logo

Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

Khái quát Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ bao gồm Giới thiệu tác giả Phạm Văn Đồng và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật và sơ đồ tư duy tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ - SGK Cánh Diều Văn 7

Đức tính giản dị của Bác Hồ


I. Giới thiệu tác giả Phạm Văn Đồng

Phạm Văn Đồng sinh ngày 1 tháng 3 năm 1906 trong một gia đình trí thức ở Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Từ nhỏ, ông được tiếp thu truyền thống văn hóa của quê hương và gia đình, trau dồi kiến thức về lịch sử, văn hóa của dân tộc và nhân loại. Ông theo học trường Quốc học Huế và sớm phát huy năng khiếu học tiếng Pháp; nhờ đó mà ông có thể nắm bắt nền tảng văn học-triết học Pháp nói riêng và phương Tây nói chung.

Năm 1925, ông tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên khi Phan Châu Trinh mất. Một năm sau (1926), ông sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng do Hồ Chí Minh tổ chức rồi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông được cử vào Kỳ bộ Nam Kỳ, rồi vào Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và tham gia đại hội của tổ chức này họp ở Hồng Kông. Tháng 7/1929, thực dân Pháp bắt ông và kết án đi đầy 10 năm tù ở Côn Đảo.

Năm 1936, sau khi ra tù, Phạm Văn Đồng hoạt động ở Hà Nội. Năm 1940, ông bí mật sang Trung Quốc cùng với Võ Nguyên Giáp, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ địa gần biên giới Việt – Trung.

Năm 1945, tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, Phạm Văn Đồng được bầu vào Ủy ban Thường trực gồm 5 người thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8.

Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

Phạm Văn Đồng là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 cho đến khi nghỉ hưu năm 1987. Trước đó ông từng giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1976.

 Phạm Văn Đồng là vị Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955–1987) và là học trò, cộng sự của Hồ Chí Minh.

=> Với bề dày hơn 70 năm hoạt động trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó nhiều năm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt, Phạm Văn Đồng được nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản và học giả trong nước, những người gần gũi với ông đánh giá là có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn học,...

- Văn phong nghị luận của ông đầy nhiệt tình, lôi cuốn người đọc bằng những luận điểm mới mẻ, sâu sắc với lời văn trong sáng, nhiều hình ảnh.

 - Tác phẩm chính: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại; Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Văn hóa đổi mớ


II. Khái quát tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ 


1. Hoàn cảnh sáng tác 

Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại” - diễn văn trong Lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970).

Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

2. Bố cục

- Phần 1 (từ đầu đến “trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”): Nhận định chung về đức tính giản dị của Bác 

- Phần 2 (còn lại): Những biểu hiện đức tính giản dị của Bác


3. Tóm tắt

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có lối sống giản dị và khiêm tốn. Điều đó được thể hiện từ bữa cơm, đồ dùng, cái nhà. Trong công việc, việc gì có thể tự làm Bác đều tự làm được và không cần người giúp. Đời sống giản dị vật chất phù hợp với đời sống giản dị trong tâm hồn. Không chỉ vậy, Bác còn giản dị trong lời nói và bài viết.


4. Giá trị nội dung

Tác phẩm đã nêu lên một trong những đức tính cao đẹp của Bác Hồ: sự giản dị. Đức tính giản dị là một phẩm chất cao quý của Bác. Bác giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.


5. Đặc sắc nghệ thuật 

- Luận điểm ngắn gọn, rõ ràng

- Hệ thống luận cứ đầy đủ, xác đáng, chặt chẽ

- Dẫn chứng cụ thể, phong phú, chính xác, giàu sức thuyết phục

- Bình luận sâu sắc, chưa đựng tình cảm của người viết


6. Tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ 

Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.

Rất lạ lùng, rất kì diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp.

Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: Bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao! Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: Việc cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn.. Trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay, và Bác đã đặt cho số đồng chí đó những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!

Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay.

[..] Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lý, những chân lý lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".. Những chân lý giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

(Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại,
NXB Sự thật, Hà Nội, 1974)


III. Sơ đồ tư duy Đức tính giản dị của Bác Hồ

Mẫu 1:

Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

Mẫu 2:

Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ (Tóm tắt, nội dung, nghệ thuật, HCST, sơ đồ tư duy)

IV. Câu hỏi vận dụng kiến thức Đức tính giản dị của Bác Hồ

Câu hỏi 1: Nêu luận điểm chính của toàn bài trong đoạn mở đầu. Để làm rõ đức tính giản dị của Bác Hồ, tác giả đã chứng minh ở những phương diện nào trong đời sống và con người của Bác?

Lời giải:

Luận điểm chính của toàn bài là: Sự giản dị và khiêm tốn của Bác Hồ được thể hiện thống nhất trong cuộc sống bình thường và trong đời sống chính trị.

Để làm rõ luận điểm, tác giả đã chứng minh qua các phương diện sau:

+ Bữa ăn hàng ngày: chỉ vài ba món đơn giản, gẫn gũi với thiên nhiên, ăn sạch bát, không phung phí đồ ăn, thức ăn còn lại được xếp tươm tất

+ Nơi ở, nhà sàn vài ba phòng nhỏ, thoáng ánh áng, gần thiên nhiên, có hương thơm phảng phất của hoa trong vườn

+ Việc làm: không vì việc lớn mà bỏ bê việc nhỏ, làm cẩn thận từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trồng cây, viết thư, thăm cụ già, nói chuyện tập thể đến cứu nước, cứu dân, bàn quân sự. Ít cần đến người phục vụ.

+ Với mọi người, với nhân dân: gần gũi, lo toan đời sống cho nhân dân, thương các cháu thiếu nhi, cụ già, chiến sĩ cách mạng. Đặt tên cho các anh phục vụ đầy gần gũi, thể hiện chí nguyện dân tộc: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

+ Giản dị , gần gũi trong lời  nói, chữ viết để nhân dân hiểu, nhân dân tin và nhân dân làm theo.

⇒ Ở Bác là một lối sống thanh bạch, giản dị trong đời sống, giàu có trong tâm hồn.

Câu hỏi 2: “Bác Hồ sống giản dị, thanh bạch như vậy… tinh thần cao đẹp nhất”.

Trong đoạn văn trên, tác giả đã dùng phép lập luận nào để người đọc hiểu sâu sắc hơn về đức tính giản dị của Bác Hồ?

” Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”.

Lời giải:

Trong đoạn văn trên, tác giả đã kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để người đọc hiểu sâu sắc hơn về đức tính giản dị của Bác Hồ, cụ thể như sau:

Lật lại vấn đề : “Nhưng chớ hiểu lầm rằng…”

Giải thích : “bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú…”

Bình luận : “Đời sống vật chất giản dị càng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất…”.

=> Giúp cho tác giả soi sáng hơn vấn đề từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau, đồng thời, giúp cho bài viết tăng thêm sức hấp dẫn và thuyết phục người đọc hơn.

Câu hỏi 3: Tìm hiểu trình tự lập luận của tác giả trong bài, và trên cơ sở đó nêu bố cục của bài văn.

Lời giải:

- Trình tự lập luận của bài: đưa ra luận điểm chứng, sau đó chứng minh bằng hệ thống luận cứ và luận chứng cụ thể, rõ ràng.

- Bố cục của bài viết:

+ Phần 1. Từ đầu đến “ trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp ”. Nhận định chung về đức tính giản dị của Bác Hồ.

+ Phần 2. Còn lại. Chứng minh đức tính giản dị của Bác Hồ.

Câu hỏi 4: Đọc đoạn văn từ "Con người của Bác" đến "Nhất, Định, Thắng, Lợi!" và nhận xét về nghệ thuật  chứng minh của tác giả ở đoạn này.

Lời giải:

Đoạn văn “Con người của Bác” đến “Nhất, Định, Thắng, Lợi!” được tác giả đưa ra một hệ thống luận cứ toàn diện, lần lượt đưa ra các dẫn chứng cụ thể, xác thực và phong phú: từ lối ăn đến căn nhà và lối sống.

→ Những chứng cứ đưa ra rất giàu sức thuyết phục vì các dẫn chứng đều là sự thật và tác giả cũng là người cận kề hiểu rõ Hồ Chủ tịch.

>>> Xem trọn bộ: Tác giả - Tác phẩm Văn 7 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - tác phẩm: Đức tính giản dị của Bác Hồ trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 10/07/2022 - Cập nhật : 30/07/2022