họa đất nước linh thiêng từ thiên thư của Lí Thường Kiệt, quen với cách tái hiện lại những triều đại cụ thể “Đinh Lý Trần” trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Nguyễn Khoa Điềm đã xóa nhòa hết mọi ranh giới lịch sử, thổi hồn vào tác phẩm của mình không khí của sử thi, không khí tổng hòa của niềm tự hào vô hạn về lịch sử của đất nước mình. Tác giả đã cụ thể hóa đất nước, gọi tên đất nước bằng chính cuộc sống hằng ngày.

Câu 3 (trang 122 sgk Văn 12 Tập 1):

Phần sau của đoạn trích tác giả tập trung làm nổi bật tư tưởng “đất nước của nhân dân”. Tư tưởng này đã đem đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hóa của đất nước ta, cụ thế như sau:

- Nhân dân ta chính là chủ thể làm nên địa lí của đất nước:

+ Mỗi một địa danh, một vùng đất trên đất nước này đều lưu giữ những nét đẹp, những dấu ấn của người dân đất Việt, đó là: đất tổ Hùng Vương, là Hạ Long, là đền Ông Đốc, Ông Trang,…

+ Những vùng đất không tên khi gắn liền với cuộc sống con người, gắn liền với bàn tay lao động tài hoa của cha ông ta, đã trở thành những thắng cảnh nổi tiếng.

- Lịch sử kéo dài mấy ngàn năm của dân tộc cũng là do nhân dân ta góp máu xương mà thành. 4000 lớp người tuy không tên không tuổi, tuy chẳng được ai nhớ mặt gọi tên, nhưng chính họ là những người đã làm ra đất nước/

- Không chỉ lịch sử, địa lí mà nhân dân còn lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Nhân dân ta truyển từ đời này sang đời khác không chỉ những giá trị vật chất, mà còn cả những giá trị tinh thần. Lớp cha đi trước, lớp con sau, từng người, từng thế hệ lưu giữ những nét đẹp của dân tộc, lưu giữ từ lời ăn tiếng nói, cách lao động, làm việc, cách sống sao cho đúng nghĩa, đúng tình,..

Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện ra, đất nước không thể được tạo thành từ một vị anh hùng duy nhất, đất nước không phải là sản phẩm của một nhóm nhỏ người nắm quyền, mà đất nước chính là của nhân dân, do nhân dân mà thành. Tư tưởng này vừa mới lạ so với văn học trung đại trước kia vốn đề cao đạo nghĩa vua tôi, tôn sùng người đứng đầu đến mức mù quàng, lại vừa phù hợp với tinh thần mới của dòng chảy văn học và thời đại, phù hợp với tinh thần cách mạng.

Câu 4 (trang 123 sgk Văn 12 Tập 1):

- Bài thơ là sự vận dụng thành công của Nguyễn Khoa Điềm đối với những chất liệu văn hóa dân gian, tác giả đưa vào thơ một cách thuần thục từ ca dao tục ngữ đến những truyền thuyết, phong tục tập quán. Đó là câu chuyện về cậu bé Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng, là truyền thuyết về quốc tổ và quốc mẫu Lạc Long Quân và Âu Cơ; là sự tích Trầu cau, là những bài ca dao “gừng cay muối mặn”, “khăn thương nhớ ai”.

- Tuy bài thơ sử dụng những chất liệu văn hóa quen thuộc đó, nhưng không hề nhàm chán. Bởi tác giả không sao chép một cách nguyên si, vụng về những chất liệu ấy vào tác phẩm của mình, mà chỉ chắt lọc những chi tiết phù hợp, và đưa vào tác phẩm một cách đầy sáng tạo. Đó chính là cái tài của Nguyễn Khoa Điềm.


Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác