logo

Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết và đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Bài văn Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú - Mẫu 1

Hà Giang nổi tiếng với các di sản gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc. Trong đó, phải kể đến di tích cột cờ Lũng Cú, một trong những cột cờ thiêng liêng bậc nhất của nước ta.  Có thể khẳng định rằng di tích này đã tồn tại cùng với sự hình thành dải đất thiêng liêng hình chữ S của Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc trong công cuộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ.

Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam,cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km theo đường thẳng. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 02 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển. Đây là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nếu mô phỏng một cách tương đối hình dạng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc thành chóp nón thì hai điểm thấp nhất theo vĩ độ là A pa Chải, Điện Biên và Sa Vĩ, Móng Cái, còn Lũng Cú là đỉnh của chóp nón này cũng là điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam.

Theo ghi chép, cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt. Lúc ban đầu, công trình chỉ làm bằng cây sa mộc dựng trên nền đất. Sau này, vào năm 1887, khi thực dân Pháp đã thôn tính hoàn toàn nước ta, cột đã được xây dựng lại. Từ đó đến nay, công trình đã được nhiều lần trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian và có diện mạo như ngày nay.

Theo thiết kế cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m (hơn cột cờ cũ 10m) trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Kiểu dáng bát giác của cột cờ khá gần với kiểu cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang thang xoắn ốc 140 bậc có lối đi hẹp và ánh sáng vừa đủ sẽ dẫn lối đi bộ đi lên đỉnh. Vào thời điểm khánh thành, cột cờ được làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m. Lá cờ tung bay trên đỉnh cũng tương tự như những lá cờ sử dụng trước đó, có diện tích 54m vuông.

Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839 đi xuống. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.

Cách cột cờ khoảng 330m là đồn biên phòng Lũng Cú nằm ngay dưới chân núi. Đơn vị có nhiệm vụ chính bảo vệ 25,5 km đường biên giới Lũng Cú giáp Trung Quốc. Tương truyền tại địa điểm dựng đồn biên phòng này, từ thời Tây Sơn sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn và cứ mỗi canh giờ trống lại được gióng lên ba hồi vang xa như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng H’Mông là Long Cổ, tức trống của vua, và người H’Mông tại nơi đây hầu như đều biết đánh trống đồng. Rất có thể cũng vì một trong những lý do nói trên mà nhà nước Việt Nam khi xây dựng cột cờ đã đặt phù điêu trống đồng Đông Sơn dưới chân cột.

Để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên đỉnh núi Rồng là biết bao giọt mồ hôi, sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân nơi đây. Lá cờ ấy luôn gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân nơi đây, góp phần mang lại bình yên, bảo vệ vững chắc bờ cõi mà cha ông bao đời gây dựng, giữ gìn.


Bài văn Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú - Mẫu 2

Cột cờ Lũng Cú tỉnh Hà Giang là nơi ghi dấu cực Bắc Việt Nam, một trong những điểm đến thiêng liêng của Tổ quốc, được nhiều du khách mong muốn ghé thăm trong hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ.

Cột cờ này đã có từ rất lâu đời. Sử sách truyền rằng, sau khi đẩy lùi quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu, tướng quân Lý Thường Kiệt trở về qua biên ải hội quân, ông cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng và nói đại ý: Đất này là của cha ông ta. Nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, chúng ta phải giữ gìn.

Đến thời Tây Sơn, sau đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng lớn tại đây và cứ mỗi canh giờ lại gióng lên ba hồi vang xa như lời khẳng định chủ quyền đất nước. Vì thế Lũng Cú còn hàm ý “Long Cổ” nghĩa là trống của vua. Còn theo tiếng Mông nghĩa là “Long Cư” nơi cư ngụ của rồng.

Năm 1978, đồn biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, treo lá cờ 1,2m².

Năm 1991, nhận được chỉ đạo từ trên, nhân dân các dân tộc Lô Lô, Mông, Dao ở Lũng Cú đã đi khắp các vùng rừng núi để tìm cho được 1 cây Pơ mu cao gần 13m, thân thẳng đứng như mũi tên hướng lên trời kiêu dũng, rồi gần 20 trai tráng đã vận chuyển thân cây nặng hàng tạ để đưa lên đỉnh núi Rồng làm Cột cờ.

Cuối năm 2000, những chiếc quẩy tấu thô mộc của người dân Lũng Cú kéo lên đỉnh núi Rồng gần 2 tấn thép, 8.000 viên gạch, 70 mét khối đá và cát để xây dựng cột cờ. Khởi công vào tháng 4 năm 2001 và hoàn thành vào tháng 12. Tiếp năm 2002, đường lên Cột cờ Lũng Cú được nâng cấp, trải nhựa và xây toàn bộ các bậc đá.

Đến 2010, sau 196 ngày thi công, trùng tu nâng cấp, cột cờ Lũng Cú mới đã hoàn thành, với phần thân cột cao hơn 20m, đường kính ngoài thân rộng gần 4m. Trên cột cờ là lá cờ diện tích 54m² tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam.

Cột cờ Lũng Cú được dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, nhưng kích thước nhỏ hơn. Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng.

Đường từ Đồng Văn lên Lũng Cú mê hoặc lòng người bởi vẻ hùng vĩ của những dãy núi đá tai mèo sừng sững. Tới nơi, từ xa đã trông thấy Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng có độ cao khoảng 1.700m so với mặt nước biển.

Đến chân núi Rồng, du khách tiếp tục chinh phục 389 bậc đá dẫn lên Cột cờ Lũng Cú, để rồi ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên ngoạn mục, toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp như một kiệt tác của tạo hóa, chấm phá những bản làng mộc mạc, hay Hải Cẩu Hoàn cong cong hình chữ M ẩn hiện dưới màn sương trắng, và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những hoa văn được nắn nót vẽ nên;

Cùng 2 hồ nước lớn quanh năm không cạn, nằm gần như đối xứng, được người dân nơi đây ví như “mắt rồng” gắn với truyền thuyết cổ xưa, tạo thành bức họa độc đáo. Một bên là làng Lô Lô Chải, chủ yếu là người Lô Lô; một bên là làng Thèn Pả, 100% đồng bào Mông. Họ đã sinh sống lâu đời ở đây, bản sắc văn hóa đậm đà; họ bám đất, bám làng để cấy lúa, trồng ngô xây dựng cuộc sống và bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Nhưng đó chưa phải là điểm cao nhất, bởi trong lòng Cột cờ Lũng Cú còn có một cầu thang xoắn ốc 140 bậc. Lần theo lối đi hẹp hắt ánh sáng qua ô cửa nhỏ, du khách như bị hút lên cao theo cơn gió lộng từ trên đỉnh đầu. Vòm sáng mở rộng dần, mang theo ánh nhìn mới, cảnh vật như bị thu nhỏ lại, ẩn hiện sau màn sương bảng lảng, nhưng rõ bên tai là tiếng lá cờ đang hòa ca cùng gió, ai nấy như vỡ òa cảm xúc thiêng liêng.

Đến tham quan Cột cờ Lũng Cú Hà Giang vào mùa Xuân, đón bạn là những cánh rừng thông, sa mộc, hoa lê trắng ngần, hoa đào sắc thắm...; được nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ và tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa bập bùng. Còn những tháng mùa Hạ, khung cảnh nơi đây dường như mở rộng, trời trong, mây trắng, nắng vàng như rót mật. Hay đến vào mùa Thu, để rồi mê đắm bởi sắc hương của những thảm hoa tam giác mạch ngút ngàn. Và mùa Đông, nơi đây như chìm trong lớp sương trắng, thi thoảng lại có tuyết rơi.


Bài văn Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú - Mẫu 3

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang – một điểm đến nổi bật của miền Bắc, nơi mà bao bạn trẻ muốn khát khao chinh phục dường như từ lâu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của đất nước Việt Nam

Những ai đặt chân đến Cột cờ Lũng Cú, chắc hẳn sẽ không quên được câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về đỉnh Lũng Cú, mà cô thuyết minh viên duyên dáng vẫn thường kể mỗi khi có du khách đến thăm. Chuyện kể rằng, Lũng Cú là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc, trong đó nhiều nhất là đồng bào Mông và Lô Lô.

Lũng Cú có nhiều tên gọi, theo cách gọi dân dã, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mông, thì Lũng Cú là Lũng ngô (vì theo tiếng Mông, cú có nghĩa là ngô). Còn đồng bào dân tộc Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư - nơi rồng ở theo phiên âm tiếng Hán. Tương truyền rằng, khi xưa, rồng tiên xuống trần gian du ngoạn, yêu mến cảnh sắc tuyệt vời ở nơi đây, mà đậu xuống ngọn núi trước làng, chính là ngọn núi Rồng ngày nay.

 

Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú hay nhất

Yêu mến mảnh đất này, nhưng rồng tiên cũng nhận thấy cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng cực khổ, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nên trước khi về trời, rồng tiên động lòng trắc ẩn, đã để hai con mắt của rồng tại nơi này. Và hai mắt rồng đã hóa thành hai hồ nước ngọt ở hai bên chân núi. Một hồ nước của làng Thèn Pả (thuộc làng dân tộc Mông) và một hồ nước của làng dân tộc Lô Lô.

Nhờ có 2 hồ nước ngọt này mà cuộc sống của người dân nơi đây đã bớt phần vất vả. Điều kỳ diệu là, dù thời tiết có khô hạn thế nào, nước ở hai hồ này không bao giờ cạn. Xưa kia, người dân trong làng vẫn sử dụng nước ở hai hồ để ăn uống và sinh hoạt. Nhưng ngày nay, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã xây dựng cho các hộ gia đình những bể chứa nước mưa tại nhà, chính vì vậy, người dân không sử dụng nước ở hồ để sinh hoạt nữa, mà chỉ sử dụng để tưới tiêu phục vụ mùa màng.

Cột cờ Lũng Cú hiện nay được khởi công ngày 8-3-2010, hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh, ngày 2-9-2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có độ cao 1.468 m so với mặt nước biển. Tổng chiều cao gần 35m, lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, trên 8 bức phù điêu là những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang. Phía trên 8 bức phù điêu có gắn 8 mặt trống đồng, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa để nhớ đến tiếng trống của vua Quang Trung khi xưa, để con cháu ngàn đời sau nhớ đến công dựng nước của ông cha ta ngày trước.

Cột cờ Lũng Cú, phấp phới trên đỉnh lá cờ đỏ sao vàng – niềm từ hào máu thịt quốc gia. Lá cờ đỏ sao vàng thiêng liên cùng diện tích 54m2 – con số tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang  cùng chung sống. Biết bao tâm sức, biết bao thông điệp truyền tải trong dáng cột cờ.

---/---

Trên đây là các bài văn mẫu Thuyết minh về cột cờ Lũng Cú do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

icon-date
Xuất bản : 13/05/2022 - Cập nhật : 13/05/2022