logo

Thuyết minh về nhà dài Ê đê

Nhà sàn truyền thống của người Ê đê là một trong những kiến trúc độc đáo, có một không hai. Nhà sàn có hình thuyền độc mộc với 2 đầu mái nhô ra trên rộng dưới hẹp mà giới kiến trúc thường gọi là kiểu “ thượng thách hạ thu”. Nhà sàn của đồng bào Ê đê còn được gọi với một cái tên khác là nhà dài. Qua bài thuyết minh về nhà dài Ê đê dưới đây các em sẽ hiểu rõ về lối kiến trúc độc đáo này!


Dàn ý Thuyết minh về nhà dài Ê đê

1, Mở bài

- Giới thiệu khái quát về nhà dài Ê đê

- Đánh giá về nhà dài: không chỉ là nhà ở mà còn là lối kiến trúc và văn hoá đặc sắc của người Ê đê.

2, Thân bài

- Thuyết minh về các đặc điểm của nhà dài Ê đê

- Nguồn gốc lịch sử

- Lối kiến trúc độc đáo: vật liệu, kiến trúc, hình dáng, không gian sống bên trong và bên ngoài

- Giá trị và ý nghĩa của nhà dài.

- Giải pháp bảo tồn và phát triển.

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của nhà dài Ê đê.

- Liên hệ với văn hóa vùng miền, địa phương.

Thuyết minh về nhà dài Ê đê

Thuyết minh về nhà dài Ê đê

      Mỗi một dân tộc lại có những đặc sắc riêng về phong tục tập quán, nếp sống, nhà ở. Với người đồng bằng miền xuôi nhà cửa có lối kiến trúc riêng, với người miền núi nhà cửa của họ cũng có đặc điểm riêng để phù hợp với môi trường sống trong rừng, xung quanh thường có nhiều thú dữ. Điển hình trong kiến trúc nhà ở của đồng bài miền núi chính là nhà dài Ê đê. Nhà dài không chỉ là nhà ở mà còn là lối kiến trúc và văn hoá đặc sắc của người Ê đê.

      Nhà dài của người Êđê là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh. Là một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của người Ê đê. Xưa người Ê đê sống chủ yếu theo chế độ mẫu hệ (điều này cũng đã được phản ánh qua các sử thi Đam săn, Xinh Nhã). Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Còn người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và sẽ không có quyền hành gì cả. Nhà dài của dân tộc Ê đê thường có từ 7 - 9 cặp vợ chồng cùng chung sống với nhau. Sống tương đối hòa thuận dưới một mái nhà, điều mà nhiều người miền xuôi không làm được.

      Trong các ngôi nhà dài truyền thống từ xa xưa, các giá trị tạo hình hay điêu khắc đều phản ánh chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng phồn thực. Trong không gian rộng lớn của nhà dài sẽ bố trí ghế Kpan để ngồi đánh chiêng và bếp lửa sinh hoạt; đồng thời bài trí các sản vật trên rừng và dưới nước để thể hiện sự giàu có của gia đình như ba ba, kỳ đà, chiêng, ché, sừng trâu, sừng bò,...

Thuyết minh về nhà dài Ê đê

      Vật liệu chính của nhà dài Ê đê chủ yếu là các loại tre nứa, tranh, gỗ được tận dụng từ thiên nhiên. Để phù hợp với cuộc sống ở núi rừng có nhiều thiên tai, thú dữ và các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khác thì nhà dài Ê đê sẽ được thi công cách đất từ 1 đến 1,7m. Nhà dài có hai hàng cột chính chạy song song và được làm từ những cây gỗ cổ thụ rất lớn, đây cũng chính là hệ thống chịu lực chính cho ngôi nhà dài.

      Ở giữa nhà sẽ để một chiếc cầu thang cái, chiếc cầu thang để bắc từ cửa chính của nhà xuống mặt đất. Cầu thang được làm từ một cây gỗ to, chắc chắn và không bị mối mọt, được gọt đẽo rất công phu và tỉ mỉ. Những bậc cầu thang lên xuống này luôn là số lẻ vì theo quan niệm của người Ê đê số lẻ là số sinh, tức là lẽ phải sinh ra chẵn, mà chẵn mới là số đủ, đồng nghĩa với số chết. Bên trên cầu thang là hình ảnh của đôi bầu sữa mẹ, hình ảnh khắc họa rõ nét chế độ mẫu hệ của người Ê đê. Người Ê đê luôn coi trọng chế độ mẫu hệ, việc nuôi dưỡng con cái, tôn trọng nguồn sữa nuôi dạy nên những người con trưởng thành. Bên trên là hình ảnh của vầng trăng khuyết, đây cũng là biểu tượng cho sự chung thuỷ  của người phụ nữ trong gia đình.

      Đầu cầu thang của nhà dài Ê đê luôn được vuốt cong như hình mũi thuyền độc mộc. Vì người đồng bào luôn tưởng nhớ về tổ tiên của họ, những người đi khai phá vùng đất mới. Những ngôi nhà dài ngày xưa thường có chiều dài vài chục đến hàng trăm mét như trường ca Đam San có nhắc đến “Nhà dài, dài như một tiếng chiêng ngân, dài như một thôi ngựa chạy”. Những ngôi nhà dài như vậy ngày nay không còn nhiều, thay vào đó là những ngôi nhà dài tối đa khoảng 30 đến 40m.

      Nội thất bên trong nhà dài được chia làm hai phần rõ nét là phần gar và opp. Phần gar có nghĩa là gian dành để tiếp khách đến nhà, nó chiếm khoảng ⅓ diện tích của ngôi nhà, là nơi trưng bày các hiện vật quý giá của gia đình chẳng hạn như dàn Cồng chiêng, ghế Kpan, ghế J”hưng.Gar còn được tận dụng để treo những chiến lợi phẩm có được sau những chuyến săn bắn như da báo, da hổ, sừng nai, sừng min, nanh heo. Ngoài ra trung tâm của nhà dài còn được trang trí cây nêu - cây biểu tượng cho tâm linh của người Ê đê.

      Cây nêu sẽ được trang trí với những họa tiết vô cùng sinh động. Phần dưới sẽ được trang trí những hoa văn vẫn thường xuất hiện trên váy áo của người phụ nữ, tượng trưng cho chế độ mẫu hệ, khẳng định người phụ nữ chính là nền tảng của gia đình. Kế đến sẽ là hình ảnh của sự phồn thực và ấm no được thể hiện qua ché rượu cần và nồi đồng. Bên trên nữa là hình ảnh của thuyền độc mộc toả ra 4 phương ý báo cho các Yàng, buôn xa buôn gần, họ hàng về nơi đây để dự lễ. Trên nữa là  hình ảnh của con chim Grưh tượng trưng cho tin vui hạnh phúc luôn bay về với gia đình.  Khi chim cất cao tiếng hót có nghĩa là nương rẫy sẽ tràn trề ngô lúa, trong rừng thú rừng nhung nhúc, béo tốt, dưới suối có nhiều cá tôm. Bên trên là hình ảnh của chiếc bắp chuối thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ của con cháu người Ê đê và sự sinh sôi nảy nở. Cây nêu chính là một trong những công trình đặc sắc của người Ê đê đồng thời nó còn là khát vọng của cuộc sống no đủ theo quan niệm riêng của người Ê đê.

      Phần còn lại của nhà dài chính là Opp. Đây là nơi sinh hoạt chính của tập thể gia đình trong cộng đồng dân cư. Các gia đình sẽ có vách ngăn riêng và bếp lửa riêng để các gia đình sinh sống với nhau được thuận lợi. Họ canh tác chung trên nương rẫy, cùng săn chung trên một cánh rừng, của cải làm ra được chia đều cho tất cả các gia đình. Phần cuối của nhà dài chính là bếp lửa - nơi quây quần sum vầy của các gia đình. Bếp lửa không chỉ là không gian ăn uống, sinh hoạt mà cũng là một trong những nét văn hoá truyền thống, thể hiện môi trường sống rất tập thể, cộng đồng của người Ê đê. Trên những bếp lửa người Ê đê có thể hát, kể chuyện Đam Săn, Xinh nhã đến hết đêm, vì thế đây còn nơi lưu giữ truyền thống văn hoá, phong tục tập quán cao đẹp của dân tộc Ê đê.

      Nhà dài của người Ê đê thể hiện chế độ sống tập thể, theo truyền thống mẫu hệ đã tồn tại từ xa xưa. Công trình kiến trúc đặc sắc này có thể xem là văn hoá phi vật thể còn sót lại của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nếu có dịp ghé thăm Tây Nguyên bạn nhớ đến nhà dài để thưởng thức lối kiến trúc độc đáo này, để thấy được nét văn hoá đặc sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta.

------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Thuyết minh về nhà dài Ê đê. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 14/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023