logo

Soạn bài: Đàn ghita của Lorca

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Đàn ghita của Lorca chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 12 chi tiết được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tiếp cận tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Khái quát về tác phẩm Đàn ghita của Lorca

Soạn văn 12: Đàn ghita của Lorca


Soạn bài: Đàn ghita của Lorca

Câu 1 (trang 166 sgk Văn 12 Tập 1):

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, tưởng chừng như hoàn toàn là cảm xúc tự do, không có liên kết gì với nhau. Nếu hiểu như vậy, ta hoàn toàn chưa hề khám phá được tác phẩm. Thanh Thảo là một hồn thơ giàu triết lí, tác phẩm của ông cũng đầy những suy tư, lí lẽ. Thế nhưng, mạch suy tư ấy không hiển hiện rõ ràng, mà người đọc phải tự bước chân vào thế giới ngôn từ của nhà văn, đắm mình trong đó và tự tìm tòi theo cách của riêng mình.

Khi đọc kĩ bài thơ, ta thấy nhiều hình ảnh được lặp lại nhiều lần dưới nhiều dạng thức khác nhau. Với mỗi lần xuất hiện, nó lại mang lại cho bài thơ một nét nghĩa mới. Mạch liên kết của bài thơ chính là dựa theo những hình ảnh ấy.

Đầu tiên là sự xuất hiện của Lorca thông quan những hình ảnh: “tiếng đàn bọt nước, áo choàng đỏ gắt, vầng trăng chếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn”. Thông qua một vài hình ảnh đơn giản nhưng tác giả đã tái hiện lại được những nét đặc sắc nhất, gắn với cuộc đời của Lorca, đó là cuộc đời gắn liền với thơ ca, với yên ngựa, với âm nhạc và rượu, và đặc biệt là gắn bó sâu sắc với đất nước Tây Ban Nha. Những hình ảnh đẹp đẽ nhưng cũng đầy ám ảnh về một tương lai bất định, như ý của một nhà thơ rằng trong hạnh phúc đã có mầm mống của sự chia ly, trong sự xuất hiện của Lorca đã có những dấu hiệu cho sự biến mất mãi mãi của người tráng sĩ này.

Tiếp theo, tác giả sử dụng những hình ảnh: “áo choàng bê bết đỏ, tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta lá xanh, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy” Bi kịch đã xảy đến với Lorca, vẫn là những hình ảnh thật đẹp đã xuất hiện ở đầu bài thơ, nhưng đến đây cái đẹp đã trở thành bi kịch. Cái chết đầy bất ngờ đã ập đến với người thi sĩ, chiến sĩ tài năng, quả cảm. Tiếng ghi ta vang lên nỉ non, nức nở như khóc than cho số phận con người tài hoa bạc mệnh. Tiếng đàn bọt nước như vỡ tan ra thành hàng trăm, hàng ngàn âm thanh khác nhau, hỗn độn, âm vang, như những âm thanh quay cuồng trong đầu người sắp từ giã cõi đời, những hình ảnh, âm thanh quen thuộc một lần nữa như cuốn phim ghi âm, chầm chậm phát lại cuộc đời đã qua của con người xấu số.

Tưởng chừng như Lorca chết là những hình ảnh gắn liền với Lorca cũng sẽ biến mất. Nhưng không. Lại một lần nữa ở cuối bài thơ, những hình ảnh quen thuộc lại xuất hiện một lần nữa: “Lorca bơi sang ngang trên chiếc ghi ta màu bạc”. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của Lorca, sức sống mãnh liệt của thơ ca, nghệ thuật của Lorca trong lòng các thế hệ hậu thế.

Câu 2 (trang 166 sgk Văn 12 Tập 1):

Soạn bài: Đàn ghita của Lorca (chi tiết)

Cảm nhận về đoạn thơ:

“Không ai chôn cất tiếng đàn

Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Giọt nước mắt vầng trăng

Long lanh trong đáy giếng”.

Tiếng đàn là hình ảnh tượng trưng cho Lorca, cũng là tượng trưng cho nghệ thuật, sức sống của Lorca. Đi từ hiện thực đời sống về cái chết oan khuất không người chôn cất của thi sĩ, lời thơ đi đến tầng nghĩa biểu tượng về sức sống mãnh liệt của nghệ thuật Lorca. Lorca có thể chết, nhưng nghệ thuật của ông thì sống mãi, không ai có thể hủy hoại nghệ thuật ấy. Tiếng đàn – tài năng nghệ thuật của Lorca sẽ như cỏ mọc hoang, không cần ai chăm sóc, và cũng không một ai có thể hủy diệt.

Câu thơ giọt nước mắt vầng trăng thiếu mất đi quan hệ từ, khiến ta không biết quan hệ giữa vầng trăng và nước mắt là gì. Có thế là quan hệ sở hữu: giọt nước mắt của vầng trăng, cũng có thể là quan hệ ngang bằng: giọt nước mắt và vầng trăng,… Nếu như giọt nước mắt thể hiện cho những nỗi đau thương, mất mát thì vầng trăng lại tượng trưng cho cái đẹp trong cuộc đời này. Có thể hiểu câu thơ là giọt nước mắt, là nỗi buồn của Lorca – một biểu tượng của cái đẹp, thì như thế, câu thơ gợi về cái chết oan khuất của Lorca, ông chết một cách tức tưởi, không cam lòng. Cũng có thể hiểu cái chết của Lorca khiến cả thiên nhiên cũng phải xót thương vậy.

Câu 3 (trang 166 sgk Văn 12 Tập 1):

Hình tượng tiếng đàn trong bài thơ mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ khác nhau. Lúc thì nó biểu tượng cho tài năng nghệ thuật, cho sức sống mãnh liệt , với một niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống, với lí tưởng cao đẹp giải phóng nhân dân Tây Ban Nha của  Lorca.

Tiếng đàn còn là lời ca, khúc bi tráng, khổ đau phản ứng, đối kháng lại chế độ phát xít tàn bạo đang tồn tại lúc Lorca còn sống.


Luyện tập

Hình tượng Lorca có thế được cảm nhận thông quan một số ý chính như sau:

- Đó là một người nghệ sĩ đầy tài hoa, với tình yêu mãnh liệt đối với đất nước và văn hóa Tây Ban Nha. Nhà thơ khao khát đổi mới nền nghệ thuật già cỗi, kìm hãm sự phát triển của những người nghệ sĩ trẻ.

- Lorca cũng là một chiến sĩ kiên trung, đấu tranh vì tự do và hạnh phúc, vì lí tưởng, vì cuộc sống tốt đẹp hơn dành cho nhân dân Tây Ban Nha.

- Một cái chết đầy oan khuất, nhưng sức sống thì mãnh liệt và niềm xót thương, tình yêu, nỗi nhớ của hậu thế dành cho nhà thơ.


Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác