logo

Soạn bài: Thực hành các phép tu từ - Phép điệp và phép đối (chi tiết)


Soạn bài: Thực hành các phép tu từ - phép điệp và phép đối (chi tiết)


I. Luyện tập về phép điệp (điệp ngữ)

Câu 1 (trang 124-125 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

a. Ngữ liệu (1):

- “Nụ tầm xuân” được lặp đi lặp lại một cách trọn vẹn. Nếu thay thế bằng “hoa tầm xuân”, “hoa cây này”,… thì người tiếp nhận sẽ không còn liên tưởng đến hình ảnh của người con gái chưa chồng nữa.

+ Hình ảnh thay đổi: nói đến hoa thường chỉ hình ảnh người phụ nữ, nụ hoa chỉ người con gái e ấp đang ở độ tuổi trăng tròn đẹp nhất. Nếu thay thế “nụ” thành “hoa” thì hình ảnh của người con gái trong mắt chàng trai sẽ thay đổi, nó không còn sự ngỡ ngàng, tiếc nuối, hụt hẫng, bâng khuâng khi chàng trai nhận ra cô gái đã đi lấy chồng (nụ tầm xuân nở thành hoa: người con gái đã có chồng)

+ Nhạc điệu cũng thay đổi: “nụ”: thanh trắc, “hoa”: thanh bằng, thay đổi thanh điệu cũng dẫn đến thay đổi nhạc điệu câu thơ, làm cho câu thơ không có độ mượt mà, không có tính nhạc.

- Cùng ngữ liệu (1), “chim vào lồng”, “cá mắc câu” cũng được lặp lại. Sở dĩ lặp lại để nhấn mạnh vào tình cảnh bế tắc của cô gái, vùng vẫy muốn thoát ra khỏi cuộc sống  hôn nhân bị áp đặt nhưng k vượt qua được lễ giáo phong kiến xưa kia, phải chịu cảnh “chim lồng, cá chậu” - > lặp lại để tập trung nhấn mạnh hơn bi kịch hôn nhân của phụ nữ ngày xưa. Cách lặp này khác với cách lặp của từ “nụ tầm xuân” trong hai câu trên, “nụ tầm xuân” được lặp lại theo hướng phát triển thêm ý, còn lặp “chim vào lồng”, “cá mắc câu” để nhấn mạnh thêm hoàn cảnh của cô gái là không thể thay đổi được.

b. Trong các câu ở ngữ liệu 2, việc lặp từ không phải là phép điệp tu từ. Việc lặp từ ở những câu đó chỉ có tác dụng nhấn mạnh hơn ý mà tác giả muốn nói, nó không có tác dụng gợi hình ảnh và không có giá trị biểu cảm.

c. Định nghĩa phép điệp:

Phép điệp là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (có thể lặp vần, âm, thanh, nhịp, từ, cụm từ câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, làm tăng khả năng gợi hình tượng nghệ thuật. Phép điệp tạo sự nhịp nhàng, cân đối và hài hòa.

Câu 2 (trang 125 SGK Ngữ Văn 10 tập 2) Bài tập ở nhà

a. Tìm 3 ví dụ có điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ:

- “Thế là Mtao Mxây phải đi ra. Bà con xem, khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần.” (Chiến thắng Mtao Mxây – Sử thi Tây Nguyên)

- “Trong muôn vàn loài hoa mà thiên nhiên đã tạo ra trên thế gian này, hiếm có loài hoa nào mà sự đánh giá về nó lại được thống nhất như là hoa lan” (theo Lê Hoàng, Hoa lan Việt Nam, tạp chí KCT – Tri thức là sức mạnh, số 5

- Nuôi tằm là một nghề căn bản của nước ta. Các nơi có bãi trồng dâu thì nuôi tằm nhiều hơn các nơi khác. (Ngữ văn 10, tập 2, trang 52)

b. Ví dụ về phép điệp trong những bài văn đã học:

- “Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế,

Ngày hai mươi, trận Mã An, Liễu Thăng cụt đầu,

Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh bại trận tử vong

Ngày hăm tám, thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn”

                                                       (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

-       “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

-       ”Quảy gánh qua đồng ruộng,

Người đẹp anh yêu cất bước theo chồng.

Vừa đi vừa ngoảnh lại,

Vừa đi vừa ngoái trông,

Chân bước xa lòng càng đau nhớ.

Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,

Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,

Tới rừng lá ngón ngóng trông…” (Lời tiễn dặn – Truyện thơ dân tộc Thái)

c. Trong đêm đông rét buốt, con bé nằm co ro dưới gầm cầu, toàn thân run bần bật. Trước đây nó cũng từng sống dưới mái nhà có đầy đủ tình yêu thương của cha và mẹ. Nhưng sau khi mẹ qua đời, bố lấy vợ hai rồi đi xuất khẩu lao động. Mẹ kế ở nhà luôn đối xử độc ác với nó. Một lần mẹ kế vu cho nó ăn cắp dây chuyền vàng. bà đã đánh và đuổi nó ra khỏi nhà. Ban ngày nó đi xin ăn, tối về ngủ ở cái gầm cầu nhỏ này. Cả ngày hôm nay nó lang thang trên đường rét mướt, không ai cho nó thứ gì, lại còn bị bọn đầu gấu đánh đuổi một trận. Nó nằm đó co quắc, dần dần lịm đi. Trong cơm mê man sốt, Nó thấy hình ảnh mẹ hiện ra với đôi mắt hiền từ nhìn nó rồi quay mặt bước đi. Nó cố lao đuổi theo mẹ giọng thất thanh: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi… cho con theo với, cho con theo với…”


II. Luyện tập về phép đối

Câu 1 (trang 125-126 SGK Ngữ Văn 10 tập 2) 

a) Ở ngữ liệu (1) và (2), cách sắp xếp từ ngữ có nét đặc biệt, sự phân chia thành 2 vế câu cân đối được gắn kết lại nhờ biện pháp đối:

- Ngữ liệu (1): đối xứng giữa 2 vế câu: chim/người, tổ/tông, đói/rách, sạch /thơm, người /nhà, trí/nền, phải nên/phải vững

- Ngữ liệu (2): đối xứng giữa câu với câu: tiên/hậu, học/hành, lễ/văn, diệt trò/trừ thói, tham nhũng/cửa quyền

⇒ Các từ đối xứng từ, câu đối xứng câu, danh từ với danh từ, tính từ với tính từ, động từ với động từ, đối xứng ở vị trí, ở thanh điệu, ở ngữ nghĩa... Cách đối xứng làm nổi bật lên nội dung muốn nói đến và giúp cho giọng văn trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển hơn.

b) Trong ngữ liệu (3) và (4) cách đối khác nhau:

-   Ngữ liệu (3): đối từ loại trong 1 vế câu (vế/vế, cụm từ/cụm từ, từ/từ): khuôn trăng đầy đặn/nét ngài nở nang, khuân trăng/nét ngài, đầy đặn/nở nang, mây thua nước tóc/tuyết nhường màu da, mây/tuyết, thua/nhường, mây thua/tuyết nhường, nước tóc/màu da, hoa cười/ngọc thốt, hoa/ngọc, cười/thốt

-   Ngữ liệu (4): đối ý giữa dòng trên với dòng dưới: Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt/Trót đem thân thế hẹn tang bồng

c) Một số ví dụ về phép đối:

-   “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”

“Tuấn kiệt như sao buổi sớm

Nhân tài như lá mùa thu” (Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi)

-   “Biết bao bướm lả ong lơi,

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm”

“Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

-   “Trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa”

                                                                            (Hịch tướng sỹ - Trần Hưng Đạo)

-   “Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” (Qua đèo ngang – Bà huyện Thanh Quan)

-   “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”

“Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa”

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” (Tục ngữ)

d) Định nghĩa phép đối:

Phép đối là cách sắp xếp từ ngữ, cụm từ, câu ở những vị trí cân xứng nhau để tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh về ý, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói, gợi sự liên tưởng, biểu đạt cảm xúc tư tưởng… nhằm diễn đạt một nội dung, ý nghĩa nào đó một cách hoàn chỉnh và hoài hòa.

-   Có 2 loại đối:

+ Tiểu đối: Các yếu tố đối xuất hiện trong 1 câu, 1 dòng.

+ Trường đối: đối giữa dòng trên và dòng dưới, đoạn trên và đoạn dưới

Câu 2 (trang 126 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

a) Phép đối trong tục ngữ có tác dụng: ngoài việc nhấn mạnh ý, tạo sự hài hòa về âm thanh và gợi sự phong phú về ý nghĩa (tương đồng hoặc tương phản), phép đối trong tục ngữ còn giúp người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Người ta không thể thay được những từ trong đó vì tục ngữ đã lựa chọn những từ ngữ cô đọng, súc tích nhất.

b) Phép đối thường dựa vào các biện pháp đi kèm: tỉnh lược, rút ngắn từ ngữ, cách gieo vần, nhịp, phép điệp từ ngữ,…

c) Tục ngữ ngắn mà khái quát được diện rộng, người không học mà cũng nhớ, không cố ý lưu lại mà vẫn được lưu truyền bởi tục ngữ là những kinh nghiệm được rút ra từ chính đời sống sản xuất và đời sống tinh thần của nhân dân, vì thế nó rất gần gũi và thân thuộc. Tục ngữ lại rất ngắn gọn và xúc tích, hài hòa về âm thanh, phong phú về ý nghĩa  nên rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Câu 3 (trang 126 SGK Ngữ Văn 10 tập 2) 

a) Ví dụ:

-   Tiểu đối:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

-   Trường đối:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông” (Thương vợ - Trần Tế Xương)

b) Ra vế đối:

-   “Đầu xuân…Đầu mới…Đầu câu chuyện

Chúc khỏe…Chúc vui…Chúc điều may”

-   Mặt biển, hải âu tung cánh vỗ

-   …

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Xem thêm các bài cùng chuyên mục

Tham khảo các bài học khác