logo

Soạn bài: Hồi trống cổ Thành (chi tiết)

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Hồi trống cổ Thành chi tiết, đây là phiên bản soạn văn 10 hay nhất được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích giúp các bạn học sinh tìm hiểu tác phẩm một cách kĩ lưỡng nhất, đầy đủ nhất.


Soạn bài: Hồi trống Cổ Thành (chi tiết)


Khái quát chung

 Tam Quốc diễn nghĩa là tác phẩm ghi lại cuộc “ cát cứ phân tranh” trong gần 100 năm ở Trung Quốc của ba tập đoàn phong kiến: Ngô – Thục – Ngụy. Tác phẩm được viết vào khoảng năm 1368-1644, gồm 120 hồi.

- Đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành” thuộc hồi 28 của tác phẩm. Đoạn trích ghi lại cuộc gặp mặt của Quan Vũ và Trương phi sau bao ngày anh em bị chia cắt.

- Đại ý đoạn trích: Miêu tả tính cương trực, mạnh mẽ của Trương Phi, lòng trung nghĩa, khiêm nhường, nhũn nhặn của Quan Vũ đồng thời thể hiện hành động mạnh mẽ của Quan Vũ: giết kẻ thù anh em đoàn tụ.


Hướng dẫn học bài

Câu 1 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Trương Phi nổi giận định đâm chết Quan Công vì Trương Phi nghĩ rằng Quan Công là tên phụ nghĩa, lừa gạt, bỏ Lưu Bị để hàng hàng Tào Tháo

Câu 2 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Tác giả đặt nhan đề cho đoạn trích là “Hồi trống Cổ Thành” vì:

-  Nó gợi lên không khí chiến trận, đoạn trích này không chỉ có mâu thuẫn giữa Trương Phi và Quan Vũ, nó còn có mâu thuẫn giữa Quan Vũ và Sái Dương. Đây là mâu thuẫn thứ yếu, nhưng điều đáng nói là nó làm cho không khí càng trở nên căng thẳng, làm tăng thêm mâu thuẫn chủ yếu (khi đội quân Tào Tháo kéo đến càng làm tăng thêm sự nghi ngờ của Trương Phi với Vân Trường)

- Hồi trống còn là điều kiện, là quan tòa xác định, phán xét lòng trung thành hay phản bội của Quan Công. Ba hồi trống Trương Phi đặt ra thật khắc nghiệt. Vì Quan Vũ phải chém được đầu Sái Dương vốn là tướng giỏi của Tào Tháo, viên tướng duy nhất công khai biểu thị thái độ không phục Quan Công, lại mang quyết tâm trả thù cao cho cháu ngoại.

- Đây là hồi trống để Quan Vũ bộc lộ tấm lòng trung thành của mình. Khát vọng minh oan đã nhân lên thành sức mạnh. Chỉ mới một hồi (chưa phải 3 hồi), đầu Sái Dương đã lìa khỏi cổ.

=>  Hồi trống Cổ Thành dù mang âm vang chiến trận vẫn khác trống trận thông thường. Nó là biểu tượng của lòng trung nghĩa, thẳng thắn, mạnh mẽ và lòng dũng cảm phi thường.

Câu 3 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

 Trong tác phẩm ta thấy tính cách Trương Phi nóng nảy, bộc trực, đơn giản. Tác giả chú ý miêu tả hình dáng, thái độ, ngôn ngữ, hành động của Trương  Phi khi được báo tin Vân Trường từ Hứa Đô đến.

-  “Chẳng nói chẳng rằng lập tức mặc áo giáp vác xà mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc”, Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu, chạy lại đâm Quan Công. Sự giận dữ ở mức cao độ nhất -> con người rất dễ nổi nóng, có phần lỗ mãng và thô bạo. Trương Phi gián tiếp không thừa nhận quan hệ anh em khi gọi Quan Vũ là “mày”. Vì thế khi Quan Vũ nhắc tới tình anh em kết nghĩa vườn Đào, như lửa cháy đổ thêm dầu càng làm cho Trương Phi phẫn nộ, sôi sục. Cái nóng của Trương Phi lúc này không phải cái nóng do cá tính gàn dở mà có nguyên nhân của nó.

- Trương Phi ra điều kiện: “Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy” rồi “Trương Phi thẳng cánh đánh trống”. Trương Phi nóng lòng bởi chỉ có thể lấy máu kẻ thù để nhận ra lòng trung nghĩa => hành động“thẳng cánh đánh trống” thể hiện thái độ mạnh mẽ và dứt khoát của con người trung trực, ngay thẳng.

=> Cái nóng đó là nóng lòng muốn biết sự thực, đúng sai, phải trái. Chúng ta đồng ý với cách xử sự của Trương Phi. Vì lúc này chỉ có cách đó mới thể chứng minh tình cảm anh em,chứng minh lòng trung nghĩa của Quan Vũ.

Câu 4 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Sau khi ra điều kiện giết được Sái Dương sau 3 hồi trống, Trương Phi đã thẳng tay giục trống. Chi tiết này biểu hiện bao nhiêu uất ức dồn vào cánh tay gấp gáp, mâu thuẫn của đoạn trích được đẩy lên mức đỉnh điểm. Sự xuất hiện của Sái Dương để Quan Vũ có cơ hội minh oan bằng tài nghệ, khí phách. Người đọc tưởng tượng ra một màn kịch đầy hấp dẫn đậm chất anh hùng ca. Ở đó trống giục thùng thùng, gươm dao chạm vào nhau loảng xoảng. Trương Phi “mắt trợn tròn xoe, giục trống” không chịu nổi một giây chậm trễ. Quan Công với thanh long đao trên yên ngựa rượt đuổi tướng giặc. Chi tiết hồi trống làm cho đoạn trích hấp dẫn. Đây là hồi trống ra quân, cũng là hồi trống thu quân, hồi trống giải oan, hồi trống đoàn tụ. Nếu thiếu nó đoạn văn sẽ trở nên tẻ nhạt, kém hấp dẫn.


Luyện tập

Câu 1 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Nghe tin Trương Phi ở Cổ Thành, Quan Vũ vô cùng sung sướng vì anh em thất tán nay mới gặp nhau. Nhưng khi gặp Trương Phi mọi chuyện không như Quan Vũ mong muốn. Trương Phi chẳng nói chẳng rằng lập tức mặc áo giáp, vác xà mâu, lên ngựa dẫn một nghìn quân đi tắt ra cửa Bắc. Trương Phi mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu, chạy lại đâm Quan Vũ. Quan Vũ chỉ tránh và hỏi:

- Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ru?

Trương Phi hầm hầm quát:

- Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa. Tôn Càn, rồi Cam phu nhân, Mi phu nhân đều giải thích, Trương Phi nhất mực không nghe. Trong khi Quan Vũ và Trương Phi, một người khẳng định sự phản bội, một người cố tình thanh minh và kêu oan thì Sái Dương tướng của Tào xuất hiện. Câu chuyện giữa hai người trở nên căng thẳng, Trương Phi ra điều kiện.

- Mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy.

- Hồi trống thứ nhất chưa dứt đầu Sái Dương đã rơi xuống đất, Quan Vũ bắt một tên lính cầm cờ hỏi đầu đuôi và sai hắn kể chuyện đầu đuôi cho Trương Phi nghe. Trương Phi hỏi kĩ mọi việc ở Hứa Đô. Tên lính kể hết từ đầu đến cuối, lúc này, Trương Phi mới tin là thực. Phi mời hai chị dâu và Quan Vũ vào thành. Cam phu nhân và Mi phu nhân kể hết đầu đuôi câu chuyện mà Quan Vũ đã trải qua. Trương Phi nghe hết chuyện, rỏ nước mắt thụp lạy Vân Trường. Anh em đoàn tụ.

Câu 2 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Tính cách Trương Phi bộc lộ qua hành động, lời nói.

+ Hành động: "Mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, lên ngựa đi tắt ... xông tới đâm Quan Công... Thẳng tay đánh trống" => Giận giữ và nóng nảy.

+ Lời nói: Xưng hô với anh  " mày - tao, tao quyết liều sống chết với mày... nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được đầu tên tướng ấy"=> Ngay thẳng có phần lỗ mãng và thô bạo.

+ “Đầu Sái Dương đã lăn dưới đất, Trương Phi vẫn chưa tin. Nghe tên lính Tào kể chuyện đầu đuôi, giải thích vì sao Sái Dương đến Cổ Thành, Trương Phi còn “hỏi kĩ việc Hứa Đô” vào trong thành, Trương Phi nghe kể lại “Những việc Quan Công đã trải qua… Trương Phi nghe hết chuyện rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”-> là người trung nghĩa phân minh.

=> Người cương trực đến nóng nảy, trung thành và căm ghét sự phản bội, không tin lời nói chỉ tin vào việc làm nhưng biết cầu thị khoan dung, biết phục thiện. Là người tuyệt dũng

Câu 3 (trang 79 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Tính cách nhân vật Quan Công cũng được bộc lộ qua hành động, lời nói, đối ngược với tính cách của Trương Phi:

+ Hành động: Đối lập với thái độ nóng nảy, giận dữ của Trương Phi, thái độ của Quan Công vui mừng, hoảng hốt và từ tốn: " giao long đao cho Châu Thương, tế ngựa lại đón, giật mình tránh mũi mâu của Trương Phi.  Khi Trương Phi thách chém đầu Sái Dương, Quan Công chẳng nói một lời, múa long đao xô lại, chém đầu Sái Dương..."

+ Lời nói: Trương Phi thì xưng hô “mày – tao” còn Quan Công xưng hô " hiền đệ- ta, hiền đệ đừng nói vậy, oan uổng quá !, hiền đệ hãy khoan xem ta chém tên tướng ấy để tỏ lòng thực của ta...."=> Nhún mình thanh minh, cầu cứu hai chị, chấp nhận điều kiện khắc nghiệt để minh oan. Con người biết cương, nhu trong mọi tình huống để ứng xử.

 => Trương Phi là người nóng nảy, ngay thẳng và trung nghĩa, là người “tuyệt dũng”. Còn Quan Công là con người độ lượng, khoan dung, trí dũng song toàn, biết tiến biết thoái, khiêm nhường nhũn nhặn khi ở thế “tình ngay lí gian”; biết dùng hành động chém tướng để minh oan, thể hiện lòng trung nghĩa. Là người " tuyệt nghĩa"


Tổng kết tác phẩm

Soạn bài: Hồi trống cổ Thành (chi tiết) | Soạn văn 10 hay nhất


Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác