logo

Dàn ý cảm nhận truyện ngắn Bến Quê

Một trong những vấn đề then chốt để làm nên những bài văn hay đó là trước khi làm bài các em cần lập dàn ý cho bài viết đó. Với Dàn ý cảm nhận truyện ngắn Bến Quê cực hay dưới đây hy vọng sẽ là một trong những gợi ý giúp các em hoàn thiện bài viết của mình một cách tốt nhất! Mời các bạn cùng tham khảo nhé!


Dàn ý cảm nhận truyện ngắn Bến Quê

1. Mở Bài

     - Giới thiệu tác giả:Nguyễn Minh Châu là nhà văn trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, là một cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những nhà văn mở đường "tinh anh và tài năng nhất"

     (Nguyên Ngọc) của văn học sau đổi mới với những tìm tòi, thay đổi quan trọng về tư tưởng, nghệ thuật.

     Giới thiệu tác phẩm:Truyện ngắn "Bến quê"sáng tác năm 1985, in trong tập truyện cùng tên của Nguyễn Minh Châu.Tác phẩm được coi là bản di chúc nghệ thuật của ông, qua tâm sự của nhân vật Nhĩ, bày tỏ những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời.

     Giới thiệu sựviệc:Trong tác phẩm, nhà văn đâ xây dựng được nhiều chi tiết, sựviệc cóý nghĩa sâu sắc. Trong đó, chuyện Tuấn - con trai Nhĩ"sờ vàomộtđóm người chơi phá cờ thế trên hè phố"khi được bố nhờ sang bên kia sông và có thể bỏ lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày là một sự việc để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm.

2. Thân Bài

Tóm tắt truyện và nêu tình huống

     Truyện kể về Nhĩ - người đàn ông đã đi khắp mọi xó xỉnh trên thê' giới bỗng mắc bệnh nặng, phải chịu cảnh đặt đâu nằm đấy. Anh phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của vợ con. Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Nhĩ mới nhận ra vẻ đẹp của bâi bồi bên kia sông, đồng thời cũng nhận ra suốt bao năm, mình chưa hề đặt chân tới đó. Nhĩ tha thiết, khẩn khoản nhờ cậu con trai là Tuấn thay bố sang bên kia sông nhưng nó lại sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên vỉa hè, có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày.

Cảm nhận về sự việc

- Mục đích của Nhĩ:

     + Có lẽ anh muốn con thay mình thực hiện ước nguyện cuối, cho thỏa nỗi tiếc nuối, day dứt.

     + Anh muốn con nhận ra vẻ đẹp của bờ bãi quê hương, để biết yêu quý, trân trọng những gì thân thuộc, gần gũi nhất của con, để một ngày kia nó không phải trải qua tiếc nuối, ân hận, xót xa như mình.

-Thái độ, hành động của Tuấn:

     + Tuấn miễn cưỡng đi vì không hiểu mục đích của bố. Đây là tâm lí dễ hiểu bởi chính Nhĩ cũng không thể nói với con điều anh suy nghĩ và mong muốn.

     + Rồi Tuấn lại "sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố"và có thể lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày cũng bởi lí do như trên và vì Tuấn đang ở độ tuổi thiếu niên - độ tuổi còn non nớt, dễ bị cám dỗ.

Ý nghĩa của sự việc:

     + Hình ảnh của Tuấn là sự phản chiếu hình ảnh của Nhĩ một thời tuổi trẻ cũng mải chơi, ham vui mà bỏ lỡ cơ hội. Anh không trách con bởi chính anh ngày xưa cũng thế. Có chăng, chỉ càng cảm thấy xót xa, ân hận!

     + Qua đó có thể thấy, cuộc đời con người luôn chứa đựng những điểu bất thường, vượt khỏi dự định, mong muốn và hiểu biết, tính toán của ta.

     + Con người thường khó tránh khỏi “những điều vòng vèo, chùng chình",do dự, nhất là khi còn trẻ. Ta thường thờ 0 với những điều bình dị quanh mình, chẳng nhận ra giá trị của nó và chỉ khi đã trải qua bao thăng trầm, nghịch cảnh mới thấm thìa hết.

3. Kết Bài

     Sự việc có tính triết lí cao, truyển tải thông điệp sâu sắc: Hạnh phúc không ở đâu xa, nó rất gần, ngay bên cạnh cuộc sống của ta mỗi ngày. Hãy biết trân trọng những điểu nhỏ bé, những hạnh phúc bình dị ấy, tránh xa những cám dỗ của cuộc đời!


Bài văn mẫu cảm nhận truyên ngắn Bến Quê – Mẫu số 1

Lập dàn ý cảm nhận truyện ngắn Bến Quê

     Nguyễn Minh Châu là một cây bút văn xuôi rất xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Trước năm 1975, với những tác phẩm như Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng, Cửa sông mang tính chất sử thi, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện hình ảnh những con người tràn ngập cảm hứng lãng mạn, tươi tắn, trẻ trung. Nhưng khi chiến tranh đã đi qua, anh đã nhìn ra được sự đổi thay của con người, những đời người nặng trĩu đau thương nhưng vẫn nồng nàn với cuộc sống. Nhà văn đã khám phá thế giới nội tâm ở mỗi con người trong những tình huống đầy nghịch lý. Bến quê - một truyện ngắn trong tập truyện cùng tên được xuất bản năm 1985 đã thể hiện điều đó.

     Đây là một tác phẩm đặc sắc mà Nguyễn Minh Châu đã lồng vào đó những suy ngẫm, trải nghiệm sâu sắc về con người và cuộc đời, thức tỉnh ở mọi người sự trân trọng những vẻ đẹp bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.

     Câu chuyện viết về số phận của Nhĩ, một người đàn ông đã từng được đi nhiều nơi, "đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất" nhưng lại quên cái vẻ đẹp bình dị và gần gũi nhất với mình đó là cái bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà mình, nơi anh chưa một lần đặt chân đến. Khi Nhĩ bị liệt toàn thân, đối diện với cái chết, Nhĩ cảm thấy bãi bồi ấy thật ý nghĩa. Một sáng mùa thu, khi hướng cái nhìn ra xa, anh bắt gặp bãi bồi bên kia sông Hồng, lòng trỗi dậy khát vọng được sang bên đó. Nhưng bệnh tật đã buộc chặt anh vào chiếc giường nhỏ bé, Nhĩ muốn nhích tới cửa sổ mà khó khăn như phải đi hết cả vòng trái đất. Thật là nghịch lý đáng buồn. Bãi bồi ở quê hương người vợ của anh thật gần mà anh không thể nào đến được. Anh đã bỏ mất cơ hội của đời người, để rồi khi nhận ra thì đã muộn. Khát vọng cũng chỉ là khát vọng. Nhĩ chỉ còn hi vọng cậu con trai sẽ thay mình đi qua bên ấy, nhưng cậu con trai không đồng cảm với bố, nó sa vào một đám chơi cờ thế và để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Chính ở những ngày cuối đời, anh mới thực sự trân trọng cái bãi bồi ở quê hương, xứ sở, mới cảm nhận được vẻ đẹp của dòng sông Hồng uốn lượn, bầu trời cao rộng, bãi cát phẳng lì, những hàng cây bằng lăng tím nở hoa duyên dáng. Đó là những cảnh vật rất gần gũi nhưng lại rất mới mẻ đối với Nhĩ, nó là vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp bình dị của quê hương xứ sở mà Nhĩ có cảm giác như đã lãng quên trong cuộc đời. Khi nhận ra vẻ đẹp ấy thì anh không thể làm gì được nữa. Anh chỉ biết khát khao.

     Có thể nói nghệ thuật xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng của nhà văn đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tâm lí nhân vật, khám phá nhiều điều trong tâm hồn một con người đang tàn tạ vì bệnh tật. Cũng ở những ngày cuối đời này, Nhĩ mới nhận ra cái tần tảo của vợ. Lần đầu tiên Nhĩ để ý thấy Liền đang mặc tấm áo vây cảm nhận những ngón tay gầy guộc âu yếm vuốt ve bên vai và Nhĩ đã nhận ra tất cả tình yêu thương, sự thầm lặng yêu thương của vợ. Nhĩ đã thực sự biết ơn vợ, thấu hiểu tấm chân tình của vợ, nhưng khi hiểu ra thì sự sống của anh chẳng còn bao lâu nữa. Nhĩ cảm thấy mình quá vô tình với vợ, cũng như vô tình lãng quên vẻ đẹp của bãi bồi quê hương. Có lẽ khi còn trẻ, Nhĩ đã lao vào những ham muốn xa vời, từng trải trong cuộc đời nên thấm thía những buồn vui và cay đắng. Điều nghịch lí hơn nữa là hình ảnh tuyệt vọng của Nhĩ. Niềm hi vọng duy nhất là nhờ cậu con trai giúp anh thỏa niềm mong ước cuối cùng, nhưng cậu con trai lại thực hiện một cách miễn cưỡng và còn bị cuốn hút vào trò chơi phá cờ thế trên đường. Có lẽ con trai chẳng thấy được vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, không thấy được cái đáng yêu của quê nhà nên mới chùng chình, vòng vèo như thế. Hành động của cậu con trai phải chăng là hành động của Nhĩ ngày nào. Chính vì vậy Nhĩ đã suy ngẫm, nghĩ ra một triết lý sâu xa. Nhĩ chiêm nghiệm được cái qui luật phổ biến của đời người: Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình.

     Anh không trách đứa con trai bởi nó giống anh ngày trước. Anh chỉ biết ân hận, xót xa và tuyệt vọng. Xót xa vì khi còn trẻ không gắn bó với quê hương, gắn bó với gia đình, để đến khi cuối đời anh mới nhận ra quê hương và gia đình rất quan trọng đối với anh. Anh hiểu ra những giá trị bền vững, những vẻ đẹp bình dị của cuộc đời thật ý nghĩa mà anh đã lãng quên. Anh đã hướng tới những giá trị đích thực, hướng tới cái thực tại đầy ý nghĩa ở quanh mình. Đáng lí ra chính Nhĩ phải phát hiện từ sớm để gắn bó với quê hương, gia đình và người thân, gắn bó để cuộc đời Nhĩ có ý nghĩa hơn. Nhĩ cần thấy cái bến quê đáng yêu ở thời điểm sớm hơn để cuối cuộc đời không thấy tiếc.

     Bến quê đã thành công nổi bật ở sự miêu tả tinh tế tâm lí và cảm nghĩ của nhân vật, thành công trong bút pháp xây dựng nhiều hình ảnh giàu tính biểu tượng, đặt nhân vật vào những tình huống đầy nghịch lí để khắc họa tính cách, tư tưởng của con người, cũng như thể hiện triết lí về cuộc đời. Tác phẩm mang phong cách hiện đại, thể hiện những chiêm nghiệm, trăn trở của một nhà văn nặng lòng với cuộc sống mới sau chiến tranh. Tác phẩm đã minh chứng cho sự đổi thay của một thời kì văn học mới, văn học hiện đại Việt Nam.

     Bến quê thức tỉnh mọi người ở sự trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị; gần gũi của gia đình và của quê hương. Rút ra bài học cuộc sống từ nhân vật Nhĩ, ta hãy sống cho thật ý nghĩa, đừng láng phí thời gian, đừng lãng phí tuổi trẻ. Hãy sống và cống hiến, sống có mục đích, có lí tưởng tốt đẹp.


Bài văn mẫu cảm nhận truyên ngắn Bến Quê – Mẫu số 2

     Đặt tên cho truyện ngắn này là Bến quê, điều ấy vừa bình thường, vừa có gì khác thường. Nó bình thường ở chỗ : người ta ai chẳng có một quê hương, để một đời gắn bó, nhất là với người đã từng đi đây đi đó nhiều năm, đã lưu lạc, giang hồ. Còn khác thường là ở chỗ : cái bến quê ấy, cái bãi bồi bên kia sông mà nhân vật Nhĩ hướng về chưa hẳn là nơi chồn rau cắt rốn của anh ? Có lẽ đó là quê hương của những người mà anh nhìn thấy: cả một đám khách đợi đò, quê hương của những người đi bộ hay dắt xe đạp, rõ hơn nữa, trong số ấy có "một vài tốp đàn bà đi chợ về đang ngồi kháo chuyện hoặc xổ tóc ra bắt chấy" đằng kia. Với nhân vật Nhĩ, đây chỉ là một miền tưởng nhớ, một mơ ước xa xôi. Tính biểu tượng của tác phẩm, một đặc điểm nghệ thuật bao trùm của Bến quê không chỉ thấm đẫm trong mọi chi tiết, trong cách dựng truyện, mà trước hết trong việc lựa chọn đề tài. Chính nó tạo nên một cách hiểu đa dạng, những ý nghĩa nhiều tầng của thiên truyện.

     1. Hoàn cảnh sống hiện thời của Nhĩ thật đáng thương. Gia đình anh là một gia đình nghèo khó. Mang tiếng là dân thành phố, nhưng nơi anh ở không phải là nhà cao cửa rộng mà chỉ là căn hộ tập thể chật hẹp một phòng, lại ở tận tầng hai. Cái nhìn và cái nhớ dù có vượt thời gian„ không gian đến mấy, nó vẫn tù túng trong cái khuôn viên nhỏ bé ấy thôi. Nhìn vợ bước xuống cầu thang, anh đã xót xa "suốt cả một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm". Nhớ đến vợ anh thời con gái còn mặc áo nâu, chít khăn mỏ quạ nay đã là một phụ nữ thị thành mà cuộc đời nào có khấm khá gì hơn. Cái nghèo không che giấu được của cả gia đình là chiếc áo vá Liên mặc, điều ấy không khỏi làm Nhĩ ngạc nhiên, buồn bã. Đứa con trai, niềm hi vọng của vợ chồng anh đi học xa, tận một thành phố phía Nam được gọi trở về phải chăng cũng là dấu hiệu không vui? Cái nghèo khó, cái ốm đau từ "tiếng nước rót ra lẫn mùi thuốc bắc bay vào" làm cho cái không gian chật chội kia càng thêm ngột ngạt. Sự thắt ngặt của hoàn cảnh khách quan được thể hiện bằng những dồn nén chủ quan, ngòi bút miêu tả tâm lí của người viết thật là tinh tế. Nó lắng đọng ở chiều sâu. Riêng sức khoẻ của mình, Nhĩ tự biết. Tuy ngày nào cũng uống thuốc, bệnh tình không thuyên giảm, hôm nay "cũng thấy như hôm qua". Nhấc mình ra được bên ngoài tấm nệm đang nằm, Nhĩ cảm thấy như mình "vừa bay được một nửa vòng trái đất". Lạc quan, hi vọng như Liên làm sao được. Anh chỉ còn biết hài hước đùa vui để đêm đêm con người thực của anh thao thức lắng nghe, cái âm thanh mà vợ anh giả vờ không nghe : ấy là cái bờ đất lở phía bên này "cùng với con lũ nguồn đã bắt đầu dồn về, những tảng đất đổ oà vào giấc ngủ". Có lúc Nhĩ thảng thốt giật mình như bấm đốt ngón tay "Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ?". Rõ ràng con người suy kiệt về thể xác nhưng lại tỉnh táo, sáng suốt về tinh thần trong hoàn cảnh ấy rất dễ rơi vào tâm trạng bế tắc, bi quan, hoặc khao khát, chiêm nghiệm về một cái gì lớn lao thuộc về chân lí.

     2. Sang được bờ sông bên kia, với Nhĩ vừa là ước mơ vừa là suy ngẫm về cuộc đời. Tính biểu tượng từ "cái bên kia sông" mở ra hai tầng ý nghĩa, trước hết, nó là một ước mơ : con người ta hãy đi đến cái "bên kia sông" của cuộc đời mà mình chưa tới. Hình ảnh con sông Hồng phải chăng là ranh giới giữa cái thực và cái mộng mà chiếc cầu nối là con đò qua lại mỗi ngày chỉ có một chuyến mà thôi. Muốn đến với cái thế giới ước mơ kia đừng có do dự, vòng vèo mà bỏ lỡ. Thế giới của ước mơ chẳng qua chỉ là một vùng nhận thức (tâm thức) trong tượng tưởng của con người. Nó tuyệt đích và hoàn mĩ, nhưng nó chẳng là những gì cụ thể cả. Tuy vậy, nó lại là cái đích mà con người ta phải bôn tẩu, kiếm tìm, vượt qua bao nhiêu gian truân, khổ ải mà chắc gì đã đến được. Vả lại không đạt đến độ chín đó của sự thăng trầm, hoặc quá ngây thơ, người ta không sao hiểu nổi. Chẳng hạn như Tùấn, con trai anh, do không hiểu được cái thế giới ước mơ kia của Nhĩ, vâng lời bố mà đi nhưng không hề biết vì sao nó phải đi, ở bên kia sông có gì lạ ? Nó sẵn sàng "sà vào đám người chơi phá cờ thế trên hè" là lẽ dĩ nhiên. Còn Nhĩ, khi biết thằng bé đã đi, tâm hồn anh trào dâng bao nhiêu náo nức. Nó cũng là "một cánh buồm vừa bắt gió căng phồng lên". Hình ảnh đứa con, hình ảnh của ước vọng từ "cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo" cứ chập chờn, khi là đứa con, khi chính là mình, vì thế. Hình ảnh tuyệt vời, trẻ trung này là mơ ước của anh.

     Miền đất ấy là ước mơ. Miền đất ấy cũng gợi trong Nhĩ bao nhiêu suy ngẫm vể cuồc đời có thực. Hình ảnh có thực về cuộc đời (chứ không phải danh lam thắng cảnh, nước biếc non xanh), cuộc đời có thực ấy thật nguyên vẹn, "cả trong những nét tiêu sơ". Một khi đã là cái thực, nó đôi lập với sự cầu kì. Nó cần đến sự giản dị, hồn nhiên. Nhưng để hiểu được cuộc đời, người ta phải có một "con mắt xanh" nhìn nó, phải "in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia". Ý nghĩ : bến quê, bến đời, nơi người ta không tới được đậm màu sắc triết lí là ý nghĩ về con đường nhận thức tưởng như đã đến mà thực tế còn rất xa xôi. Cái nghịch lí này không triết luận dài dòng, nó nằm ngay trong tâm trạng, một tâm trạng giày vò mà "lời lẽ không bao giờ giải thích hết giữa "say mê" và "ân hận, đau đớn". Tuy nhiên, đến được với cái đích ấy, con người hạnh phúc lại theo một cách riêng không phải như "một chú bé mới đẻ đang toét miệng cười" thích thú vì được chăm sóc mà là một nhà thám hiểm "đang chậm rãi đặt từng bước chân lên cái mặt đất dấp dính phù sa" trên một miền xa lạ. Phát hiện ra cuộc đời ở chiều sâu, được đi tìm nó, đối với Nhĩ là một sự hồi hộp vô biên. Hai con mắt của con người say mê và đau khổ ấy sáng lên, "long lanh" một cách khác thường. Những ngón tay bám vào cửa sổ như bám vào hạnh phúc cũng run lên. Còn cánh tay gầy guộc giơ ra phía ngoài khuôn cửa như "đang khẩn thiết ra hiệu cho người nào đó". Người nào đó là ai ? Căn cứ vào văn cảnh thì người đó chắc chắn là Tuấn, con anh. Nhưng có lẽ không chỉ có thế, hiệu lệnh tiến lên còn dành cho Nhĩ, cho mọi người, cho bạn đọc đông đảo chúng ta. Cụm từ mơ hồ "một người nào đó" được hiểu như "con người", hiểu là tất cả. Và chặng đường đến với cuộc đời như cuộc chạy tiếp sức hết thế hệ nọ đến thế hệ kia...

     3. Về nghệ thuật, trong quan niệm truyền thống, khi nói đến truyện ngắn, người ta nghĩ ngay đến cốt truyện, nghĩa là một hệ thống chi tiết hành động, tất cả được kể lại một cách rành mạch, thứ tự, tạo kích thích và hứng thú cho người nghe. Bến quê đã không đi theo hướng ấy. Nhân vật trong truyện, loại truyện thế sự đời tư có lô gích bên trong, không hoàn toàn trùng khớp với thế giới bên ngoài. Thế giới bên trong này tạo nên một thứ mạch ngầm văn bản ở chiểu sâu, tạo được những dư âm thú vị. Con người ở đây là con người tự nhận thức, tự đối thoại. Vì sao loài hoa bằng lăng vốn nhợt nhạt, sắp hết mùa sao lại đậm sắc hơn ? "ừcũng chả phải,... thời tiết đã thay đổi, đã sắp lập thu rồi". Mặt sông thì rộng ra, vòm trời cao hơn. Còn màu sắc của không gian, thời gian cứ lẫn vào giữa mơ với thực, hôm nay với hôm qua như một sự rượt đuổi, kiếm tìm "Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất" mà lại không nghĩ ra và không đật chân đến "cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình". Ý nghĩ ấy trở đi trở lại như một tiếc nuối, xót xa. Chính là đi vào đời sống nội tâm của nhân vật, Nhĩ không khỏi cảm thấy cô đơn, cái cô đơn vốn có của con người. Mặc dù chịu ơn vợ, hi vọng vào con, yêu quý mọi người nhưng hình như mơ ước của anh, khao khát của anh ít người hiểu được. Họ lo cho anh, nhưng không ai có thể tri kỉ cùng anh. Nhĩ như một kẻ độc hành cô đơn trên con đường vạn dặm. Tuy vậy, được hi vọng, ước mơ, được vui sống đến phút cuối cùng, anh không phải là một con người bất hạnh. Một phương diện khác của nghệ thuật là vấn đề kết cấu. Ở một truyện ngắn lấy cảm nghĩ làm phưong tiện để nhân vật hiện lên để có nguy cơ tản mạn. 

     Bến quê không rơi vào tình trạng trên đây nhờ có sự kết hợp giữa chiều dọc và chiểu ngang của nó. Nếu cảm nghĩ là chiều ngang thì thời gian vẫn là trục dọc để những cảm nghĩ ấy bám vào. Mạch dọc của truyện lại khá dễ hình dung : Nhĩ từ tư thế nằm, nhích dần ra khỏi tấm nệm đến lúc ngồi được lên nhờ có sự giúp đỡ vô tư của bọn trẻ. Con thuyền từ bờ bên kia, sang quá nửa sông, rồi chạm mũi vào đất phía bên này... Sự sắp xếp không có gì khiên cưỡng làm cho sự tiếp nhận thoát ra sự gò bó, nó đạt đến sự hồn nhiên.


Bài văn mẫu cảm nhận truyên ngắn Bến Quê – Mẫu số 3

     Bến quê là một truyện ngắn thấm đẫm ý vị triết lí về con người và cuộc đời. Những năm cuối đời, Nguyễn Minh Châu đã trải qua nhiều tháng ngày đau ốm. Bến quê ít nhiều mang tính tự truyện và dự báo nên rất chân thật chân thành. Bài học về tình yêu và lẽ sống được đặt ra một cách cảm động. Có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong tình thương với gia đình, quê hương.

     Truyện Bến quê thấm một nỗi buồn và tình thương khi ta bắt gặp một nhân vật ốm đau bệnh tật nằm liệt giường. Nhĩ là người chồng, người cha, người láng giềng, người bạn bị bệnh đã nặng, không có thể đi lại được nữa, muốn ngồi dậy cũng phải có người nâng đỡ; có lúc anh phải “thu hết tàn lực” mới “lết dần lết dần” ra khỏi phiến nệm nằm, mà anh cảm thấy “như mình vừa bay được một nửa vòng Trái Đất “. Ốm nặng liệt giường đã nhiều tháng ngày, cơ thể anh bị tàn phá nặng nề “phiến lưng đã có nhiều mảng da thịt vừa chai cứng, vừa lở loét”.

     Truyện Bến quê ghi lại những gì nhìn, nghe thấy, những suy ngẫm và mơ ước, những mối quan hệ của Nhĩ khi nằm trên giường bệnh, qua 4 cảnh: Nhĩ được Liên săn sóc; Nhĩ sai thằng Tuấn đi sang bên kia sông; Nhĩ được các cháu nhỏ (Huệ, Vân, Tam, Hùng…) đến nương nhẹ, lót chăn, kê gối cho anh; ông giáo Khuyến chống gậy đi qua tạt vào hỏi thăm Nhĩ.

     Cốt truyện của Bến quê rất bình dị, “bằng phẳng” nhưng lại mang hàm nghĩa triết lí sâu sắc. Qua nhân vật Nhĩ, một bệnh nhân “sắp từ giã cõi đời”, Nguyễn Minh Châu nói lên những suy ngẫm về con người, về cuộc đời và cách sống, thức tỉnh, khơi dậy ở đồng loại hãy biết nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp, những giá trị bình dị, gần gũi, quen thuộc của cuộc sống, của quê hương.

     Nhĩ là một con người từng trải và có địa vị, đi rộng biết nhiều: “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên Trái Đất”; “anh đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ… mới 2 năm trước đây, anh còn đi công tác sang một nước bên Mĩ La-tinh. Có thể nói, bao cảnh đẹp những nơi phồn hoa đô hội gần xa, những miếng ngon nơi đất khách quê người, anh đều được thường thức, được hưởng thụ. Nhưng những cảnh đẹp gần gũi, những con người tình nghĩa thân thuộc, thân yêu nơi quê hương cho đến những tháng ngày ốm đau nằm trên giường bệnh khi sắp từ giã cõi đời, anh mới cảm thấy một cách sâu sắc, cảm động.

     Hoa bằng lăng quê kiểng có gì là đẹp? Lúc mới nở “màu sắc đã nhạt nhạt”. Vòm trời và con sông Hồng, bờ bãi, bến đò… có gì xa lạ đối với nhiều người trong chúng ta, nhất là đối với Nhĩ, khi nhà anh ở gần dòng sông ấy. Sớm nay, Nhĩ vừa ngồi để cho vợ bón từng thìa thức ăn vừa nghĩ: Anh cảm thấy hoa bằng lăng trong tiết lập thu đẹp hơn, “đậm sắc hơn”. Sông Hồng “màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”. Bãi bồi phù sa lâu đời ở bên kia sông Hồng dưới những tia nắng sớm đầu thu đang phô ra “một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Và bầu trời, vòm trời quê nhà “như cao hơn”.

     Nhìn qua cửa sổ ngôi nhà mình, Nhĩ xúc động trước những cảnh đẹp bình dị của quê nhà. Tại sao trước đây, anh ít nhìn thấy, cảm thấy? Phải chăng vì cuộc sống bận rộn tất tả ngược xuôi? Hay tại bởi vô tình? Qua đoạn miêu tả thiên nhiên ở phần đầu truyện, Nguyễn Minh Châu muốn nhắc khẽ mọi người đừng vô tình mà phải biết gắn bó, trân trọng cảnh vật quê hương xứ sở vì những cái đó là máu thịt, là tâm hồn của mỗi chúng ta. Phải biết phát hiện ra vẻ đẹp bình dị, thân thuộc của quê nhà để nâng niu, yêu quý. Bị ốm đau nằm liệt giường đã lâu ngày, được vợ con săn sóc, trong lòng anh nảy nở bao ý nghĩ, bao tình cảm đàm thắm, sâu nặng, thiết tha. Nghe Liên nói: “Anh cứ yên tâm. Vất vả, tốn kém đến bao nhiêu em với các con cũng chăm lo cho anh được”, thì Nhĩ “lân đầu tiên để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá”. Hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh làm cho Nhĩ cảm động, thoáng ân hận về sự vô tình của mình: “Suốt đời anh chi làm em khổ tâm… mà em vẫn nín thinh “.

     Chưa bao giờ mà Nhĩ nghe rõ thế, những tiếng bình dị thân thương: tiếng vợ đi lại dọn dẹp và dặn dò con…, Liên hãm nước thuốc và tiếng nước rót ra lẫn mùi thuốc bắc bay vào nhà, “tiếng bước chân rón rén quen thuộc” của người vợ hiền thảo trên “những bậu gỗ mòn lõm”. Đó là tiếng lòng, tiếng thân thương, không phải lúc nào Nhĩ cũng nghe được, Nhĩ cũng cảm được!

     Tuấn là đứa con trai thứ hai của vợ chồng Nhĩ và Liên. Một năm nay vắng nhà. Tuấn đi học xa, tận một thành phố phía Nam và vừa mới trở về đêm qua. Bố ốm nặng, Tuấn về thăm bố, thăm mẹ và thăm nhà? Nằm trên giường bệnh ngắm con Nhĩ xúc động “thấy càng lớn thằng con anh càng có nhiều nét giống anh”. Nhĩ sai con đi sang bên kia sông “qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh., một lát rồi về”. Với Tuấn thì đó là “cái việc gì lạ thế” mà bố sai làm, khi cậu đang mải mê xem cuốn truyện dịch. Đứa con trai chưa hiểu được “cãi điều ham muốn cuối cùng” của đời bố, mà Nhĩ muốn nói ra. Nhĩ muốn đứa con trai thân thương thay mặt mình đi dạo bước qua sông, để ngắm nhìn những cảnh vật thân quen, bình dị mà hầu như suốt cuộc đời bố đã lãng quên.

     Qua khung cửa sổ ngôi nhà, Nhĩ dõi theo hình bóng đứa con đội cái mũ cói vành rộng, mặc chiếc áo sơ mi màu trứng sáo, cắp cuốn sách bên nách “đang sà vào một đám người chơi phá cờ thế trên hè phố”. Cái say mê của con bây giờ cũng giống như cái say mê của bố ngày xưa: “Suốt đời Nhĩ cũng đã từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật là không dứt ra được”. Nhĩ trầm ngâm suy nghĩ, lo lắng vẩn vơ “Không khéo thằng con trai anh lại trễ mất một chuyến đò trong ngày”. Những trò chơi phá cờ thế, những việc làm vô vị nhạt nhẽo sẽ làm tốn mất bao thời gian, bao tâm trí, bao sức lực… Những trò chơi ấy, viêc làm ấy sẽ làm cho tuổi trẻ của nhiều người “trễ mất chuyến đò trong ngày”, sẽ làm chậm bước, làm lỡ nhịp một thời trai trẻ. Bằng kinh nghiệm xương máu của mình, “Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, và lại nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu?”. Ý nghĩ ấy mang hàm nghĩa một triết lí nhân sinh sâu sắc về đường đời và mục tiêu cuộc sống. Người xưa có nói: “Thế lộ nan” (Lý Bạch), “người ta đi mãi mà thành đường” (Lỗ Tấn) v.v… Con đường trong tâm thức của Nhĩ là “vòng vèo”, là “chùng chình”, vì nhiều người bị lạc đường, lạc hướng, thiếu trí tuệ, không bền chí, hay nản lòng. Tuổi trẻ và thời gian bị lãng phí. Tâm hồn nông cạn, sống thiếu lí tưởng, không có mục tiêu tầm nhìn hạn hẹp, sao không khỏi vòng vèo, chùng chình, và sẽ không bao giờ tin thấy cái “hấp dẫn” ở phía trước trên đường đời.

     Cuộc sống và cảnh vật ở quanh ta, ở quê ta rất đẹp rất đáng yêu, đó là “sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp”, thậm chí cả “những nét tiêu sơ”, nhưng phải trải nghiệm, phải sống hết mình mới có thể khám phá, mới có thể phát hiện, mới tìm thấy. Và còn phải có một tấm lòng gắn bó yêu thương. Có người do tài trí, thời cơ, vận may mà thành đạt. Có người sớm phát hiện ra sự lạc hướng, lạc đường mà điều chỉnh, mà khắc phục. Có nhiều người, rất nhiều người đi suốt hành trình cuộc đời mới nhận ra cái vòng vèo, cái chùng chình, sự lạc đường, lạc hướng của mình, nhưng quỹ thời gian đã vung phí, đã gần đất xa trời… Đời người đầy bi kịch, vì thế, một con người như Nhĩ “đã từng in gót chân khắp mọi chân trời”, mãi đến lúc nằm liệt trên giường bệnh, trong những “điều riêng mới khám phá” anh cảm thấy “như một niềm say mê pha lẫn với nỗi ân hận đau đớn” mà “lời lẽ không bao giờ giải thích hết”. Cuộc đời là một ẩn số, đường đời là một bài toán khó, nên “không bao giờ giải thích hết”. Thế lộ nan, hành lộ nan là như vậy. Vì thế, phải có trí tuệ, có chí khí, giàu lòng kiên nhẫn, sống có lí tưởng đẹp, mới bớt được rủi ro, mới tránh được vòng vèo, chùng chình, thất bại.

     Những cảm nhận, những suy nghĩ của Nhĩ về Liên thật sâu sắc, đầy ân tình ân nghĩa. Từ một cô gái chân quê “mặc áo nâu chít khăn mỏ quạ” rồi thành “một người đàn bà thị thành “.Thế nhưng “tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa “. Nhĩ đã trải qua những ngày tháng “bôn tẩu, tìm kiếm “, nếm trải bao ngọt bùi, cay đắng, Nhĩ “đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình”, là vợ con mình. Với Nhĩ, gia đình là bến đậu, bến tình thương, bến hạnh phúc.

     Cảnh những đứa trẻ (Huệ, Vân, Tam, Hùng) xinh tươi, ngoan ngoãn, nghe Nhĩ gọi, chúng ríu rít chạy lên, xúm vào, nương nhẹ giúp anh xê dịch từ mép tấm nệm ra mép tấm phản, lấy gối đặt sau lưng Nhĩ, làm cho anh như trẻ lại “toét miệng cười với tất cả, tận hưởng sự thích thú được chăm sóc và chơi với”. Hạnh phúc đâu phải cái gì cao siêu, mà rất bình dị, rất nho nhỏ, có khi chỉ là một ánh mắt, một nụ cười trẻ thơ, một bàn tay nhỏ bé “chua lòm mùi nước dưa”,…

     Hình ảnh ông cụ giáo Khuyến sáng nào đi qua cũng tạt vào thăm Nhĩ là một hình ảnh ân tình ân nghĩa nuôi dưỡng tâm hồn. Một câu hỏi thăm về sức khỏe, một lời an ủi, động viên ân cần: “Hôm nay ông Nhĩ có vẻ khỏe ra nhỉ?”. Còn gì cao quý hơn, ấm áp hơn, tình nghĩa hơn? Được sống trong tình yêu thương của đồng loại mới thật hạnh phúc. Và đó là sắc màu ý vị trong cuộc đời mỗi chúng ta, là “bến quê”của tâm hồn mỗi chúng ta.

     Cụ Khuyến hốt hoảng khi phát hiện ra mặt mũi Nhĩ “đỏ rựng một cách khác thường”, hai mắt thì “long lanh chứa một mê say đầy đau khổ”, và mười đầu ngón tay Nhĩ “đang bấu chặt vào cái bậu cửa sổ, những ngón tay vừa bấu chặt vừa run lẩy bẩy”,… Đó là “chút sức lực cuối cùng còn sót lại… “của Nhĩ. Nhĩ sắp ra đi. Con đò chở khách trên sông Hồng cập bến, mang ý nghĩa biểu tượng, con đò sẽ đưa Nhi tới cõi hư không của một kiếp người…

     Bến quê là một truyện ngắn thấm đẫm ý vị triết lí về con người và cuộc đời. Những năm cuối đời, Nguyễn Minh Châu đã trải qua nhiều tháng ngày đau ốm. Bến quê ít nhiều mang tính tự truyện và dự báo nên rất chân thật chân thành. Bài học về tình yêu và lẽ sống được đặt ra một cách cảm động. Có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong tình thương với gia đình, quê hương. Phải biết nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp và giá trị bình dị, thân thuộc của cuộc sống, của quê hương. Như thế mới thật sự hạnh phúc. Đó là tiếng lòng trang trải của Nguyễn Minh Châu.

---/---

Từ  Dàn ý cảm nhận truyện ngắn Bến Quê mà Top lời giải đã hướng dẫn trên đây, các em hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 9 ngắn gọn, chi tiết, hay nhất phục vụ việc học văn của các em. Chúc các em luôn học vui và học tốt!

icon-date
Xuất bản : 15/06/2021 - Cập nhật : 16/06/2021