logo

Phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông

“Anh chủ nhiệm” được Hoàng Trung Thông sáng tác năm 1962. Bài thơ giống như một câu chuyện kể về những khó khăn, vất vả của anh chủ nhiệm trong công cuộc thay đổi cuộc sống vùng nông thôn mới. Cùng Phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông để cảm nhận những đặc sắc của tác phẩm này nhé.


Dàn ý phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông

1, Mở bài.

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.

- Khái quát đặc sắc của bài thơ: Bằng thể thơ 7 chữ, cảm xúc chân thành, mộc mạc, bài thơ thể hiện sự trân trọng, đồng cảm với công việc của anh chủ nhiệm.

2, Thân bài.

- Phân tích bài thơ theo bố cục ba phần:

+ Đoạn 1: Sự lạc quan và niềm tin của anh chủ nhiệm vào một ngày mai tươi sáng hơn.

+ Đoạn 2: Những khó khăn và cố gắng của anh chủ nhiệm để thay đổi cuộc sống của nhân dân.

+ Đoạn 3: Hình ảnh đẹp đẽ của anh chủ nhiệm trong mắt nhân dân và tác giả.

- Điểm qua đặc sắc về nghệ thuật:

+ Thể thơ 7 chữ với cách diễn đạt tự nhiên.

+ Lời thơ giản dị, gần gũi và nhiều màu sắc.

+ Hình ảnh thơ sinh động, đa dạng nhưng chân thực, giản dị.

Phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông

3, Kết bài.

- Cảm xúc của bản thân sau khi đọc bài thơ.

- Chốt lại đặc sắc về giá trị của bài thơ.


Phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông

    “Anh chủ nhiệm” là bài thơ làm nên tên tuổi của tác giả Hoàng Trung Thông. Bài thơ được rút ra từ tập thơ “Những cánh buồm” được sáng tác từ kết quả sau chuyến đi thực tế của nhà thơ đến với vùng đất Mỹ Thắng. Sống cùng với nhân dân, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của anh chủ nhiệm hợp tác xã, nhà thơ đã viết lên những vần thơ dung dị nhưng lại có sức lay động sâu sắc.

Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre

Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc màu bay với gió

    Mạch thơ tự nhiên mở đầu bằng một hình ảnh giản dị và chân thực đến thế. Người đọc tưởng tượng như nhà thơ đang kể lại câu chuyện của mình với anh chủ nhiệm. Anh với tôi dạo bước trên cánh đồng bát ngát lúa mênh mông. Với chiếc áo nâu bạc, anh chủ nhiệm gây ấn tượng với vẻ ngoài mộc mạc, giản dị, chân chất của người lao động. Chẳng có gì “da dáng” của một cán bộ cả. Anh sống hoà mình với nhân dân, thậm chí vất vả, khổ sở hơn nhân dân rất nhiều vì lúc nào cũng trăn trở về đời sống của người dân quê mình.

    Những câu thơ mở đầu đã vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng của quê hương với những cánh đồng lúa mênh mông bạt ngàn, dòng mương chảy cầu đương bắc, lò gạch xây cao, đường thẳng tắp, kho thóc nhà chăn nuôi… phép liệt kê đã gợi ra một cuộc sống ổn định, ấm no của nhân dân. Một tương lai tươi sáng đang đón chờ người lao động. Nhịp thơ rộn ràng, tươi vui, thể hiện ánh mắt lạc quan, tự hào của anh chủ nhiệm về thành quả mà mình và nhân dân đã cố gắng như thế nào trong suốt 3 năm qua. 

     Nhưng có vinh quang nào mà không phải trải qua nước mắt, có sung sướng nào mà không phải nếm trải khó khăn, để có được thành quả như ngày hôm nay, anh chủ nhiệm đã phải vất vả, khó khăn như thế nào. Anh nhớ lại trong 3 năm mình công tác, đủ thứ bộn bề dồn đến, đó là khoảng thời gian tưởng chừng như khốn khó nhất của cuộc đời.

Có mùa mạ cháy đồng khô cạn

Mười bậc nước leo lên ruộng hạn

Có mùa lúa chín lụt tràn qua

Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra

    Những hình ảnh đắt giá, giàu sức gợi như “mạ cháy đồng khô cạn”, “lúa chín lụt tràn qua”... lột tả những khó khăn, tai ương bất ngờ ập đến người lao động. Đứng trước khó khăn đó con người không đầu hàng, không từ bỏ mà chấp nhận đương đầu khó khăn, khó ở đâu thì khắc phục ở đó “Mười bậc nước leo lên ruộng hạn” hay “Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra”... người đứng đầu hợp tác xã là anh chủ nhiệm luôn bình tĩnh, lạc quan động viên nhân dân vượt qua khó khăn, một tay “Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất”... cho thấy sức trẻ, nhiệt huyết cống hiến vì nhân dân hăng hái như thế nào. Người đọc thực sự cảm phục trước tài năng cũng như nhiệt huyết của anh chủ nhiệm.

Phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông ảnh 2

    Để rồi ngày hôm nay khi làng xã thay da đổi thịt, nhân vật tôi cùng bà con chòm xóm đều hãnh diện gọi tên anh với bao yêu thương, cảm phục:

“Ơi anh chủ nhiệm! Anh chủ nhiệm”

Bao tiếng thân thương, lời cảm mến

    Bài thơ sử dụng thể thơ 7 chữ với cách diễn đạt tự nhiên, lời thơ giản dị, gần gũi và nhiều màu sắc. Hình ảnh thơ sinh động, đa dạng nhưng chân thực, giản dị, không màu mè. Qua đó nhà thơ đã thể hiện niềm trân trọng, tự hào về những người cán bộ xã như anh chủ nhiệm. Những người đã sẵn sàng đóng góp tài năng, sức lực, trí tuệ để giúp thay đổi cuộc sống của nhân dân.

    Cùng với “Bài ca vỡ đất”, bài thơ “Anh chủ nhiệm” của Hoàng Trung Thông đã góp thêm tiếng ca cổ vũ công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thông qua bài thơ người đọc hiểu thêm về con người và tài năng của tác giả. Cũng hiểu hơn về cuộc sống của nhân dân thời kỳ lịch sử ấy.

------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn cách lập dàn ý và bài văn mẫu Phân tích bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông. Thông qua bài thơ người đọc thêm tin yêu vào nhiệt huyết, sức trẻ của những cán bộ làng xã trong thời kỳ đổi mới.

icon-date
Xuất bản : 25/07/2023 - Cập nhật : 19/08/2023