logo

Thuyết minh về bún nước lèo

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về bún nước lèo. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


1. Thuyết minh về bún nước lèo - Mẫu số 1

Món bún nước lèo luôn được các “tín đồ” ẩm thực bầu chọn vào danh sách những món ăn đặc sản miền Nam đáng thưởng thức nhất. Không nhiều người biết rằng đây là món ăn xuất xứ từ người Khmer, trong quá trình giao thoa ẩm thực, bún nước lèo trở thành một đặc sản của người Việt và rất nổi tiếng tại nhiều địa phương với cách chế biến đa dạng, thú vị.

Thuyết minh về bún nước lèo hay nhất

>>> Xem thêm: Thuyết minh về bún đậu mắm tôm

Muốn nấu nước lèo đúng điệu miền Nam, người Trà Vinh thường sử dụng nguyên liệu chính là mắm bò hóc. Đó là loại mắm làm bằng nhiều loại cá hỗn hợp. Ngoài ra, có thể sử dụng mắm cá sặc, mắm cá lóc kết hợp với xương heo và một vài loại cá khác nữa. Với kỹ thuật riêng, người làm mắm phải đạt tiêu chuẩn: mắm có hương vị và tan nhanh trong nước sôi.

Nồi để nấu thường là nồi đất vì nồi đất lâu nguội, giữ được hương vị. Dùng cá kèo, cá lóc, lươn thì nấu sẽ ngon hơn. Đặc biệt phải chọn được mắm ngon, vì mắm bò hóc là linh hồn của món này. Mắm bò hóc được làm từ bằng cá nước ngọt, bỏ ruột, đánh vẩy, rồi giã nát. Cá sau đó để một nắng rồi đem nén trong vại với muối và gia vị. Thành phần gia vị có thể là đường, tiêu, tỏi, ớt, cơm nguội theo một tỷ lệ nhất định. Cá hơi ươn được ủ với các nguyên liệu, dằn cho rỏ nước (nước chảy ra có thể làm nước mắm) và xác cá tiếp tục được sấy tương đối khô, có thể cho thêm thính vào và tiếp tục trộn trước khi cho vào hũ phơi vài tháng là có thể sử dụng.

Để lấy nước ngọt, người ta dùng thêm các loại cá: lóc, kèo, tra, cá ngát hay tép cũng được. Để nấu, người ta làm cá thật sạch và cho vào nồi nước sôi, luộc chín. Cá chín vớt ra, gỡ xương thật kỹ rồi chà thịt cá cho tơi ra.

Mắm bò hóc cũng nấu trong nước sôi cho thịt mắm tan ra. Xong, đem lược xương thật kỹ. Sả, ớt và một ít củ riềng bằm nhuyễn trộn đều vô thịt cá cho thấm rồi cho vô nồi nước lèo, nêm thêm gia vị, chờ nước sôi, vớt bọt kỹ, giữ nóng.

Cách ăn món bún nước lèo rất đơn giản. Trước tiên lấy bún vào tô lượng vừa ăn rồi để rau ghém gồm bắp chuối, rau muống bào mỏng, bông súng xắt mỏng theo chiều ngang trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn lên trên và múc nước lèo nóng hổi chan vào. Người ăn tùy thích mà có thể thêm vào nước dấm ớt, cùng các món ăn kèm chấm muối ớt. Món này ăn kèm với thịt heo quay, huyết. Đối với huyết có thể vớt ra dĩa riêng, khi ăn chang vào nước giâm ớt. Chấm với muối ớt sẽ cực kỳ hấp dẫn. Một vài nơi người ta còn cho vào bát bún chiên cả chả giò, bánh giá (bánh vá) để ăn kèm với bún nước lèo. Không kém phần hấp dẫn đâu đấy.

Tiếp đến, cho bún vào tô, chan nước lèo thật nóng lên. Dĩa rau ghém ăn miếng nào trộn miếng nấy, chớ không dội nước lèo lên sẽ làm úa rau đi, mất ngon. Ăn bún nước lèo sẽ mất ngon nếu không có thêm chén muối ớt với những trái ớt hiểm xanh, cay xé.

Người ta cũng thường ăn kèm với bún nước lèo như: thịt quay, huyết heo luộc hay bánh cống, chả giò… Nhưng cho dù ăn chung với thức ăn nào đi nữa, mùi vị của nồi nước lèo vẫn quyết định. Theo cách nấu truyền thống của người Khmer, không dùng xoong nhôm mà dùng nồi đất để nấu.

Và ai đã một lần thưởng thức qua món bún nước lèo miền Nam thì chắc chắn không khỏi say lòng với món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị này. Với vị mằn mặn thơm phức của mắm bò hóc, ngọt dai của tôm tươi, giòn giòn của thịt ba chỉ quay, thêm vài miếng thịt cá lóc mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún, ngọt lành của rau ghém hòa quyện trong tô nước lèo trong veo, làm nên chất quê thân thương của bún nước lèo miền Nam, để ai ăn qua một lần cũng phải nhớ mãi.


2. Thuyết minh về bún nước lèo - Mẫu số 2

Qua quá trình cộng cư, bún nước lèo trở thành “đặc sản chung” của người Kinh, Hoa và Khmer khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bún nước lèo thỉnh thoảng vẫn bị nhầm với bún mắm do dùng chung con mắm để nấu nước lèo nhưng đây là hai món khác biệt.

Bà con xứ Bạc Liêu truyền tai nhau nếu về xứ này mà chưa nếm qua món bún nước lèo quả là thiệt thòi. Phải thấy bún nước lèo được bán khắp nơi từ những gánh hàng rong với nồi nước nóng hổi, vài cái ghế nhựa đến những quán gia truyền mới rõ “tầm ảnh hưởng” của thứ đặc sản này.

Những người dân địa phương thừa nhận chính họ còn “bị ghiền” nên có thể ăn bún vào sáng, ăn nửa buổi, ăn trưa, ăn xế và cả ăn khuya…. Nhưng thú vị nhất để nếm những cọng bún trắng tươi, dai đượm mùi mắm thơm nồng là thời điểm chiều tối, khi đã kết thúc một ngày làm việc, gác công chuyện qua một bên để tận hưởng hoàn toàn sự thảnh thơi khi ngồi chờ một tô bún ra lò.

Thưởng thức món ăn này có đặc biệt là vừa bước chân tới đầu quán đã hít hà vì hương thơm ngào ngạt của nồi nước lèo nghi ngút khói. Nguyên liệu là con mắm sặt trộn với lượng thính phù hợp, đem nấu thật lâu cho rã nước thịt, đến khi chỉ còn xương thì lọc lấy phần nước dùng. Người nấu bún lâu năm thường chuộng cá sặt vào mùa mưa, cá béo thịt lại không hôi cỏ, nấu nước lèo “hết sẩy”.

Dân sành ăn luôn trao điểm mười chất lượng cho mắm cá sặt ở Bạc Liêu và Cà Mau vì mắm cá ở đây trộn thính nên thơm phức, lại vừa phải chứ không ngọt gắt như một số tỉnh. Nguyên liệu đi kèm là cá, tôm mà phải là cá lóc đồng tươi sống làm sạch luộc nguyên con, bỏ xương lấy thịt, tôm đất tươi còn nhảy cũng luộc rồi lột vỏ. Hỗn hợp nước luộc cá, luộc tôm được cho vào nồi mắm, thêm nước dừa xiêm mới có vị ngọt đậm đà. Sả làm nên vị thơm thanh dịu cho nước lèo, tước bỏ lá cũ, rửa sạch, đập dập phần thân, cuộn thành bó cho vào nồi nước. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, nước dùng không được mặn quá dù vẫn phải dậy mùi mắm, lại có vị ngọt của nước cá và tôm.

Bún nước lèo ăn kèm giá, hẹ, rau muống bào, rau chuối, rau quế, rau thơm, chanh, ớt bằm để lên một đĩa lớn. Rót sẵn một chén nước mắm ớt để người ăn nêm thêm nếu thích. Cho giá, hẹ, rau muống bào vào tô. Để bên trên hai khoanh bún gạo rồi nhúng qua nước sôi riêng, sau đó chan nước lèo đang sôi vào. Gắp thêm mấy lát cá, một ít tép đất để lên, ngắt rau thơm và rau quế cho vào, vắt lát chanh và rải thêm ít ớt..., là bạn có một tô bún nước lèo đậm đà, nóng sốt. Ớt ăn với bún nước lèo phải là loại ớt hiểm, trái nhỏ, cay xé.


3. Thuyết minh về bún nước lèo - Mẫu số 3

Bún nước lèo Sóc Trăng không chỉ là món ăn đặc sản nổi tiếng của người Khmer mà còn là một món ăn mà mọi du khách gần xa không thể bỏ qua khi đi du lịch Sóc Trăng.

Bún nước lèo là đặc sản Sóc Trăng và là món ăn đặc trưng của người Khmer. Về Sóc Trăng là bất cứ ai cũng đều nằng nặc đòi thử món ăn thú vị này. Ăn thử một lần mới thấy, đi đâu cũng không dễ tìm thấy các hương vị đặc trưng này của vùng đất Sóc Trăng. Từ lâu, Sóc Trăng được ví như là “thủ phủ” của bún nước lèo. Sở dĩ người ta gọi tên là bún nước lèo là vì đây là món ăn của sự đoàn kết; là sự kết hợp của nền ẩm thực trong văn hóa của người Kinh – Hoa – Khmer. Mỗi thứ một ít tạo nên một món đặc sản tuyệt vời.

Món bún này phổ biến ở nhiều tỉnh miền Tây, mỗi địa phương đều có nhưng biến thể riêng nên hương vị mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên, đối với người dân Sóc Trăng, một tô bún nước lèo ngon thì nước lèo phải trong vì nước lèo chính là “linh hồn” của tô bún. Hương vị là sự hòa quyện, kết nối tuyệt vời giữa mắm, ngải bún và sả.

Để làm nên một tô bún nước lèo Sóc Trăng ngon nhất định không thể thiếu những sợi bún trắng ngà vừa mềm mát nhưng vẫn đủ độ dai. Ngon nhất chính là loại bún của người Sóc Trăng được làm từ loại gạo dẻo. Người ta dùng gạo mùa đã được ngâm nước qua đêm rồi mới đem xay trong cối đá dạng bột nước để tạo thành những sợi bún trong, dẻo thơm.

Ngoài ra, trong tô bún nước lèo của người Sóc Trăng còn có những lát thịt trắng nâu của những con cá lóc đánh bắt từ môi trường thiên nhiên. Lại càng ngon hơn khi khách vừa ăn vừa hít hà vì vị cay, chua của ớt, giấm (hoặc chanh). Món ăn này thích hợp nhất cho các buổi sáng sớm, vào buổi chiều tối hoặc những ngày mưa lạnh. Cái nóng ấm của tô bún mang lại cho ta một cảm giác ấm áp vô cùng.

Bún nước lèo có được hương vị đặc trưng khó quên chính là nhờ có mắm bò hóc. Đây là một loại mắm đặc trưng của người Khmer; làm bằng các loại cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi. Sau khi đánh bắt hoặc mua về; người ta đem ủ các loại thủy hải sản này trong muối từ 6 tháng trở lên cho đến khi thành mắm. Để nấu nước lèo, người ta phải rã mắm trong nước sôi rồi chờ thịt mắm tan ra hết, sau đó mới tiến hành lọc bỏ xương mắm lấy nước riêng. Theo người dân nơi đây, để nước lèo được ngon đậm đà và không nặng mùi; người ta thường dùng mắm cá sặc xứ Ngã Năm và Trần Đề (cũng thuộc tỉnh Sóc Trăng), nấu bằng nước dừa xiêm, xương heo. Bên cạnh đó là củ ngải bún và sả nguyên cọng đập dập. Đây là điểm khác biệt của bún nước lèo Sóc Trăng so với các địa phương khác và khác xa bún mắm. Nước lèo phải trong và có màu cánh gián nhạt.

Người ta gọi Bún nước lèo Sóc Trăng là món ăn “đoàn kết”, bởi trong nó là sự kết hợp tinh hoa của 3 nền dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Húp một muỗng nước lèo sẽ thấy hương vị mắm của người Khmer lan tỏa trong khuôn miệng, cắn một miếng thịt heo quay cảm nhận được sự giòn và béo trong từng thớ thịt của người Hoa và nêm thêm bún, cá, rau sẽ là sự đa dạng và công phu của người Kinh. Đây chính là điểm thể hiện nét tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực của người dân Sóc Trăng và lối kết hợp đằm thắm trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc.


4. Thuyết minh về bún nước lèo - Mẫu số 4

Bún nước lèo là món ăn phổ biến ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhiều nhất phải kể đến là Trà Vinh. Món bún này có sự kết hợp giữa các nguyên liệu như mắm, thịt heo quay và các loại rau sống. Nước dùng cho món bún nước lèo có vị ngọt tự nhiên từ xương hầm, làm giảm đi độ mặn của mắm. Nhờ đó mà cả những người kén ăn, không quen mùi mắm cũng có thể thưởng thức hết tô bún nước lèo.

Bún nước lèo là một đặc sản ẩm thực có xuất xứ từ người Khmer. Trong quá trình cộng cư của các dân tộc Khmer, Việt, Hoa và sự giao thoa trong ẩm thực, bún nước lèo trở thành món ăn chung của các dân tộc miền Nam Việt Nam. Để có được một tô bún nước lèo ngon đúng điệu phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người ta lấy mắm nấu trong nước sôi cho đến khi thịt mắm rã ra hết, lọc bỏ xương mắm lấy nước để riêng. Sau đó đến phần nước lèo (nước dùng chung với bún). Nước lèo được nấu bởi nước súp xương heo hay xương gà. Sau khi có nồi nước súp từ xương hầm, người ta bắt đầu lấy phần mắm đã lọc cho vào nấu chung. Nhiều người cho thêm nước dừa tươi và sả đập dập vào nồi để nước lèo có mùi vị thơm ngon.

Bún dùng chung với nước lèo được làm từ gạo dẻo, ngon nhất phải là gạo đầu mùa. Gạo thường được ngâm nước qua đêm rồi xay trong cối đá dạng bột nước. Bột được nhồi thật dẻo và nắm thành từng cục, sau đó cho vào khuôn bún và vặn để bột tạo sợi qua khuôn. Bún nước lèo thường được ăn kèm với cá lóc luộc rỉa hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay xắt nhỏ, huyết heo hay bánh cống, chả giò chiên giòn. Thưởng thức bún nước lèo cũng phải đúng cách mới cảm nhận hết vị ngon. Thông thường, người ta chần bún qua nước sôi rồi bỏ vào tô, thêm các nguyên liệu như thịt, cá, tôm và chan nước lèo ngập mặt bún. Khi ăn, thực khách nên cho vào tô một ít ớt bằm, rau quế, rau húng và hẹ sống để làm tăng thêm khẩu vị.

Bún nước lèo là món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị. Không chỉ nổi tiếng với du khách địa phương mà khách nước ngoài cũng biết đến món bún nước lèo ở Trà Vinh. Ngày nay, món ăn này rất phổ biến và mang đậm nét đặc trưng của người Trà Vinh. Những người sành ăn thường bảo nhau: “chưa ăn bún nước lèo xem như chưa đến Trà Vinh”. Bún nước lèo không chỉ có mặt trong những bữa cơm gia đình dân dã, bữa tiệc đãi khách quý gần xa mà ở cả những nhà hàng, khách sạn sang trọng. Còn gì tuyệt vời hơn khi du khách được thưởng thức tô bún nước lèo nóng hổi trong buổi sớm ở vùng sông nước. Nếu có cơ hội du lịch về Trà Vinh, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức đặc sản bún nước lèo.

Đặc sản Trà Vinh còn nhiều món ngon để du khách tìm về nếm thử: dừa sáp, cháo ám, chù ụ, bánh tét cốm dẹp, mắm bò hóc, bánh canh Bến Có, bún suông, trái quách, loi choi sả ớt, tôm khô Vinh Kim... Mỗi món ăn đều mang những hương vị đặc trưng riêng khó nơi nào sánh được. Nếu có nhiều thời gian và cơ hội, du khách hãy dành thời gian để khám phá và thử hết các món ăn này. Thông qua mỗi món ăn, du khách sẽ hiểu hơn về nét văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ nói chung và người dân Trà Vinh nói riêng.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Thuyết minh về bún nước lèo. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 16/05/2022 - Cập nhật : 16/05/2022