logo

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca

Đàn ghi ta của Lorca là những dòng thơ giàu sức gợi của Thanh Thảo về hình tượng người chiến sĩ nghệ sĩ Lorca, bằng sự đồng cảm và trân trọng của một người nghệ sĩ, Thanh Thảo đã khiến tác phẩm của mình không chỉ ám ảnh bởi tính trừu tượng, mà còn giàu sức lay động đồng cảm.

Phân tích Đàn ghi ta của Lorca | Văn mẫu 12 hay nhất


Mở bài Phân tích Đàn ghi ta của Lorca

Một bài thơ hay là bài thơ giàu sức gợi, rằng ở đó, nhà thơ chỉ trồng một hàng dương, nhưng có thể mở lối cho ta về bể, có thể chỉ qua một giọt nước mà dựng lại được cái huy hoàng của bình minh. Và những câu thơ của anh ta, như đi trên đường biên của khả giải bất khả giải. Có thể nói, Đàn ghi ta của Lorca chính là bài thơ để lại nhiều ám ảnh như thế trong thế giới nghệ thuật mà Thanh Thảo tạo nên.

“Những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn”


Thân bài Phân tích Đàn ghi ta của Lorca

         Mở đầu bài thơ, Thanh Thảo đã ngay lập tức ghim vào tâm trí của người đọc những hình tượng đối lập, ám ảnh.  Tiếng đàn là âm thanh, là vô hình lại được đặt cạnh bọt nước - hình ảnh, là hữu hình. Sự không liên kết này tạo nên những chiều liên tưởng độc đáo mới mẻ cho độc giả. Hình ảnh bọt nước hiện rồi tan, tan rồi lại hiện phải chăng là cách gián tiếp mà qua đó, nhà thơ gợi về sự tái sinh của nghệ thuật, gợi nên sức sống vô tận của các trang hoa tờ hoa, vậy nên bất cứ ai mang duyên với nét mực trang giấy, cũng  thấm thía câu nói: nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết . Bởi địa hạt của nghệ thuật là địa hạt của sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nó là niềm kiêu hãnh tột cùng của người nghệ sĩ vì đang dẫn đường cho nhân loại đến xứ sở của cái đẹp và sự sáng tạo, nhưng đó cũng là niềm trở trăn lớn nhất cuộc đời người cầm bút nếu anh bước chân lên văn đàn mà không mang lại một gương mặt nghệ thuật riêng. Tiếp đến là hình ảnh Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt, đó là hình ảnh mang tính chất biểu tượng, tượng trưng cho những người đấu sĩ bò tót với tinh thần chiến đấu sôi nổi, ác liệt. Hình ảnh những chàng đấu sĩ bò tót và đấu trường sôi nổi, ác liệt đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa Tây Ban Nha. Nhưng có lẽ ám ảnh hơn là hình ảnh người nghệ sĩ cô đơn, chếnh choáng trong men say của nghệ thuật, nhưng cũng vô cùng đơn độc trong hành trình của kẻ cách tân, sáng tạo nền nghệ thuật già nua cằn cỗi mà Lorca chính là hình tượng nghệ sĩ đã truyền cho Thanh Thảo cảm hứng ấy. Như thế, kết hợp với hình ảnh đấu sĩ ở trên, ta có thể nhận ra, đấu trường mà Thanh Thảo muốn mở ra trong liên tưởng người đọc, đó là cuộc chiến đấu giữa người yêu quý tự do hòa bình với chế độ phát xít thù địch, bên cạnh đó, cũng là cuộc chiến của người nghệ sĩ hiểu được quy luật sáng tạo muôn đời của nghệ thuật, muốn cách tân nền nghệ thuật đã quá già nua, cằn cỗi.

“Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lorca bị điệu về bãi bắn

chàng đi như người mộng du”

          Những câu thơ cho thấy tâm hồn lãng mạn, yêu đời phóng khoáng của người nghệ sĩ. Nhưng đáng tiếc thay, con chim họa mi xứ An-đa-luxia, Lorca đã đột ngột bị sát hại. Chàng bị sát hại bởi mang trong mình lí tưởng tự do, hòa bình tiến bộ, bởi lí tưởng và tư tưởng của người nghệ sĩ chiến sĩ đối lập với thế lực phát xít thù địch.  Song hằn sâu trong tâm trí độc giả lại là tư thế mà tâm thế của Lorca khi bị điệu về bãi bắn. Chàng đi như người mộng du. Có hai cách hiểu ở câu thơ này, trước hết có thể hiểu Lorca đang đứng trước ranh giới của vòng sinh tử nhưng chàng không hề run sợ và bị cái chết ám ảnh kiềm tỏa, trái lại Lorca đứng ngoài vòng của cái chết, vậy nên hóa ra chính Lorca là người bất tử vì chàng đứng ngoài vòng sinh tử. Cách hiểu thứ hai, phải chăng những kẻ đang muốn giết Lorca là những kẻ đang mộng du, đang hoang tưởng về tội ác mà chúng gây ra, chúng không chỉ cướp đi sinh mạng của một người chiến sĩ cao thượng mà còn tự tay phá hủy những giá trị chân thiện mỹ của cả một thế hệ đáng nhẽ được Lorca soi sáng, dẫn đường.

“tiếng ghi-ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi-ta ròng ròng

máu chảy”

         Tiếp tục lại là cách diễn đạt của thơ siêu thực tượng trưng, khi Thanh Thảo liên tục đặt những hình ảnh không có sự liên kết nào cạnh nhau, khiến câu thơ như đi trên của khả giải bất khả giải. Âm thanh - màu sắc, âm thanh-hình ảnh, âm thanh -sự sống. Câu thơ cuối gợi nên hình ảnh người chiến sĩ, nức nở, bị tử thương bởi năm đầu kiếm sắc.

“không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng”

        Đây có lẽ là khổ thơ mở ra nhiều chiều sâu liên tưởng và những chiêm nghiệm nhất cho người đọc. Không ai chôn cất tiếng đàn, có thể hiểu hình tượng tiếng đàn ở đây là biểu tượng cho nghệ thuật, là tượng trưng cho người nghệ sĩ. Mà hiểu rộng ra, là nền nghệ thuật Tây Ban Nha khi Lorca ra đi thiếu vắng kẻ dẫn đường, nên trở nên hoang hoải, trống trải. Hay có thể hiểu một khía cạnh khác đó là Lorca là cây cổ thủ quá lớn, là một tượng đài nghệ thuật quá vĩ đại, vậy nên không ai có thể vượt qua được cái bóng mà Lorca để lại. Lorca ra đi, nhưng những tác phẩm đã thay chàng sống  giữa cuộc đời, vậy nên tiếng đàn được ví như cỏ mọc hoang, ngầm chỉ sức sống mãnh liệt, bất tận, sự bất tử của nghệ thuật. Từ đó, nêu lên một quy luật: Tác phẩm chính là sự sống, sức sống và đại diện cho người nghệ sĩ, anh ra đi nhưng nó sẽ thay anh làm tròn sứ mệnh với cuộc đời, nó sẽ tiếp tục một vòng tròn sự sống khác, đó là sự sống trong lòng người đọc.

        Giọt nước mắt, vầng trăng. Rõ ràng ở đây, Thanh Thảo đã lược đi những liên kết, những mắt xích khiến câu thơ trở nên ngắn gọn: giọt nước mắt và vầng trăng, giọt nước mắt của vầng trăng, hay giọt nước mắt là vầng trăng...Đáy giếng là nơi mà Lorca yên nghỉ, là nơi mà bọn phát xít độc ác gây ra tội ác của mình. Như vậy hai câu thơ như sự đối sánh, tạo nên thế đối lập cho nhau giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện ác, giữa nghệ thuật và chiến tranh..Và sự ra đi đầy thương tiếc chua xót của Lorca phải chăng cũng khiến cho thiên nhiên đau đớn, rơi lệ, khiến cho cả vũ trụ cũng quay cuồng trong nỗi nhớ niềm đau.

“đường chỉ tay đã đứt

dòng sông rộng vô cùng

Lorca bơi sang ngang

trên chiếc ghi-ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di-gan

vào xoáy nước

chàng ném trái tim mình

vào lặng yên bất chợt

li-la li-la li-la…”

         Đến cuối cùng, Lorca lại hóa thân vào cây đàn, vào tác phẩm nghệ thuật của mình, tác phẩm nghệ thuật thay anh sống giữa cuộc đời. Nhưng quan trọng hơn là sự đối lập trong tư thế và tâm thế mà Thanh Thảo xây dựng ở hình ảnh Lorca trong câu thơ cuối, chàng chủ động ném lá bùa, nghĩa là chàng tự chủ về số phận của chính mình, chứ không còn trong tư thế bị điệu về bãi bắn một cách đau thương mà ép buộc như câu thơ trước.  Âm thanh li -la của tiếng đàn vừa là một tín hiệu nghệ thuật, vừa giống như một thông điệp mà Lorca gửi tới người độc giả  trân trọng tư tưởng và giá trị nghệ thuật mà chàng để lại.


Kết bài Phân tích Đàn ghi ta của Lorca

        Đàn ghi ta của Lorca là những dòng thơ giàu sức gợi của Thanh Thảo về hình tượng người chiến sĩ nghệ sĩ Lorca, bằng sự đồng cảm và trân trọng của một người nghệ sĩ, Thanh Thảo đã khiến tác phẩm của mình không chỉ ám ảnh bởi tính trừu tượng, mà còn giàu sức lay động đồng cảm.

Trên bài là bài phân tích Đàn ghi ta của Lorca. Mời các bạn xem những bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021