logo

Cảm nhận bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm


Cảm nhận bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

 Cảm nhận bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm | Văn mẫu 12 hay nhất

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”

         Nếu như Nguyễn Đình Thi thể hiện niềm tự hào trước sự lớn lao, tươi đẹp của đất nước qua bài thơ Việt Nam quê hương ta ơi thì Nguyễn Khoa Điềm với thi phẩm Đất nước có cách nói riêng đầy rung cảm về đất nước của con người, của nhân dân.

         Đề tài quê hương, đất nước không còn quá lạ lẫm với người đọc cũng như cách viết của các văn nghệ sĩ, nhưng với Nguyễn Khoa Điềm thì bài thơ Đất nước được khai thác rất đặc sắc mà thân thuộc, triết lí sâu lắng. Bài thơ nằm trong phần đầu chương V của Trường ca Mặt đường khát vọng ra đời năm 1971 trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ giữa lúc căng thẳng, tàn khốc.

         Nhà thơ mở đầu không phải ngợi ca, dùng những hình ảnh lớn lao để so sánh mà ông đi từ cái ngọn nguồn, gốc rễ rằng đất nước có tự bao giờ.

“Khi ta lớn lên… đất nước có từ ngày đó”

         Nguyễn Khoa Điềm dù là thuộc hàng những nhà thơ mới nhưng lối viết của ông luôn thể hiện nét chân phương, bình dị rất đáng trân trọng. Ở đoạn này từ “ta” được dùng đa nghĩa, có thể hiểu đây là tác giả - nhân vật trữ tình hay có thể là tất cả chúng ta, những con nguười của vua Hùng đất Việt. Ngẫm nghĩ thì điều đó thật đúng, đất nước đã có từ bởi khi chúng ta lớn lên đất nước đã có rồi, đã từ rất lâu đời rồi, qua từ “bắt đầu, lớn lên” mà chẳng ai đoán đúng về thời gian ra đời. Người ta dù ở tầng lớp, độ tuổi như thế nào thì cũng sẽ hiểu về đất nước một cách đơn thuần nhất là những điều đơn giản, gần gũi, có thể là nằm trong những khúc hát lời ru của bà, câu chuyện mẹ kể thuở thơ ấu “ngày xửa ngày xưa”.

         Năm tháng trôi qua đất nước lớn lên, hình thành rồi phát triển, hoàn thiện từng ngày. Những hình ảnh cụ thể trên mang tính tích hợp đã gợi đến truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, những lối sống, tâm hồn người Việt. Đó là các chất liệu dân gian ta thấy trong thơ được sử dụng: miếng trầu của bà, mái tóc dài hiền hòa của mẹ, hay cái kèo, cái cột thân thuộc bền lâu cùng sự chung thủy, son sắc “gừng cay muối mặn” tình yêu cha mẹ.

         Còn nhiều rất nhiêù những điều ta gặp hàng ngày nhưng lại rất quý giá, nó trở thành những dấu ấn tốt đẹp thuần phong mỹ tục. Thứ hai là truyền thống yêu nước đậm sâu với bao người con hy sinh vì Tổ quốc. “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, đó là Thánh Gióng cùng lũy tre làng đuổi giặt Ân. Nhân dân chưa một giây phút nào khuất phục, mất đi sức mạnh khiên cường, đoàn kết. Thứ ba là đến nếp sống lao động bền bỉ, một nắng hai sương bươn chãi, bao giọt mồ hôi rơi xuống để có được thành phẩm là những hạt gạo thơm ngon. Từ ấy mới thấy hết được phẩm chất của nhân dân tốt đẹp, luôn biết trân quý từng điều nhỏ nhặt cho đến những điều lớn lao. Chín dòng thơ, chín dòng cảm nhận của nhà thơ về quá trình đất nước lập nên, phát triển, trưởng thành. “Đất nước của nhân dân” là tư tưởng sâu sắc được nhà thơ thể hiện rõ ràng hơn và nó sẽ là cảm hứng chủ đạo đến suốt bài.

        Mạch thơ đi từ cái hình thành tiếp đến nội dung, chất lượng hay cụ thể hơn ở những dòng thơ tiếp là đi tìm câu trả lời Đất nước là gì?

“Đất nước là nơi anh đến trường…Đất Nước muôn đời”

        Nói về Đất Nước, cảm xúc ấy không lúc nào giảm sút đi mà ngược lại nó càng lúc càng tha thiết hơn rất nhiều với giọng điệu đầy sự tự hào, yêu thương. Đi từ cái giản dị là cách tâm tình, chuyện trò của người con gái để thấy được chất thơ riêng, lối đi của nhà thơ. “Đất”, “Nước” là hai thành tố đơn lập trở nên khác lạ trong thơ đã được nhà thơ mạnh dạn, mới lạ tách chúng ra riêng. Từ đó mới hiểu được sâu sắc, có điều kiện biết rõ ràng, cụ thể về hình ảnh đất nước mới gần gũi, thân thuộc làm sao. Ở đất nước mở rộng theo mỗi cuộc đời, in dấu bao nỗi niềm, kí ức vui buồn. Đó là trở về tuổi thơ với con đường làng thân thuộc, ngôi nhà yêu thương, đến khi lớn lên là mái trường, ngôi làng quen thuộc để mai này nơi ấy chứng dám cho tình yêu đôi lứa hò hẹn. Tự nhiên mảnh đất, không gian ấy bỗng trở nên đầy ấm áp, mảnh đất tâm hồn mỗi người. Âm hưởng hùng hồn, chắc nịch đi cùng lời thơ da diết, hào hùng mà giản dị để thấy được thời gian, công sức dân ta làm nên dải đất hình chữ S thân yêu này. Để lúc này “Đất Nước của nhân dân” đến đây tiếp tục được nhà thơ khẳng định mạnh mẽ hơn.

        Những lời thơ ở trên khi nói về đất nước đều bắt nguồn từ con người, từ những điều nối kết với đời sống, số phận từng cá nhân ở mọi mặt: lịch sử, địa lí, văn hóa. Do vậy trách nhiệm với Đất Nước luôn nằm ở sứ mệnh của con người. Nhà thơ nói về đất nước bằng lời thơ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng cảm xúc dạt dào, lớn lao không hề lộ sự khô khan. 

“Trong anh và em hôm nay… một phần Đất Nước”

       Tha thiết, tâm tình mà còn rất đỗi mới lạ để nói về đất nước được trình bày trong cách xưng hô “anh – em”. Lúc này đất nước như in hằn, ghi dấu trong xương thịt của mỗi người, tâm hồn, trí tuệ của anh và em. Tình yêu đôi lứa cũng hòa cùng tình yêu đất nước, từ cái nhỏ gom vào cái lớn tạo nên sự vẹn tròn trong tình yêu quê hương, cộng đồng. Để khi đó sẽ thấy được trách nhiệm đối với Đất Nước muốn trọn vẹn, đậm sâu thì nó phải bắt nguồn từ trách nhiệm đối với bản thân. “Đất Nước là máu xương của mình”. Khi chúng ta sống yêu thương bản thân, biết chăm sóc chính mình trước tiên thì mới nghĩ tới chăm lo những thứ lớn lao hơn, sẽ “hóa thân” cho đất nước khi cần. Nhà thơ sử dụng điệp ngữ “phải biết” thay cho lời mệnh lệnh, thôi thúc đánh vào tâm lí mỗi công dân đối với nước nhà.

        Đất Nước trong trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm là hình ảnh, lời thơ, cách kể thiết tha mà giàu trí tuệ, giản dị vô cùng những khi hiểu nó sẽ mang tầm vóc lớn lao, thiêng liêng về quê hương, đất nước. Đất Nước khi viết hoa và lặp lại nhiều lần chính là dụng ý nhà thơ thể hiện niềm kính yêu, trân trọng, tự hào. Thời gian trôi xa thì bài thơ luôn mang tiếng vang sâu lắng trong lòng độc giả.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021