logo

Cảm nhận bài thơ Nói với con (học sinh giỏi)

Để giúp các em học tập thật tốt bộ môn Ngữ Văn lớp 9 nói chung và ôn luyện thêm kiến thức bổ ích, hôm nay Toploigiai xin hướng dẫn các bạn bài Cảm nhận bài thơ Nói với con (học sinh giỏi) của nhà thơ Y Phương. Một trong những bài thơ tiêu biểu viết về đề tài tình cảm gia đình hay nhất. 


Dàn ý Cảm nhận bài thơ Nói với con (học sinh giỏi)

I. Mở bài 

- Giới thiệu khái quát về tác giả Y Phương 

- Giới thiệu chung về bài thơ Nói với con 

II. Thân bài 

- Những cội nguồn đã nuôi dưỡng con 

+ Cội nguồn là gia đình 

+ Cội nguồn là quê hương 

+ Cội nguồn là những kỉ niệm đẹp của cha mẹ 

- Những phẩm chất cao quý của người đồng mình và lời khuyên của người cha đối với người con 

+ Những phẩm chất cao quý, tốt đẹp của người đồng mình 

+ Lời khuyên của cha dành cho con 

III. Kết bài 

- Khái quát lại những nét đặc sắc về giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ

- Nêu cảm nhận của em 


Cảm nhận bài thơ Nói với con (học sinh giỏi)

Phân tích nói với con học sinh giỏi hay nhất

Tình cảm gia đình thiêng liêng từ lâu đã trở thành một đề tài quen thuộc với nhiều nhà thơ, nhà văn trong nền văn học Việt Nam. Cũng chính điều này, vô hình chung đã gây nên những áp lực tới những nhà thơ, nhà văn thế hệ sau này. Tuy nhiên, với nhà thơ Y Phương, áp lực ấy dường như lại không hề tỏ ra lúng túng. Mỗi tác phẩm thơ ca của ông ra đời đều khai thác những khía cạnh mới mẻ ở đề tài tưởng như quen thuộc này. Nói với con chính là một minh chứng đầy đặc sắc cho sự sáng tạo tài ba ấy. 

Mượn lời người cha nói với con, bài thơ gợi về cội nguồn nuôi dưỡng của mỗi con người. Bộc lộ sâu sắc niềm tự hào trước sức sống mãnh liệt của quê hương. Tác giả đã phát triển khéo léo từ tình cảm gia đình tiến đến tình cảm quê hương. Từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà dần nâng lên thành lẽ sống cao cả. 

Mở đầu bài thơ bằng những hình ảnh cụ thể: 

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

Mỗi dòng thơ lại được diễn đạt một cách thật độc đáo đã cho thấy tình cảm yêu thương của cha mẹ đối với đứa con của mình. Con cái dần lớn lên trong thứ tình cảm ấy, trong sự chở che của cha mẹ. 

Không dừng lại ở tình yêu của cha mẹ, thời gian dần qua đi, con trưởng thành trong cuộc sống lao động, mơ mộng trong thiên nhiên cùng nghĩa tình quê hương. Đó là cuộc sống của người đồng mình: 

"Người đồng mình thương lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trong đời”

Hàng loạt từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện đã miêu tả phần nào cuộc sống ấy. Thể hiện rõ nét tình cảm gắn bó của con người quê hương. Chính núi rừng quê hương cũng đã góp phần vào việc nuôi con lớn khôn, nâng đỡ cho tâm hồn của con. Chính sông, suối, ghềnh, thác… là những yếu tố nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn cùng lối sống. Cách gọi “người đồng mình” vô cùng gần gũi và thân thiết, như cách gọi người thân ruột thịt. 

Không chỉ gợi cho con về nguồn sinh dưỡng, cha còn kể cho con về đức tính cao đẹp của người đồng mình. Đó là đức tính về lòng yêu lao động, hăng say lao động. Là sức sống bền bỉ vượt lên mọi khó khăn: 

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn”

Bằng việc sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ như “cao”, “xa”, “lớn”, Y Phương muốn khắc họa mãnh liệt cuộc sống khoáng đạt của những người đồng mình. Dù khó khăn đến đâu nhưng họ vẫn quyết không nhụt chí, kiên cường và vững chắc: 

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì là phong tục”

Lời dặn dò của người cha dành cho đứa con của mình

Những người đồng mình vượt qua sự vất vả để bám lấy quê hương. Bằng cuộc sống lao động không ngại gian khổ, họ đã xây dựng nên quê hương với những truyền thống đẹp đẽ. Người cha kể với con về quê hương với giọng văn đầy cảm xúc và tự hào. Người cha mong muốn đứa con của mình phải sống có tình có nghĩa, phải thủy chung với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn: 

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

Người cha mong đứa con của mình sống ngay thẳng, trong sạch, sống với niềm tin về sự vững vàng vượt qua khó khăn, hoàn cảnh. Người cha mong con sống phải luôn tin vào khả năng của bản thân. Chỉ như vậy, con mới không thua kém một ai. Cha nói với con bằng tất cả tình yêu thương của mình, nói với con những lời tận đáy lòng mình. Hơn tất cả, điều cha mong muốn truyền đạt cho con chính là lòng tin vào bản thân, sự tự hào cùng sức sống mãnh liệt với quê hương đất nước. 

Qua những lời thơ đầy xúc cảm, Y Phương đã truyền tải tới cho người đọc những niềm xúc cảm sâu sắc. Thì ra, đằng sau những lặng lẽ của cha là biết bao mong mỏi, hy vọng và đợi chờ. Đứa con lớn lên được như ngày hôm nay không chỉ nhờ vào cơm ăn, áo mặc mà còn mang nặng nghĩa tình từ những lợi dạy dỗ. 

Bài thơ là tổng hòa của những nét đặc sắc nghệ thuật đầy giá trị. Trong đó độc đáo nhất phải nói tới cách thể hiện và diễn tả tình cảm của người cha. Những từ ngữ, hình ảnh hiện lên trong bài vừa mộc mạc, giản dị nhưng cũng rất đỗi giàu cảm xúc. Vừa cụ thể mà lại vừa có sức khái quát cao. 

Nói với con là lời nhắc nhở đầy trân tình về tình cảm gia đình thiêng liêng, cao cả. Là sức sống mạnh mẽ đầy mãnh liệt của quê hương. Qua đây giúp ta phần nào thấu hiểu hơn về tình cảm giữa người cha dành cho đứa con của mình. Những bài học dạy dỗ của người cha có lẽ sẽ cùng con đi suốt chặng đường dài. 

 ---------------------------------------

Trên đây là bài Cảm nhận bài thơ Nói với con (học sinh giỏi) được Toploigiai hoàn thành. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích được cho các em trong quá trình ôn luyện học sinh giỏi.

icon-date
Xuất bản : 07/02/2023 - Cập nhật : 03/07/2023