logo

Thế Lữ có vị trí như thế nào trong thơ mới

Câu trả lời chính xác nhất: Thế Lữ có vị trí quan trọng trong phong trào Thơ mới. Ông là người tiêu biểu cắm ngọn cờ cho sự chiến thắng của Thơ mới và là nhà thơ đầu tiên của giai đoạn 32 - 45 đã đưa ra bản tuyên ngôn của Phong trào Thơ mới qua bài "Cây đàn muôn điệu", mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của Thế Lữ trong phong trào thơ mới, mời bạn cùng đọc tiếp phần kiến thức mở rộng về Thế Lữ và Phong trào thơ mới dưới đây nhé!


1. Khái quát về Thơ mới

a. Quá trình hình thành và phát triển

* Cơ sở:

+ Sự hình thành của phong trào Thơ mới có cơ sở từ các điều kiện văn hóa, xã hội của Việt Nam 1930 – 1945 :

- Sự phát triển mau lẹ đông đảo của tầng lớp tiểu tư sản thành thị tạo nên một thế hệ nhà văn và độc giả mới với những nhu cầu sáng tác và thưởng thức mới.

- Sự ảnh hưởng sâu sắc của phương Tây từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần đã mở đường cho sự hình thành văn chương lãng mạn Việt Nam trong đó có Thơ mới

- Sự ngột ngạt về chính trị, kinh tế đã tạo ra sự hoang mang thấy vọng và tâm lý thoát ly hiện thực trong phần lớn thanh niên. Họ muốn thoát ly thực tế đen tối, xa lánh chính trị mà họ cảm thấy ồn ào mà vô hiệu bằng cách tìm đến con đường văn chương lãng mạn.

+ Như vậy, phong trào Thơ mới lãng mạn ra đời năm 1932 chính là để đáp ứng nhu cầu tình cảm của một tầng lớp thanh niên mới. Nó là kết quả không thể không có của một cuộc biến thiên vĩ đại của lịch sử. (Hoài Thanh)

b. Quá trình:

- Những mầm mống đầu tiên dẫn đến sự hình thành của Thơ mới đã xuất hiện vào những năm 1920. Lác đác xuất hiện những bài thơ không niêm không luật, không hạn chữ, hạn câu. Đặc biệt, thơ Tản Đà đã phảng phất chút bâng khuâng chút phóng túng của thời sau” (Hoài Thanh)

- Năm 1932 được xem là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Thơ mới với bài thơ Tình già của Phan Khôi – đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết.

- 1932 – 1935: Thơ mới tranh đấu gắt gao với thơ cũ, dần dần chiếm lĩnh thi đàn và khẳng định vị trí của mình với các nhà thơ tiêu biểu: Lưu Trọng Lư, Thế Lữ…

- 1936 – 1939: Thơ mới nở rộ, đạt được nhiều thành tựu với hàng loạt các tác giả: Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên….

- 1940 – 1945: Thơ mới đi dần vào bế tắc. Xuất hiện các xu hướng thoát ly tiêu cực: nhóm Dạ Đài, Xuân Thu Nhã Tập… Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc cũng như trong lịch sử văn học, Thơ mới chấm dứt sự tồn tại của nó, khép lại một thời đại trong thi ca.

[CHUẨN NHẤT] Thế Lữ có vị trí như thế nào trong thơ mới

2. Những đặc điểm lớn của phong trào Thơ mới

Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1932-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái "tôi" của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời. Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,... Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ luôn mong muốn đến thiên đường, hoặc thoát li khỏi hiện thực. Người tri thức tiểu tư sản có khuynh hướng cải lương, không đủ can đảm để chống đối giặc ngoại xâm nên họ tìm về với chủ nghĩa lãng mạn.

Đặc điểm lớn thứ hai của phong trào thơ mới là cái tôi trữ tình đặc sắc. Đây là thời kì mà cái tôi cá nhân lên ngôi, các nhà thơ mới khao khát được bộc lộ cảm xúc của mình một cách trọn vẹn. Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái "tôi", một cái "tôi" chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái "tôi" bấy giờ không làm việc "tải đạo" nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định. Xuân Diệu đã từng thốt lên:

“Ta là một, là riêng, là thứ nhất”

Phong cách nghệ thuật được bộc lộ mà không gặp bất cứ rào cản nào, khác hoàn toàn với cái tôi đạo mạo của thơ cũ, chỉ luận cảnh bàn việc nước mà khai trừ cá nhân, trong khi thơ lại là “tiếng nói thứ nhất của tình cảm”.

Thơ mới cũng mang trong mình âm vang của thời đại, nỗi buồn của một thế hệ yêu nước, nhưng bất lực trước thời thế. Cái Tôi trong Thơ mới trốn vào nhiều nẻo đường khác nhau, ở đâu cũng thấy buồn và cô đơn. Nỗi buồn cô đơn tràn ngập trong cảm thức về Tiếng thu vớihình ảnh:“Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô” (Lưu Trọng Lư ). Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá thể thi nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội.

Thơ mới theo chủ nghĩa lãng mạn, với cảm hứng thiên nhiên và trữ tình làm chủ đạo, song không vì vậy mà rời bỏ thời đại. Thơ mới thể hiện tình yêu nước của các nhà thơ lúc bấy giờ:

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Các bài thơ đậm tính dân tộc sâu sắc, thể hiện tấm lòng của những người con Việt Nam trước thời buổi nước mất nhà tan. Có thể nói, tinh thần dân tộc là một động lực tinh thần để giúp các nhà thơ mới ấp ủ lòng yêu nước. Quê hương đất nước thân thương đã trở thành cảm hứngtrong nhiều bài thơ. Thơ mới luôn ấp ủ trong mình khát khao tự do độc lập, và tinh thần yêu nước sâu sắc.

Có thể nói phong trào thơ mới chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn, song ánh sáng của nó lại vô cùng rực rỡ. Sự xuất hiện của phong trào làm tiền đề cho giai đoạn văn học cách mạng sau này, thời kì mà cái tôi của các tác giả được bộc lộ toàn vẹn, sự bùng nổ của các biện pháp nghệ thuật mới, mà vẫn giữ được cái đẹp của tiếng Việt.


3. Vai trò của Thế Lữ trong phong trào thơ mới

- Thế Lữ có vị trí quan trọng trong phong trào Thơ mới. Ông là người tiêu biểu cắm ngọn cờ cho sự chiến thắng của Thơ mới và là nhà thơ đầu tiên của giai đoạn 32 - 45 đã đưa ra bản tuyên ngôn của Phong trào Thơ mới qua bài "Cây đàn muôn điệu", mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam.

- Các tác phẩm của ông: Mấy vần thơ (1935), Mấy vần thơ tập mới (1941) ra đời nay đều được in bằng giấy tốt và được các họa sĩ tài hoa như Trần Bình Lộc trình bày, đã trở thành sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ trước 1945. Muốn định rõ vai trò Thế Lữ trong Văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ XX, có lẽ không nhận định nào xác đáng hơn nhận định của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại ấn bản 1942.

- “Ông là một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy vào tương lai của thơ mới. Thơ ông, không phải chỉ mới ở lời mà còn mới ở ý nữa. Những ý ấy ông đã phô diễn với tất cả mọi sự nồng nàn, làm cho người ta phải thổn thức say sưa. Cứ hồi tưởng lại tám chín năm về trước, mới biết hồi ấy ảnh hưởng thơ Thế Lữ mạnh là dường nào”.

- Thế Lữ có điều kiện thuận lợi để xây dựng nền tảng Thơ mới. Ông có trong tay hai tờ bào Phong hóa và Ngày nay nên đã quy tụ được một số nhà thơ trẻ tài hoa như Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyễn xuân Xanh… và trở thành lãnh tụ trong thi đàn 32 - 45.

- Ngôi sao Thế Lữ thêm rực rỡ, khi ông mở mục Tin thơ trên tờ Phong hóa. Mục này có thể coi như lớp học hàm thụ về thơ mà giáo sư là Thế Lữ. Rất nhiều độc giả của Phong hóa và Ngày nay đã gửi thơ mình sáng tác về tòa soạn đường Quan thánh, Hà nội, để nhờ Thế Lữ uốn nắn, chỉ bảo, phê bình và giới thiệu. Ông được giới trẻ tín nhiệm về thơ ca, một việc mà ngôi sao bắc đầu trên thi đàn trước đó là Tản Đà thất bại khi mở lớp dạy văn chương trong những năm cuối đời.


4. Những bài thơ đặc sắc của phong trào Thơ mới

Mùa xuân chín

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây,

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây...

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Xuân về

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

 

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn ngành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi

 

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

 

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam vô.

>>> Xem thêm: Top 5 bài Cảm nhận bài thơ Nhớ rừng ngắn gọn

icon-date
Xuất bản : 27/05/2022 - Cập nhật : 27/05/2022