Đặc trưng cơ bản của hệ thống phạm trù của phép biện chứng duy vật?
Lời giải
Trong quá trình nhận thức, con người thường xuyên phải sử dụng những khái niệm nhất định để phản ánh những mặt, những thuộc tính quan trọng nhất của một lớp sự vật, hiện tượng nhất định. Phạm trù là khái niệm rộng nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung nhất, cơ bản nhất của sự vật hiện tượng thuộc một lĩnh vực hiện thực nhất định.
Sự vật, hiện tượng của thế giới vật chất vô cùng phức tạp, đa dạng, cho nên phép biện chứng duy vật phản ánh tính đa dạng đó bằng một hệ thống phạm trù. Như vậy, các phạm trù không phải có sẵn trong tư duy, cũng không tồn tại bên ngoài ý thức con người, mà được hình thành trong quá trình phản ánh thế giới khách quan thông qua hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người. Mỗi phạm trù không xuất hiện một cách tùy tiện, nó là kết quả của giai đoạn nhận thức trước đó, đồng thời là điểm tựa của giai đoạn nhận thức tiếp theo của con người trong quá trình đi sâu vào tìm hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng. Mặt khác, phạm trù là kết quả hoạt động thực tiễn, nó phản ánh những thuộc tính, những mối liên hệ tương ứng vốn có trong bản thân hiện thực. Vì vậy, nội dung của phạm trù mang tính khách quan, bị khách quan quy định, mặc dầu nó tồn tại dưới hình thức chủ quan.
Để nhận thức thế giới, con người cần đến một hệ thống khái niệm, phạm trù. Hệ thống khái niệm, phạm trù phản ánh thế giới vật chất có nhiều cấp độ khác nhau. Các phạm trù của phép biện chứng duy vật phản ánh những thuộc tính khái quát nhất của thế giới, do vậy nó mang tính khái quát nhất, trừu tượng nhất.
Phạm trù chính là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Bản thân thế giới khách quan luôn vận động, biến đổi không ngừng, đòi hỏi nhận thức của con người về thế giới cũng luôn phát triển, ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Vì vậy, các phạm trù phản ánh chúng cũng luôn biến đổi. Hệ thông phạm trù của phép biện chứng ngày càng được phát triển về nội dung và bổ sung thêm các phạm trù mối, thể hiện tính chất mở của hệ thống. Phát triển, hoàn thiện hệ thông phạm trù của phép biện chứng duy vật là tất yếu, đáp ứng yêu cầu vận động, phát triển của thực tiễn và khoa học.
Trong thế giới khách quan, mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong mối liên hệ phổ biến, cho nên các phạm trù phản ánh chúng cũng tồn tại trong mối liên hệ phổ biến đó. Sự liên hệ của các phạm trù của phép biện chứng tạo thành một hệ thông – “một mạng lưới” phản ánh thế giới hiện thực. Chỉ có thể hiểu được phạm trù của phép biện chứng khi đặt chúng trong mối quan hệ với phạm trù khác. Trong hệ thống phạm trù của phép biện chứng duy vật, các phạm trù phản ánh mối liên hệ của các mặt, các thuộc tính bản chất, tất yếu, ổn định… hình thành nên các cặp phạm trù, đó chính là các quy luật cơ bản và không cơ bản của phép biện chứng duy vật. Hệ thông các quy luật cơ bản và không cơ bản của phép biện chứng duy vật phản ánh một cách bao quát nhất, chung nhất toàn bộ sự vận động, phát triển của thế giới vật chất.
Đặc trưng hệ thống phạm trù của phép biện chứng duy vật là cơ sở khoa học để nhận thức sâu sắc và nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, không ngừng bổ sung phát triển các phạm trù triết học mácxít. Đồng thời, là cơ sở lý luận để phê phán các quan điểm sai trái cho phạm trù vẫn tồn tại có sẵn trong con người, được lý trí con người đưa vào giới tự nhiên hoặc quan điểm coi phạm trù là bản chất của ý niệm, tồn tại bên ngoài độc lập với ý thức con người.