logo

Soạn bài: Văn bản văn học (chi tiết)


Soạn bài: Văn bản văn học (chi tiết)


I. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 121 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Tiêu chí phân định văn bản văn học là một vấn đề phức tạp, tùy thuộc vào quan niệm của mỗi quốc gia trong từng thời kì lịch sử để xác định. Ngày nay, đa số nhận diện một văn bản văn học theo các tiêu chí sau:

- Văn bản văn học là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

- Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có hình tượng, có tính thẩm mĩ cao.

- Mỗi văn bản văn học đều thuộc về một thể loại nhất định, và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó.

Câu 2 (trang 121 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Khi đi tìm hiểu 1 văn bản văn học trước hết ta phải tìm hiểu tầng lớp ngôn từ (từ ngữ âm đến ngữ nghĩa): phải hiểu được nghĩa đen, nghĩa bóng của từ, từ nghĩa tường minh đến nghĩa hàm ẩn. Ngoài ngữ nghĩa ta còn phải chú ý đến ngữ âm. Chỉ thông qua tầng lớp ngôn từ ta mới thấy được tầng hình tượng và đi sâu tìm hiểu tầng hàm nghĩa của văn bản đó. Có thể nói, ngôn từ là tầng lớp trực quan sinh động giúp ta bước đầu tiên tiếp cận với văn bản văn học. Nhưng nếu chỉ hiểu tầng ngôn từ mà không thấy được tầng hình tượng và tầng hàm nghĩa thì cũng không thể hiểu hết về một văn bản văn học => Vì cấu trúc của văn bản văn học mang nhiều tầng lớp, nên chúng ta cần tìm hiểu lần lượt từng tầng lớp để có thể tiếp nhận được cái hay, cái đẹp của nó.

Câu 3 (trang 121 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Ý nghĩa hình tượng trong bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

*) Tầng ngôn từ:

-       “thân em”:

+ chỉ bản thân chiếc bánh trôi

+ chỉ người con gái, tấm lòng người phụ nữ

-        “vừa trắng lại vừa tròn”:

+ chỉ hình dáng chiếc bánh trôi

+ Chỉ sự trong trắng và làm tròn bổn phận của người phụ nữ

-       “Bảy nổi ba chìm với nước non”:

+ Cách thức luộc bánh trôi

+ Chỉ phong ba bão táp của cuộc sống

-       “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

+ bánh đẹp hay xấu phụ thuộc vào tay người nặn bánh

+ Sự may rủi của người phụ nữ

-       “tấm lòng son”:

+ Chỉ nhân bánh

+ Sự thủy chung son, son sắt của người phụ nữ.

*) Tầng hình tượng:

Hình tượng bánh trôi nước hiện lên qua sự miêu tả về hình dáng, cấu tạo, quá trình tạo thành,… => người đọc liên tưởng đến hình tượng người phụ nữ với những nét tương đồng

*) Tầng hàm nghĩa:

Bài thơ là lời bộc lộ nỗi lòng của người phụ nữ, ca ngợi giá trị tốt đẹp của tâm hồn, đồng thời lên án chế độ phong kiến thối nát, bất công, chà đạp con người.

Câu 4 (trang 121 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Khi đi sâu tìm hiểu văn bản văn học, trước tiên ta tìm hiểu tầng ngôn từ. Qua tầng ngôn từ ta thấy được tầng hình tượng, và từ tầng hình tượng ta tìm được tầng hàm nghĩa. Vậy, hàm nghĩa của văn bản văn học chính là những ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng được phát hiện thông qua tầng ngôn từ và tầng hình tượng của văn bản văn học.

Ví dụ:

+ ”Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” (Ca dao)

Xây dựng nên hình tượng “thuyền-bến” tương ứng với hai hình tượng “người con trai-người con gái”, từ đó thấy được ý nghĩa hàm ẩn trong câu ca dao: chỉ tình yêu lứa đôi, sự son sắt, thủy chung của người con gái.

+ “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” (Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Hình tượng “mặt trời” ở câu thơ thứ 2  chính là muốn nói đến Bác Hồ -> hàm nghĩa: Bác Hồ như vầng thái dương tỏa sáng rực rỡ, soi ánh sáng hào quang cho cả dân tộc, qua đó thấy được thái độ vô vàn kính yêu và trân trọng đối với Bác.

+ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”

(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)

“Mặt trời” là chân lí, là nguồn chiếu sáng cho vạn vật. Ở đây, hình tượng em bé được ví như nguồn sống của mẹ, là ánh hào quang soi sáng cho cuộc đời mẹ.


II. Luyện tập

Câu 1 (trang 121-122 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

a. Hai đoạn có cấu trúc, hình tượng tương tự nhau:

- Hai đoạn có cách tổ chức câu giống nhau, xây dựng theo cấu trúc đối xứng:

+ Câu 1 và câu 5: các câu hỏi tu từ của tác giả

+ Câu 2,3,4: miêu tả về hai nhân vật trong mỗi đoạn văn.

- Mỗi đoạn đều có 2 hình tượng nổi bật, tương phản nhau:

+ Đoạn 1: Hình tượng người đàn bà và đứa trẻ

+ Đoạn 2: Hình tượng người chiến sĩ và bà cụ

b.  Những hình tượng tương phản (người đàn bà – đứa trẻ, bà cụ - người lính) trong 2 đoạn văn gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ: Theo lẽ thông thường thì cái yếu sẽ phải dựa vào cái mạnh để tồn tại cũng như đứa trẻ non nớt phải dựa dẫm vào người mẹ, bà cụ già yếu phải dựa dẫm vào người lính mạnh mẽ. Nhưng sự việc lại được đảo ngược lại trong tác phẩm của Nguyễn Đình Thi. Ta có thể thấy ở đây, nơi tựa không chỉ đơn thuần là dựa dẫm về mặt vật chất nữa mà nó chính là sự dựa dẫm về mặt tinh thần. Người đàn bà cần có đứa trẻ, nương tựa vào nó, đứa trẻ như là nguồn lẽ sống của bà, giúp bà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Cũng như với người lính, bà cụ chính là động lực, là nguồn sống để anh có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu đến cùng.

Câu 2 (trang 122 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

a. Các câu chứa ý nghĩa:

- Kỉ niệm trong tôi

Rơi/như tiếng sỏi/trong lòng giếng cạn”

->Thời gian ở câu 1,2,3 trôi đi tưởng chừng như rất nhẹ nhàng, bình thản, mong manh: “trôi qua kẽ tay, khô đi chiếc lá” nhưng thực chất nó lại có sức mạnh bào mòn đáng sợ, nghiệt ngã vô cùng : “chiếc lá” là biểu tượng cho cuộc đời, cho sự sống. Nó cũng dần dần mất đi cùng với nhịp chảy của thời gian. Tất cả những kỉ niệm cũng sẽ bị thời gian làm cho lãng quên, xóa nhòa tất cả, kỉ niệm bị quên lãng được ví như viên sỏi rơi vào khoảng không vô tận, cứ từ từ, bền bỉ, im lìm mà dai dẳng rơi sâu thẳm giữa lòng giếng cạn -> sự bào mòn đáng sợ của thời gian.

- “Riêng những câu thơ/còn xanh

Riêng những bài hát/còn xanh”

-> Thời gian bào mòn tất cả, xóa nhòa tất cả, nhưng ta vẫn thấy đâu đó còn tồn tại những câu thơ, bài hát (thơ ca) bất diệt, trường tồn. Dù thời gian có khắc nghiệt như thế nào, có phai mờ vạn vật, có trôi chảy bao lâu đi chăng nữa thì nghệ thuật vẫn tồn tại vĩnh hằng, bất biến, mãi “còn xanh”. Hai chữ “xanh” lặp lại như xoáy sâu tương phản với sự tàn phai, khô gầy của chiếc lá, với tiếng sỏi rơi vào khoảng không sâu thẳm.

- “Và đôi mắt em/như hai giếng nước”

-> Đôi mắt em tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu, đẹp long lanh, tinh khiết, sóng sánh như hai giếng nước (giếng nước chứ không phải là giếng cạn). => tình yêu thì mãi mãi trường tồn.

b. Qua bài thơ “Thời gian”, Văn Cao muốn khẳng định rằng: Thời gian có sức hủy diệt vô cùng to lớn, nhưng nghệ thuật và tình yêu luôn là những điều bất biến, tồn tại vĩnh hằng, không phai nhòa theo năm tháng thời gian.

Câu 3 (trang 123 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

a. Mối quan hệ giữa người đọc (mình) và nhà văn (ta) trong câu 1,2:

“Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình

Sâu thẳm mình ư? Lại là ta đấy!”

-> Giữa người đọc và nhà văn có mối quan hệ sâu sắc, gắn liền với nhau. Nhà văn sáng tác ra tác phẩm, nhưng nếu không qua sự cảm nhận của người đọc thì tác phẩm đó cũng không phát huy được chức năng của tác phẩm văn học. Nói cách khác, giữa nhà văn và người đọc phải có sự đồng cảm, đồng điệu với nhau. Họ hiểu nhau, giao lưu với nhau, cùng đi sâu tìm hiểu về sự vật, sự việc, tìm hiểu những hình tượng nhân vật, những suy nghĩ buồn vui của con người và cuộc đời. Họ giao thoa và đồng cảm với nhau, tạo tiếng nói chung trong thế giới ngôn từ đó: mình cũng như ta và ta cũng như mình.

b. Văn bản văn học và tác phẩm văn học trong tâm trí của người đọc qua câu 3,4:

“Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy,

Gửi viên đá con, mình dựng lại nên thành.”

- Nhà văn là người sáng tác ra tác phẩm, tạo nên những hình tượng nhưng ý nghĩa hàm ẩn trong tác phẩm chỉ được nhận ra qua sự cảm nhận của người đọc. Người đọc càng trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, càng hiểu biết thấu đáo quy luật nghệ thuật, nội dung tác phẩm càng hiện lên đầy đủ hơn, phong phú hơn. Nói cách khác, nhà văn chỉ đưa ra những hình tượng gợi mở, còn người đọc là người tiếp nhận cùng với vốn sống, vốn kiến thức sẽ phát triển và mở rộng hơn ý nghĩa của những hình tượng ấy để thấy hết được giá trị của tác phẩm.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác