logo

Các biện pháp tu từ lớp 9 phục vụ thi ôn thi vào lớp 10

Câu trả lời chính xác nhất: Biện pháp tư từ là cách sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt ở một đơn vị ngôn ngữ (về từ, câu, văn bản) trong một ngữ cảnh nhất định nhằm tăng sức gọi hình, gợi cảm trong diễn đạt và tạo ấn tượng với người đọc về một hình ảnh, một câu chuyện, một cảm xúc trong tác phẩm. Để thi từ lớp 9 vào lớp 10, các bạn cần phải biết đến một số biện pháp tu từ sau đây mà Toploigiai mang tới qua bài tìm hiểu Các biện pháp tu từ lớp 9 phục vụ thi ôn thi vào lớp 10.


1. Biện pháp so sánh

Các biện pháp tu từ lớp 9 phục vụ thi ôn thi vào lớp 10

So sánh được biết đến là một biện pháp tu từ được sử dụng nhằm đối chiếu các sự vật, sự việc này với các sự vật, sự việc khác giống nhau trong một điểm nào đó với mục đích tăng sức gợi hình và gợi cảm khi diễn đạt. So sánh giúp làm nổi bật một khía cạnh nào đó của sự vật và sự việc, qua đó nhấn mạnh đến ý tưởng và mục đích của người nói, người viết.

Ví dụ: Đôi mắt trong vắt như nước mùa thu

=> Sự vật được so sánh: Đôi mắt

=> Từ so sánh: như

=> Sự vật được dùng để so sánh: nước mùa thu

Cấu tạo của phép so sánh

Ví dụ: Cô ấy đẹp như thiên thần

Ta sẽ chia câu trên thành 2 vế, vế thứ nhất là từ “cô ấy” là sự vật được so sánh.

Vế thứ hai là “thiên thần” sự vật so sánh.

Từ ngữ so sánh trong câu là từ “như”.

Từ ngữ chỉ phương diện so sánh trong câu là từ “đẹp”

Vậy một phép so sánh có cấu tạo đầy đủ bao gồm 4 thành phần chính, đó là:

Vế thứ nhất: Nêu tên sự vật, sự việc được so sánh.

Vế thứ hai: Nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh.

Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.

Từ ngữ dùng chỉ ý so sánh.

Có thể dùng dấu 2 chấm để thay thế cho từ ngữ chỉ ý so sánh.

>>> Tham khảo: 12 biện pháp tu từ phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT


2. Biện pháp nhân hóa

Nhân hóa là phép tu từ gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật… bằng các từ ngữ thường được sử dụng cho chính con người như suy nghĩ, tính cách giúp trở nên gần gũi, sinh động, hấp dẫn, gắn bó với con người hơn.

Thông thường nhân hóa có 3 kiểu chính gồm có:

– Sử dụng các từ ngữ thường gọi con người dùng để gọi vật.

– Sử dụng các từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động của con người để chỉ hoạt động, tính chất của vật.

– Dùng các từ ngữ xưng hô với vật như với con người.

Ví dụ:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kề chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình”

Bài thơ Ánh trăng – Nguyễn Duy

=> nhân hóa hình ảnh ánh trăng “im phăng phắc” như con người. Giúp biểu thị tình cảm của con người.


3. Biện pháp ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp tu từ mà người viết dùng tên của sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác. Giữa hai đối tượng có nét tương đồng về đặc điểm nào đó (tính chất, trạng thái, màu sắc...), nhằm làm tăng khả năng gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt. Hoặc các bạn có thể hiểu khái quát rằng ẩn dụ là hình thức thay đổi tên gọi của sự vật hiện tượng có tên là A bằng sự vật hiện tượng có tên là B, trong đó A với B có nét tương đồng với nhau.

Ví dụ:

Gặp đây mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!

Phép ẩn dụ trong câu ca dao trên là đôi nam nữ tỏ tình nhau nhưng lại không nói tên thật mà mượn hai cái tên là “mận, đào” để hỏi về “vườn hồng” có nghĩa là hỏi cô gái đã có người yêu chưa.


4. Biện pháp hoán dụ

Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên hiện tượng, sự vật, khái niệm này bằng tên của một hiện tượng, sự vật khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.

Ví dụ: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Bàn tay là một bộ phận của cơ thể, qua bàn tay để nói về sức lao động của con người. “ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” ca ngợi sức mạnh của lao động, ở đây là sức lao động của nhà nông.


5. Biện pháp liệt kê

Liệt kê là sắp xếp, nối tiếp nhau các từ hoặc cụm từ cùng loại với nhau nhằm diễn tả các khía cạnh hoặc tư tưởng, tình cảm được đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc hơn đến với người đọc, người nghe.

Như vậy, phép liệt kê có thể thấy trong nhiều văn bản khác nhau. Để nhận biết có phép liệt kê được sử dụng có thể thấy trong bài viết có nhiều từ hoặc cụm từ giống nhau, liên tiếp nhau và thông thường cách nhau bằng dấu phẩy “,” hoặc dấu chấm phẩy “;”.

Ví dụ:

Khu vườn nhà em trồng rất nhiều loài hoa đẹp nào là hoa lan với hoa cúc, hoa mai với hoa đào, hoa hồng và hoa ly.


6. Biện pháp điệp từ

Điệp từ hay còn được gọi là điệp ngữ là một biện pháp tu từ lặp lại một cụm từ, hoặc một từ nhằm nhấn mạnh biểu đạt, cảm xúc và ý nghĩa giúp làm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong câu. Như vậy, khái niệm điệp từ là gì trên đây đã giúp bạn hiểu rõ phần nào ý nghĩa của biện pháp tu từ này.

Ví dụ: điệp từ “nhớ”

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”


7. Biện pháp đảo ngữ:

- Đảo ngữ là biện phap tu từ thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng và làm câu thơ, câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh,…

- Ví dụ:

                             “Lom khom dưới núi: tiều vài chú

                                Lác đác bên sông: chợ mấy nhà”

                                           [Qua Đèo Ngang – Bà huyện Thanh Quan]

=> Tô đậm cảm giác hoang vắng, cô liêu...


8. Biện pháp dấu chấm lửng

Các biện pháp tu từ lớp 9 phục vụ thi ôn thi vào lớp 10

- Dấu chấm lửng dùng để:

+ Tỏ ý còn nhiều sự vật chưa được liệt kê hết

+ Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng

+ Làm giảm nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ, hài hước

Ví dụ:

Cuộc sống cơm áo, gạo tiền..làm cho con người không còn thời gian nghỉ ngơi.

=> Biểu thị còn ý chưa liệt kê, chưa diễn đạt hết.

Ông cụ đã ra đi rồi sao. Thật không ngờ…

=> Biểu thị sự xúc động, lời nói bị ngắt quãng.

-----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về Các biện pháp tu từ lớp 9 phục vụ thi ôn thi vào lớp 10. Hi vọng những kiến thức chúng tôi cung cấp sẽ giúp các bạn có được kết quả như mong đợi. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo. 

icon-date
Xuất bản : 22/09/2022 - Cập nhật : 22/09/2022