logo

Cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun

Thế giới các loài động vật xung quanh con người trở nên thật gần gũi khi đi vào thơ của Trần Đăng Khoa. Hãy cùng Toploigiai nêu Cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun để thấy được nét hồn nhiên, đáng yêu của đời sống các loài sinh vật xung quanh chúng ta nhé. 


Dàn ý cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun

1, Mở bài.

- Giới thiệu bài thơ “Đám ma bác giun” và nhà thơ Trần Đăng Khoa.

- Cảm nghĩ chung khi đọc bài thơ: bất ngờ trước cái nhìn trong trẻo, tinh nghịch của nhà thơ về thế giới cuộc sống của các loài sinh vật. 

2, Thân bài.

- Cảm nghĩ về nhan đề độc đáo của bài thơ.

- Cảm nghĩ về hình ảnh cái chết đáng thương của bác giun.

- Xúc động trước hình ảnh đoàn kiến đưa ma bác giun.

- Suy nghĩ về lẽ sống, giá trị của con người trên trần thế bày.

- Cảm xúc về một số nét nghệ thuật độc đáo của bài thơ: thể thơ lục bát gần gũi, mang âm hưởng dân ca; nghệ thuật nhân hoá tài tình, liên tưởng bất ngờ, thú vị.

Cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun

3, Kết bài.

- Ý nghĩa bài thơ với bản thân.

- Khẳng định tài năng của nhà thơ Trần Đăng Khoa.


Cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun

    “Đám ma bác giun” in trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” sáng tác năm 1967. Bài thơ thể hiện cái nhìn bất ngờ, thú vị của nhà thơ Trần Đăng Khoa về thế giới các loài sinh vật xung quanh con người. Thông qua đó cũng gửi gắm rất nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống.

   Trần Đăng Khoa làm thơ từ năm 8 tuổi và được mệnh danh là “thần đồng thơ ca Việt Nam”. Những sáng tác của nhà thơ viết cho thiếu nhi mỗi bài mỗi vẻ nhưng nét chung chính là cách nhìn hồn nhiên, trong sáng về cuộc đời. Thông qua mỗi bài thơ người đọc hiểu thêm về con người nhà thơ, một cậu bé có cái nhìn tinh tế, sâu sắc về cuộc đời. Cũng có những phát hiện vô cùng bất ngờ mà người lớn cũng phải ngỡ ngàng, thán phục.

   Bài thơ “Đám ma bác giun” hấp dẫn người đọc ngay từ nhan đề. Con giun vốn là loài vật bé nhỏ được gọi bằng một từ ngữ xưng hô đầy trân trọng “bác giun”; lại được làm “đám ma” trịnh trọng chẳng khác con người. Quả thực chỉ có trong thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa mới có cái nhìn độc đáo như vậy.

Bác Giun đào đất suốt ngày

Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà

   Bác Giun xuất hiện ở đầu khổ thơ với dáng vẻ chăm chỉ, cần mẫn, chịu khó “đào đất suốt ngày” chẳng nghỉ ngơi. Hình ảnh gợi liên tưởng đến những bác nông dân cần mẫn lao động trên cánh đồng, vất vả một nắng hai sương để mang đến những hạt ngọc cho đời. Nhưng thật đáng buồn, chắc là do tuổi đã nhiều hoặc do lao động quá sức nay bác giun chết dưới bóng cây sau nhà. Cậu bé Trần Đăng Khoa thương xót vô cùng, cậu ấy đã làm một đám ma để thương tiếc, tiễn đưa bác Giun.

Họ hàng nhà kiến kéo ra

Kiến con đi trước, kiến già theo sau

   Bình thường giun chết, họ nhà kiến thường kéo nhau ra để ăn xác thối. Dưới cái nhìn trân trọng và yêu thương của cậu bé Trần Đăng Khoa, đây không phải là một cuộc “kiếm ăn” mà là một đám đưa ma đàng hoàng, trịnh trọng. Cả họ hàng nhà kiến đến, nào kiến con, nào kiến già… ai nấy đều thương xót trước cái chết của bác Giun.

Cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun ảnh 2

Cầm hương kiến Đất bạc đầu

Khóc than kiến Cánh khoác màu áo tang

Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng

Kiến Kim chống gậy, kiến Càng nặng vai

    Một đám ma thật nhộn nhịp với sự tất bật của mọi người. Ai nấy cũng đều có việc cả, kiến Đất già nhất thì cầm hương đi trước. Kiến Cánh có chiếc áo màu trắng đi sau khóc than; Kiến lửa màu đỏ đi theo đốt đuốc để đoàn viếng đi được trong đêm tối dễ dàng; Kiến Kim thì chống gậy, kiến Càng thì nặng vai theo sau. Họ hàng nhà Kiến được liệt kê thật phong phú, sinh động. Chúng thật chăm chỉ, tử tế, ai nấy đều thương xót, gánh vác phần nặng nhọc về mình để thể hiện ân nghĩa cuối cùng với người đã khuất. Dưới con mắt tinh nghịch của nhà thơ khung cảnh đưa ma diễn ra đầy tính nhân văn và cũng rất hợp lý:

Đám ma đưa đến là dài

Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà

Kiến Đen uống rượu la đà

Bao nhiêu kiến Gió bay ra chia phần…

  Xin đừng trách bác Kiến Đen vì đám ma nào chẳng có người say. Vì quá đau buồn trước sự ra đi của bác Giun nên Kiến Đen mới quá chén thành say quá. Trách là trách đám kiến Gió sức dài vai rộng đã chẳng đến giúp đỡ thì thôi, thấy ăn mới tranh nhau bay ra chia phần. Xã hội mà bao giờ chẳng có người này kẻ kia, bên cạnh những người vô tâm thì vẫn còn những người sống có tình nghĩa.

    Bài thơ sử dụng thể thơ lục bát mang âm hưởng dân ca, nghệ thuật nhân hoá tài tình và những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Trong văn học chắc hẳn chỉ có Trần Đăng Khoa mới làm đám ma cho bác Giun trang trọng đến thế. Bằng những hình ảnh trong trẻo, hồn nhiên, bài thơ đã gửi gắm đến người đọc rất nhiều những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống. Sự sống là vô thường ta sống làm sao để mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa và khi nhắm mắt buông xuôi thì vẫn luôn được người khác trân trọng.

------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn cách lập dàn ý và bài văn mẫu Cảm nghĩ của em về bài thơ Đám ma bác giun. Bài thơ là cái nhìn trong trẻo, đáng yêu của cậu bé Trần Đăng Khoa về cuộc sống của các loài sinh vật. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các em tài liệu bổ ích phục vụ cho việc học.

icon-date
Xuất bản : 26/07/2023 - Cập nhật : 19/08/2023