logo

Giáo dục quốc phòng 10 Bài 6 ngắn gọn

Hướng dẫn Soạn Giáo dục quốc phòng 10 Bài 6: Một số hiểu biết về an ninh mạng ngắn gọn bám sát nội dung bộ Sách mới Giáo dục quốc phòng 10 - Kết nối tri thức

Bài 6: Một số hiểu biết về an ninh mạng - Kết nối tri thức

>>> Xem thêm: Tóm tắt lý thuyết GDQP 10 Bài 6 ngắn nhất Kết nối tri thức


Khởi động

Câu hỏi:

Quan sát hình ảnh và thực hiện nhiệm vụ:

1. Kể tên một số dịch vụ internet phổ biến mà em thường sử dụng. 

2. Khi đăng kí tài khoản trên mạng xã hội, em thường phải khai báo những thông tin gì? 

Soạn GDQP 10 Bài 6: Một số hiểu biết về an ninh mạng - Kết nối tri thức

Lời giải:

1. Một số dịch vụ internet phổ biến mà em thường sử dụng: Google, mạng xã hội như: Facebook, Instagram, email,...

2. Khi đăng kí tài khoản trên mạng xã hội, em thường phải khai báo những thông tin: Thông tin cá nhân như: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, mật khẩu,...


Khám phá


I. Một số khái niệm cơ bản về mạng và an ninh mạng 

2. An ninh mạng

Câu hỏi:

Từ gợi ý trong Hình 6.2, hãy  cho biết nếu trao đổi thông tin trên mạng, em cần có những thiết bị gì?

Vì sao cần phải bảo vê an ninh mạng?

Soạn GDQP 10 Bài 6: Một số hiểu biết về an ninh mạng - Kết nối tri thức

Lời giải:

Từ gợi ý trong Hình 6.2, nếu trao đổi thông tin trên mạng, em cần có những thiết bị: điện thoại, máy tính, wifi, dữ liệu di động 4G.

Cần phải bảo vê an ninh mạng vì: Để bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 


II. Một số nội dung cơ bản của luật an ninh mạng 

Câu hỏi: Hãy cho biết hành vi nào sau đây không được làm khi tham gia vào không gian mạng?

a) Đăng tải hoặc chia sẻ những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh lên trang cá nhân trên MXH. 

b) Trao đổi học tập qua thư điện tử hoặc dịch vị tin nhắn trên mạng xã hội. 

c) Cài đặt chương trình tin học có chứa mã độc vào  mạng máy tính của nhà trường. 

d) Xâm nhập trái phép vào máy tính của người khác. 

e) Chơi bài trực tuyển để đổi lấy điểm và thẻ cào. 

f) Tạo tài khoản ảo trên MXH để khủng bố tinh thần hoặc xúc phạm danh dự người khác. 

g) Chia sẻ những hình ảnh về quảng bá du lịch của địa phương trên MXH. 

Hãy cho biết sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng. 

Lời giải:

Hành vi không được làm khi tham gia vào không gian mạng: a, c, d, e, f.

Sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng để:

Hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành.

- Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh.

- Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

- Nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng.

- Mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà nước ta tham gia ký kết.


III. Bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng

Câu hỏi:

Hãy nêu một số phương thức phổ biến mà các đối tượng xấu thường sử dụng để đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng internet.

Hãy nêu những biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia vào mạng internet và giải thích những tác dụng của từng biện pháp đó. 

Lời giải:

Một số phương thức phổ biến mà các đối tượng xấu thường sử dụng để đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng internet:

Gửi tin nhắn dụ người dùng truy cập vào đường dẫn mở tới một trang mạng do đối tượng lập sẵn. Người dùng sẽ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân nếu điền thông tin trên trang mạng này.

Thông qua các trang mạng có nội dung hấp dẫn thu hút người dùng, khi người dùng truy cập sẽ tự động cài mã độc vào máy để thu thập thông tin.

Gửi thư điện tử có đính kèm các tệp tin có chứa mã độc, khi người dùng mở thư mã độc sẽ lây nhiễm vào thiết bị. 

Thông qua thiết bị ngoại vi và các thiết bị lưu trữ nhiễm mã độc khi được kết nối vào máy tính sẽ tiến hành thu thập dữ liệu, khi có điều kiện kết nối internet mã độc sẽ gửi dữ liệu ra máy chủ đặt ở nước ngoài. 

Những biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia vào mạng internet:

Đặt mật khẩu có độ bảo mật cao cho các thiết bị cá nhân như máy tính, điện thoại, tài khoản mạng xã hội,..

Sử dụng các phần mềm bản quyền, tránh tải các bản crack, bản lậu trên mạng. Dùng phần mềm diệt virus.

Không tùy tiện kết nối vào các mạng wifi công cộng và các mạng wifi miễn phí.

Thường xuyên cập nhật hệ điều hành mới nhất, kích hoạt tính năng xác thực nhiều bước để bảo vệ tài khoản người dùng.

Không trả lời tin nhắn từ những số lạ, không rõ danh tính. 

Thường xuyên kiểm tra quyền riêng tư, tính bảo mật trên thiết bị và nhật kí hoạt động để phát hiện các dấu hiệu bất thường. 


Luyện tập

1. Trường em thực hiện tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho học sinh như thế nào? Em hãy cho biết hiệu quả của các hình thức tuyên truyền, giáo dục đó.

2. Em đã thực hiện những biện pháp gì để bảo mật thông tin cá nhân; phòng, chống vi phạm pháp luật khi tham gia vào MXH. 

Lời giải:

1. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về an ninh mạng cho học sinh và hiệu quả của các hình thức tuyên truyền, giáo dục đó.

Tổ chức các buổi học ngoại khóa về cách sử dụng mạng xã hội an toàn, nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm mà mạng xã hội đem lại. 

Tuổi trẻ học đường với an ninh mạng, học sinh nắm những thủ đoạn, chiêu trò đã và đang diễn ra trên không gian mạng, nâng cao nhận thức, có hiểu biết đúng đắn, kỹ năng bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, tránh xa tiêu cực.

Học sinh được xem clip tuyên truyền trên lớp học trực tuyến, được thảo luận, chia sẻ cùng giáo viên và các bạn trong lớp về những suy nghĩ của bản thân về các nội dung thông tin. Phụ huynh học sinh cũng dễ dàng cập nhật các nội dung để nhắc nhở con em trong việc sử dụng mạng Internet an toàn, biết phòng tránh tác động xấu và nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân về an toàn thông tin mạng.

Lấy ví dụ thực tiễn sinh động thông qua các hình ảnh, chuyên gia an ninh mạng tuyên truyền, đưa ra một số biện pháp phòng ngừa để học sinh chủ động phòng tránh tội phạm trên mạng như: giữ bí mật thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet…

Tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về Luật An ninh mạng.

2. Những biện pháp để bảo mật thông tin cá nhân; phòng, chống vi phạm pháp luật khi tham gia vào MXH:

Đặt mật khẩu có độ bảo mật cao cho các thiết bị cá nhân như máy tính, điện thoại, tài khoản mạng xã hội,..

Sử dụng các phần mềm bản quyền, tránh tải các bản crack, bản lậu trên mạng. Dùng phần mềm diệt virus.

Không tùy tiện kết nối vào các mạng wifi công cộng và các mạng wifi miễn phí.

Thường xuyên cập nhật hệ điều hành mới nhất, kích hoạt tính năng xác thực nhiều bước để bảo vệ tài khoản người dùng.

Không trả lời tin nhắn từ những số lạ, không rõ danh tính. 

Thường xuyên kiểm tra quyền riêng tư, tính bảo mật trên thiết bị và nhật kí hoạt động để phát hiện các dấu hiệu bất thường. 


Vận dụng

1. An và Bình là hai bạn thân từ khi còn là học sinh tiểu học đến THCS, nhưng đến năm lớp 10 thì hai bạn không còn thân thiết với nhau nữa. Bình đã dùng tài khoảng MXH của mình để đăng tải các thông tin cá nhân của An như tính cách, những đặc điểm trên cơ thể và nhận được nhiều bình luận từ người dùng trên MXH. An rất buồn và đề nghị Bình gỡ bỏ các thông tin trên nhưng Bình không gỡ, dẫn đến việc An phải xin chuyển trường. 

a) Việc Bình dùng mạng để đăng tải các thông tin cá nhân của An như trên có vi phạm pháp luật không? Vì sao?

b) Những người chia sẻ bài viết của Bình trên mạng xã hội về thông tin cá nhân của An có vi phạm pháp luật không?

2. Qua tìm hiểu các phương tiện thông tin đại chúng, em hãy kể về một số vụ việc vi phạm Luật An ninh mạng đã được phát hiện và xử lí. 

Lời giải:

1. Theo Điều 18 Luật An ninh mạng thì Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là vi phạm pháp luật.

Bình sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

2. Một số vụ việc vi phạm Luật An ninh mạng đã được phát hiện và xử lí:

Ngày 15-4-2020, Sở TT&TT TP Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với chủ cửa hàng bán hoa tươi do có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Trước đó, người này đưa lên fanpage của cửa hàng mình nội dung: “CHÍNH THỨC: THỰC HIỆN GIÃN CÁCH XÃ HỘI HẾT 30/4. Quyết định vừa được đưa ra trong cuộc họp chiều nay 6/4. Như vậy không chỉ thực hiện cách ly xã hội đến 15/4 nữa mà kéo dài thêm 2 tuần...”

Theo Sở TT&TT, ngày 6-4, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, TP, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc hai tuần thực hiện, đến nay Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc này. 

Khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ cửa hàng hoa thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thuật với mục đích làm tăng lượng truy cập (câu view) cho tài khoản Facebook để bán hàng, thông tin được lấy trên mạng xã hội nhưng chưa được kiểm chứng. 

Sở TT&TT xác định hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật” của chủ cửa hàng bán hoa đã vi quy định tại điểm d khoản 1  Điều 8 Luật An ninh mạng. 

Sau khi thấy lực lượng 141 Quảng Bình đi vào hoạt động, thu hút được sự quan tâm của người dân, đối tượng Bùi Văn Hùng, sinh năm 1994, trú tại xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã lập fanpage giả mạo trang thông tin điện tử của lực lượng này. Mục đích của đối tượng là câu like, tăng lượt truy cập nhằm trục lợi khi bán hàng online. Khai nhận tại cơ quan điều tra, Hùng cho biết, do lực lượng 141 Quảng Bình  nhận được sự quan tâm, đồng tình của người dân trong việc đảm bảo an ninh đô thị nên đã lập một trang thông tin mạo danh lực lượng này nhằm thu hút người xem, sau đó sẽ đổi tên để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

>>> Xem trọn bộ: Soạn GDQP 10 Kết nối tri thức

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Soạn GDQP 10 Bài 6: Một số hiểu biết về an ninh mạng trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 08/07/2022 - Cập nhật : 27/10/2022