logo

Phân tích truyện ngắn Bến Quê


Phân tích truyện ngắn Bến Quê

        Bến quê là một tác phẩm mang nhiều tính đối thoại với độc giả của Nguyễn Minh Châu, qua đó, muốn nói với người đọc nhiều hơn những triết lý nhân sinh trong cuộc sống. Đồng thời, nhờ tính chất đối thoại này, mà truyện Nguyễn Minh Châu đã mở ra những hướng đi mới của truyện ngắn hiện đại Việt Nam sau năm 1975.

Phân tích truyện ngắn Bến Quê | Văn mẫu 9 hay nhất

         Bao giờ cũng vậy, tình huống đóng vai trò hồn cốt quan trọng trong một tác phẩm truyện ngắn. Như chính Nguyễn Minh Châu từng thừa nhận: Tình huống giống như một lát cắt trên thân cây mà qua đó ta thấy được cả trăm năm đời thảo mộc. Có nghĩa tình huống tuy ngắn gọn, cô đúc nhưng đó là sự kết tinh của tất cả tinh hoa tinh huyết và tài năng của nhà văn để bắt được khoảnh khắc đắt giá nhất, làm nổi bật được tính cách nhân vật, thông điệp tác giả, và giúp phát triển cốt truyện. Với Bến Quê, Nguyễn Minh Châu thực sự đã tạo nên một tình huống éo le, đặc biệt ấn tượng như thế. Nhân vật chính của truyện, Nhĩ, người mà cả đời đã đi vòng quay trái đất không thiếu một xó xỉnh nào ấy thế nhưng đến cuối đời lại mắc căn bệnh hiểm nghèo, không thể di chuyển được dù chỉ là mươi bước. Anh đã ngao du bốn biển, thăm thú nhiều cảnh lạ, nhưng đến cuối đời, khi nằm liệt giường, vào một buổi chiều nọ, anh với nhận ra vẻ đẹp thân thuộc, bình dị, mà rất đỗi thơ mộng của bãi bồi bên kia sông Hồng. Sự thức nhận muộn mang đau đớn ấy, đã dẫn đến những chuyển biến tâm lý phức tạp trong tâm hồn nhân vật. Men theo đó, Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu hành trình tìm vẻ đẹp thẳm sâu trong thế giới nội tâm phức tạp, đa cực, lưỡng phân của nhân vật, đồng thời đối thoại với người đọc những bài học về nhân sinh.

         Trước hết, đến khi đã quá muộn, Nhĩ mới phát hiện ra mình đã bỏ lỡ một mảnh quê hương, một mảnh tâm hồn, một điểm tựa quý giá, để chạy theo những ảo vọng rất xa vời. Qua đó, Nguyễn Minh Châu muốn nhắc nhở chúng ta, chúng ta luôn theo đuổi những điều lớn lao, nhưng đừng quên rằng, cuộc sống bắt đầu từ những gì vốn nhỏ bé, cái đẹp cũng có từ sự bình dị, thân thương. Hãy trân trọng ngay những vẻ đẹp gần gũi, bình dị xung quanh ta, bởi đôi khi nó hiện hữu và chân thực hơn những chân trời ta đang bay. Nếu xét trên tư cách người nghệ sĩ, phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nhắn nhủ, anh phải biết bám sát và lấy chất liệu từ đời sống, để bắt rễ cho trang viết của mình, đừng tìm kiếm, ảo mộng hiện thực bên ngoài con người, xa rời con người, đó chỉ là ánh trăng lừa dối mà thôi.

        Càng trong mạch cuốn của tình huống độc đáo ấy, là câu chuyện cũng khiến ta phải trở trăn đó là câu chuyện giữa Nhĩ và đứa con của mình. Anh biết mình không thể đặt chân lên bãi bồi bên kia sông, chiếc cầu nối duy nhất để chở niềm mong mỏi, khát khao ấy của mình chính là người con trai. Thế nhưng, đứa bé lại không thể hoàn thành tâm nguyện cuối cùng ấy của cha mình. Sự mải chơi, và tò mò tinh nghịch của tuổi trẻ đã khiến nó quên đi lời dặn của cha, và để lỡ chuyến đò ngang cuối cùng. Sự việc ấy, khiến Nguyễn ngậm ngùi thốt lên “Con người ta sống ở trên đời, dễ bị vướng vào những chùng chình vòng vèo”. Đó là tâm lí dễ hiểu của con người, chúng ta luôn bị những điều mới lạ, hấp dẫn cám dỗ chính mình. Bản lĩnh của ta thường ngày mạnh mẽ đến đâu nhưng đứng trước những cái “chùng chình, vòng vèo” ấy, thường dễ đánh mất mình. Vậy cho nên mới nói chiến thắng chính mình là chiến thắng khó khăn mà cũng vinh quang nhất. Đó là lời tâm sự, mà cũng là lời hỏi của tác giả đến những người đang bị vướng vào những cái chùng chình vòng vèo ấy, rằng hãy sớm nhận thức và tách mình, buông mình ra khỏi chốn lao xao.

        Cuối cùng, đó là thức nhận của Nhĩ về người vợ tần tảo sớm hôm bên cạnh. Bao lâu nay, Nhĩ mải mê rong ruổi với đam mê, khát vọng chinh phục của mình, mà quên đi người vợ hiền, gầy guộc, đáng thương, đến khi gần đất xa trời, Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp thầm lặng và đức hi sinh của người vợ. Qua đó, Nguyễn Minh Châu muốn nhắn nhủ chúng ta: Hãy trân trọng người thân yêu bên cạnh mình, hãy quan tâm, chăm sóc, đối xử tốt với họ nếu bạn còn có thể Và quan trọng nhất, dù đi thật xa, nhưng hãy về gần, để nhận ra rằng, quê hương, và đặc biệt gia đình chính là điểm tựa, chỗ dựa vững chãi nhất, là vòng tay luôn rộng mở đón ta về, yêu thương vỗ về những vấp ngã, thất bại của ta trên đường đời. Hãy khắc cốt ghi tâm điều đó.

        Khai thác thành công tình huống truyện éo le, độc đáo, đã giúp Nguyễn Minh Châu khám phá ra thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật. Đồng thời, dẫn đường cho người đọc đến với những trang sách mới, đầy tính đối thoại.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 01/05/2021