Vận dụng lý luận mâu thuẫn để phân tích nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Lời giải
Triết học Mác – Lênin khẳng định rằng, bất cứ sự vật, hiện tượng nào đều chứa đựng mâu thuẫn. Mâu thuẫn có ở mọi giai đoạn, mọi quá trình phát triển của sự vật, bản thân mâu thuẫn cũng luôn vận động, phát triển. Mâu thuẫn là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Con người có thể tận dụng các thuộc tính khác nhau, các mặt khác nhau trong sự vật, hiện tượng, tạo điều kiện để mâu thuẫn phát triển theo mục đích, yêu cầu của chủ thể. Trong tự nhiên, việc giải quyết mâu thuẫn diễn ra một cách tự phát; trong xã hội, việc giải quyết mâu thuẫn diễn ra một cách tự giác, phụ thuộc vào khả năng nhận thức, hoạt động của con người.
Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận mâu thuẫn của triết học Mác – Lênin vào việc xác định đối tác, đối tượng và mối quan hệ giữa chúng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đảng ta xác định: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, hợp tác phát triển, cùng có lợi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau. Các nước nào thỏa mãn điều kiện như vậy là đối tác của ta, còn các nước nào đi ngược lại lợi ích của dân tộc ta, cản trở, phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đe dọa đến an ninh chính trị của quốc gia hoặc xâm phạm đến lãnh thổ… của nước ta đều là đối tượng đấu tranh của ta. Song giữa đối tác và đối tượng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, chúng luôn vận động, biến đổi, chuyển hóa cho nhau tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, khả năng giải quyết các mối quan hệ của Đảng, Nhà nước ta với các nước khác.
Trước đây, có thể một quốc gia nào đó đã từng là đối tượng tác chiến của nhân dân ta, nhưng bằng chính sách ngoại giao đúng đắn, đối tượng đó đã dần dần là đối tác làm ăn. Ngược lại, nếu ngày này một quốc gia đang là đối tác kinh tế, văn hóa, khoa học… của nước ta, nhưng có thể đến một lúc nào đó họ lại có âm mưu thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, thành đối tượng thì chúng ta phải đấu tranh. Hơn nữa, trong tình hình quốc tế và khu vực phức tạp hiện nay, trong quan hệ với nước ta, một quốc gia không chỉ thuần túy là đối tượng hoặc đối tác, mà không ít quốc gia vừa là đối tượng vừa là đối tác. Họ hợp tác làm ăn với chúng ta trên lĩnh vực này, thời gian này, nhưng lại chống phá chúng ta trên lĩnh vực khác, thời gian khác. Do vậy, chính sách đối ngoại của chúng ta phải thật sự mềm dẻo và tỉnh táo. Mềm dẻo để tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng mọi thời cơ hợp tác với mọi đối tác có thể hợp tác được, tạo nên động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tỉnh táo, nhạy bén để luôn luôn đề cao cảnh giác, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, kịp thời đấu tranh có hiệu quả với mọi đối tượng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.